Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Tính thời sự kỳ lạ của một tư tưởng lớn - Nguyên Ngọc


Bài viết này Cụ Nguyên Ngọc viết đã khá lâu nhưng vẫn thấy hay. Vậy chuyển về đây để  thỉnh thoảng đọc lại


Nhà cách mạng đầu tiên của VN

TT - Ngày 24-3-1926, cách đây đúng 80 năm, một tin chấn động loan khắp nước: chí sĩ Phan Châu Trinh (ảnh) đã qua đời. Ngày 4-4 tiếp liền đó, tại Sài Gòn, đã diễn ra đám tang của ông, mà Nguyễn Ái Quốc lúc ấy đã báo cáo với Quốc tế Cộng sản là “trong lịch sử người An Nam chưa từng được chứng kiến một sự kiện to lớn như vậy bao giờ”.

Có mấy tư liệu về số người dự đám tang Phan Châu Trinh: 30.000 người, 100.000 người, 140.000 người. Dù là con số nào thì đấy cũng là một cuộc xuống đường vĩ đại của người Sài Gòn - Chợ Lớn. Và hầu hết các tỉnh trong nước đều cử người về Sài Gòn dự tang lễ, rồi trở về địa phương mình tổ chức lễ truy điệu: thật sự đã diễn ra một quốc tang, trong toàn quốc, trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của chủ nghĩa thực dân.


Vì sao cái chết của con người ấy đã có thể gây ra trận “động đất” dữ dội đến vậy?

Huỳnh Thúc Kháng, cùng Trần Quý Cáp là hai người đồng chí thân thiết nhất của Phan Châu Trinh, dường như đã trả lời câu hỏi đó bằng đánh giá sau đây, thoạt nghe có thể rất lạ; ông viết: “Phan Châu Trinh là nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam”. Nên chú ý: ông không nói “nhà yêu nước”, cũng không nói “người chiến sĩ giải phóng dân tộc”, những danh hiệu cũng hết sức cao quí.
Nhà cách mạng - khác với người yêu nước, người chiến sĩ giải phóng dân tộc - là người chủ trương không chỉ chống ngoại xâm, giành độc lập cho đất nước; nhà cách mạng là người chủ trương và thực hiện một cuộc thay đổi tận gốc xã hội, chuyển từ một xã hội này sang một xã hội khác, khác tận gốc, về cơ bản.

Quảng Nam: tưởng niệm 80 năm ngày mất nhà yêu nước Phan Châu Trinh

Sáng qua (20-3), tại thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam), UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ dâng hương và tưởng niệm 80 năm ngày mất của nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh (9-9-1872 - 24-3-1926). Nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và đông đảo bà con nhân dân Quảng Nam đã đến dự lễ tưởng niệm và lễ dâng hương tại nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh (Tam Lộc, huyện Phú Ninh).

Phan Châu Trinh là một người như vậy. Ông là người VN đầu tiên nhận ra một cách sáng rõ, toàn diện, có hệ thống và triệt để nhất cuộc toàn cầu hóa đang diễn ra thời bấy giờ trên thế giới, cuộc toàn cầu hóa lần thứ nhất; thế giới đã thay đổi một cách căn bản, đã bước sang một thời đại khác; và Việt Nam đã thua, nước mất, dân tộc lâm vào cảnh nô lệ tàn khốc, mọi cuộc vùng dậy cứu nước đều thất bại bi thảm... chính là vì đã u mê mịt mù không hề nhìn thấy được thực tế mới to lớn đó.

Từ đó, cách đặt vấn đề của Phan Châu Trinh khác và vượt lên hẳn một tầm cao hoàn toàn mới: ông không chỉ dừng lại ở vấn đề độc lập dân tộc, ông đặt vấn đề độc lập dân tộc trong một phạm trù rộng, xa và cơ bản hơn nhiều: phát triển dân tộc, trong một thời đại đã thay đổi về cơ bản.

Thậm chí còn có thể nói rõ hơn nữa: ông chủ trương đưa dân tộc lên tầm cao mới, để hội nhập cùng thế giới mới, phát triển trong thế giới mới đó. Và đấy là con đường cứu nước duy nhất, căn bản và bền vững nhất, theo ông.

Vậy nên, bài học đầu tiên của Phan Châu Trinh là bài học về một tầm nhìn chiến lược, chiến lược thời đại. Chính từ đó ông chủ trương một cuộc cách mạng xã hội chứ không chỉ là một cuộc chiến đấu chống ngoại xâm riêng rẽ, cụ thể.

Tình thế của chúng ta ngày nay đương nhiên đã khác rất xa thời Phan Châu Trinh. Nhưng lại vẫn có một điều tương tự và là rất cơ bản: chúng ta cũng lại đang đứng trước một cuộc toàn cầu hóa, cuộc toàn cầu hóa lần thứ hai. Lại một lần nữa đặt ra với chúng ta vấn đề tầm nhìn thời đại.

Cũng từ đó, bài học thứ hai: vì vô cùng yêu nước, vô cùng đau đáu với số phận của dân tộc nên không hề mị dân, không “tự hào” hão một cách mù quáng, tự đánh lừa mình và đánh lừa quần chúng, Phan Châu Trinh là người dám nhìn thẳng vào những yếu kém chết người của dân tộc, hết sức quyết liệt, triệt để.

Và quan trọng hơn nữa, ông đi tìm những nhược điểm chết người đó ở chính chỗ cơ bản nhất của xã hội. Về điều này, Hoàng Xuân Hãn đã có phân tích rất sâu sắc; ông nói: “Sau khi phong trào Cần Vương bị đàn áp tan rã hoàn toàn, Phan Châu Trinh đã đi sâu nghiên cứu những nhược điểm cơ bản về văn hóa xã hội VN, cụ thấy rõ nguyên nhân sâu xa đưa đến mất nước, bị nô lệ ngày càng khốc liệt, là sự thua kém của xã hội ta so với phương Tây (1). Phan Châu Trinh đã đưa ra đường lối mới mẻ để tìm lối thoát cho con đường cứu nước” (2).

Phong trào của Phan Châu Trinh được gọi là phong trào Duy tân, đổi mới, và trước hết, cơ bản nhất là đổi mới về văn hóa. Nhìn lại 100 năm trước, chúng ta thật ngạc nhiên thấy hóa ra phong trào Duy tân thực chất không có gì khác hơn là một cuộc đại cải cách giáo dục, mà có lẽ phải nói thật, rất có thể ngày nay chúng ta còn phải theo khước, trong tinh thần cơ bản của nó.

Hơn 60 trường được lập ra ở Quảng Nam, hoàn toàn dạy và học theo lối mới, mạnh mẽ Âu hóa, chủ trương thực học triệt để, và nhằm đào tạo nên những con người dám và biết tư duy tự do, sống tự do, trong một xã hội tự do... Chính cuộc gieo rắc tri thức mới vào quảng đại quần chúng đó, chỉ trong không đầy năm năm, từ năm 1903 đến năm 1908, đã tạo nên cuộc Trung kỳ dân biến long trời lở đất, làm rung chuyển cả chế độ thống trị thực dân ở Đông Dương, chấn động cả sang chính quốc Pháp, là một báo hiệu sớm của công cuộc Cách mạng Tháng Tám về sau này.

Một đỉnh núi cao thì càng đi ra xa càng thấy rõ hơn chiều cao của nó, và những dòng sông bắt nguồn từ đỉnh núi như vậy sẽ chảy đi rất xa. Những tư tưởng cơ bản của Phan Châu Trinh còn nóng hổi với hôm nay, thậm chí càng sống dậy sinh động hơn trong những ngày này, khi chúng ta lại một lần nữa đứng trước những thách thức mới của phát triển.

Tầm nhìn xa mang tính thời đại tỉnh táo, sáng suốt đến kinh ngạc của ông, sự dũng cảm, quyết liệt của ông trong tự vấn dân tộc, tính triệt để của ông trong chủ trương giải quyết tận gốc vấn đề cơ bản nhất của phát triển dân tộc - vấn đề nền tảng văn hóa, chủ trương “cách mạng tân văn hóa của ông”... Nhà sử học Pháp Daniel Héméry quả đã nói rất đúng: “...Những nan đề do Phan Châu Trinh xác định từ đầu thế kỷ XX, các thế hệ người Việt Nam còn phải đảm nhận lâu dài”.

NGUYÊN NGỌC


http://tuoitre.com.vn/Tianyon/Index....0&ChannelID=87
Tính thời sự kỳ lạ của một tư tưởng lớn

Như chúng ta đều biết, do những điều kiện lịch sử đặc thù, vào khoảng đầu thế kỷ XX, Quảng Nam đã là một trung tâm nóng bỏng của công cuộc tìm đường cứu nước vô cùng quẫn bách và thống thiết, sau những thất bại đau đớn của phong trào Cần Vương (mà chính Quảng Nam cũng là một trong những trung tâm quan trọng nhất).

Phan Châu Trinh lớn lên và bước vào cuộc đời hoạt động trong chính tình hình đó. Ông ra Huế năm 1902, nhận làm một chức quan nhỏ trong bộ Lễ. Chắc chắn ông không hề có ý đeo đuổi con đường hoạn lộ. Ông ra Huế là muốn đến đứng giữa trung tâm văn hóa chính trị quan trọng nhất của đất nước hồi bấy giờ, nơi cũng đang có mặt các bậc đại trí của dân tộc, trong đó có cả nhà yêu nước vĩ đại Phan Bội Châu. Chính ở Huế, cùng các bạn đồng chí, ông đã được tiếp xúc với các “tân thư”. Và trong các bậc đại trí được tiếp xúc với các tân thư thời bấy giờ, ông là người bị lay chuyển dữ dội nhất, sâu sắc nhất, đi đến quyết tâm thay đổi cơ bản và sắt đá nhất, đi đến một đường lối cứu nước mới mẻ triệt để và nhất quán nhất.

Học giả Hoàng Xuân Hãn đã nói về chuyển biến tư tưởng có ý nghĩa quyết định đó của Phan Châu Trinh như sau: “Sau khi phong trào Cần Vương bị đàn áp tan rã hoàn toàn, Phan Châu Trinh đã đi sâu nghiên cứu những nhược điểm cơ bản về văn hóa xã hội Việt Nam, cụ thấy rõ nguyên nhân sâu xa của sự thua kém về văn hóa xã hội của xã hội ta so với phương Tây đã đưa đến mất nước, bị đô hộ ngày càng khốc liệt...”.

Phân tích này của Hoàng Xuân Hãn là hết sức quan trọng. Khác với tất cả các bậc thức giả, các nhà yêu nước lớn đương thời, Phan Châu Trinh là người đầu tiên đi tìm và tìm thấy nguyên nhân sâu xa “đã đưa đến mất nước và bị đô hộ ngày càng khốc liệt” không phải ở đâu khác mà là chính ở trong văn hóa, ở “những nhược điểm cơ bản về văn hóa xã hội của xã hội ta so với phương Tây”. Ðây là một chuyển biến có ý nghĩa cách mạng trong phương hướng tìm đường cứu nước - mà trước hết và quan trọng nhất là tìm đúng nguyên nhân mất nước và thất bại đau đớn của tất cả các phong trào cứu nước trước đó mặc dầu vô cùng anh dũng, lẫm liệt - một nhận thức có tính cách mạng và hết sức cơ bản không chỉ về con đường cứu nước, mà về lâu dài, cả về con đường phát triển của dân tộc.

Phan Châu Trinh cho rằng sở dĩ chúng ta thua Pháp, mất nước, là vì chúng ta thua họ một thời đại.

Suốt mấy nghìn năm lịch sử trước đó, trong tất cả các cuộc chống xâm lược của Trung Hoa, rất nhiều lần chúng ta đã phải ở trong những tình thế chênh lệch lực lượng rất hiểm nghèo mà bất lợi luôn nghiêng về phía ta. Song dầu có chênh lệch đến mấy về lực lượng, thì giữa chúng ta và họ vẫn là đồng đại. Ðấy đều là những cuộc xâm lược trong nội bộ của chế độ phong kiến phương Ðông. Lần này khác hẳn: Chúng ta đối đầu với những lực lượng cao hơn hẳn chúng ta cả một thời đại. Sự thất bại là tất yếu.

Trước đó, Phạm Phú Thứ là một trong những người đầu tiên đã manh nha nhận ra việc chúng ta lạc hậu quá xa so với đối phương về khoa học kỹ thuật. Nhưng sự so sánh của Phan Châu Trinh được đặt ở một tầm mức cao rộng hơn nhiều. Ông nhận ra sự lạc hậu về văn hóa cả một thời đại của chúng ta so với đối phương. Ông hiểu rằng đối mặt với phương Tây là chúng ta đối mặt với cả một thời đại khác về văn hóa, mới mẻ và tân tiến. Muốn cứu nước, phải khắc phục chính cái khoảng cách về thời đại đó, phải tự thay đổi dân tộc mình, đưa dân tộc vượt lên hẳn một thời đại mới, để từ đó, trong cuộc đối đầu, đọ sức với họ, giữa ta với họ là những đối thủ bình đẳng, ngang bằng nhau về thời đại. Ðây là một bước tiến vĩ đại, một cuộc cách mạng trong tư duy. Về ý nghĩa, nó đưa công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chính thức bước sang thời kỳ hiện đại. Nó chủ trương tạo nên một cơ sở văn hóa xã hội mới có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Là người đứng đầu phong trào Duy Tân, Phan Châu Trinh đã nêu ba nội dung cơ bản của phong trào Duy Tân: Dân trí, Dân khí, và Dân sinh. Ba nội dung đó gắn liền với nhau, nhưng như ta có thể thấy ngay trong cách sắp xếp vấn đề, chìa khóa là Dân trí. Ông cho Dân trí là quyết định hàng đầu: “Làm thế nào tạo được một số đồng chí (để rồi từ đó tạo được trong toàn dân, điều mà quả thực ông đã làm được một cách tuyệt vời) dám có cái nhìn đảo lộn ngai vàng, đảo lộn quí tộc, đảo lộn Khổng Mạnh, đảo lộn đặc quyền, đảo lộn phương thức sinh hoạt, phong tục tập quán vào một thời xã hội còn tối ngòm ngòm”.

Tức chìa khóa của ông là “khai Dân trí” (mở mang Dân trí) - ông là người có niềm tin khổng lồ vào tri thức của con người, con người có tri thức mới thì sẽ có thể làm nên tất cả, có thể lay trời chuyển đất.

Trong chỗ này cần có một điều cần chú ý: Phan Bội Châu cũng đã nói đến vấn đề dân trí. Trong Lưu cầu huyết lệ tân thư, ông đề ra “những kế hoạch sẽ cấp cứu đồ tồn” là:

1. Mở trí khôn cho dân (Khai Dân Trí)
2. Nhức nhối khí dân (Chấn Dân Khí)
3. Vun trồng nhân tài (Thực Nhân Tài)

Nhưng sự khác nhau lớn giữa hai vị họ Phan là về vai trò của nhân dân. Ðúng như ông Nguyễn Văn Xuân nhận định: “Chính từ chủ trương nhân dân tham gia việc nước mà Phan Châu Trinh luôn luôn không gặp và phản đối chủ trương của Phan Bội Châu”.

Vậy quan niệm “con người có tri thức mới” trước đây với Phan Châu Trinh phải là nhân dân, toàn dân có tri thức mới (chứ không phải một số ít nhân tài, đương nhiên không hề coi thường vai trò của nhân tài).

Và “tri thức mới” đó trong quan niệm của ông là gì? Ông khẳng định rất quyết liệt: Ðó là hiểu biết về Dân quyền (ngày nay ta gọi là Dân chủ), người dân biết rằng mình có quyền , biết rõ các quyền của mình trong xã hội, trong cuộc sống, trên đất nước, trước thế giới. Theo cách nói ngày nay, có thể ông cho rằng điều cơ bản để tạo nên sức mạnh lay trời chuyển đất là dân chủ về thông tin (“dân biết”), trao đổi thông tin về những quyền của nhân dân cho chính nhân dân. Ông coi đó là nền tảng cơ bản, là cơ sở của độc lập tự chủ, của vận mệnh đất nước, của tiến bộ xã hội, của hạnh phúc nhân dân, là nội dung và ý nghĩa chủ yếu của độc lập, dân tộc, và cũng là sức mạnh vô địch để khôi phục và giữ vững nền độc lập. Thậm chí, ông còn cho rằng, nếu có thoát khỏi tay ngoại bang, giành được độc lập, mà không có dân quyền, không có dân chủ, dân trí thấp, người dân không giác ngộ về quyền dân chủ của mình và sử dụng có hiệu quả quyền đó để làm chủ đất nước, xã hội, thì cũng là vô nghĩa, nhân dân không thể có hạnh phúc, đất nước không thể phát triển, và như vậy nền độc lập dân tộc cũng không thể vững chắc.

Phong trào Duy Tân thực chất là một cuộc vận động cách mạng cơ bản và sâu sắc như ta đã thấy, lại chủ yếu là một cuộc vận động cải cách giáo dục rộng lớn và thật kỳ lạ về nhiều mặt. Kỳ lạ ở chỗ:

- Cuộc cách mạng giáo dục đó được tiến hành ngay dưới một chế độ thực dân hết sức tàn bạo, khắc nghiệt, giữ được thế hợp pháp của nó một cách tuyệt vời.

- Khác với Ðông Kinh Nghĩa Thục, chủ yếu tập trung vào “giới tinh hoa” (élite) của xã hội, cuộc vận động giáo dục mới ở Quảng Nam, và sau đó lan ra khắp Trung Kỳ, ảnh hưởng lớn đến cả nước, chủ yếu nhằm vào một cuộc cải cách giáo dục sâu rộng, với tư tưởng cơ bản là thực học, đối với chúng ta ngày nay dường như bỗng trở nên thời sự một cách lạ thường, khi nền giáo dục của chúng ta đang lâm vào sự xuống cấp toàn diện và nặng nề. Nếu chúng ta đủ dũng cảm và trung thực để nhìn nhận nền giáo dục của chúng ta hiện nay thì phải nhận rằng một trong những căn bệnh trầm kha nhất của nó, gây nên sự xuống cấp của chính nó và ảnh hưởng không nhỏ đến sự xuống cấp trong xã hội - bệnh học giả dạy giả, chạy theo hư danh - cũng chính là căn bệnh mà Phan Châu Trinh đã quyết liệt đả kích và kiên quyết cải tạo, và đã cải tạo thành công, trong phong trào Duy Tân vĩ đại của ông, tạo nên một sức mạnh xã hội to lớn đến không ngờ.

Phan Châu Trinh đã bắt đầu bằng thực học để tạo nên sức mạnh của xã hội và quốc gia, để xây dựng một xã hội dân chủ trên cơ sở một dân trí được thật sự nâng cao.

Phải chăng bài học cơ bản ấy, cả con đường đi cụ thể ấy, con đường bắt đầu bằng một cuộc đột phá cách mạng về giáo dục, rất có thể có ý nghĩa thực sự thiết thực đối với chúng ta hôm nay?
Nguồn: Diễn đàn Tin học (http://ddth.com/showpost.htm?p=452139&postcount=4)
__________________
Vịnh Cái Hồ Cạn
Nước có vì đâu, há bởi hồ?
Khi hồ chưa có, nước nằm mô?
Sông dài, biển rộng, thuyền lên xuống 
Vực thẳm, đồi cao, sóng nhấp nhô
Nước bởi vì hồ nên ứ lại
Hồ không có nước phải phơi khô
Đợi khi hết nước thì ta thấy:
Đủ mặt trê tràu, với diếc rô!
Vô Danh - 1945

Nguồn :e-thuvien.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét