Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

“Chuyện cổ tích” qua bút kí của GS Nguyễn Đăng Hưng


Loạt bài bút kí sau đây của Gs Nguyễn Đăng Hưng tôi đặt là “Chuyện cổ tích”, vì câu chuyện xảy ra từ 30 năm trước. Tuy câu chuyện đã 30 tuổi, nhưng tôi thấy nó vẫn còn tính thời sự hiện nay.  Loáng thoáng trong bút kí có thể nhiều chuyên gia người Việt ở nước ngoài tìm thấy hình ảnh của mình trong đó. Cũng có thể xem bút kí này là những chứng từ của một “thời Maoist” trên đất nước Việt Nam, và cũng là một lời giải thích tạo sao cho đến nay Việt Nam vẫn chưa sánh vai được cùng các nước tiên tiến trong vùng. Loạt bài đăng trên blog của bác Nguyễn Xuân Diện, nay tôi "rinh" về đây để các bạn thưởng lãm. NVT

Bút ký của một nhà khoa học Việt Kiều

Bối cảnh 1

Hà Nội, Tết Bính Thìn, Tết hòa bình đầu tiên sau ba mươi năm chiến tranh. Tôi theo phái đoàn người Việt yêu nước tại Bỉ về thăm đất nước. Anh chị em Việt kiều đã tham gia những phong trào đấu tranh yêu nước ở hải ngoại kéo về hẹn gặp nhau ở Hà Nội. Năm ấy rất đông đủ Việt kiều đi về từ khắp năm châu, bốn biển, từ Canađa, từ Pháp, Tây Đức, Thụy Sĩ, Nhật, Úc, Bỉ, và có cả Tân Đảo nữa.
 Đã liên lạc qua thư từ, qua những bức kiến nghị, những tờ thông tin từ nhiều năm qua, bây giờ gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, giây phút ấy không bao giờ quên được. Đảng, chánh phủ, Mặt trận, Ban Việt kiều trung ương đã giành cho chúng tôi những buổi tiếp đón ân cần, niềm nở, những lời thăm hỏi thân mật, ưu ái. Không khí hồ hởi ấy thật là khó tả ! Xin mượn ở đây câu đối của Đồ Phồn viết ra vào dịp đó:
Trăm năm đạt tới ngày này, diệt họa xâm lăng,
cả nước chung vui Xuân giải phóng
Vạn nẻo thu về gốc cũ, rửa hờn chia cắt,
toàn dân cùng hưởng Tết đoàn viên
Đêm 29 Tết, Việt kiều đổ xô đi xem chợ hoa Hà Nội. Trong các phái đoàn Việt kiều
 có người để tóc dài, mặc quần jean ống loa, thời trang trẻ bên Tây lúc ấy. Một tiểu đội đoàn viên Đoàn thanh niên thủ đô đứng túc trực. Họ mời các Việt kiều tóc dài vào trạm, phê phán gay gắt cách ăn mặc ấy, xong khuyên bảo những cá nhân này nên cắt tóc ngắn, ăn mặc gọn ghẽ hơn để theo kịp nếp sống lành mạnh, văn minh xã hội chủ nghĩa. Ừ thì cũng đúng thôi! Mấy anh em có vấn đề phàn nàn đôi chút, nhưng cái vui quá lớn, xâm lấn cả tâm hồn, trí não, hơi đâu để ý đến những chuyện cỏn con! Cũng như ngày mới về, chúng tôi tổng số khoảng 80 người, nhà nước huy động gần 20 nhân viên ngân hàng đến tận khách sạn giúp chúng tôi đổi tiền. Vị chi một người phục vụ cho bốn người, thế mà từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều chúng tôi mới có được tiền Việt Nam! Có gì đâu, cán bộ ngân hàng chưa quen việc, thế thôi! Ai cũng bằng lòng ngay qua lời giải thích ấy!

Bối cảnh 2

Đoàn Việt kiều lên máy bay vào Sài Gòn sáng 29 Tết, ngủ một đêm tại khách sạn Cửu Long, hôm sau ai nấy tự do về thăm gia đình.
Đêm 30 Tết, tôi đi chợ hoa Sài Gòn cùng với người cháu. Mười bảy năm trời xa cách, nay mới thấy lại thành phố thân yêu hôm nay mang tên Hồ Chí Minh chói lọi, còn gì xúc động bằng! Có máy ảnh trong tay, tôi chụp hình lia lịa. Cái gì cũng đẹp, cũng vui, cũng đầy ý nghĩa! Chẳng may chụp chợ hoa mà có một anh công an đứng bối cảnh dính trong hình! Bị gọi về ty công an ngay, đòi tịch thu máy, tịch thu phim! Ủa sao lạ vậy! Anh em Việt kiều đã hỏi rõ và thủ tướng đã nói là đất nước đã được giải phóng, Việt kiều muốn chụp gì cũng được, chỉ trừ những địa điểm bí mật quân sự thôi. Chợ hoa Sài Gòn mà có gì là bí mật! Tôi phản đối dài dài…
Thời gian qua, giao thừa gần đến, tôi sốt ruột vô cùng! Gia đình đang chờ tôi về chung đón giao thừa, đông đủ bà con cô bác. Bao nhiêu niềm vui, bao nhiêu tình cảm ưu ái ruột thịt đang chờ tôi! Tôi cố trầm tĩnh giải thích: «Các anh công an bây giờ đi ngờ ngờ giữa thành phố đã được giải phóng, còn gì là bí mật, cần gì phải giấu giếm! Chụp hình công an đẹp trai, bên cành hoa lộng gió, trong khung cảnh tráng lệ thanh lịch của thành phố, có gì là quấy, có gì phải cấm!». Mấy ông công an lạnh lùng, không trả lời, không cho phép tôi điện thoại về Ban Việt kiều thành phố đến lãnh tôi ra, không cho phép cháu tôi về nhà báo tin cho gia đình hay! Cậu cháu tôi phải ngồi chờ, ban thường trực công an đang họp, thảo luận dây dưa, hội ý tập thể về việc tôi chụp hình. Tôi nhìn máy điện thoại để trên bàn, ngay trước mặt, bực tức bị bó tay, không được phép sử dụng.
Tôi miên man nghĩ đến mấy hôm trước ở Hà Nội tôi đã dùng máy điện thoại đặt ở bàn tiếp tân khách sạn Dân Chủ. Tôi muốn bắt liên lạc với một ông chú họ, đi kháng chiến đã hai mươi mấy năm nay, hiện đang công tác tại Bộ kế hoạch kinh tế. «A-lô, tôi muốn được nói chuyện với chú tôi tên Hiệp, Lê Thành Hiệp, đang công tác ở đây». Một giọng nói gắt gỏng bên kia tạt lại: «Hiệp đi rồi, vào Nam rồi, mà đồng chí là ai, ở đâu lại điện thoại thế?». Tôi lẽ phép đáp lại: «Tôi là Việt kiều tại Bỉ, điện thoại từ khách sạn Dân Chủ đây». «Không được điện thoại hỏi han lôi thôi nghe không». Giọng nạt sừng sộ làm tôi cụt hứng, tay gác ống nói, lòng bớt vui…
Sau bốn tiếng đồng hồ hội đàm nghiêm chỉnh, ban thường trực công an hạ quyết định thả tôi về, chả mất chi, chỉ mất ăn giao thừa với gia đình thôi. Mấy ông công an nói nhỏ theo: «Mong đồng chí đừng báo cáo với cấp trên nghe, nguy cho chúng em lắm đó!». Sau này tôi cũng chẳng nói với ai chi tiết không vui nhỏ này. Tôi chỉ nhớ lời cháu tôi bảo trên đường về: «Mình được thả là nhờ cậu không sợ đó, nếu cậu sợ chắc mút mùa quá».

Bối cảnh 3

Hè 77, một năm sau, tôi lại trở về Việt Nam. Lần này đi công tác giảng dạy ngành chuyên môn của tôi, có chuẩn bị trước, có giới thiệu của Đại học Liège, có công văn của Ủy ban khoa học kỹ thuật nhà nước… Chuyên môn của tôi là phát triển và sử dụng các chương trình tính độ bền kết cấu cơ bằng phương pháp phần tử hữu hạn. Dạy lý thuyết cho nghiên cứu sinh ở Hà Nội mười lăm ngày, xong cùng sinh viên lấy máy bay vào Sài Gòn thực tập trên máy IBM của Mỹ để lại tại Tân Sơn Nhất.
Tôi được tiếp rước rất ân cần, nhà nước lo cho ăn ở rất đầy đủ, tiêu chuẩn của chuyên viên rất cao, ngang với tiêu chuẩn của thứ trưởng (theo lời các bạn đồng nghiệp): khách sạn tiện nghi, xe Volga có tài xế nhà nước, sử dụng tùy hỉ, đi đâu cũng được ngay cả chủ nhật, bữa ăn bốn năm món, gói thuốc thơm mỗi ngày! Tôi có dịp đi làm khoa học nhiều nơi ở Âu – Mỹ nhưng phải nói chưa lần nào sướng như vậy! Ở nước Việt Nam nghèo nàn của chúng ta, nhất là ở Hà Nội, có tiêu chuẩn là sướng lắm, hơn cả ở Tây phương! Chính sự nghịch lý này làm tôi bắt đầu đặt câu hỏi và tỉnh táo hơn trong quan sát:
- Ơ hay! Sao không để anh tài xế ngồi bàn ăn chung với chúng ta, tôi mời anh ấy đấy!
- Sao lạ! Đem theo ít tiền muốn mua chút quà về Sài Gòn cho gia đình mà hỏi đồ gì cũng không có, chỉ có đồ chưng làm kiểng, ngắm cho vui qua cửa kính thôi!
- Quái đản! Sao ông giám đốc Trường đại học xây dựng có vẻ không biết gì về chuyên môn trong khi các đồng nghiệp thứ dưới lại rất thành thạo từ sinh ngữ đến chuyên môn!
Khẩu hiệu căng ngoài phố Hà Nội không giống ai! «Thanh niên thủ đô lập công dâng Đảng». Lập công vì dân, vì tổ quốc, vì Đảng còn nghe được, sao lại phải dâng một mình Đảng, chữ dâng có gì thiếu dân chủ!
Có buổi rảnh tôi đi thăm Thư viện trung ương Hà Nội. Ông giám đốc thư viện hướng dẫn tôi tham quan. Tôi chú trọng đến khu sách khoa học, kỹ thuật. Kệ sách nào cũng bắt đầu bằng những cuốn kinh điển của Mác, của Lênin, của Stalin, của Bác Hồ, của đồng chí tổng bí thư Lê Duẩn, của đồng chí Trường Chinh, của thủ tướng Phạm Văn Đồng, của các nhà lãnh đạo rồi mới vào chuyên môn. Đồng chí giám đốc thư viện giải thích:
- Khoa học kỹ thuật của chúng tôi là khoa học kỹ thuật phát suất từ chân lý Mác – LêNin, khoa học kỹ thuật xã hội chủ nghĩa, áp dụng qua điều kiện cụ thể Việt Nam soi sáng bởi tư tưởng và lý luận của các nhà lãnh đạo Đảng và nhà nước! Không có chân lý Mác – Lênin thì không có khoa học kỹ thuật xã hội chủ nghĩa, không có khoa học chân chính. Cái ưu việt của khoa học xã hội chủ nghĩa phát xuất từ quan điểm cơ bản ấy. Các nước xã hội chủ nghĩa phát triển nhanh và vượt qua các nước tư bản cũng nhờ nắm được nguyên lý ấy! Vân vân …
Phải nói lời giải thích của đồng chí giám đốc làm tôi lạnh cả người hôm ấy! Có một cái gì rất là trầm trọng đã bị va chạm ở tôi đến mức cao độ. Tôi bắt đầu thấy sợ. Còn gì đáng ngại hơn sự trói buộc của tri thức, của khoa học, của kỹ thuật, của chuyên môn, trói chặt bằng những sợi dây vô hình nhưng cứng như thép, hồng như máu!
Tôi nghĩ đến tương lai Việt Nam, nghĩ đến sự phát triển kinh tế, đến sự vận dụng khoa học kỹ thuật vào công cuộc kiến thiết đất nước, và đêm ấy thao thức trằn trọc không ngủ được…
Cuối tuần mệt mỏi, nóng bức, tôi bảo tài xế chở đi Hạ Long chơi. Cảnh trí thiên nhiên đẹp vô ngần, nhưng tôi vẫn thấy day dứt, xót xa. Bãi tắm vắng bóng người dân Việt Nam, chỉ một ít Việt kiều, vài người cán bộ, năm ba chuyên gia Đông Âu… Hỏi ra mới biết, vì lý do an ninh, đã từ lâu dân thường không được bén mảng đến bãi tắm sang trọng này!

Bối cảnh 4

Sau hai tuần, tôi cùng đoàn nghiên cứu sinh bay về Sài Gòn thực tập trên máy tính. Nguyên tôi có mang về một chương trình tính lớn, chương trình vạn năng SAMCEF được thiết kế và tạo dựng tại Đại học Liège từ những năm lục niên. Máy IBM ở Tân Sơn Nhất không chịu chấp nhận chương trình này vì hệ thống điều động chuyên về quản lý máy bay quân sự Mỹ chứ không chuyên về tính toán khoa học. Chương trình của tôi chất chứa nhiều chương trình con quá! Thông thường tôi quen cần một chuyên gia biết sử dụng máy bên cạnh khi có vấn đề. Đồng chí giám đốc cơ sở lần lượt gọi ra ba bốn chuyên gia, trung úy này, đại úy nọ trực thuộc quân đội, tốt nghiệp từ Liên Xô, Tiệp Khắc. Cả ngày họ lục đục giải quyết vẫn không xong, máy không chịu chạy. Tôi đề nghị:
- Máy này có từ trước giải phóng, như vậy chắc có chuyên gia Sài Gòn cũ, sao không thử gọi một người đến giúp tôi.
Ai nấy đều đứng đờ ra, không phản ứng. Tôi tìm cách năn nỉ:
- Chuyến đi của tôi mất bao nhiêu công quỹ nhà nước đôi bên, chương trình đem về có giá trị thương mại và khoa học lớn, chạy không được té ra hoài công, mất của, chả đâu vào đâu…
Sáng hôm sau, tôi rất mừng thấy một anh kỹ thuật gia Sài Gòn cũ được gọi đến. Anh rất lễ phép đến độ khúm núm, tự giới thiệu tên tuổi rành mạch. Sau một giờ làm việc, sửa chữa, máy chấp nhận chương trình và chạy thông suốt. Chương trình quá dài không đủ giấy in, phải cho ngưng lại về Sài Gòn xin thêm giấy mới in ra được hết! Tôi mừng vô hạn, rối rít cám ơn anh chuyên gia ‘’ngụy’’ và đề nghị ngay:
- Đánh dấu buổi vui hôm nay, tôi xin mời toàn bộ ban phụ trách máy tính, các đồng nghiệp tháp tùng từ Hà Nội một buổi tiệc tối mai tại nhà hàng Caravelle.
Tôi nói thêm:
- Tôi mời hết thảy mọi người, ngay cả anh chuyên gia giúp tôi hôm nay và nhất là anh ấy vì anh đã cứu nguy cho tôi vào giờ chót…
Tối hôm sau, tại tầng lầu cao nhất khách sạn Caravelle, buổi tiệc được đông đủ mọi người đến dự: đại tá giám đốc, đại úy tổ trưởng, trung úy máy tính, các vị đồng nghiệp, ngay cả gia đình tôi. Duy có anh chuyên gia Sài Gòn cũ thì không thấy. Hỏi ra chẳng ai biết lý do. Tôi buồn năm phút…

Bối cảnh 5

Hè năm 79, tôi lại về Việt Nam nối tiếp công tác cũ. Lần này tôi quyết định thâu ngắn chương trình giảng dạy, đặt trọng tâm giúp gia đình giải quyết những vấn đề sinh nhai hóc búa hàng ngày, cùng gặp gỡ trao đổi sâu hơn với các bạn bè khoa học trong nước. Sự băng hoại của xã hội, sự thiếu thốn của đời sống người dân đã đi đến mức trầm trọng rõ rệt. Tôi thấy đặt ra những vấn đề khoa học tính toán cao siêu như không đâu vào đâu nữa. Khoa học đã trở thành một thứ xa xí phẩm vô vị trong một khung cảnh xã hội chưa giải quyết được miếng ăn, manh áo…
Tôi tâm sự với các bậc khoa học đàn anh đứng tuổi trong những buổi đi ăn thịt cầy ở ngoại ô Hà Nội :
- Chắc chúng tôi phải làm gì các anh à, chắc phải vận động Việt kiều hải ngoại gửi kiến nghị, thảo điều trần về cho Đảng và chánh phủ mong họ sửa đổi. Nếu tiếp tục như vầy thì nguy quá, họa đến không xa, họa đói, họa mất nước, họa diệt vong… Việt Nam ngày nay là ốc đảo nghèo đói trong khung cảnh Đông Á – Thái bình dương phát triển nhảy vọt trên con đường thịnh vượng giàu sang !
- Không được, Hưng ơi! Vô ích. Cậu không phải là một Trần Đức Thảo, một Nguyễn Mạnh Tường, một Hoàng Xuân Nhị. Rồi kiến nghị chắc tới tay lãnh đạo không? Rồi kiến nghị đòi hỏi gì? Đòi nhà nước mở cửa, đòi Đảng coi trọng chất xám ư? Như vậy có gì là mới mẻ. Nguyễn Trường Tộ thời Nguyễn đã làm rồi. Cái khác là ngày nay chế độ ở Việt Nam là chế độ xã hội chủ nghĩa, đỉnh cao của trí tuệ loài người. Kiến nghị như vậy là bị coi chống Đảng ngay, bị xé bỏ ngay. Tội nặng lắm, tội dám so sánh chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa phong kiến!
- Kiến nghị đòi tự do, dân chủ, dân quyền ư? Hữu khuynh hạng nặng, tư sản chủ nghĩa cùng mình, chế độ xã hội chủ nghĩa có tự do, dân chủ cả ngàn, cả triệu lần hơn chế độ tư bản chủ nghĩa mà còn phải đòi hỏi gì nữa…
Tôi trở vào Sài Gòn ở thêm một tuần với gia đình trước khi chuẩn bị lên đường trở lại Âu châu. Thỉnh thoảng lấy xích-lô đi dạo phố giải khuây. Nhìn anh xích-lô, gương mặt sáng sủa, ăn nói lời lẽ rành mạch, tầm hiểu biết khá sâu và cao, tôi lấy làm lạ. Chú ý nhìn mãi mới nhớ ra:
- Trời! Có phải anh là Cẩn không? Cẩn học trường Pants bên Paris về nước năm 67?
- Vâng, phải Hưng không? Hưng đi Bỉ năm 59 phải không?
Thành ra anh bạn học xuất sắc tôi từng thán phục ngày nào bây giờ phải đạp xích-lô để kiếm ăn qua ngày…
Lên sân bay Tân Sơn Nhất, tôi nhìn lại gia đình, bè bạn đi đưa, nhìn những ánh mắt đăm chiêu, những gương mặt hốc hác, lòng tôi như có gì ảm đạm, xót xa hơn những chuyến trước. Tôi thấy tôi càng ngày càng xa ra. Một giới tuyến vô hình nhưng vô cùng kiên cố đã được dựng lên giữa họ và tôi, và phải qua thời gian tôi mới nhận diện ra nó một cách chắc chắn. Kỹ thuật đông lạnh tinh vi nào đã hình thành những khối băng khổng lồ vĩnh cửu, co cứng lại ngay trong vùng nhiệt đới! Tôi cố bào chữa, nghĩ đến chiến tranh tàn phá, cán bộ tiêu hao, nhưng vẫn thấy toát ra những điều nghịch lý của một cơn ác mộng. Sự thật đã vượt quá sức tưởng tượng của tôi. Có một cái gì tuyệt đối, triệt để, một chiều đến độ khó tin được. Có một cái gì thô bạo, quá khích, giáo điều và gian trá đã trở nên nề nếp bình thường, bình thường đến mức không mường tượng ra nổi!
Tôi chỉ thấy tôi chỉ là một người tình nhân có lòng tin yêu tha thiết nhưng ý trung nhân của tôi đã đặt tôi vào chuyện đã rồi, vào hoàn cảnh không trở lại được nữa. Những năm tháng dài đằng đẳng sau này phải cố sống trong khổ đau, trong yên lặng, âu cũng là phản ứng yếu đuối của lòng tự trọng còn sót lại…

Bối cảnh 6

Trở sang Bỉ, tôi quyết định đưa đơn xin vào quốc tịch nơi cư ngụ. Tôi vốn rất thích đi đó đi đây, và nghề nghiệp cho phép thường xuyên đi tham dự hội nghị, hội thảo khoa học khắp năm châu. Tờ hộ chiếu Việt Nam đặt cho tôi bao nhiêu vấn đề mỗi chuyến đi. Tôi lại quyết định chấp nhận được đề cử thuyên chuyển đi dạy ở Kinshasa, Zaðre, Phi châu, trong thời gian dài năm năm.
Zaire (nay là Công - gô) là một nước dân trí còn kém. Lúc thu hồi độc lập (1960), tri thức có cấp bậc đại học đếm trên đầu mấy ngón tay. Đất nước được thiên nhiên hậu đãi, tài nguyên dồi dào, khí hậu thuận lợi. Đất tốt, mưa nhiều, cây cỏ tự mọc lên, người dân chỉ hái lượm cũng đủ ăn. Trong quá trình phát triển, họ không qua giai đoạn làm nông. Chính cái chỗ họ đốt giai đoạn đi thẳng lên công nghiệp hóa, đã gây ra không ít vấn đề trên con đường mở mang kinh tế. Tuy vậy, thành phố Kinshasa nhà cao, cửa rộng, xe cộ tấp nập, đường sá mới mẻ. Dân chúng ăn mặc nói chung sạch sẽ, ăn uống nói chung đầy đủ. Đám đông người Zaire tươm tất, tươi vui hơn đám đông Việt Nam nhiều. Ý nghĩ ấy làm tôi thấy xót xa, tủi phận, chán chường…
Cơ quan quốc tế nào cũng có mặt ở đây. Chánh phủ Zaire giao dịch với hầu hết các nước trên thế giới. Nhật xây một chiếc cầu lộng lẫy, cầu treo Matadi. Pháp xây trung tâm vô tuyến truyền hình nguy nga. Tây Đức xây trung tâm thương mại tân kỳ. Trung Quốc xây Palais du Peuple thinh thang. Hoa Kỳ xây trung tâm nông nghiệp rất là qui mô. Bỉ xây làng đại học Kinshasa thật là đồ sộ…
Những người đi hợp tác quốc tế như tôi thường có dịp gặp nhau trong những buổi tiếp tân, tiệc tùng. Và trong những buổi ấy, người da vàng như tôi không phải là hiếm:
- Anh phải Việt Nam không?
- Vâng.
- Anh từ đâu tới?
- Từ Canađa, tôi đi với tư cách chuyên gia của chánh phủ Canađa về ngành luyện kim.
- Tôi từ Hoa Kỳ, cố vấn nông nghiệp.
- Tôi từ Pháp sang, chuyên gia hàng không chánh phủ Pháp gởi sang giúp hãng Air Zaire.
- Tôi cũng là Việt Nam nhưng từ Tây Đức, chuyên gia khai thác rừng của một hãng tư gởi sang.
- Tôi từ Thụy Sĩ, chuyên gia ngân hàng.
- Tôi cũng từ Pháp, nhưng sau đó sang định cư tại Luxembourg vì làm cho Thị trường chung Âu châu. Hiện tôi là đại diện Thị trường chung Âu châu tại Zaire.
- Tôi từ Anh, di tản kiếm ăn từ năm 75, nay làm cho Ngân hàng quốc tế, chuyên gia cầu đường.
- Và tôi cũng là người Việt Nam, đi từ Bỉ sang hợp tác đại học về ngành cơ…
Rồi chúng tôi hẹn gặp lại ngày Tết Việt Nam, ăn chung cái Tết Congo, Tết rất là thật, có câu đối, có cành mai, có bánh chưng, có tràng pháo và nhất là có chung một tâm trạng của những chất xám lưu vong… Rồi càng ngày chúng tôi càng thân nhau, tuy mỗi người, mỗi gia đình vẫn giữ quan điểm riêng của mình về chánh kiến, về lịch sử, về Việt Nam, mỗi người có một quá khứ riêng, một hoàn cảnh riêng. Phải nói phần đông chúng tôi có địa vị khá quan trọng trong lãnh vực của mình và chánh quyền Zaire giao cho chúng tôi những trách nhiệm không phải là nhỏ. Và nhờ liên lạc thân thiết thường xuyên, nâng đỡ nhau trong công việc và cuộc sống, nhờ ban giao tốt với người sở tại, chúng tôi được tiếng lành là những người Á châu hữu hiệu và năng động. Đôi khi ngồi lại, suy nghiệm chuyện đời, chúng tôi ai nấy không khỏi bật cười cho cái cảnh éo le của con người Việt Nam hôm nay. Phải đi sang cái xứ Phi châu xa xôi này mới tìm thấy được một khung cảnh Việt Nam hài hòa, đa nguyên, đa dạng, mới có trách nhiệm đúng với khả năng, mới được trọng dụng và biết quý trọng lẫn nhau…
Một hôm, tình cờ tôi vào cơ quan IBM. Thấp thoáng bên trong một dáng dấp người Á châu. Tôi chưa kịp hỏi, người ấy chạy ra chào tôi:
- Phải anh là Hưng không? Giáo sư Hưng?
- Hình như tôi đã gặp anh, ở đâu không nhớ.
- Tôi là Phu, chuyên viên IBM có làm việc với anh ở Tân Sơn Nhứt năm 77 ấy mà. Không nhận ra tôi sao? Tôi đi tàu, định cư tại Hoa Kỳ năm 81, được cử sang đây vì tôi nói thạo tiếng Pháp.
Giờ đây tôi mới hiểu ra lý do vì sao, bữa tiệc tại Caravelle, anh bạn chuyên viên Sài Gòn cũ đã không đến được.

Bối cảnh 7

Tôi trở về Âu châu, làm việc lại ở Đại học Liège, Bỉ. Lâu lâu tìm gặp anh em trong hàng ngũ phong trào Việt kiều ngày trước cho thấm lại chút hương vị ấm áp ngày xưa. Nhưng hương vị có cái niềm cay đắng! Phong trào ở Bỉ tha hóa đến cực độ! Năm ba người, vài gia đình khum lưng, khép miệng đi theo thời cuộc, số đông rút lui vào bóng tối, vào yên lặng, vào quên lãng, vào sinh kế hằng ngày…
Nhưng rồi có biến chuyển. Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam, Đại hội bất thường tháng 9-86 của phong trào Việt kiều Tây Đức, những bài trên báo Văn Nghệ, báo Tuổi Trẻ, sự chuyển mình của báo Đoàn Kết, những bài tham luận của nhà văn Dương Thu Hương, cuộc Hội thảo Việt Nam 88 ở Dourdan (Pháp), sự ra đời của những diễn đàn mới tại Bỉ…
Tôi như lấy lại chút sinh khí, lại chuẩn bị về Việt Nam lần thứ tư, và mới thực hiện chuyến đi ấy cách đây có mấy tháng, dịp tết Kỷ Tỵ vừa qua.
Rất nhiều thay đổi khá rõ nét ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chú tôi mỗi ngày mua báo để đọc chứ không để gói đồ thôi như trước nữa. Vợ chồng ông anh họ tôi không nhờ xin giấy sang Bỉ nữa, dì tôi sai cháu sơn lại mặt tiền căn nhà để ăn Tết, dượng tôi bớt nghe đài BBC, cháu tôi tập tành học nhảy rock… Đã có những nụ cười chân thật, đã có những niềm tin hài hòa, đã nói tới con người, đã bàn đến hạnh phúc… Ở những cơ sở tôi thăm viếng, đã có người đứng ra lấy trách nhiệm quyết định công việc cụ thể, không mất thời giờ hoãn lại, chờ lịnh cấp trên.
Gió ấm đã nổi lên từ lòng đất, từ lòng người, từ bờ sông Volga, sông Dương Tử. Những tản băng hà đã bắt đầu tan dần. Nhưng vẫn còn đó đây, rất phổ biến, thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện, bóng dáng những áo thụng, mũ đỏ, hia đen, ngày đêm cố sức hà hơi nóng, thoa dầu gió cho băng hà khỏi tan nhanh. Những người phù thủy ấy của cuối thế kỷ XX vốn sợ nước, sợ mặt trời, sợ sự thật. Họ lặn không chìm, bơi không nổi. Họ e ngại băng hà rồi sẽ biến thành hồ, thành biển, rồi sóng gió sẽ cuốn họ đi xa ra ngoài bến bờ của lịch sử ngàn năm…
Một buổi sáng, tôi bước vào quán phở nhỏ gần trường đua Phú Thọ để ăn điểm tâm. Những tiệm phở, quán cà-phê, sạp bún bò Huế như vậy ngày nay mọc như nấm. Anh chủ tiệm mập mạp săn đón ân cần:
- Chắc bác là Việt kiều mới về?
- Vâng, tôi từ Bỉ về ăn Tết.
Giọng nói khá nặng của một tỉnh miền Bắc của anh chủ tiệm làm tôi chú ý.
- Chắc bác mỗi năm về ăn Tết ạ?
- Đây là lần thứ hai, lần đầu cách nay mười ba năm. Cũng có về mấy lần nữa nhưng chỉ vào dịp hè thôi. Tết đầu tiên của tôi ở Việt Nam là Tết Bính Thìn 76.
- Tết Bính Thìn, bác ở Bỉ, thế em biết bác, bác còn nhớ em không?
- ???
- Bác quên em rồi. Em là công an nhân dân công tác ở quận nhất ấy mà, bác chụp hình ấy mà, bác nhớ ra chưa?
Té ra anh công an mảnh khảnh ngày xưa bây giờ đổ ra làm chủ tiệm phở, mập mạp hơn trước nhiều, làm tôi không nhìn ra được.
Vâng, Sài Gòn ngày nay có rất nhiều đổi thay…
(Bắt đầu viết năm 1979, sửa lại và bổ sung năm 1989).

BÚT KÝ CỦA GS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG - Phần 2

Lời dẫn của GS. Nguyễn Đăng Hưng:
Sau bài bút ký đọc tại Hội thảo mùa hè Franfurt tháng 8/1989 (nhưng bản thảo đã thai nghén từ 1979), tôi bắt đầu thường xuyên đi lại Việt Nam và hăng hái đề xuất những dự án có tài trợ quốc tế (Cộng đồng các đại học quốc nói tiếng Pháp trụ sở tại Canada, chính phủ Bỉ) dùng cho việc đào tạo cán bộ giảng dạy ở cấp đại học. Từ 1989 cho đến 1995 (năm tôi đổi hướng đề xuất các dự án lớn, khánh thành trung tâm đào tạo thạc sỹ EMMC tại ĐH Bách Khoa, TP HCM) tôi đã triển khai không dưới 10 dự án nhỏ giá trị khoảng 20 ngàu USD mỗi năm, những dự án con dùng cho việc về Việt Nam làm sê-mi-na và hướng dẫn các bạn trẻ nghiên cứu khoa học về ngành tính toán số cơ học bằng phương pháp hiện đại rời rạc hóa không gian và thời gian qua máy tính.
Tôi bắt đầu bắt nhịp với đời sống văn hóa xã hội Việt Nam trong giai đoạn cởi trói văn hóa văn nghệ theo ý kiến của tân tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, giai đoạn tướng Trần Độ phụ trách tuyên giáo và nhà văn Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập báo Văn Nghệ. Bài bút ký thứ hai sau đây viết ra trong cái không khí đổi mới tư duy ấy.
Tôi đã gởi bài này cho nhà báo Kim Hạnh, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ và Bà Kim Hạnh với dũng khí mà ta được biết, đã cho đăng trên Tuổi Trẻ Chủ nhật (số 7-90 25/2/1990, trang 7 và trang 21), sau khi cắt bớt những đoạn « chưa thích hợp » : tạp nghi 1,2,4,5.
Nay tôi gởi cho Blog Nguyễn Xuân Diện nguyên văn bài bút ký.
Phải nói 20 năm đã qua nhưng nội dung bài này vẫn là thời sự và những lo âu của tôi trước đây nay hiện nguyên hình với sự tác hại mà báo chí lề trái cũng như lề phải đồng loạt khám phá và đăng tải : bằng dỏm, lớp dỏm, liên kết dỏm tổ chức thành hệ thống !…
Sài gòn ngày 19/8/2010
BÚT KÝ CỦA MỘT NHÀ KHOA HỌC VIỆT KIỀU (Tiếp theo)
Tạp ghi 1.
Vâng, Sài gòn ngày nay có nhiều đổi thay.
Có người công an đổi ra làm chủ tiệm phở và cũng có người chủ gánh phở trở về làm chuyên gia!
Tôi đã nghe và đọc về thân phận của anh Vũ Đình Cung, người chuyên viên điều khiển không lưu tài ba của phi cảng Tân Sơn Nhất. Câu chuyện về anh rất được các giới sĩ phu trong nước bàn tán trong năm qua. Hãy nghe anh Cung nói về mình:
« … Khi cầm tờ giấy báo cho nghỉ việc, tôi vừa bất ngờ vừa không bất ngờ. Bởi vì là sau giải phóng thời gian hơn năm năm được lưu dụng, tôi đã rất nổ lực trong công việc, nhưng có lẽ điều này cũng chưa đủ sức để tạo một niềm tin! Sau gần ba mươi năm làm việc, giờ về nghỉ chưa biết phải làm gì, những tuần lễ đầu để khuây khỏa, tôi thường đạp xe đi thăm những người bạn cũ trước đây cùng đi học ngành không lưu tại Đài Bắc, tại Mỹ và sau này cùng làm việc chung. Cũng chẳng gần được mấy ai vì hầu hết đều đi ra nước ngoài… Một ít còn lại thì sống bằng đủ các nghề và cũng đang chờ ngày xuất cảnh. Họ an ủi và khuyên tôi nên chọn con đường như họ. Với tâm trạng lúc đó, lời khuyên ấy không thể không làm tôi suy nghĩ. Nhưng tôi đã không tính cách ra đi. Phải kiếm cách sống cho gia đình… Cuối cùng một người bà con đang buôn bán ở chợ An Đông gợi ý tôi xuống đó mở một xe phở bán thử. Bỗng dưng trở thành anh bán phở, ngày ngày mang chiếc xe đạp, dề trắng trước ngực, lặt rau, rửa tô, dọn bát tới lui giòn rã chào mời…
Thời gian trôi đi, tưởng đâu đã yên ổn suốt đời với chiếc xe phở thì bỗng một hôm đọc trên báo thấy có một bài viết về chuyện của mình, người viết là một đồng nghiệp trẻ cũ. Tôi ứa nước mắt, hóa ra vẫn còn người nhớ đến mình! … Sau đó khoảng chừng nữa tháng, một hôm tôi vừa ở chợ An Đông về thì có một vị ở Tổng cục Hàng không đến nhà thăm và ngỏ ý mời tôi vào làm việc trở lại. Tôi hết sức phân vân, một sự e dè lẫn chút tự ái trong tâm trạng… Sau bao đêm trằn trọc, hình ảnh chiếc xe phở thân quen đã giúp gia đình tôi qua những ngày lao đao… cùng bầu trời xanh… những cánh bay màu trắng làm tôi chập chờn trong giấc ngủ. Có một điều gì sâu thâm tự đáy lòng nhắc nhở tôi hãy đừng vì một điều gì cả mà hãy vì quê hương còn nghèo khó của chúng ta. Ngày 15.3.1988, mất đi gần mười năm, tôi đã trở lại nơi làm việc cũ. Tôi được biết là trong thời gian qua, Tổng cục Hàng không phải mướn chuyên gia nước ngoài sang huấn luyện, hằng tháng phải trả cho mỗi người từ sáu ngàn đến tám ngàn đô-la!... Tôi tiếp tục công việc tại đài chỉ huy sân bay, hằng ngày huấn luyện nâng cấp cho các kiểm soát viên, dạy nghiệp vụ tại trường Hàng không và viết tài liệu huấn luyện… Lương hàng tháng tám mươi ngàn đồng tất nhiên không thể nào bằng tiền lời của một tháng bán phở, nhưng nó có một giá trị khác… ».
Vâng, đất nước chúng ta ngày nay vẫn còn lại những hình ảnh tiêu biểu mới, lời nói cởi hết tấm lòng, chân thành và cảm động. Nhưng khắc nghiệt thay những tấm lòng ấy, những tài ba ấy chưa có địa vị xứng đáng trên đất nước họ, trong ngành nghề chuyên môn của họ. Họ mới "được phép" hành nghề thế thôi, làm gì so sánh được với các chuyên gia chánh trị của nền chuyên chính vô sản !
Tạp ghi 2.
Anh Cẩn bạn tôi phải đạp xích lô để kiếm ăn qua ngày, anh Vũ Đình Cung người chuyên viên tài giỏi phải đi bán phở để sống, tôi tự hỏi còn biết bao nhiêu chất xám khác còn ở lại Việt Nam đã bị mai một qua thời gian? Và ngay cả khi được nhà nước lưu dụng, chắc gì cuộc sống tối thiểu của những vốn quí kia được đảm bảo? Những ngày ở Sài gòn tôi thường nghe một nghịch lý không mường tượng ra nổi: Cậu bé vá ruột xe đạp trên lề đường ngày nay thâu nhập khá hơn lương chánh thức của một nhà giải phẫu ruột cho con người !
Nghĩ đến các nhà giải phẫu Việt Nam không thể không nhắc đến "hạnh phúc muộn màng" của những nhà thầy thuốc của ca mổ tách cơ thể hai cháu Việt – Đức, một thành tựu khoa học có tầm mức quốc tế thực hiện tại Sài Gòn trong tháng 10 năm qua (1988), hạnh phúc muộn màng vì những nhà giải phẫu này được đào tạo trong chế độ cũ đã chờ đợi bao năm mới có được chỗ đứng trong chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hãy để bác sĩ huyết học Nguyễn Văn Bình kể chuyện mình [2] :
"Làm thế nào à… từ lúc đi học tập cải tạo về, để không lạc hậu với thế giới huyết học bên ngoài, tôi phải chèo chống, xoay xở đủ các kiểu. Thí dụ mỗi lần có đồng nghiệp nước ngoài đến trung tâm, tôi bám sát họ, trao đổi vặn vẹo, moi móc xem ngành huyết học của họ đang làm những gì, có giống mình không… Hoặc tìm đến thư viện để đọc tài liệu cho đỡ tủi... ».
Hay bác sĩ Ngô Tôn Liên, chỉ huy kíp gây mê gồm mười lăm chuyên viên trẻ :
" (Các chuyên viên trẻ)… tâm sự với tôi: Thưa thầy, đâu phải tụi em không biết rằng mỗi bác sĩ phải là sinh viên trong suốt cuộc đời, nhưng tụi em còn biết làm sao đây, tài liệu nước ngoài mắc quá, đồng lương của tụi em lo ngày hai bữa chưa đủ lấy chi mua sách. Nghe các em nói thương mà lòng trào nước mắt".
Còn bác sĩ Võ Văn Thành phụ trách tách xương làm thơ tặng vợ sau mười lăm năm chung sống :
"Mười lăm năm chung sống
Làm phật ý em nhiều
Lòng băng khoăn tự hỏi
Biết anh còn đáng yêu
. . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Lòng anh thôi đã chọn
Nơi này làm quê hương
Dẫu nhọc nhằn đau khổ
Dẫu nơi này khó khăn
. . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Hương Ngọc Lan vẫn tỏa
Bình dị giữa đêm thanh
Trong tình yêu xứ sở
Có em và có anh…"
Vâng, vẫn còn nhiều, còn đông ở quê hương chúng ta những người tài, những người hiền, những người tử tế. Có vết thương trong lòng họ chỉ có thể có được niềm an ủi của những buổi "hạnh phúc muộn màn", nhưng thân phận của họ không phải là điều làm cho tôi lạc quan hôm nay. Đây cũng là nỗi lo ngại thấm thía của nhà soạn kịch tài ba vừa quá cố, Lưu Quang Vũ qua trang viết cuối cùng của bản kịch "CHIM SÂM CẦM KHÔNG CHẾT" [3] :
"… Có lẽ cái gì quí thì ngày càng hiếm, càng ít dần như giống lúa Tám thơm, thứ vải làng Quang, không khéo rồi mất hẳn, loài cà cuống không còn, do đồng ruộng bón nhiều thuốc sâu, hoặc do bị bắt đến diệt giống. Cái quí, cái đẹp thường khó sống, hoa Thủy tiên dễ chết, cỏ gấu gà nảy nở khắp nơi. Lẽ đời là thế…"
Tạp ghi 3.
Không thể được, không thể có phát triển kinh tế, tiến bộ kỹ thuật nâng cao đời sống nếu nhà cầm quyền không trân trọng sử dụng những chuyên gia, thức giả biết việc, biết làm, nếu không đặt để họ ở những vị trí thật sự có trách nhiệm, có quyết đoán. Mà trân trọng sử dụng chất xám phải chăng trước tiên là chất xám sở tại, có mặt tại Việt Nam. Vì rằng hơn ai hết họ nắm rõ môi trường cụ thể của địa bàn Việt Nam. Sử dụng chất xám một cách trân trọng đúng nghĩa là không câu nệ, không thành kiến, không lý lịch phiền hà, không phân biệt quá khứ, thành phần, không hỏi tra từ đâu về, từ đâu đến…
Sử dụng chất xám đúng đắn cần mẫn không nhầm lẫn người có bằng cấp và người biết việc, biết làm. Thật vậy, có thể có trường hợp bằng cấp cao nhưng vào kỹ thuật chưa quen nghề, chưa biết việc. Ngược lại có trường hợp biết làm thực hành nhưng không được theo đuổi học trình nên thiếu bằng cấp cao. Trong một nước chưa có cơ sở kỹ thuật, kỹ nghệ hiện đại, theo thiển ý của tôi, nên ưu tiên cho người biết việc để đáp ứng hiệu năng sản xuất. Chuyên viên quốc tế cũng rất cần thiết nhưng họ không làm gì được nếu không có chuyên viên sở tại điều hành đúng mức, theo dõi thường xuyên, quyết đoán công việc cụ thể.
Chuyên viên, kỹ thuật gia, người trí thức có yêu cầu ưu tiên không thể không có được là không khí cởi mở, dân chủ, có điều kiện phát biểu ý kiến tự do, tôn trọng sự thật, tôn trọng cái hay, cái đẹp, cái đạo lý. Trong một khung cảnh như vậy, vàng thau mới không lẫn lộn, chánh tà mới được phân biệt và những tệ đoạn trù dập, bao che, trấn áp, bảo thủ, hẹp hòi, trục lợi, trục quyền, sẽ dần dần lui vào bóng tối. Và tôi thẳng thắn đề nghị bãi bỏ quan điểm giai cấp công nhân hẹp hòi loại trừ chuyên gia trí thức ra ngoài giá trị tiên tiến trong xã hội, gây ra những sứt mẻ, mặc cảm phi lý vì nói cho cùng người kỹ sư, vị bác sĩ, nhà văn học là những người lao động, người thợ có học trình dài, có năng khiếu, có trí thức rộng, là những đầu tàu của thời đại phát triển kinh tế, kiến thiết mở mang đất nước trong kỹ nguyên hòa bình ngày nay.
Tôi cũng đề nghị cho về nghỉ ăn lương hưu trí những cán bộ bàn giấy đã không biết việc lại chẳng có kiến thức văn hóa, kỹ thuật, ngày ngày chỉ lặp đi lặp lại những chỉ thị cứng nhắc, những nguyên tắc cũ rích, những nề nếp chậm tiến, không làm được gì còn trù dập ngăn cản, chèn chia địa vị, làm nản lòng người có thiện chí. Quan điểm "vừa làm vừa học" đang bị lớp người kia lợi dụng cho lợi ích cá nhân, bè nhóm phe phái họ. Bởi vì phải thành thật mà nói rằng quan điểm này không có gì là kinh tế và rất nguy hiểm cho chính trị nếu nhìn xa. Thật thế, phải học, phải biết việc trước mới làm được việc. Làm được việc qua kinh nghiệm mới làm giỏi hơn. Không học gì cả mà vẫn muốn làm thì chắc chắn là làm không khá, làm sai, mất công, tốn của, phí thì giờ, chẳng đem lại được gì cho xã hội. Bởi vì đã làm sai thì chỉ có kinh nghiệm của chuyện làm sai, làm sao thấm thía được kinh nghiệm của cách làm đúng. Bởi vì hể sai thì có thể tại trăm, ngàn lý do mà đúng thì chỉ có một cách thôi ! Ngoài ra, đã làm bậy mà vẫn tiếp tục làm, vẫn có vị trí chủ động, có tài khoản, vẫn sai khiến được người khác thì xã hội còn gì là đạo lý, công bằng, đất nước còn gì là xây dựng, phát triển… Tại sao một người lái xe tầm thường trên đường phố Sài gòn phải có bằng cấp nghĩa là phải học lái, phải thực hành trước, trong lúc một ông giám đốc xí nghiệp, cơ quan, vụ trưởng sự vụ lại không cần học lực, không cần chuyên môn, không cần hiểu biết !
Gần đây, những cơ sở đại học, trường cao đẳng đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh đã có phần nào tính tự quản về tài chánh, về giao dịch bên ngoài. Nhiều trường đại học tự bầu ra Hiệu trưởng. Tính tự quản về nhân sự, chọn lựa cán bộ giảng dạy, chọn lựa sinh viên giỏi gởi đi du học là điều rất quan trọng. Thật thế, tự quản về nhân sự là điều kiện cơ bản cho chất lượng của nền giáo dục. Chọn lựa một cán bộ giảng dạy của một ngành phải qua xét đoán của những bậc đàn anh, kinh nghiệm hơn, có tăm tiếng trong nước hay quốc tế trong ngành đó. Chánh quyền chỉ có việc chuẩn y đề nghị của hội đồng quản trị cơ sở chứ không thể xen ý kiến vào với bất cứ giá nào. Không lẽ chọn một giáo sư ngành điện lại phải qua quyết định của đảng bộ gồm mấy vị thợ điện đảng viên bỏ nghề mấy chục năm nay !
Tạp ghi 4.
Ngành cơ học toán tính chất rắn của tôi trong thập niên sáu mươi có phát giác ra một nguyên lý thực tiễn sau đây. Muốn giải đáp những bài toán phức tạp của những môi trường liên tục ta có hai phương thức chọn mô hình đối ngẫu với nhau: mô hình tĩnh thiên về cân bằng và mô hình động thiên về thích nghi. Khi đã chọn lựa mô hình đúng nguyên tắc rồi thì giải đáp gần đúng tương ứng sẽ tiệm cận giải đáp chính xác với điều kiện là độ tự do của toàn bộ mô hình thể hiện thực tế ngày càng tăng lên. Nhiều khi ngẫm nghĩ thử tái tạo lý luận suy diễn vào môi trường xã hội loài người thấy cũng không phải hoàn toàn phi lý. Tổ chức xã hội chủ nghĩa, ít ra từ những buổi sơ khai, tương đương với mô hình tĩnh. Nó thiên về tính công bằng và tuyệt đối công bằng chưa phải là giải pháp lý tưởng bởi vì áp dụng một cách độc đoán những biện pháp bình quân tập thể sẽ dẫn đến sự khô cứng của xã hội, bóp chết dân chủ, xâm phạm tự do cá nhân, điều kiện của sự phát triển hài hòa của xã hội. Tổ chức xã hội tư bản tương đương với mô hình động. Nó thiên về dân chủ và có dân chủ không có nghĩa là đã đảm bảo được công bằng, tự do vì dân chủ quá trớn sẽ dẫn đến tình trạng vô chánh phủ, vô tổ chức, bất công xã hội… Sự lựa chọn một trong hai mô hình không thành vấn đề, cái quan trọng là tạo điều kiện để các thành viên trong xã hội ngày càng thêm có tự do trong sinh hoạt văn hóa, kinh tế, chính trị điều kiện căn bản cho việc gặt hái những kết quả của lao động, đưa xã hội phát triển, tiến lên ngày càng gần lại xã hội lý tưởng… Tóm lại, theo suy diễn ấy, có dân chủ mà không có tự do thì không đảm bảo được công bằng, có công bằng mà không có tự do thì không thể thực hiện được dân chủ.
Ở Việt Nam ngày nay, việc căn bản và cấp bách của công cuộc đổi mới là mở rộng tự do: kinh doanh, ngôn luận, báo chí, hội họp, đi lại, lập hội lập đảng, vân vân…
Tổ chức phát động một cách thích nghi tự do cá nhân, tự do tập thể là điều kiện đưa đến mở rộng dân chủ, thay đổi cơ chế, thoát ra khỏi những bế tắc, khô cứng, cằn cỗi bấy lâu.
Tạp ghi 5.
Cao trào đổi mới, mở rộng dân chủ, công khai thông tin, nói lên sự thật, ngay những sự thật cay đắng nhất, đau đớn nhất phát động từ năm 86 đã mở một kỷ nguyên mới cho xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chính nét dũng cảm này của Đảng Cộng sản đã giúp thâu phục lại phần nào lòng tin của nhân dân, đặc biệt là giới tri thức.
Vụ cách chức Nguyên Ngọc, Tổng biên tập báo Văn Nghệ, việc phong trào nói thẳng, nói thật của báo chí bị khựng lại, việc can thiệp gần đây của các vị lãnh đạo nhằm uốn nén đường lối văn nghệ theo sơ đồ cũ làm cho có cảm tưởng rằng lực lượng bảo thủ, trì trệ, địa vị, công thần, cục bộ trong đảng tuy không đông nhưng vẫn còn giữ những vị trí trọng yếu và công việc phát triển kinh tế, chỉnh đốn chính trị sẽ còn lắm chông gai !
Vâng, Sài gòn hôm nay có nhiều đổi thay. Tuy nhiên công cuộc đổi mới có gì không đồng điệu, lại toát ra nét gượng gạo, ngập ngừng và có thể nói đang khựng lại tại chỗ. Buông cái cũ không nở, mở cái mới lại không xong. Ở Sài Gòn những ngày Tết Kỷ-Tỵ năm qua, tôi có cảm tưởng Việt Nam ngày nay như một con tàu đang vượt qua biển lớn. Sóng gió dữ dội, bánh lái tàu quá nặng, bộ máy tàu lại cồng kềng choán hết chỗ, khách đi phải nép sát vào nhau, không cách di động, hết phương cựa quậy! Vị hoa tiêu lại nhắm hướng theo cái la bàn quá cũ mua từ thế kỷ trước, kim chỉ hướng mờ mờ ảo ảo, không biết đâu mà rờ! Thậm chí cũng không đánh giá đúng cảnh huống hiểm nghèo sóng cao, gió lớn, không biết rõ vị trí hiện tại của con tàu, địa hình địa vật chung quanh, cứ việc nổ máy cho to, cho nhanh, cho mạnh, cho vững chắc tinh thần, nhưng thật ra tàu đi vòng vo tam quốc, không biết chừng nào mới thấy bờ! Hành khách đã lỡ lên tàu phải liều lĩnh phóng xuống biển xanh mong lội thoát lên tàu khác. Vị hoa tiêu vừa cáu tiết, vừa hoảng hốt cứ nghĩ giản dị là thay dầu bằng xăng "super" thì mọi chuyện đều xong. Khốn nỗi không chóng thì chầy bị đốt nóng quá sức chịu đựng, máy sẽ bị lột dên hay nổ tung gây ra thảm họa, thiệt người, mất của chứ chẳng không !
Ngày trước trong những năm áp dụng chánh sách tả khuynh, giáo điều, chất chứa nhiều phương thức thô bạo học hỏi từ chủ nghĩa Mao, chủ nghĩa Staline thì tiếp thu nhanh và thực hành lẹ lắm. Nào ban cải tạo trung ương, ban cải cách địa phương, ban kiểm tra, ban chỉnh huấn vân vân… đi từng khu phố, từng làng xã, từng quận lỵ phân lọc, tố giác, tiêu diệt vân vân… Ngày nay đổi mới sao có gì rụt rè, chập chửng, nửa tối, nửa sáng. Thật vậy, tìm mãi không thấy ban tham mưu nào đưa ra đường lối rõ rệt, không thấy ai trong vị trí lãnh đạo đặt ra những vấn đề cốt lõi làm nền tảng chiến lược cho công cuộc đổi mới. Vài bài viết, đôi lời phát biểu, lúc thì hâm hâm nóng lúc thì lạnh như tiền, lắm khi trống đánh xui kèn thổi ngược, trước sau mâu thuẫn của các vị lãnh đạo, tôi có cảm tưởng như những con én đứt đuôi, gãy cánh, không tài nào đem lại ngọn gió xuân đừng nói chi đến việc thể hiện chiến thuật, chiến lược trước mắt và lâu dài của công cuộc đổi mới !
Hiện tượng khủng hoảng của trí tuệ, khan hiếm của trí tuệ hay lẫn tránh của trí tuệ trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản ?
Dĩ nhiên là rất khó đọc được ở Sài Gòn những suy nghĩ đổi mới có tầm mức của những nhà lãnh đạo Liên Xô, chẳng hạn như của ông Alexandre Iakovlev [4] :
"… Chỉ có kẻ yếu hèn mới sống bằng huyền thoại, bằng dốt nát… Phải nói sự thật về quá khứ bởi vì quá khứ là kim chỉ nam của tương lai. Nếu chúng ta không có dũng khí để suy niệm về con đường đã đi qua, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trước mắt ! Viết lại cho trọn vẹn những trang giấy trắng của lịch sử là làm một công việc đầy cay đắng và đau thương. Thực hiện việc này cần những bàn tay trong sạch, những thái độ đạo đức không khoan nhượng, những lập trường khách quan khoa học, và cần không nên nóng vội… Thói quen nghi kỵ người tri thức, nề nếp ức đoán đổ tội cho họ là những di sản dứt khoát chúng ta phải gạt bỏ hôm nay…"
Tạp ghi 6.
Nét rõ nhất hiện nay ở Việt Nam là chánh sách đổi mới về kinh tế, chánh sách mở cửa giao tế với bên ngoài đặc biệt là với người Việt ở hải ngoại. Cũng dễ hiểu thôi, bởi vì sau mười mấy năm thất bại triền miên về kinh tế, mức sống người dân đã đi đến chỗ cùng cực trong những năm tám mươi, việc thay đổi chánh sách kinh tế là vấn đề sống còn, cơm áo, không những của người dân mà của những người khác ngồi bàn giấy chỉ tay năm ngón, sống dựa trên sức lao động sản xuất trực tiếp của người dân. Rất tiếc là để thoát ra bối cảnh thê thảm "nhân dân giả vờ làm việc, cán bộ giả vờ làm báo cáo, nhà nước giả vờ trả tiền lương", việc đổi mới chỉ dừng lại ở những biện pháp đơn thuần hành chánh : "cho phép", "cho nhập", "cho đi về", "thôi không cho", vân vân…
Trước những tệ nạn chợ đen hoành hành, những thảm trạng bè nhóm phe phái dựa quyền cậy thế công ty ăn mánh ăn ký với nhau trong vòng "bí mật", trước hiện tượng cường hào, ác bá mới đang nổi lên ở thôn quê, trước những lỗ trống khổng lồ của ngân khố nhà nước, trước sự kiệt quệ trầm trọng của xã hội công cuộc đổi mới tất phải đòi hỏinhững giải pháp đích thực còn là những trái cấm, còn vướng đọng đâu đây trong vòng cấm địa của tâm tư những vị lãnh đạo Việt Nam hiện nay, rất kiên cường suốt cuộc đời mình vì cách mạng, nhưng ngạc nhiên thay, rất thiếu can đảm trước những huyền thoại, những không tưởng, những giáo điều hằn sâu trong ký ức từ ngày thoát ly đi theo lý tưởng và vẫn đeo đuổi họ ròng rả mấy thập niên nằm gai, nếm mật ở bưng biền !
Thật vậy, đổi mới thật tâm đòi hỏi một sự táo bạo về chánh trị và một cuộc cách mạng của tư duy.
Bởi vì đổi mới đòi hỏi trả lời thẳng thắn những câu hỏi bức thiết sau đây :
- Dân chủ, tự do, công bằng, quyền làm người, làm công dân, xã hội đa cực phải chăng là giá trị căn bản của xã hội loài người hay chỉ là đồ trang sức của thực dân, đế quốc ?
- Nhà nước pháp trị, cơ chế phân quyền, có đối trọng, đối lập là yêu cầu tất yếu của một nhà nước tiên tiến hay chỉ là sản phẩm xa xỉ của chế độ tư sản thối nát suy đồi ?
- Tự do kinh doanh trong luật lệ, cạnh tranh thị trường trong khung cảnh lành mạnh phải chăng là những phạm trù cần thiết của một nền kinh tế năng động hay chỉ là mầm mống xấu xa của xã hội tư bản người bóc lột người ?
Tạp ghi 7.
Việt Nam ngày nay là ốc đảo nghèo đói trong khung cảnh Đông-Á-Thái-Bình-Dương đang phát triển nhảy vọt trên con đường thịnh vượng giàu sang.
Tìm ra câu giải đáp nghiêm chỉnh và hợp lý, hợp tình cho những câu hỏi trên là khai phá thêm cho mình vùng đất màu mỡ tốt tươi của loài người, là đoạn tuyệt với con đường mòn không lối thoát, là trước hết, làm vơi đi phần nào trách nhiệm lịch sử trước sự kiện đau lòng ấy của đất nước hôm nay.
Tôi xin mượn lời ông Alexandre Iakovlev thay cho lời kết [5] :
"Lịch sử đã qua khó lòng đổi khác được nhưng chúng ta có thể đổi mới được khi đã nhận thức rằng bạo lực chỉ kéo theo bạo lực, rằng con người tự do không thể đào tạo bằng roi, bằng vọt, rằng người cách mạng chân chính không thần thánh hóa cách mạng mà chính là những người biết làm cách mạng khi cần, biết thi hành cải cách khi thực tế đòi hỏi.
Và trong thời điểm hôm nay, thực hiện cách mạng tư duy là con đường duy nhất cho phép chúng ta thoát ra khỏi cảnh gian trá thường xuyên, ra khỏi nếp sống mất niềm tin và phi đạo lý. Vâng, cách mạng tư duy chân thật là hoài bảo của công cuộc đổi mới và sự nghiệp lịch sử ấy không dễ gì thực hiện một sớm một chiều…"
Thư mục.
1. Cao Vũ Huy Miên, "Điều lẽ không nhắc đến trong mùa xuân", Sài gòn Giải phóng – Xuân Kỷ-Tỵ, trang 12 (1989).
2. Minh Thu, "Hạnh phúc muộn màng", Tuổi Trẻ – Xuân Kỷ-Tỵ, trang 13 (1989).
3. Lưu Quang Vũ, "Chim Sa Cầm không chết", Cảnh 1, Tuổi Trẻ – Xuân Kỷ-Tỵ, trang 24 (1989)
4. A. Iakovlev, Bài phát biểu đọc ở Lituanie, đăng lại trong Sovietskaia, ngày 16.8.88
5. A. Iakovlev, Bài phát biểu tại "Journée du Bicentenaire à Moscou", ngày 11.7.89

BÚT KÝ CỦA GS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG - Phần 3


Lời dẫn của GS. Nguyễn Đăng Hưng:
Tháng tư 2005 nhà báo Trường Kiên, chủ trương trang điện tử Vietnamnet-Người Viễn Xứ có yêu cầu tôi viết tiếp những cảm nghĩ của tôi sau hai bài bút ký đã xuất bản năm 1989 vừa mới đăng trên Blog Nguyễn Xuân Diện tháng 8/2010 vừa qua. Tôi đã ghi lại suy tư của mình 16 năm sau, chắp nối với những bối cảnh khác, nhân kỷ niệm 30 năm sau ngày hòa bình thống nhất!
Casablanca, 2 tháng 4 năm 2005…
Thối thoát mãi không được, cuối cùng tôi chọn tháng 4, nhân dịp lễ Phục Sinh tại Bỉ để đi thỉnh giảng cao học tại đây trong khuôn khổ một hợp tác Bỉ&Maroc do một đồng nghiệp trường Đại học Bách khoa Mons, tổ chức. Đã khá lâu, Việt Nam chiếm gần hết thời gian của tôi…
Tôi ngồi viết những giòng này trong một Cyber-Café, Casablanca, Maroc…
Tiếng người đọc kinh Coran phát đi từ giáo đường bên cạnh vang dội đến tôi như một cơn giông… Đã đến giờ cầu nguyện. Người Maroc rất ư là sùng đạo. Ở đây đạo với đời như quyện với nhau. Tuy nhiên, các vua của nước này đã có những chánh sách rất khôn khéo, tránh được cho vương quốc này lâm vào những thãm cảnh giáo điều cực đoan như những nước Hồi giáo khác ở Bắc Phi như Algérie, Soudan, Libye…
Cũng như Việt nam, Maroc là một thuộc địa cũ của Pháp. Họ đã có nhiều may mắn hơn ta. Vua Mohamed V, một vị vua yên nước đã từng bị lưu đày như vua Duy Tân của ta, đã được chánh phủ Pháp giao lại chủ quyền (1956) mà không phải đổ máu… Sau thất bại Điện Biên Phủ, người Pháp đã thâu thập được những bài học quý báu. Các nước thuộc Pháp như Maroc, Tunisie là đã thu hồi được độc lập mà không tốn một giọt máu, trừ Algérie. Tại đây, Pháp sẽ phải gánh chịu những cay đắng cay thất bại khác vì chánh sách thực dân không cứu chữa được của mình…
Phải nói vua Maroc Hassan II đã phần nào thành công tuy đã phải cai trị nước Maroc trong một thời gian dài bằng bàn tay sắt, dựa trên một chủ nghĩa phong kiến toàn trị rất ư hà khắc. Ngày nay, nước Maroc có thu nhập bình quân tốt, có một nền kinh tế đáng kể và cuộc sống người dân Maroc không đến nỗi quá tụt hậu : 1200 USD/người.
GSTS Bousshine, đối tác của chúng tôi tại Maroc, đang giảng dạy tại trường Cao đẳng Cơ điện và Cơ xây dựng Hassan II, Casablanca, thường hay dùng xe riêng tạt qua khách sạn, chở tôi đi giảng dạy mỗi ngày. Ông này chính là học trò đã làm luận án dưới sự hướng của một học trò cũ của tôi người Pháp, GSTS de Saxcé, nay đã bỏ Mons sang giảng dạy tại ĐH Lille, Pháp.
Thấy cảnh sát Maroc ăn mặt rất đẹp và rất nghiêm chỉnh trong việc gìn giữ trật tự lưu thông thành phố, tôi hỏi ông:
- Vậy cảnh sát ở đây có tham nhũng không, có nhận tiền nhét túi khống không ?
- Có chứ, trước đây khá phổ biến. Nhưng vua Hassan II trong một tuần đã dẹp sạch. Trong một đợt kiểm tra, nhà vua cho người giả dạng thường dân bắt quả tang các cảnh sát công an xấu và sa thải ngay tức khắc hàng loạt những kẻ xấu này…
Gần đây, sau khi Hassan II mất đi, một thái tử trẻ đã được lên ngôi kế vị, vua Mohamed VI. Vị vua này đã hủy bỏ hầu hết những chính sách hà khắc và đã đem lại lòng tin cũng như cuộc sống tự do thoải mái cho người dân Maroc… Maroc đang trên đường thực hiện một lộ trình dân chủ lập hiến, tương tự như những vương quốc dân chủ tại Châu Âu như Anh, Hà Lan, Thụy Điển, Bỉ…
Việc đầu tiên nhà vua làm là bãi chức vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ nỗi tiếng là hung ác và mở cửa cho các cung nữ của vua cha, cho phép họ trở về với đời thường và có thể tái giá…
Marrakech, 5/4/2005
Một nhà báo viết e-mail cho tôi, có nhã ý mời tôi viết lại những cảm nghĩ của tôi về sự kiện 30/4/1975 nhân ngày kỷ niệm 30 năm sắp đến… Quả là không thể thoát khỏi Việt Nam!
Đã 30 năm, một khoảng thời gian dài! Ngày lịch sử 30/4/1975 đã còn lại gì trong tôi?
Điều còn lại đối với tôi hôm nay chính là ngày hoà bình và thống nhất.
Thật vậy, ngày ấy đánh dấu thời điểm giang san đất Việt trở về một mối, tiếng súng đã ngừng sau hai cuộc chiến tranh ác liệt kéo dài cũng gần 30 năm.
Qua thời gian, tôi nghiệm thấy đối với tôi có một 30/4 và có một hậu 30/4, kéo dài cho đến Đại VI của Đảng cộng sản Việt Nam, ngày ra đời cũa những chánh sách đổi mới để đạt được những thành quả liên tục hôm nay mà bạn bè quốc tế ai cũng đồng tình than phục!
Tôi nhớ lại ngày ấy tôi đang ở Milano nước Ý. Là một nghiên cứu sinh còn non trẻ, tôi đã rất hãnh diện được GS G. Maier, khoa trưởng khoa Cơ học Cấu trúc trường ĐH Bách Khoa Leonardo di Vinci, mời sang Ý trao đổi khoa học và viết cùng ông một bài báo khoa học. Ngay hôm sau biến cố 30/4, ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5, tôi đã chứng kiến sự xuất hiện của cả thành phố Milano xuống đường ăn mừng Việt Nam chiến thắng. Quả là một đại ngàn như vô tận cờ xí ngợp trời, sáng chói đỏ cả thành phố!
Vâng, đã nhiều năm trước 30/4/75, tôi đã có những giấc mơ về một ngày hoà bình thống nhất về những ngọn cờ hồng vang dội núi sông.
Vâng, ngày ấy tôi đã có những niềm vui gần ngày như tột cùng, như giấc mộng triền miên thành hiện thực…
Nhưng qua thời gian những gì còn sót lại trong tôi sau 30 năm ?
Đối với tôi có một 30 tháng tư và những năm tháng sau đó, những năm tháng mà tôi không ngờ được trước.
Vâng, sau những ngày vui khá ngắn ngủi tôi lại có những nỗi đau gần như bất tận!
Nhưng hôm nay mọi chuyện đã dần dần ngui ngoai. Thời gian 30 năm đã làm người ta tỉnh táo hơn khi nhìn từ xa sự việc đã xảy ra.
Tôi lật lại những chương bút ký cũ, viết đã khá lâu…
Những trang viết cũ đã 16 năm nhưng còn y nguyên tính thời sự, có bối cảnh tại Việt Nam, tại Bỉ, tại Congo. Sau các bối cảnh là những tạp ghi.
Tp HCM 15/4/2005
Tôi lại về Việt nam sau những ngày ở Maroc, lại tiếp tục công việc giảng dạy Cao học tại các trường ĐH Báck khoa. Thành phố đang nhộn nhịp chuẩn bị kỷ niệm 30 năm giải phóng…Những cuộc Hội thảo đã được tổ chức, những đánh giá về cuộc chiến có rất nhiều, những nhân chứng đã viết lại những mẩu chuyện rất là sinh động…
Câu hỏi của nhà báo làm tôi miên mang suy nghĩ suốt chuyến đi. Đâu là cảm nhận của tôi về bài học lịch sử này…
Tôi rất trân trọng và tâm đắt với lời phát biểu gần đây của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, "nhìn lại quá trình kể từ khi kết thúc chiến tranh thì tôi thấy tiếc. Giá như đổi mới sớm hơn thì chúng ta có thể đã không phải trải qua những năm trả giá đắt như giai đoạn 1975-1985". Đấy là bài học mà tôi muốn ghi lại ngày hôm nay. Đó là những đúc kết trung thực và quý báu.
Bạn bè quốc tế có người đã bảo 30/4/75 là chiến thắng của lương tâm con người trước sự tàn bạo của khí giới tối tân phi nhân. Điều này rất đúng nhưng bài học hậu 30/4 gợi cho tôi thêm một ý là chiến thắng khó nhất là chiến thắng chính mình, chiến thắng và “tránh xa sự tự mãn, tránh xa bệnh say sưa thành tích” như lời cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, chiến thắng lòng cừu hận, chiến thắng trong tinh thần bao dung, hoà bình…
Nhắc lại những kỷ niệm cũ không phải để bài bác mà để tâm niệm về những gì đã qua, rút ra kinh nghiệm cần thiết cho vịêc vận hành tương lai, tránh cho những chuyện không hay có thể tái phát.
Tôi xin ghi thêm là sau 30 năm, điều khó nhất nhưng cần nhất là nhìn thẳng vào sự thực, nhận thức rõ những bài học đắng cay, xác định dứt khoát và gạt bỏ những cái không hay. Thật vậy, nếu ta lấp lửng, bỏ qua thì có ngày những thứ ấy sẽ quay trở lại lúc nào không biết. Lịch sử cận đại của Việt Nam không thiếu tình trạng lặp lại đáng tiếc này.
Xu thế đoàn kết toàn dân, phát huy thế mạnh của dân tộc để hội nhập và phát triển vững bền, thực hiện những mục tiêu đã đề ra như công bằng, dân chủ, phú cường, cần sự ổn định của những trái tim, lòng tin của mọi người Việt Nam vào một tương lai xán lạn…

BÚT KÝ CỦA GS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG - Phần 4

Lời dẫn của GS Nguyễn Đăng Hưng:
Tháng sáu năm 1997 tôi đi tham dự Hội thảo tại thành phố Luleå, Thụy Điển về đề tài “Kỹ thuật tính toán mô hình dùng cho công nghệ vật liệu” (Modeling techniques for materials science and engineering) do Liên Hiệp Châu Âu tổ chức và tài trợ. Đây là sinh hoạt khoa học trong khuôn khổ hành động COST-Action 512 (European Cooperation in Science and Technology) một chương trình triển khai trong 5 năm, dùng cho việc khuyến khích các Trung tâm nghiên cứu của 20 nước Châu Âu hợp tác với nhau về ngành này. Trưởng ban tổ chức là GS Lars-Erik Lingren, Đại học công nghệ Luleå, phó chủ nhiệm nhóm nghiên cứu IV về “Mô phỏng luật ứng xử vật liệu mới” mà tôi là chủ nhiệm. Tôi đã từng mời đồng nghiệp này về tham gia giảng dạy lớp cao học thạc sỹ do tôi đề xướng và triển khai tại ĐH Bách khoa Hà Nội (MCMC, 1998-2008).
Luleå là một thành phố nằm gần cực Bắc, trên cả vĩ tuyến 65.
Ngày cuối cùng của Hội thảo là một đêm liên hoan dạ tiệc được tổ chức trên một đồi thông bạt ngàn có nhiều hồ nước lấp lánh, trong ngần, đầy ấp thủy sản của vùng cực Bắc.
Tháng sáu mùa hè, ngày kéo dài cả đêm, ánh sáng mặt trời không bao giờ tắt. Chúng tôi, những nhà khoa học, mãi mê dạo chơi chung quanh các hồ, thỉnh thoảng thả cần câu cá đến mệt mới thôi. Được con nào là đem về lửa trại nướng chia nhau ăn, rồi cùng nhau uống rượu chuyện trò thâu đêm. Ban tổ chức cũng dành cho chúng tôi những căn phòng riêng gần đó nếu quá mệt thì đi ngủ lấy sức để hôm sau lên đường về xứ.
Lạ thật, đêm-ngày ấy tôi không chợp được mắt và không hiểu tại sao tại một xứ xa xôi như vậy, trong những giây phút yên bình tuyệt đối như vậy, mà hình ảnh chiến tranh Việt Nam, hình ảnh thật mà tôi đã trực tiếp chứng kiến thuở ấu thơ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, cứ liên tục hiện về trong ký ức… Tôi đã phải ngồi lại bàn và ghi nhanh những lời sau đây dưới dạng thơ ca. Tôi xem đây cũng là một loại bút ký mà tôi đã đặt tên là:

Bức thư mùa hè

Cũng có dạo anh đi miền cực Bắc
Ngồi chờ đêm không thấy ngày qua
Hè đã về, nắng chiều không hề tắt
Trên những đồi thông hiu hắt gió ngàn
Anh ngồi đây nghe thấm đọng không gian
Không ngủ được. Ơi! Muôn vàn thương nhớ
Thương em ngày xưa, một mình vò võ
Gác nhỏ ngồi trông phố vắng ai về
Thương những con đường nắng gắt đồng quê
Bà dắt cháu thẫn thờ lên thăm mộ
Thương những cuộc đời qua rồi như chuyện cổ
Mà nỗi đau còn day dứt khôn nguôi
Cũng đã một lần, cũng những kiếp người
Đã sống cõi đời, đơn sơ bèo bọt
Vách đất, lều tranh, gió luồn, mưa giọt
Cậu bé ngày xưa lam lũ cút côi
Cậu bé thành người thì họ đã đi rồi
Không để lại, ngay những lời trăn trối
Đất nước hồi sinh, cuộc đời tiếp nối
Người thân yêu lưu lạc khắp địa cầu
Bè bạn xa rồi, không biết về đâu
Không biết hôm nay, ai còn ai mất
Nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn có thật
Nhưng mấy ai tả hết nỗi kinh hoàng
Riêng phần mình anh mang suốt thời gian
Ngay những tháng những ngày vui nhất
Đêm đã không về, ngày không buồn tắt
Viết mấy giòng thơ, giấc ngủ qua rồi
Thư nay đề: miền cực Bắc xa xôi
NGUYỄN ĐĂNG HƯNG
Lulea, Thụy Điển, 1997

Sau này tôi cũng đã thực hiện bản dịch ra tiếng Pháp theo yêu cầu của các con tôi :

Une lettre de l’été

Il m’est arrivé de me promener dans le Grand Nord,
Et j’attendais en vain la fin du jour
Car le rayon du soleil ne s’éteignait jamais, l’été est de retour
Sur les collines des pins bercés par le vent
J’entendais comme si l’espace se tord
Et tout le passé me revenait, comme un tourment
Et m’éloignait du sommeil
Je pensais aux temps où tu n’étais qu’un petit enfant
Tu restais seul à la maison dans cette ville béante
Où est maman? tu demandais d’une voix sans pareil!
Je pensais à ces sentiers de notre village, inondés de soleil
J’ai suivi grand-mère visiter des tombes des disparues
Je pensais à ces vies décousues
A ces existences simples et éphémères
A ces pluies, ces vents, ces boues autour de cette chaumière
Et mon coeur se serre comme une blessure mal soignée
Je pensais à ce petit orphelin élevé par ces gens
Et par miracle, il a grandi sans trop de mal
Et quand il commence à comprendre que la vie ait un sens
Ils sont tous partis sans laisser le moindre bruit
Maintenant la paix est revenue et la vie continue
Mais les proches se dispersaient à travers les quatre continents
Et les amis sont loin et on ne sait pas s’ils sont vivants
Oui la guerre est triste, une tristesse déconcertante
Mais qui peut décrire toutes ces détresses immenses?
En tout cas, moi je les portais comme un destin
Et même par chance, la vie parfois me sourit
Elles surgissent un jour comme aujourd’hui, un beau matin
Ne pouvant point dormir, je compose ces lignes
Et je note sur cette lettre : ici c’est le Grand Nord, le jour y est sans fin!
Traduction pour mes enfants,
Liège le 9 mars 2004
Nguyen Dang Hung

BÚT KÝ CỦA GS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG - Phần 5

Lời dẫn của GS Nguyễn Đăng Hưng:
Bắt đầu từ hè 2006 tôi thực hiện xong thủ tục hồi hường và trở về Việt Nam sinh sống. Trung tuần tháng ba năm 2007 vì nhận được nhiều cỗ vũ khuyến khích từ bè bạn Việt kiều, các học trò cao học của tôi tại Sài Gòn và sự ủng hộ nhiệt tình của Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài tại TP HCM, tôi ra ứng cử đại biểu QH khóa XII . Quyết định vào giờ chót sau một buổi họp tại Ủy ban nhưng vì lịch làm việc dày đặc, tôi phải bay ngay ra Hà Nội ngồi vào ghế Chủ nhiệm Hội đồng giám khảo buổi bảo vệ luận văn thạc sỹ Cao học Bỉ&Việt tại ĐH Bách khoa Hà Nội, tôi không có thời gian thực thi thủ tục hành chính thông thường. Nhưng từ Hà Nội tôi được cho hay là Sở Nội vụ TP HCM sẽ làm giúp tôi mọi thủ tục và chỉ cần đặt chữ ký vào hồ sơ, gởi về bằng fax là xong.
Thế là ngày hôm sau tin tôi ra ứng cử Quốc hội đã có trên trang nhất báo Tuổi Trẻ và Tiền Phong! Một thử thách hoàn toàn mới bắt đầu cho tôi. Bấy lâu nay tôi chỉ là một nhà giáo theo nghề dạy đại học ròng rã đã gần 40 năm.
Nhưng thủ tục chính thức hóa danh sách ứng cử ở Việt Nam khá phức tạp. Tôi phải qua tín nhiệm qua bán tại cơ sở công tác và địa bàn nơi tôi cư trú. Tại cơ sở công tác là doanh nghiệp tư nhân công nghệ thông tin và cơ khí Hưng Việt mà tôi là Giám đốc thì không có vấn đề. Căng nhất là khu phố vì tôi mới hồi hương cư trú tại Quận 9 TP HCM mới có một năm nay, chưa giao lưu quen biết với ai cả, trừ người trồng cây cảnh sân vườn nhà tôi. Nhưng tôi rất ngạc nhiên trong buổn họp cử tri khu phố, các đại diện nhân dân địa phương, các nhân sỹ hưu trí, các cán bộ lão thành đều biết tôi qua báo chí, các trang mạng… Và kết quả rất bất ngờ: tôi được ủng hộ 100% và ngay ngày hôm sau tin này được chính thức xác định trên báo Sài Gòn Giải Phóng.
Tôi bắt đầu thấy hãi! Nhỡ tôi được vào danh sách chính thức sau ngày hiệp thương đợt ba và được đắt cử thì việc gì sẽ xảy ra? Tôi không thể là nghị gật và chỉ là cá nhân nhỏ bé, một đại biểu riêng rẽ, tiếng nói của tôi sẽ không có ảnh hưởng gì cho việc đổi mới cơ chế và pháp luật. Và là người đã gần tuổi 70, tình trạng trên sẽ không tốt cho sức khỏe cá nhân. Tôi quyết định thảo một chương trình hành động và liên lạc ngay với một nhà báo thân quen để thực hiện một cuộc phỏng vấn và nhân tiện công bố chương trình này. Có lẽ tôi là ứng viên duy nhất công bố chương trình hành động trước ngày bầu cử tại Việt Nam. Tôi tự bảo nếu đảng cộng sản Việt Nam thấy chương trình này không có gì là nguy hiễm, khi đắt cử tôi sẽ hết mình vận động thực hiện những điều đã hứa trước với cử tri mà không phật lòng ai. Còn nếu họ thấy không hay, điều tôi phải chờ đợi là tên tôi sẽ không có trong danh sách cuối cùng...
Sau khi chương trình đuợc đăng tải trên Vietnamnet-Người Viễn Xứ, tôi như trút được niềm lo âu, ung dung lên đường trở qua Bỉ, gặp lại vợ con trong dịp 15 ngày nghĩ lễ Phục sinh tại Châu Âu. Tôi dự tính qua tháng 5 sẽ trở lại Việt cho kịp ngày bầu cử 20/5/2007. Nhân tiện ở Châu Âu, tôi cùng gia đình sang Bắc Phi, thực hiện chuyến đi thỉnh giảng Đại học tại Tunis, một dự tính đã hai năm nay còn bõ dở. Bút ký sau đây được viết trong bối cảnh trên. Cuối tháng tư trở về Bỉ, gởi bài đăng trên Vietnamnet-Người Viễn Xứ thì cùng một lúc trên THANH NIÊN online, tôi đọc được tin: GS Nguyễn Đăng Hưng không có tên trên danh sách các ứng viên chính thức sau quyết định của Mặt Trận Tổ Quốc, lần hiệp thương đợt ba. Tin này cho biết thêm, theo lời bà Võ Thị Dung Phó Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Thành phố, lý do là vì tôi có hai quốc tịch. Tôi viết ngay một đơn khiếu nại gởi về các cơ quan chức năng thành phố và trung ương qua Internet. Về Việt Nam tôi mới được thư trả lời của Sở Nội vụ thành phố, một bức thư mà cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa tiêu hóa được nội dung. Có dịp tôi sẽ đề cập thêm chi tiết nhất là dư hương sau ngày tôi ra ứng cử hụt mà ít ai được biết…

BÚT KÝ VIẾT TỪ BẮC PHI

Tuy có nhiều chuyện bận bịu tại Việt Nam, thời điểm không mấy thuận lợi, nhưng tôi vẫn quyết định giữ lời hứa đi thỉnh giảng tại Đại học quốc gia Tunis về các ngành kỹ sư (Ecole Nationale des Ingénieurs de Tunis). Tôi thoái thác lời mời đã hai năm rồi vì quá tất bật với công việc tại Việt Nam. Năm nay, sau quyết định ngưng tuyển sinh các chương trình Cao học Bỉ&Việt tại hai trường Đại học Bách khoa Việt Nam, được nghỉ hưu tại Đại học Liège, tôi đã nghỉ sẽ có thì giờ rảnh rỗi hơn…
Đây là một chương trình cộng tác đại học do một đồng nghiệp, Giáo sư trường Đại học Louvain-la-Neuve, Issam Doghri một người Bỉ gốc Tunisie đề xướng và điều động. Chương trình này cũng tương tự như chương trình EMMC, được cộng đồng các đại học Bỉ nói tiếng Pháp tài trợ. Dự án Cao học do tôi đề xướng tại Việt Nam, được triển khai khá sớm năm 1995 đã trở thành môt chương trình được đông đảo giới hợp tác quốc tế tại Bỉ biết đến. Và sau đó nhiều chương trình hợp tác đại học do chính phủ Bỉ tài trợ đã được nhiều đồng nghiệp tại Bỉ lấy nguồn cảm hứng từ chương trình EMMC.
Tunisie là một nước Bắc Phi đất không rộng (lãnh thổ hơn phân nữa Việt nam) người thưa (gần 1/8 số dân Việt Nam) có hoàn cảnh lịch sử hiện đại giống Việr Nam: bị Pháp chiếm và lập tại đây trong khoản thời gian dài (75 năm) chính quyền bảo hộ như tại Trung kỳ cuối thế kỷ 19. Điều khác Việt Nam là Tunisie đã giành lại nền độc lập của mình một cách khá êm thắm, không phải thông qua chiến tranh khốc liệt trường kỳ như tại Algérie hay Việt Nam. Phải nói Pháp đã nhanh chóng trao trả chính quyền cho Habib Bourguiba, tổng thống đầu tiên của nền cộng hoà Tunisie năm 1956 bởi vì chính quyền Pháp lúc bấy giờ (Mendès France) đã bắt đầu rút ra bài học cay đắng từ thảm bại ê chề tại Đông dương sau trận Điện Biên Phủ vang dội thế giới năm 1954. Một loạt các nước thuộc địa Pháp khác tại Phi Châu cũng đã được trao trả chủ quyền sau này. Và cũng vì lẽ ấy các sử gia quốc tế hiện đại đã đánh giá cao chiến thắng Điện Biên Phủ, không chỉ là một chiến thắng của dân tộc Việt nam, mà vĩ đại hơn nữa, là chiến thắng của các dân tộc bị trị trên toàn thế giới! Sẽ không có gì quá đáng khi khẳng định Điện Biên Phủ là một trong những mốc lịch sử quan trọng của nhân loại trong thế kỷ 20.
Tunisie đã vận dụng lợi thế hoà bình ổn định lâu dài để phát triển. Thu nhập bình quân hiện nay là 2500 USD và tăng trưởng năm 2006 đạt được chỉ số 5.5%, một thành quả rất cao tại Phi Châu.
Năm 2006 đã có đến 6 triệu người ngoại quốc đến Tunisie du lịch. Gần đây, lại có thêm hàng triệu dân lân bang như Algérie, Libye sang Tunisie tham quan du lịch vì hàng hoá tại Tunisie phong phú hơn nhiều, không có nạn hoặc bị cấm vận như Libye hoặc Hồi giáo quá khích như Algérie. Với một số dân chỉ có non 10 triệu mà họ có thể tiếp đón ngần ấy khách du lịch! Quả thật, đây là điều Việt Nam ta cần suy ngẫm và học hỏi!
Tunisie có khí hậu Địa Trung Hải, quanh năm ấm áp, có lợi thế sát gần Châu Âu giàu có và phát triển. Từ Bruxelles đến Tunis chỉ tốn 2 giờ 45 phút. Người dân Liên Hiệp Châu Âu không cần có VISA hay hộ chiếu, chứng minh nhân dân là đủ. Đi nghỉ mát tại Tunisie, Maroc đã trở thành những thói quen đại chúng của người dân Châu Âu. Họ đi cả gia đình, thông thường ở lại từ một đến hai tuần. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, resort khá hiện đại và tiện nghi được bố trí đầy đủ cho việc nghỉ ngơi, giải trí: du ngoạn, thể dục, thể thao, nhà trẻ, huấn luyện viên, động náo viên… Và tôi hiểu ra tại sao khách du lịch trở lại đây quanh năm: không có nạn nhũng nhiễu, đeo đuổi, kèo nài, xin xỏ… Tất cả chỉ là niềm nở, vui vẻ, hiếu khách. Hướng dẫn viên lại khá chuyên nghiệp, năng động, xông xáo, rành ngoại ngữ Pháp, Anh, Đức… Nhật…
Tôi hỏi Phó Giáo sư Hédi Hassis, Đại diện Trường Đại học Quốc gia Tunis về các ngành kỹ sư, nhân vật chủ nhà của chương trình cộng tác Bỉ &Tunisie này:
- Ông bằng lòng với quốc sách GD&ĐT và nghiên cứu khoa học hiện nay ở đây chứ?
- Nền giáo dục và nghiên cứu khoa học của Tunisie là một bản sao của Pháp, với tất cả cái hay và cái dở của nó. Cái hay là giáo dục đại chúng được đảm bảo. Trẻ em bắt buộc phải đến trường cho đến 13 tuổi, không phải đóng học phí. Ai có bằng tú tài đôi đều được ghi tên đại học. Các trường ĐH dựa theo thành quả điểm đạt được mà tuyển sinh. Thí dụ trường y chỉ chọn sinh viên có từ 17/20 trở lên. Những học kinh kém bắt buộc phải chọn những trường hay những ngành ít chen chân hơn. Thông thường 100 thí sinh thì có trung bình 70 đạt chỉ tiêu tú tài. Các trường kỷ sư cao cấp như trường của tôi thì phải qua hai năm dự bị sửa soạn Toán, Lý, Hoá rồi sau đó qua thi tuyển. Thông thường chúng tôi chỉ lấy vào 30% thí sinh đăng ký.
- Vậy những học sinh không đỗ tú tài những thí sinh không đạt tuyển sinh sẽ làm gì sau đó?
- Những học sinh không qua được cấp tú tài thông thường phải đổi qua học nghề. Những thí sinh không đậu vào các trường kỹ sư trọng điểm thì phải đổi sang học các trường cao đẳng kỹ thuật. Hiện nay Tunisie có đến 300 ngàn sinh viên và chúng tôi chuẩn bị để có thể đón 500 ngàn sinh viên sau năm 2010.
- Bằng phương tiện nào?
- Tăng ngân sách giáo dục. Tại Tunisie cũng như tại Pháp, trường tư không đáng kể. Hiện nay 27% ngân sách quốc gia được dành cho GD&ĐT. Vấn đề của chúng tôi hiện nay là học ra làm gì chứ không phải không có chỗ học.
- Còn nghiên cứu khoa học?
- Đây là điểm yếu xuất phát từ việc bắt chước Pháp. Một số các trung tâm nghiên cứu là những tháp ngà không có hiệu quả. Một giám đốc nghiên cứu ăn lương ngang hàng với một giáo sư đại học nhưng chúng tôi tất bật mỗi ngày với sinh viên, dành thời gian cho quản lý và nghiên cứu khoa học trong lúc họ chỉ có nghiên cứu và nghiên cứu lắm lúc với hiệu quả chẳng ra sao cả. Nhưng họ là những công chức có biên chế làm thế nào cho họ thôi việc được… Gần 50% ngân sách nghiên cứu được coi như phí phạm. Hiện nay chính phủ đang tìm giải pháp cải tổ. Chính sách sắp được đưa ra thực hiện là thẩm định toàn bộ các trung tâm nghiên cứu. Ở những chỗ có hiệu quả, chánh phủ sẽ quyết định thành lập các trường mới, phát xuất ngay tại các trung tâm này, biến những nhà nghiên cứu thành những giảng viên đại học như chúng tôi… Trong quản lý nghiên cứu chúng tôi coi phong cách Bỉ là chuẩn mực…
Mỗi ngày PGS Hassis cho xe đi rước tôi tại khách sạn. Vì đi với gia đình, tôi đã chọn một khách sạn gần biển, khá xa trung tâm thành phố. Phải sau 45 phút mới đi đến giảng đường.

Tôi chú ý ở Tunis, nạn kẹt xe không trầm trọng tuy ai cũng đi xe hơi. Quang cảnh xe gắn máy chạy rầm rộ, chen lấn lề đường, tôi chỉ thấy tại Việt Nam. Đã từ lâu, chính phủ Tunisie đã có chích sách rất hợp lý để giải quyết vấn nạn ùn tắt giao thông: Hệ thống xe lửa khá tiện nghi và dầy đặc nối liền trung tâm Tunis và vùng phụ cận. Tôi hỏi bác lái xe:
- Gia đình bác chỉ có bác là người đi làm?
- Vâng, chỉ mình tôi. Tôi phải nuôi một vợ, ba con và cha mẹ già.
- Bác chỉ có đồng lương, không có thu nhập nào khác?
- Không, làm sao có khác được, tôi phải lái xe thường trực cho khoa, còn phải lo công việc cho phòng thí nghiệm sức bền vật liệu nữa.
- Vậy lương tháng của bác là bao nhiêu. Xin lỗi câu hỏi hơi tò mò.
- Không sao, có gì là bí mật. Lương tôi mỗi tháng vỏn vẹn chí có 320 dinars, (tương dương với 3,7 triệu VNĐ). Phó GS Hédis Hassis, Giám đốc phòng thí nghiệm lãnh khoảng chừng 800 dinars/tháng.
- Thế vật giá thế nào?
- Một lít xăng giá 1 dinar 20 (14000 VNĐ). Nếu không có tôi đưa rước, giáo sư sẽ phải lấy taxi đi dạy và sẽ phải trả khoảng 15 dinars mỗi chuyến. Một bữa ăn tiệm trung bình tại trung tâm Tunis khoảng 5 dinars.
Những bữa trưa, tôi thường đi ăn riêng với các đồng nghiệp mới quen.
Phó giáo sư Rached El Fatmi, một người đã thực hiện luận án tiến sỹ trong nhưng năm 80, dưới sự hướng dẫn Giáo sư nổi tiếng Pierre Ladevèze tại Cachan (Paris), thường hỏi tôi về tình hình Việt Nam. Tôi cũng vặn lại ông ta:
- Tại Tunisie có tham nhũng chứ?
- Làm sao không có được dưới một chế độ độc tài như hiện nay tại Tunisie.
Tham nhũng thường xảy ra ở cấp cao trong chính quyền, nhưng báo chí không được phép đề cập. Đó là những vụ dính líu đến quản lý tài nguyên đất đai, các dự án hợp tác lớn, các công ty nhà nước.
- Còn cấp dưới?
- Đã bắt đầu có, vì cuộc sống ngày càng khó khăn. Đội ngũ công an cảnh sát rất đông nhưng lương không cao. Khâu hành chính đại chúng thì chưa đến nỗi nào, nhưng cảnh sát lưu thông đã bắt đầu phạt vạ mà không có biên lai. Thông thường xe đi quá tốc độ bị phạt nặng đến 100 dinars nhưng chỉ cần đưa 20 dinars là qua thôi!
- Còn nạn thất nghiệp?
- Không có thống kê và công bố chính thức, nhưng theo tôi rất trầm trọng, không dưới 25%!
Cuối tuần tôi cùng gia đình đi du ngoạn. Mấy hôm nay tôi đã ngắm nghía chương trình đi thăm di tích thành Carthage, cách Tunis 20 km về hướng đông bắc. Thành Carthage đươc xây dựng từ năm 814 trước Thiên Chúa bởi nữ hoàng Elyssa. Thành phố này lớn mạnh và phồn thịnh rất nhanh nhờ những thương gia người Phéniciens đến từ Trung Á. Năm -146 trưóc Thiên chúa, đế quốc La Mã đã đánh chiếm thành này và bắt đầu một giai đoạn thống trị dài 700 năm. Sau khi tìm được nguồn nước tại một dảy núi bên cạnh, người La Mã cho đào kênh dẫn nước phục vụ cho quân đội và các thương gia thập phương ngày càng đông đảo đến từ Châu Âu và Trung Á. Carthage là cửa vào Phi Châu với tài nguyên thiên nhiên phong phú của châu lục này. Đến năm 200 sau Thiên Chúa giáng sinh, Carthage đã trở thành một thành phố lớn vào bậc nhất thế giới lúc bấy giờ với trên năm trăm ngàn dân.
Ngày nay đền đài, dinh thự nguy nga tráng lệ chỉ còn lại những cột đá gãy đổ với những trang trí lộng lẫy và tinh vi thường thấy ở Roma hay ở Athena. Ngôi đình lớn dài đến 200 m nay đại bộ phận đã bị chôn vùi dưới biển sâu và cây cột nơi chính điện vẫn còn đứng thẳng sừng sững sau hai ngàn năm, như ta thấy trong hình! Thành quách đồ sộ này là thành quả lao động của hàng ngàn dân nô lệ. Người ta đã tìm thấy nhà tù là một hang đá có cửa sắt nhốt dân nô lệ.
Phải nói người Tunisie đã thành công trong việc bảo quản di tích này. Ngày nay không có đoàn du lịch nào đến Tunis mà không dừng chân lại đây. Nhìn những phiến đá gãy đổ, những hoa văn trang trí đầy ấn tượng, du khách không thể không ngậm ngùi truớc thảm cảnh phế hưng của lịch sử. Một khi chiến thắng và nền văn minh chỉ dành cho giai cấp quí tộc, không chia sẻ cho toàn dân, giai cấp ấy không chóng thì chầy sẽ bị tha hoá để cuối cùng đi đến sụp đổ. Còn lại chỉ là những mảnh vụn chơi vơi cùng năm tháng!
Điều mà có lẽ người La Mã không hề nghĩ đến là ở chỗ, chính con cháu những người nô lệ, hai ngàn năm sau, đã trân trọng khai quật, bảo tồn, cải biến những mãnh vụn đỗ vở này thành một khu di tích lịch sử vô giá, đem lại nguồn lợi du lịch bất tận cho nước Tunisie ngày nay…
Tunis ngày 14/4/2007
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét