Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

BỐN MƯƠI NĂM, LỠ CHUYẾN ĐÒ . . . (thơ GS Nguyễn Đăng Hưng)


NỖI BUỒN TÂN GIA BA
Nguyễn Đăng Hưng
 
Lời dẫn:
Tôi đi du lịch Singapore!
Trở lại thăm quốc đảo sư tử mà lòng nghe trĩu nặng một nỗi buồn dây dứt trong suốt chuyến đi.
Xin chép lại đây cảm xúc của tôi và xin tặng bằng hữu gần xa…
 
Tân gia từ độ đi về
Lòng tôi đau xót não nề khôn nguôi
Thấy người lòng những bùi ngùi
Bốn mươi năm đã như đui như mù
Đời người đâu phải thiên thu
Giác mơ ảo ảnh, ngục tù trần gian
 
Xin đừng rao giảng thiên đàng
Lao đao vận nước, ngỡ ngàng cuộc chơi
Đã đành lạc hướng, hư đời
Lẽ nào, là mãi trò cười thế gian
Thấy người nay đã giàu sang
Năm mươi năm trước làng nhàng kém ta

Xin đừng khoác lác ba hoa
Chiến tranh thế ấy, can qua thế này
Hòa bình, ba mươi tám năm nay
Mà chưa có được một ngày tự do…
 
Bốn mươi năm, lỡ chuyến đò…
 
Singapore ngày 16/8/2013
 

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

KHI ĐAM MÊ TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC SỐNG

KHI ĐAM MÊ TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC SỐNG
Thực hiện: Lê Ngọc Sơn (Blog Thợ Cả – Chuyện Trò) 28/6/2013
Động lực qua góc nhìn của chuyên gia kinh tế – TS. Alan Phan chia sẻ câu chuyện từ chính cuộc đời mình…
Thay đổi tư duy, thay đổi cuộc đời
Thưa ông, trong cuộc đời của mình có những bước ngoặt nào khiến ông nhớ mãi?
TS. Alan Phan: Trước 30/4/1975, tôi là một doanh nhân khá có tiếng ở đất Sài Gòn. Lúc đó là chủ một vài công ty, dưới có khoảng 20 ngàn nhân viên. Có thể nói như vậy là thành công. Nhưng rồi sự kiện 30/4/1975 xảy ra, đó cũng là một biến cố xảy đến với gia đình tôi: Một ngày đẹp trời mọi thứ biến mất. Gia đình tôi ra Hạm đội 7 và lên tàu qua đảo Guam.
Tôi nhớ cái cảm giác của tôi lúc đó. Lúc đó tôi mất hết, vài triệu đô la là số tiền lớn vào thời đó. Với không ít người, đó là là cứ shock khá đáng kể. Nhưng với tôi, trong buổi sáng, một mình bên bãi biển, tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm. Tôi mất hết nhưng điều lạ là thấy sự thanh bình tuyệt diệu.
Lúc trước ở Sài Gòn, sáng sớm 6h hai cô thư ký đã đến bàn đủ thứ công việc. Nhưng hôm đó 4h sáng ngồi ở bãi biển Guam. Không ai quấy rầy, không có chương trình, không có gì để làm cả ngày,  thấy sao lòng nhẹ nhõm, sao đời hạnh phúc như thế này. Trong khi đó bà vợ cũ của tôi thì nằm khóc thút thít vì mất hết tiền bạc, sản nghiệp. Khi qua Mỹ, tôi rời trại tị nạn sớm nhất. Và lúc ấy trong túi chỉ có vài trăm đô la. Chính xác là 4 trăm đô la, một bà vợ, một đứa con và ở tạm căn hộ đằng sau của một nhà thờ.

Lúc đó tôi không buồn bã chuyện mất mát, mà lấy một tập giấy hí hoáy kế hoạch xem bây giờ phải làm gì để kiếm tiền, làm thế nào để có một sự nghiệp khác. Bắt đầu lại – đó là thái độ của tôi với biến cố đó của đời mình.
Ông đã chứng kiến những ai thiếu động lực và bỏ mặc cuộc đời mình cho bão táp số phận cuốn đi chưa?
Kể đâu xa, trong gia đình tôi, tôi có người em trai và người em gái. Có thể nói, sinh ra trong một môi trường gần như giống nhau, cũng bố mẹ đó, cách nhau khoảng 3-4 tuổi. Có thể nói là không khác nhiều lắm. Tuy nhiên mỗi người một số phận khác nhau.
Em trai tôi thua tôi 5 tuổi, lúc đó cậu ấy vừa mới tốt nghiệp ngành luật sư. Nó thấy đời tự nhiên hụt hẫng, mất mát tất cả mọi thứ khi qua Mỹ chỉ vì không còn được hành nghề luật sư nữa. Cái bằng đó vô dụng, bao nhiêu năm học tập mất hết. Có thể bắt đầu lại dù rất khó khăn. Trong phản ứng, thái độ của cậu ấy rất yếu thế, tiêu cực. Lúc đó cậu bắt đầu bỏ bê, hút sách, nhậu nhẹt… Vì cậu nghĩ đời cậu bỏ đi. Và thực sự khi đã nghĩ mình là bỏ đi, thì cuộc đời bỏ đi thật. Với lối tư duy như vậy, con người ta có thể đoán được cái kết cục của cuộc đời. Đó là một thái độ khác dù chúng tôi cùng trong một gia đình, cùng đối diện với một biến cố.
Trong khi đó cô em gái tôi ngược lại. Cô cũng không có gì tích cực lắm. Trước đó cô hành nghề luật sư tương đối tốt, nhà cửa cũng rộng rãi ở Sài Gòn. Khi mất hết, cô qua Mỹ và đi học lại. Lúc đó Chính phủ Mỹ cho vay đi học. Cô nhận thấy mình nói tiếng Anh không giỏi lắm thì không học luật sư nữa, mà học kế toán. Mấy chục năm sau, cô là nhân viên cao cấp của hãng đa quốc St.Gobain, đời sống thoải mái, có thể nói khá giả hơn người bình thường.
Còn tôi, sau biến cố, tôi bận rộn với chương trình mới của mình. Mình nghĩ đến việc trước mặt, nghĩ cách làm thế nào để đời sống phong phú, hào hứng. Lúc đó, tôi có dịp để chứng tỏ lại mình. Bây giờ bắt đầu như một trang giấy mới, rất thoải mái. Thái độ của mình quyết định định mệnh của mình.
Như vậy, để nói rằng, ba anh em nhưng ba số phận khác nhau, tất cả đều thay đổi nhờ thái độ sống lạc quan hay bi quan…
Theo ông, đâu là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của những người trẻ mới lập nghiệp?
Theo tôi, có rất nhiều xúc tác ảnh hưởng, nhưng có hai yếu tố chính để quyết định sự thành công hay thất bại của các bạn trẻ khi lập nghiệp.
Thứ nhất là phải có đam mê: Một thực tế là không có gì dễ dàng trong hành trình cuộc đời của mỗi chúng ta, trừ những người có số may mắn, còn lại đều phải làm việc cật lực. Cuộc sống sẽ luôn có những khó khăn này đến khó khăn khác, nếu mình không đam mê sẽ dễ bỏ cuộc. Cho nên cần đam mê công việc như một cái sở thích. Ví dụ, với tôi, việc kinh doanh giống như sáng sớm tôi đánh tennis: lúc thì đánh thắng, lúc thì thua, không quan trọng, quan trọng là mình được chơi một trò chơi. Đó là cái đam mê.
Ông Edison ông làm ra bóng điện, ông làm cả ngàn lần thất bại, nhưng ông làm hoài rồi cũng có được một phát minh lịch sử – đó là tạo ra được bóng điện, và chúng ta giờ đây không thắp nến mỗi đêm là nhờ một anh chàng đam mê như thế. Có đam mê thì mới theo đuổi công việc đến cùng. Không có đam mê thì không có thành công bền vững và lâu dài.
Thứ hai là kiên nhẫn: Không kiên nhẫn thì thế nào, tới một lúc nào đó mình xoa tay thôi quên nó đi. Phải biết chờ thời. Cũng như mình đi trên đường đời mình không biết khúc ngoặt ở đằng trước là gì, nhưng đôi khi khúc khoặt có thể đem đến cả một tương lai tươi sáng mà mình không thể tưởng tượng được.
Ví dụ, năm 1968, sau 5 năm lấy bằng Master ở nước ngoài thì tôi về Việt Nam, lúc đó tôi nghĩ mình chỉ thích làm nghề dạy học, không biết mình thích kinh doanh. Một đêm tôi hẹn hò với một cô đào, nhưng đến giờ hẹn chờ mãi không thấy cô ấy đến. Tôi nhìn qua bên cạnh thấy một người Mỹ lật bản đồ Sài Gòn, tôi hỏi có cần giúp không? Từ mối quen biết  này, đã tạo dựng cho tôi một sự nghiệp sau đó.
Thế nên, mình không thể ngờ được bước ngoặt ở tương lai của mình, nó sẽ đưa mình đi tới đâu. Có thể tươi sáng, nhưng cũng có thể đi xuống hố. Nhưng mà cứ phải tiếp tục đi, xuống hố thì lại leo lên, đi tiếp. Tới một lúc nào đó, trong cái phút bất ngờ nhất, mình tự nhiên trở thành “người hùng của thời thế” cũng không biết chừng. Cho nên đam mê và kiên nhẫn tiếp tục đi, tiếp tục cuộc chơi.
Hãy xem thất bại là bạn…
Nhưng có một thực tế là không phải người trẻ nào cũng biết được mình đam mê cái gì, và kiên nhẫn cho điều gì, nhiều người muốn khởi nghiệp và khởi sự nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu…
Tất nhiên mình cần phải biết mình đam mê điều gì chứ: Mình có thể trở thành một anh nông dân làm vườn, một kỹ sư, chứ không phải lúc nào cũng cần là đại gia, có nhiều tiền… có những điều hạnh phúc rất là giản đơn. Nhưng mình phải biết cái mình muốn là gì, chứ không phải mình chạy theo cái trào lưu của xã hội. Cái xã hội đưa ra có phải mục tiêu của mình không, nếu không phải mục tiêu của mình thì phải xắn tay áo lên đi tìm.
Không có gì để trăn trở, lo lắng, nhưng phải biết mình muốn gì. Khi biết mình muốn gì thì bước tiếp là phải đặt kế hoạch. Đặt kế hoạch không phải viết ra vài ba trang giấy rồi nói “đây là kế hoạch của tôi”. Kế hoạch là phải thật chi tiết, rõ ràng. Khi kinh doanh chẳng hạn, mình biết rõ thị trường thế nào, mình muốn như thế nào, sản phẩm của mình là gì, dịch vụ cung cấp ra sao, ai là đối thủ cạnh tranh, lợi thế cạnh tranh của tôi là gì, tôi có những thế mạnh gì,… phải chi tiết, phải thực tế, đừng hoang tưởng.
 Kế hoạch rất chi tiết sẽ giúp cho người trẻ ra quyết định sáng suốt hơn?
Đúng vậy! Sau khi có kế hoạch rõ ràng, tiếp đó sẽ phân tích việc mình phải đối mặt với cái gì, phân tích tài chính chi tiết. Tôi có bao nhiêu tiền, tôi hy vọng sẽ kiếm được bao nhiêu doanh thu sau bao nhiêu tháng?! Vì nếu làm ăn mà không có lợi thì đi… làm công chức cho rồi. Ý tôi nói là phải có một phân tích tài chính, không ảo tưởng, mù mờ. Sau khi có đam mê thì đặt kế hoạch đi từ A đến B, sau đó tìm mạng lưới để hợp tác phát triển.
Mạng lưới gồm những đối tác mà họ có thể giúp bù đắp những cái mình còn thiếu. Mạng lưới gồm những người lớn tuổi, họ có thì giờ, họ sẽ tư vấn cho mình, cho mình những lời khuyên tốt đẹp. Mạng lưới là những mối quan hệ (những người giỏi về IT, giỏi về tài chính…) sẽ nâng đỡ mình.
Sau đó là kiến thức, làm gì cũng phải có kiến thức. Đi tìm, học, đọc…. Tiếp nữa là sức khỏe. Làm gì cũng phải có sức khỏe. Sau gần hai chục năm sống bên Trung Quốc, tôi muốn về Mỹ vì nghĩ ở đó còn nhiều cơ hội. Tôi gặp lại những bạn cũ, và quả đúng, tôi thấy Mỹ có quá nhiều cơ hội, rất năng động, sáng tạo. Phải nói là sáng tạo khủng khiếp. Cuối cùng tôi không ở Mỹ, vì sức khỏe tôi không còn nữa. Tôi không thể làm những chuyện như cách đây mấy chục năm nữa.
Làm việc với những người trẻ ở ta, ông thấy đâu là điểm cần khắc phục nhất ở họ?
Khi trở về Việt Nam làm việc, tôi nhận thấy thấy 3 yếu điểm nhất của một bộ phận không nhỏ giới trẻ VN cũng như của giới doanh nhân VN như sau. Tôi muốn tư duy của các bạn tránh vết xe đổ này, bởi đó là kẻ thù của các bạn.
Thứ nhất là lười biếng. Chuyện copy-paste, chuyện lười học… là có thật. Đi đến các trường đại học Mỹ thấy sinh viên cầm sách đọc bất cứ lúc nào rảnh, còn mình thì không ít người thích la cà “chém gió”, tối đi nhậu. Đó là việc lười về tận dụng thời giờ, còn có cái lười tệ hại hơn là lười suy nghĩ. Người ta nói sao nghe vậy, không bao giờ đặt lại câu hỏi “tại sao nó lại như vậy”, và “nó thực sự có phải như vậy không?” Tất nhiên các bạn ở đây cũng có một điều kém may mắn là khi lớn lên đã nằm trong một cái hộp và được bảo “nằm im đó”. Gia đình đặt vào, bạn bè đặt vào, xã hội cũng thế… suốt ngày ở trong cái hộp. Hãy đứng dậy đi ra khỏi cái hộp suy nghĩ và tìm tòi. Hiện nay, cuộc cách mạng lớn nhất là Google, nó mang lại kiến thức cho bất kỳ những người nào muốn tìm tòi. Ngày xưa tôi đi tìm đề tài, tôi leo lên thư viện lục tìm sách rất mệt mỏi, nhưng bây giờ tôi chỉ cần nằm nhà bấm bàn phím là có cả ngàn dữ kiện về bất cứ đề tài nào, kể cả chuyện… tán gái (Cười).
Thứ hai kẻ thù khác là ỷ lại. Không ít bạn trẻ vì được bố mẹ nuông chiều, thành ra ỷ lại, đến khi ra làm việc ỷ lại vào nhà nước, cơ chế xin-cho, dựa vào những quan hệ… Các bạn mất rất nhiều để tạo dựng cái quan hệ, thay vì tạo dựng sản phẩm, tạo dựng niềm tin cho khách hàng… Thói ỷ lại là kẻ thù của các bạn trẻ.
Thứ ba là dễ thất vọng, và bỏ cuộc. Bất cứ hành trình nào cũng có khó khăn, cam go, thử thách, nhưng phải coi những thất bại là bạn bè, thay vì là kẻ thù. Tôi trân trọng sự thất bại, vì nó cho mình nhiều thứ. Mình thành công, say men chiến thắng, mình tưởng mình bất bại,… tạo cho người ta một tính cách tự kiêu, tự đắc, dễ hại mình. Trong khi thất bại cho mình sự suy nghĩ, làm cho mình một chút đủ nhục để kích thích lòng tự trọng, và khi mình chiến thắng thì cảm giác huy hoàng hơn. Cho nên đừng sợ thất bại. Thất bại là những người bạn chứ không phải là kẻ thù.
Tôi tin rằng, khắc phục được 3 điểm trên sẽ giúp cho sự nghiệp tương lai của các bạn trẻ đi rất xa.
Xin cảm ơn ông!
Lê Ngọc Sơn (Thực hiện)

Nguồn :Góc nhin ALan

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Trí thức miền Nam sau 75

Trí thức miền Nam sau 75
Tác giả: Một Chứng Nhân Của Lịch Sử (Một BCA gởi cho GNA)


Sau ngày 30-4-1975, Chu Phạm Ngọc Sơn là một nhà chuyên môn hợp tác toàn diện với chế độ. Ông và một số nhà khoa học khác thường không câu nệ khi nhận các đơn đặt hàng thực hiện những công trình “khoa học” phục vụ nhu cầu chính trị. Theo Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Kim Báu: “Những năm ấy, các trí thức Sài Gòn vẫn nhận được điện thoại từ Văn phòng Thành ủy hỏi xem: ‘Có công trình khoa học chào mừng 3-2 hay 19-5 không?’.


Những Giáo sư như Phạm Biểu Tâm, Lê Văn Thới thì mắng ngay: ‘Không có thứ khoa học nào gọi là khoa học chào mừng cả’. Nhưng một số người khác thì có, người thì làm ra chất tẩy rửa ‘pentonic’, người chứng minh ‘ăn mấy ký khoai mì bổ bằng một ký thịt bò’, người thì ‘ăn bo bo nhiều dinh dưỡng hơn cả gạo’. Nhưng ngay cả những ‘nỗ lực’ đó cũng không giúp kiến tạo được lòng tin”.


Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn kể: “Nhìn vào lý lịch, thấy trước đây năm nào tôi cũng đi Mỹ nghiên cứu hoặc đi dạy, người ta cứ thắc mắc sao đi Mỹ quá trời. Tôi nộp đơn xin vô Hội Trí thức Yêu nước, mấy lần bị từ chối”. Năm 1980, trong thời gian Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn đi Liên Xô, một người con của ông vượt biên không thành. Người con gái của ông cũng cảm thấy bế tắc khi thi không đậu vào dự bị y khoa. Biết chuyện, ông Võ Văn Kiệt thỉnh thoảng qua lại, trò chuyện, khi hiểu thêm nội tình, ông nói với Giáo sư Sơn: “Thôi, anh cứ để cho cô ấy và mấy cháu đi, đi chính thức. Bên đó có điều kiện cho các cháu học hành. Sau này nếu các cháu trở về thì tốt, nếu không, tôi với anh cũng được làm tròn bổn phận

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

PHẠM DUY CÒN ĐÓ BÂY GIỜ


Phạm Duy, người nhạc sĩ vĩ đại đã ra đi. Hôm nay đọc nhật ký của ông ta thấy sự cao xa của tầm nhìn. Một kiếp rong chơi, một kiếp cay đắng, một kiếp ca vang của cánh chim Việt trên vũ trụ mênh mông này. Phạm Duy viết về chim hay nói về người ?, những người con nước Việt. Với sự phong phú, sự thăng hoa, sự hiểu biết…Bản trường ca hay hùng ca Bầy Chim bỏ xứ của ông tôi tin rằng sẽ có một lúc nào đó vang lên dồn dập ở quê nhà trong các đoàn ca múa nhạc kịch. Trong các đĩa DVD…v.v..
Rất tình cờ đọc được bài viết của ông trong hồi ký Phạm Duy tập 4 xin giới thiệu với các bạn :

Chương Hai mươi hai

1989-90. Tôi đi trình diễn ở Đức Quốc, tại một địa điểm chỉ cách xa Berlin khoảng trên 100 km. Bức tường ô nhục đang được dân chúng Berlin phá hủy, sau khi được xây lên và đứng vững trong nửa thế kỷ dể làm bức tường ngăn chia thế giới ra làm hai phe. Chiến tranh lạnh đã thực sự chấm dứt với sự vỡ tan của cái mà Thủ Tướng Anh Quốc Winston Churchill đã gọi là tấm màn sắt.

 Lòng tôi xiết bao mừng rỡ vì thấy rằng khúc quanh của lịch sử đã tới và nghĩ rằng mình đã có thể hoàn tất tổ khúc mang tên Bầy Chim Bỏ Xứ. Bầy chim bỏ nước ra đi đã có thể bay về quê cũ được rồi !

Hãy nói về tổ khúc này... Tôi là một nghệ sĩ có may mắn được tham dự và nói lên nhiều biến cố của Việt Nam trong thế kỷ 20, vào những thời điểm như sau :

1) 1945-1951, khi xẩy ra cuộc Cách Mạng và cuộc Kháng Chiến giành độc lập thì tôi tham gia với trên dưới 50 bài ca đủ loại.
2) 1954, khi Hội nghị Geneve chia Việt Nam ra hai miền Quốc-Cộng, tôi phản đối sự chia cắt đó bằng trường ca CON ĐƯỜNG CÁI QUAN.
3) 1963-65, khi VN trở thành nồi da nấu thịt với cuộc chiến leo thang dữ dội làm cho xã hội bị phân hoá tới cực điểm thì tôi kêu gọi lòng thương yêu và sự xoá bỏ hận thù bằng trường ca MẸ VIÊT NAM.
4) 1975-1990, với biến cố lớn nhất trong đời sống Việt Nam, khi hằng triệu người lũ lượt bỏ nước ra đi thì tôi soạn tổ khúc BẦY CHIM BỎ XỨ (và vì có thêm biến cố lớn nhất của thế giới là sự ra đi của một chủ nghĩa mà bây giờ BẦY CHIM đã có cơ hội để HỒI XỨ)

Tác phẩm được thai nghén vài tuần trước biến cố 30-4-75 với vài ca khúc rồi định viết thêm tại Florida thì tôi bị bế tắc. Tổ khúc bị bỏ quên trong gần 10 năm rồi được hoàn tất vào năm 1985 tại Midway City-California nhưng chưa được phổ biến ngay. Vào năm 1990, sau khi những biến cố lớn làm thay đổi tình hình thế giới, tổ khúc được tu chỉnh và tung ra công chúng.

Nội dung diễn tả một xứ xở mà những con chim ngoan hiền, tươi đẹp, múa giỏi, hát hay phải bỏ xứ ra đi, ở lại trong nước là những bầy chim yếu bị một số chim dữ đàn áp, đoạ đầy, miệt thị. Bầy chim bỏ xứ bay đi sống đời lưu vong tại xứ người, có con buồn rầu thổ huyết chết, có con cấu cổ tự tử vì không còn được múa hát như xưa. Đại diện cho lòng yêu nước là chim Quyên, vốn đã chết một lần ở phía Bắc và bay về phía Nam tái sinh thành chim Quốc,nay phải bỏ xứ ra đi và chết trên gềnh đá nước ngoài. Nhưng nó lại tái sinh một lần nữa (l'oiseau renait de ses cendres) để tiếp tục nung nấu lòng yêu nước như xưa.

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

PHẠM DUY : XẤU VÀ TỐT, GHÉT VÀ YÊU


Hãy đọc những gì mà Phạm Duy đã viết trong bốn tập hồi ký của ông . Có thể tải về tại đây nếu các bạn đăng ký thành viên :


Ta thấy ông là một nghệ sĩ lớn tâm và tầm rất cao. Ông thú nhận những nỗi đau, những sai lầm trong cuộc tình cùng những ước mơ thánh thiện trong cuộc sống của mình. Đã là con người không có ai là thánh nhân cả. Mà thánh nhân cũng có khi nhầm mà. Nhìn lại thấy nực cười khi toàn bộ hệ thống chính trị tuyên truyền lề phải đã cố tình phong thánh một người và hồ sơ của người này theo thời gian sẽ được bạch hóa.
Lan man lại lạc đề rồi. Hãy đọc vài dòng trích đoạn trong hồi ký Phạm Duy để hiểu thêm về ông

Từ ngày Cách Mạng mùa Thu 45 cho tới bây giờ, trong cuộc sống hằng ngày và ngay cả trong giấc ngủ, không một người Việt Nam nào ra thoát khỏi cái lưới chính trị. Suốt nửa thế kỷ vừa qua, trong sự nghiệp (!) của mình, tôi hoàn toàn bị chính trị bủa vây nhưng tôi luôn luôn cố gắng không để cho chính trị trói buộc. Mở to đôi mắt để nhìn vào thời thế. Tỉnh táo theo dõi đường đi nước bước của chính trị. Không có một nhượng bộ chính trị nào với bất cứ ai, nếu thấy sai. Được Việt Minh chiếu cố mà không chóng mặt. Được quốc gia nuông chiều mà không nóng đầu. Được ngoại quốc đãi ngộ mà không hoa mắt. Bị ngộ nhận, theo dõi hay bị đe doạ cũng không đầu hàng (**). Làm một nghệ sĩ trong 20 năm ở miền Nam kể ra cũng không khó lắm đâu. Chắc chắn là dễ hơn người đi trên giây của nhà thơ miền Bắc Phùng Quán: Người làm xiếc đi giây rất khó Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn…….


Dù sao đi nữa, trong thời thịnh của Cộng Hoà thứ nhất, nhờ được sống yên ổn và hứng khởi dưới một chế độ vững chãi, qua một số bài tình ca quê hương và tình tự dân tộc, tôi tạo dựng được hình ảnh một nước Việt Nam tự do để đối kháng với Cộng Sản. Miền Bắc chủ trương đấu tranh giai cấp, chọn chủ nghĩa Mác-Lê làm kim chỉ nam nên phủ nhận một tầng lớp xã hội, phủnhận quá khứ và phủ nhận luôn những giá trị truyền thống như gia đình, tôn giáo, tổ tiên.

Cũng cần nhắc lại những gì tôi đã viết ra trong những Chương đầu của cuốn Hồi Ký này. Khi nước nhà đã có chủ quyền, sống dưới một chính phủ đang được tín nhiệm, với khung cảnh thái bình và khi xã hội đang được lành mạnh hoá, các văn nghệ sĩ ở trong các lãnh vực nghệ thuật khác cũng đều làm như tôi, nghĩa là hoàn toàn ủng hộ ông Diệm. Thi bá Vũ Hoàng Chương bỏ phiếu cho ông Diệm với câu thơ có tính chất khẩu hiệu: Lá phiếu trưng cầu một hiển linh, phá tan bạo ngược với vô hình. Vả lại đại đa số văn nghệ sĩ là những người từ miền Bắc di cư vào Nam và đã bầu ông Tổng thống bằng đôi chân của mình trước khi tham gia tích cực vào đời sống văn học nghệs thuật trong thời thịnh của nhà Ngô này. Cùng với lớp văn giới di cư, những văn nghệ sĩ già hay trẻ ở trong Nam cũng ủng hộ ông Diệm. Về sau, nếu ông Diệm không còn được toàn dân tín nhiệm nữa khi ông chủ trương gia đình độc trị thì vào lúc ông tiếp tục đường lối chống lại đòi hỏi của Hoa Kỳ là được đổ quân tham chiến trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam -- nhất là qua cuộc đối thoại vào giờ phút cuối cùng với Đại Sứ Cabot Lodge -- ông là một Trần Bình Trọng thứ hai mà lịch sử cần ghi lại.

Trong mấy năm 64-66, phải nói rằng miền Nam nước Việt là một quốc gia vô chủ vì không có một Nhà Nước nào đứng vững được trước những cuộc đảo chánh, chỉnh lý thường xuyên với những thay đổi nhanh chóng từ chế độ quân nhân này qua chế độ quân nhân khác, từ chính quyền nhà binh qua chính quyền dân sự rồi rút cục lại trở về chế độ quân nhân. Trong thời gian này, Hoa Kỳ đổ nửa triệu quân vào nước ta vì trong chiến lược toàn cầu, Chú Sam không tin rằng có mâu thuẫn thực sự giữa Trung Cộng và Nga Sô và muốn dùng Việt Nam làm nơi bao vây địch thủ, với chính sách be bờ để ngăn làn sóng đỏ. Cho tới khi Kissinger và Nixon lại dùng luôn Việt Nam để làm cửa lớn hay cửa hẹp đi vào Trung Quốc nói chuyện với họ Mao, yên chí về sự chia rẽ của khối Cộng Sản thì bình thường hoá ngoại giao với Tầu Cộng sau 20 năm đối địch. Xong xuôi mọi việc rồi thì Hoa Kỳ rút lui ra khỏi Đông Dương bằng cuộc Việt Nam hoá chiến tranh.
Là nghệ sĩ, chọn làm nghề ca hát, không muốn làm con khướu hót vui tai mọi người, hay làm con vẹt cho một phe, lại chọn làm kiếp ve sầu để hát lên những khổ đau của thời đại thì ráng mà chịu lấy oan khiên. Chất chứa oan khiên vào cõi lòng bé nhỏ của mình thì dù có soạn hàng trăm, hàng ngàn bài hát, cũng khó rũ sạch nổi. Phải chờ khi đi vào tuổi già và trở thành mầm non nghĩa địa mới được ngồi viết cuốn Hồi Ký này để trút bầu tâm sự với hi vọng giải oan cho mình, cho người.

Nhưng tối thiểu cũng đã có ba người viết về tôi với tất cả nhiệt tình. Nếu tôi có Georges Etienne Gauthier với loạt bài Một Người Gia Nã Đại Với Nghệ Thuật Phạm Duy và Tạ Tỵ với cuốn Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn để nhiệt tâm cứu sống tôi (****) thì cũng phải có nhà giáo Mác Xít Nguyễn Trọng Văn với cuốn Phạm Duy Đã Chết Như Thế Nào để giết tôi một cách nhiệt thành. Trong mấy chục năm qua, cũng có lúc tôi vui và buồn vì các nhiệt tình kể trên, nhưng bây giờ, đã bước vào tuổi 70 rồi, tôi mất cả buồn lẫn vui, chỉ xin được cám ơn cả ba tác giả đó. Là nghệ sĩ, sợ nhất là tác phẩm của mình rơi vào sự dửng dưng, im lặng. Được người đời nhắc tới, đó là hạnh phúc lớn.

A, còn thêm một nỗi oan nữa cần hoá giải. Hơn 20 năm sống với Saigon mà tôi không có một tiếng hát nào cho thành phố nơi tôi sống những ngày phong phú nhất đời mình. Saigon không phải chỉ có con đường Duy Tân cây dài bóng mát để tôi đưa người tình đi học. Tuy cũng có Y Vân ghé bến Saigon để thấy Saigon đẹp lắm, Saigon ơi, Saigon ơi! Và có thêm Hoàng Anh Tuấn cùng với Phạm Đình Chương nhìn mưa Saigon để nhớ tới mưa Hà Nội... nhưng nói chung, lũ nhạc sĩ chúng tôi rất vô ơn đối với Saigon. Phải bỏ xứ ra đi, phải sống trong thành phố bị đổi tên, rồi mới hối hận để có khá nhiều nhạc sĩ lưu vong hay ở trong nước hối hả soạn ra sau ngày 30-4-75 những bài như Saigon Ơi Vĩnh Biệt, Saigon Bây Giờ Buồn Không Em, Saigon Vĩnh Biệt Tình Ta, Saigon Niềm Nhớ Không Tên, Saigon Của Tôi, Saigon Ơi Thôi Đã Hết... Con người là thế đó, có viên ngọc trong tay không biết giữ, mất rồi mới tiếc ngẩn tiếc ngơ. Hãy cho tôi được xụp lạy thành phố thân yêu ở đây, với vài câu trong bài Thương Nhớ Saigon soạn năm 1981 ở Mỹ:

Saigon ơi ! Yêu tôi xin chờ tôi nhé !
Tôi sẽ trở về để hôn những vỉa hè
Của Thành Đô, cao sang và say đắm
 Chia sớt tủi hờn và xây đắp tình nồng .
 Saigon ơi dù có thay tên
Mà người yêu còn nhớ không quên...

Trong cuốn Hồi Ký THƠI HẢI NGOAI phát hành mùa Thu năm tới, tôi muốn cùng những người có chung số phận, ôn lại thời gian sống lưu vong, tuy chúng ta lúc nào cũng khắc khoải thương nhớ quê hương nhưng vẫn có thể mừng thầm vì được làm cuộc viễn du ra thế giới để cùng nhân loại đi vào thế kỷ 21 với kỷ nguyên kỹ thuật. Cuốn hồi ký này, may thay, được viết sau khi cuộc chiến tranh lạnh giữa các cường quốc chấm dứt, trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21, chủ nghĩa Cộng Sản đang sụp đổ, các nước xã hội đang thay đổi và toàn cầu đang đi vào một trật tự mới. Người Việt Nam ở trong hay ngoài nước đã có thể nhìn thấy sự phi lý của 20 năm phân chia Quốc-Cộng chất chứa oan khiên và 15 năm phân chia Quốc Nội-Quốc Ngoại chan chứa hận thù. Liệu sớm có ngày chúng ta xúm nhau thực hiện sự Thống Nhất của Việt Nam mà vào năm 1975, có người đã làm mà chưa hề thành công. Thống nhất đất nước chưa đủ, cần phải thống nhất lòng người. Tôi hi vọng còn sống khoẻ, sống mạnh để đóng góp vào niềm vui chung đó.

Thị Trấn Giữa Đàng Mùa Thu 1991

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Bàn về Tự do - ADAMSMIT

Một quyển sách viết khá hay được John Stuart Mill viết cách đây đã gần một thế kỷ rưỡi nhưng có nhiều điều ông nói vẫn còn nguyên giá trị. Sau đây là những ý tôi đọc khá tâm đắc. Sau đây là lược trích các ý đó :
Con người sẽ hưởng lợi nhiều hơn nếu như để cho người khác được sống hạnh phúc theo cách của chính họ, hơn là buộc người khác phải sống hạnh phúc theo cách của mình.
“quyền tự do báo chí” cần được xem như là một trong các biện pháp an toàn chống lại sự nhũng lạm và chuyên chế của chính quyền


"Một người có thể làm điều xấu cho những người khác không chỉ bằng hành động của mình mà còn bằng cả việc không hành động nữa, trong cả hai trường hợp này, anh ta đều phải chịu trách nhiệm với họ về sự tổn hại gây ra". Hoặc: "Nếu một người nắm công quyền, hay thậm chí một thường dân, nhận thấy có bất cứ chứng cớ nào của việc chuẩn bị phạm tội, thì họ không bắt buộc phải thụ động ngồi nhìn chờ cho tội ác được hoàn tất, mà có thể can thiệp để ngăn chặn nó"
Đối với John Stuart Mill, "con người phải được tự do hình thành ý kiến và tự do bày tỏ ý kiến không chút giấu giếm". Bởi vì, "bản chất con người không phải là cái máy được chế tạo ra theo một khuôn mẫu và nhằm làm đúng một công việc định trước, mà nó giống như cái cây cần được lớn lên và phát triển ra mọi phía tùy theo khuynh hướng của sức mạnh bên trong nó, cái sức mạnh làm cho nó là một sinh vật". Quyền tự do chính là điều kiện văn hóa cần thiết cho sự phát triển và sự bộc lộ tài năng của con người không chỉ vì lợi ích của cá nhân con người, mà còn vì lợi ích lâu dài và sự phát triển bền vững của toàn xã hội
Nếu mọi người, trừ một người, đều có cùng một ý kiến, và một người trừ ra ấy lại có ý kiến ngược lại, thì việc mọi người bắt người duy nhất ấy ngậm miệng và người ấy – khi có quyền lực trong tay -- bắt mọi người ngậm miệng lại đều vô lý như nhau
Nhưng sự xấu xa đặc biệt của việc tước đoạt quyền bày tỏ ý kiến nằm ở chỗ nó là hành vi đánh cướp loài người, cả thế hệ hiện tại lẫn thế hệ tương lai; đồng thời, người bất đồng ý kiến bị đánh cướp nhiều hơn so với hơn so với người đồng tình với nó. Nếu ý kiến ấy đúng, thì họ bị lấy mất cơ hội gạt bỏ cái sai lầm để có được cái đúng đắn; nếu sai, thì họ đánh mất một lợi ích hết sức to lớn, đó là một sự cảm nhận về cái sai của mình khi tranh biện ngoài xã hội
Lý do đầu tiên là vì cái ý kiến bị đàn áp bằng uy quyền vẫn có thể đúng. Những ai muốn đàn áp nó, lẽ cố nhiên, sẽ phủ nhận tính đúng đắn của nó; nhưng họ đâu phải là kẻ không thể sai lầm. Họ không có thẩm quyền để định đoạt vấn đề này thay cho mọi người, và tước đoạt phương tiện xét đoán của người khác. Khước từ lắng nghe một ý kiến, vì quả quyết rằng nó sai, đồng nghĩa với việc cho rằng sự quả quyết ấy là một sự quả quyết có tính cách tuyệt đối đúng. Mọi hành vi làm câm bặt sự tranh luận đều dựa vào lối giả định về sự không thể sai lầm này. Có thể dựa vào lập luận bình thường này -- dẫu bình thường nhưng không phải là kém hiệu quả -- để lên án hành vi vừa nói
Tuy nhiên, rõ ràng là các thời đại cũng mang nhiều đặc tính có thể sai lầm không kém gì cá nhân; mỗi thời đại đều ủng hộ nhiều quan niệm mà các thời đại sau đó chẳng những cho rằng sai lầm mà còn phi lý; và hẳn nhiên sẽ có nhiều quan niệm phổ biến hiện nay bị các thời đại tương lai phản bác, tương tự như nhiều quan niệm từng được xem là phổ biến đang bị hiện tại phản bác.
Không có điều gì là điều chắc chắn tuyệt đối, nhưng có những sự chắc chắn đủ để đáp ứng cho các mục đích của đời sống con người.
bởi vì trước một vấn đề không phải là sự thật hiển nhiên, thường có đến chín mươi chín người không có khả năng xét đoán về nó và chỉ một người có được năng lực ấy; hơn nữa, khả năng của người thứ một trăm cũng chỉ có tính chất tương đối bởi vì đa số những nhân vật ưu tú của mọi thế hệ quá khứ đều đã ủng hộ nhiều ý kiến mà nay ai cũng biết là không đúng, đồng thời đã thực hiện hoặc tán đồng nhiều việc mà hiện giờ không còn ai chấp thuận nữa. Thế thì một cách tổng quát, lý do gì mà trong nhân loại lại có sự lấn át của các ý kiến và hành xử hữu lý?
Các ý kiến và lề thói sai lầm dần dần sẽ nhượng bộ các sự kiện và lập luận; nhưng phải đưa ra sự kiện và lập luận trước, rồi sau đó chúng mới có thể gây tác động đến tâm trí con người. Bởi vì anh ta có thói quen lắng nghe mọi lời lẽ trái ngược với ý mình, thu nhặt thật nhiều lợi ích từ việc lắng nghe đó, giải thích cho chính mình, và đôi khi cho cả người khác, sự ngụy trá của những điều sai lầm. Bởi vì anh ta nghĩ rằng cách duy nhất mà một người có thể làm để đến gần với sự hiểu biết toàn bộ một vấn đề là phải lắng nghe điều mà người có ý kiến khác phát biểu về nó và phải nghiên cứu tất cả các cách thức nhìn từ những người có đặc điểm trí tuệ khác nhau. Không một bậc minh triết nào có được sự thông tuệ nếu không thực hiện điều này;
Thói quen thường xuyên tu chỉnh và hoàn thiện ý kiến của chính mình bằng cách đối chiếu nó với ý kiến của người khác - điều này không hề tạo ra sự hoài nghi và do dự khi thực hiện nó – là nền tảng vững chắc duy nhất để có được sự tin cậy đúng đắn vào nó: bởi vì khi nhận biết tất cả những điều trái ngược với ý kiến của mình, đồng thời giữ vững quan niệm của mình trước những kẻ phản bác - cần phải biết rằng anh ta đã truy tầm mọi mọi điều phản đối và hứng chịu nhiều gian khó, thay vì lẩn tránh chúng và che đậy không cho bất cứ ánh sáng nào có thể soi rọi vào vấn đề - anh ta hoàn toàn có quyền nghĩ rằng sự xét đoán của mình tốt đẹp hơn sự xét đoán của bất cứ người nào khác, hoặc của đám đông, những kẻ chưa bao giờ trải qua một tiến trình tương tự..
Trong số đó, chúng ta có thể tìm thấy nhiều trường hợp đáng nhớ từng xảy ra trong lịch sử, khi người ta dùng cánh tay luật pháp để tận diệt những người ưu tú nhất và những học thuyết cao cả nhất, mặc dầu vẫn có một vài trong trong số các học thuyết đó sống sót để được viện dẫn nhằm bảo vệ (đây quả là như một chuyện khôi hài) cho hành vi tận diệt tương tự nhắm vào chính những người bất đồng quan điểm hoặc vào sự biện giải đúng đắn của họ.
sự vô thần là sai lầm và nó sẽ đưa đến tình trạng phân rã xã hội;

ý kiến được thừa nhận có thể sai, và do đó, một ý kiến đối lập với nó có thể đúng; hoặc ý kiến được thừa nhận đúng, ý kiến đúng ấy cần phải có sự va chạm với cái sai của ý kiến đối lập nhằm đưa đến sự lãnh hội minh tường và sự cảm nhận thâm viễn về tính chân xác của nó. Nhưng lại có một trường hợp phổ biến hơn cả hai trường hợp nói trên: khi hai học thuyết xung đột với nhau, thay vì cái này đúng, cái kia sai, thì chúng lại cùng nhau chia sẻ sự thật; và cái ý kiến bất tuân phục luôn là một yếu tố cần thiết để bổ túc cho phần còn khiếm khuyết của sự thật mà học thuyết được thừa nhận của nó chỉ mới thể hiện một phần.
Thậm chí sự tiến bộ, cái đáng lẽ phải bổ sung cho, nhưng hầu hết chỉ thay thế một sự thật phiến diện và bất toàn này bằng một sự thật phiến diện và bất toàn khác; việc tu chỉnh chỉ nằm ở chỗ là mảnh sự thật mới được cần đến nhiều hơn, đồng thời cũng phù hợp hơn với sự đòi hỏi của thời đại so với mảnh sự thật cũ, cái mà nó vừa thay thế.
Trong chính trị, hầu như là lẽ thường tình khi mà cả hai đảng phái, một đảng phái chủ trương trật tự hoặc ổn định và một đảng phái chủ trương phát triển hoặc cải cách, đều là những yếu tố thiết yếu cho tình trạng lành mạnh của đời sống chính trị, cho đến khi nào đảng này hoặc đảng kia đã khuếch trương được sự chi phối tinh thần của nó, để trở thành một đảng chủ trương cả trật tự lẫn phát triển, hiểu biết và phân biệt được điều cần phải gìn giữ với  điều cần phải từ bỏ. Mỗi kiểu cách tư duy của phe này đều sẽ thu nhận được những lợi ích từ các điểm khiếm khuyết của phe kia; nhưng chính sự đối lập của phe kia đã giúp cho cách tư duy của phe này luôn luôn không vượt qua giới hạn của lẽ phải và sự chừng mực. Chỉ khi nào các ý kiến cổ súy cho chế độ dân chủ và chế độ quý tộc, cho tư hữu và bình đẳng, cho hợp tác và cạnh tranh, cho xa hoa và cần kiệm, cho phóng khoáng và gò bó, và tất cả các ý kiến đối lập khác trong đời sống thực tế đều được bảy tỏ một cách tự do như nhau, đều được củng cố và bảo vệ bằng tài năng và sinh lực như nhau, thì cả hai mới có cơ hội đạt được điều mình xứng đáng được hưởng; khi đó chắc chắn trong hai ý kiến đối lập nhau ấy, sẽ có một ý kiến chiếm ưu thế
Thứ nhất, nếu có ý kiến nào bị cản ngăn lên tiếng, thì theo chỗ chúng tôi biết, ý kiến ấy có thể là đúng. Khước từ nó có nghĩa là tự coi mình là không thể sai lầm.
Thứ hai, dẫu ý kiến bị cản ngăn có là một ý kiến sai sót, thì nó vẫn có thể, và thông thường là thế, hàm chứa một phần sự thật; và bởi vì ý kiến phổ thông về bất cứ đề tài nào đều hiếm khi hoặc không bao là sự thật trọn vẹn, cho nên chỉ bằng sự va chạm giữa các ý kiến trái ngược nhau thì phần còn lại của sự thật mới có cơ hội được phơi bày.
Thứ ba, ngay cả ý kiến được mọi người thừa nhận không chỉ đúng, mà còn là sự thật trọn vẹn; chỉ khi nào được, và thực sự, trải qua cuộc truy vấn cam go và nghiêm túc, bằng không thì nó được những kẻ thừa nhận cầm giữ như là một định kiến với sự hiểu biết rất nhỏ bé về các căn do hữu lý của nó. Đồng thời không những thế, mà - đây là yếu tố thứ tư - còn đưa đến sự việc rằng ý nghĩa của học thuyết sẽ lâm vào tình trạng vong thân, hoặc bị suy yếu và bị tước mất tác động đầy sinh lực của nó đối với tính cách và hành vi; khi đó, nó trở thành một sự rao giảng mang tính cách giáo điều, chẳng những không có ích, mà còn làm trở ngại cho sự bày tỏ ý kiến, đồng thời cản ngăn sự phát triển của lòng tin đích thực và chân thành ra khỏi lý trí hoặc kinh nghiệm cá nhân.

Những lý lẽ như trên đã đưa đến một đòi hỏi có tính chất bắt buộc rằng con người phải được tự do hình thành ý kiến và bày tỏ ý kiến của mình mà không phải sợ hãi; chỉ khi nào quyền tự do này được thừa nhận hoặc được xác quyết bất chấp mọi cấm đoán, thì mới không xảy ra các hệ lụy tai ác đối với trí tuệ, đồng thời thông qua đó, đối với bản chất luân lý của con người;
“sự tự do và tính đa dạng của hoàn cảnh;” từ sự kết hợp tất cả các điều này, chúng ta sẽ có “sinh khí cá nhân và tính đa dạng,” những thứ tự hòa quyện vào nhau trong “sự độc đáo.”

Lý do thứ ba, đồng thời là lý do có tính thuyết phục nhất trong việc hạn chế sự can thiệp của chính quyền là sẽ rất nguy hiểm nếu gia tăng quyền lực của chính quyền một cách không cần thiết. Mọi chức năng được bổ sung thái quá vào những chức năng hiện có của chính quyền sẽ khiến cho sự tác động của nó đến những ước vọng và nỗi sợ hãi càng trở nên rộng lớn hơn, đồng thời càng lúc càng biến thành phần nhiều tham vọng của công chúng thành những kẻ nịnh bợ chính quyền, hoặc một đảng phái sắp nắm quyền nào đó, để trục lợi. Nếu như tất cả những xa lộ, đường hỏa xa, ngân hàng, công ty bảo hiểm, các đại công ty cổ phần, trường đại học và hội từ thiện đều là các chi nhánh của chính quyền; thêm nữa, nếu như hội đồng thành phố và chính quyền quận hạt, với tất cả những gì hiện đang thuộc trách nhiệm quản trị của họ, trở thành những bộ phận của chính phủ trung ương; nếu như nhân viên của tất cả các tổ chức này đều do chính quyền chỉ định và trả lương, và trông đợi chính quyền ban phát sự thăng tiến trong cuộc sống; thì không một quyền tự do báo chí và một định chế lập pháp dân cử nào có thể làm cho quốc gia này, hoặc bất cứ quốc gia nào khác, có được sự tự do, và nếu có đi chăng nữa, thì cũng chỉ là sự tự do trên danh nghĩa. Và khi cơ chế hành chánh được xây dựng càng hiệu quả và khoa học, sự tổ chức nhằm thu hút những bàn tay và khối óc ưu tú để làm cho nó hoạt động hữu hiệu càng tinh vi, sự tai hại càng trở nên trầm trọng hơn.

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Thăm nhà Martin Luther King


Thăm nhà Martin Luther King

Ngôi nhà của Martin L. King. Ảnh: HM
Trên quảng trường quốc gia ở Washington DC, có bốn người Mỹ được dựng tượng đài : George Washington – tuyên bố thành lập nước, Thomas Jefferson – viết tuyên ngôn độc lập, Abraham Lincoln – thống nhất bắc nam trong nội chiến và một người không phải là tổng thống, đó là Martin Luther King (MLK).
Mình đã thăm nhà của Washington bên cạnh sông Potomac và villa của Thomas Jefferson tại Charlottesville. Chưa có dịp đến nơi sinh ra Lincoln ở Kentucky nhưng lần đi Atlanta này tôi may mắn được xem ngôi nhà hai tầng xinh xắn số 501 đường Auburn, nơi King cất tiếng chào đời ngày 15-1-1929.
Khu vực này còn rất nhiều người da đen sinh sống vẻ khá nghèo. Nhìn xe hơi cũ kỹ đỗ ven phố, nhà cửa tuềnh toàng, đoán ra ngay.