Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

PHẠM DUY : XẤU VÀ TỐT, GHÉT VÀ YÊU


Hãy đọc những gì mà Phạm Duy đã viết trong bốn tập hồi ký của ông . Có thể tải về tại đây nếu các bạn đăng ký thành viên :


Ta thấy ông là một nghệ sĩ lớn tâm và tầm rất cao. Ông thú nhận những nỗi đau, những sai lầm trong cuộc tình cùng những ước mơ thánh thiện trong cuộc sống của mình. Đã là con người không có ai là thánh nhân cả. Mà thánh nhân cũng có khi nhầm mà. Nhìn lại thấy nực cười khi toàn bộ hệ thống chính trị tuyên truyền lề phải đã cố tình phong thánh một người và hồ sơ của người này theo thời gian sẽ được bạch hóa.
Lan man lại lạc đề rồi. Hãy đọc vài dòng trích đoạn trong hồi ký Phạm Duy để hiểu thêm về ông

Từ ngày Cách Mạng mùa Thu 45 cho tới bây giờ, trong cuộc sống hằng ngày và ngay cả trong giấc ngủ, không một người Việt Nam nào ra thoát khỏi cái lưới chính trị. Suốt nửa thế kỷ vừa qua, trong sự nghiệp (!) của mình, tôi hoàn toàn bị chính trị bủa vây nhưng tôi luôn luôn cố gắng không để cho chính trị trói buộc. Mở to đôi mắt để nhìn vào thời thế. Tỉnh táo theo dõi đường đi nước bước của chính trị. Không có một nhượng bộ chính trị nào với bất cứ ai, nếu thấy sai. Được Việt Minh chiếu cố mà không chóng mặt. Được quốc gia nuông chiều mà không nóng đầu. Được ngoại quốc đãi ngộ mà không hoa mắt. Bị ngộ nhận, theo dõi hay bị đe doạ cũng không đầu hàng (**). Làm một nghệ sĩ trong 20 năm ở miền Nam kể ra cũng không khó lắm đâu. Chắc chắn là dễ hơn người đi trên giây của nhà thơ miền Bắc Phùng Quán: Người làm xiếc đi giây rất khó Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn…….


Dù sao đi nữa, trong thời thịnh của Cộng Hoà thứ nhất, nhờ được sống yên ổn và hứng khởi dưới một chế độ vững chãi, qua một số bài tình ca quê hương và tình tự dân tộc, tôi tạo dựng được hình ảnh một nước Việt Nam tự do để đối kháng với Cộng Sản. Miền Bắc chủ trương đấu tranh giai cấp, chọn chủ nghĩa Mác-Lê làm kim chỉ nam nên phủ nhận một tầng lớp xã hội, phủnhận quá khứ và phủ nhận luôn những giá trị truyền thống như gia đình, tôn giáo, tổ tiên.

Cũng cần nhắc lại những gì tôi đã viết ra trong những Chương đầu của cuốn Hồi Ký này. Khi nước nhà đã có chủ quyền, sống dưới một chính phủ đang được tín nhiệm, với khung cảnh thái bình và khi xã hội đang được lành mạnh hoá, các văn nghệ sĩ ở trong các lãnh vực nghệ thuật khác cũng đều làm như tôi, nghĩa là hoàn toàn ủng hộ ông Diệm. Thi bá Vũ Hoàng Chương bỏ phiếu cho ông Diệm với câu thơ có tính chất khẩu hiệu: Lá phiếu trưng cầu một hiển linh, phá tan bạo ngược với vô hình. Vả lại đại đa số văn nghệ sĩ là những người từ miền Bắc di cư vào Nam và đã bầu ông Tổng thống bằng đôi chân của mình trước khi tham gia tích cực vào đời sống văn học nghệs thuật trong thời thịnh của nhà Ngô này. Cùng với lớp văn giới di cư, những văn nghệ sĩ già hay trẻ ở trong Nam cũng ủng hộ ông Diệm. Về sau, nếu ông Diệm không còn được toàn dân tín nhiệm nữa khi ông chủ trương gia đình độc trị thì vào lúc ông tiếp tục đường lối chống lại đòi hỏi của Hoa Kỳ là được đổ quân tham chiến trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam -- nhất là qua cuộc đối thoại vào giờ phút cuối cùng với Đại Sứ Cabot Lodge -- ông là một Trần Bình Trọng thứ hai mà lịch sử cần ghi lại.

Trong mấy năm 64-66, phải nói rằng miền Nam nước Việt là một quốc gia vô chủ vì không có một Nhà Nước nào đứng vững được trước những cuộc đảo chánh, chỉnh lý thường xuyên với những thay đổi nhanh chóng từ chế độ quân nhân này qua chế độ quân nhân khác, từ chính quyền nhà binh qua chính quyền dân sự rồi rút cục lại trở về chế độ quân nhân. Trong thời gian này, Hoa Kỳ đổ nửa triệu quân vào nước ta vì trong chiến lược toàn cầu, Chú Sam không tin rằng có mâu thuẫn thực sự giữa Trung Cộng và Nga Sô và muốn dùng Việt Nam làm nơi bao vây địch thủ, với chính sách be bờ để ngăn làn sóng đỏ. Cho tới khi Kissinger và Nixon lại dùng luôn Việt Nam để làm cửa lớn hay cửa hẹp đi vào Trung Quốc nói chuyện với họ Mao, yên chí về sự chia rẽ của khối Cộng Sản thì bình thường hoá ngoại giao với Tầu Cộng sau 20 năm đối địch. Xong xuôi mọi việc rồi thì Hoa Kỳ rút lui ra khỏi Đông Dương bằng cuộc Việt Nam hoá chiến tranh.
Là nghệ sĩ, chọn làm nghề ca hát, không muốn làm con khướu hót vui tai mọi người, hay làm con vẹt cho một phe, lại chọn làm kiếp ve sầu để hát lên những khổ đau của thời đại thì ráng mà chịu lấy oan khiên. Chất chứa oan khiên vào cõi lòng bé nhỏ của mình thì dù có soạn hàng trăm, hàng ngàn bài hát, cũng khó rũ sạch nổi. Phải chờ khi đi vào tuổi già và trở thành mầm non nghĩa địa mới được ngồi viết cuốn Hồi Ký này để trút bầu tâm sự với hi vọng giải oan cho mình, cho người.

Nhưng tối thiểu cũng đã có ba người viết về tôi với tất cả nhiệt tình. Nếu tôi có Georges Etienne Gauthier với loạt bài Một Người Gia Nã Đại Với Nghệ Thuật Phạm Duy và Tạ Tỵ với cuốn Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn để nhiệt tâm cứu sống tôi (****) thì cũng phải có nhà giáo Mác Xít Nguyễn Trọng Văn với cuốn Phạm Duy Đã Chết Như Thế Nào để giết tôi một cách nhiệt thành. Trong mấy chục năm qua, cũng có lúc tôi vui và buồn vì các nhiệt tình kể trên, nhưng bây giờ, đã bước vào tuổi 70 rồi, tôi mất cả buồn lẫn vui, chỉ xin được cám ơn cả ba tác giả đó. Là nghệ sĩ, sợ nhất là tác phẩm của mình rơi vào sự dửng dưng, im lặng. Được người đời nhắc tới, đó là hạnh phúc lớn.

A, còn thêm một nỗi oan nữa cần hoá giải. Hơn 20 năm sống với Saigon mà tôi không có một tiếng hát nào cho thành phố nơi tôi sống những ngày phong phú nhất đời mình. Saigon không phải chỉ có con đường Duy Tân cây dài bóng mát để tôi đưa người tình đi học. Tuy cũng có Y Vân ghé bến Saigon để thấy Saigon đẹp lắm, Saigon ơi, Saigon ơi! Và có thêm Hoàng Anh Tuấn cùng với Phạm Đình Chương nhìn mưa Saigon để nhớ tới mưa Hà Nội... nhưng nói chung, lũ nhạc sĩ chúng tôi rất vô ơn đối với Saigon. Phải bỏ xứ ra đi, phải sống trong thành phố bị đổi tên, rồi mới hối hận để có khá nhiều nhạc sĩ lưu vong hay ở trong nước hối hả soạn ra sau ngày 30-4-75 những bài như Saigon Ơi Vĩnh Biệt, Saigon Bây Giờ Buồn Không Em, Saigon Vĩnh Biệt Tình Ta, Saigon Niềm Nhớ Không Tên, Saigon Của Tôi, Saigon Ơi Thôi Đã Hết... Con người là thế đó, có viên ngọc trong tay không biết giữ, mất rồi mới tiếc ngẩn tiếc ngơ. Hãy cho tôi được xụp lạy thành phố thân yêu ở đây, với vài câu trong bài Thương Nhớ Saigon soạn năm 1981 ở Mỹ:

Saigon ơi ! Yêu tôi xin chờ tôi nhé !
Tôi sẽ trở về để hôn những vỉa hè
Của Thành Đô, cao sang và say đắm
 Chia sớt tủi hờn và xây đắp tình nồng .
 Saigon ơi dù có thay tên
Mà người yêu còn nhớ không quên...

Trong cuốn Hồi Ký THƠI HẢI NGOAI phát hành mùa Thu năm tới, tôi muốn cùng những người có chung số phận, ôn lại thời gian sống lưu vong, tuy chúng ta lúc nào cũng khắc khoải thương nhớ quê hương nhưng vẫn có thể mừng thầm vì được làm cuộc viễn du ra thế giới để cùng nhân loại đi vào thế kỷ 21 với kỷ nguyên kỹ thuật. Cuốn hồi ký này, may thay, được viết sau khi cuộc chiến tranh lạnh giữa các cường quốc chấm dứt, trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21, chủ nghĩa Cộng Sản đang sụp đổ, các nước xã hội đang thay đổi và toàn cầu đang đi vào một trật tự mới. Người Việt Nam ở trong hay ngoài nước đã có thể nhìn thấy sự phi lý của 20 năm phân chia Quốc-Cộng chất chứa oan khiên và 15 năm phân chia Quốc Nội-Quốc Ngoại chan chứa hận thù. Liệu sớm có ngày chúng ta xúm nhau thực hiện sự Thống Nhất của Việt Nam mà vào năm 1975, có người đã làm mà chưa hề thành công. Thống nhất đất nước chưa đủ, cần phải thống nhất lòng người. Tôi hi vọng còn sống khoẻ, sống mạnh để đóng góp vào niềm vui chung đó.

Thị Trấn Giữa Đàng Mùa Thu 1991

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét