Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Ý kiến: 'Thân Thanh Triều nên mất nước'

Lịch sử Việt Nam luôn luôn là quá trình đấu tranh kiên cường qua hằng muôn thế hệ của cha ông để dựng nước và giữ nước. Những bài học của lịch sử sẽ không bao giờ cũ để thế hệ mai sau giữ gìn đất nước, thoát khỏi sự đô hộ của ngoại bang và đi theo đà tiến của nhân loại. Một bài viết hay rất đáng đọc và cung cấp cho ta những tư liệu để tìm hiểu thêm về giang sơn, tổ quốc. 



Ý kiến: 'Thân Thanh Triều nên mất nước'


Ấn Vàng của Vua Gia Long:một triều đại bắt đầu bằng nhiều trợ giúp từ Phương Tây

Luật sư Nguyễn Xuân Phước từ Texas viết về bài học Triều Nguyễn và xu hướng thân Trung Hoa đưa tới chỗ mất nước và so sánh với tình trạng lệ thuộc tư tưởng ngày nay:
Năm 1802 Nguyễn Ánh diệt được nhà Tây Sơn, lên ngôi lấy hiệu là Gia Long và chọn Phú Xuân làm kinh đô. Đến đời Minh Mạng cố đô Thăng Long đổi thành Hà Nội. Nhưng quá trình thống nhất và sự sai lầm trong việc chọn lựa con đuờng phát triển đất nước ở các triều đại nhà Nguyễn đã đánh mất cơ hội phục hưng tổ quốc, làm tiêu tán nội lực dân tộc, dẫn đưa đất nước đến giai đoạn đánh mất nền độc lập.
Khi Nguyễn Ánh phát động chiến tranh chống lại nhà Tây Sơn, ngài đã dựa vào hai thế lực ở nước ngoài. Ðó là lực lượng của người Tây phương và lực lượng người Trung Hoa.
Đứng đầu lực lượng Tây phương phò Nguyễn Ánh là đức giám mục Bá Ða Lộc. Nguyễn Ánh gặp giám mục Bá Ða Lộc khi ngài bôn tẩu ở Vọng Các, kinh đô của Xiêm La, tức Thái Lan. Từ đó, mối quan hệ của hai nguời trở nên mật thiết. Ðể vận động sự trợ giúp của Pháp quốc, Nguyễn Ánh đã giao hoàng tử Cảnh lúc mới lên bốn cho giám mục Bá Ða Lộc. Đồng thời giám mục có toàn quyền ký hiệp định với hoàng đế Pháp để giúp cho Nguyễn Ánh đánh nhà Tây Sơn. Sau đó ông trở về Pháp để vận động viện trợ cho Nguyễn Ánh. Ngài đã thay mặt Nguyễn Ánh ký hiệp ước 1787 dùng các đảo Côn Sơn và các đảo ngoài khơi Đà Nẵng (là Hoàng Sa) để đổi lấy viện trợ quân sự. Nhưng việc thi hành hiệp ước 1787 với Pháp thất bại.
Sau đó giám mục Bá Ða Lộc đã bỏ tiền túi cũng như vận động tài chánh riêng để mua khí giới và đưa sĩ quan Pháp về huấn luyện cho quân Nguyễn Ánh. Những người Pháp giúp cho Nguyễn Ánh như Sạc Ne (Charner) và Sai Nhô (Chaigneau) đều được tham dự triều chính của vua Gia Long khi ngài lên ngôi.
Chúng ta có thể khẳng định rằng vua Gia Long là vị vua Á Châu đầu tiên biết xử dụng nhân tài Tây Phương để phục vụ cho đất nước.

Hai phe đấu đá

Hai phái Nho học và thân Phương Tây giằng xé chính trị nhà Nguyễn
Người đầu tiên chịu ảnh hưởng Tây phương trong triều đình Gia Long là hoàng tử Cảnh. Hoàng tử Cảnh được vua cha Gia Long cho theo đức giám mục Bá Ða Lộc từ lúc ông mới 4 tuổi. Ở tuổi thơ ấu này, hoàng tử Cảnh rất dễ tiếp thu văn hoá và ngôn ngữ Tây phương. Có lẽ hoàng tử Cảnh là vị hoàng tử Á Châu đầu tiên được theo Tây học ở cuối thế kỷ thứ 18. Tuy lịch sử không nói nhiều đến cuộc đời của hoàng tử Cảnh, ngày nay chúng ta có thể suy luận được rằng hoàng tử Cảnh là người tiếp cận văn hoá tây phương rất sớm, thông thạo Pháp ngữ, Latin và có quan hệ rất tốt với Tây phương.
Ngoài ra, cánh quân sự trong triều đình Gia Long là thành phần chịu ảnh hưởng của Tây phương. Họ là những người trực tiếp xử dụng vũ khí của Tây phương. Đứng đầu cánh thân Tây phương này là tả quân Lê Văn Duyệt cùng các tướng lãnh như tiền quân Nguyễn Thành.
Phe thân Trung Hoa là những người Minh Hương đã gia nhập lực lượng của Nguyẽn Ánh để chống Tây Sơn. Người Minh Hương là những người Trung Hoa phục vụ cho nhà Minh xin tỵ nạn chính trị tại Đại Việt khi nhà Thanh diệt nhà Minh. Những người Minh Hương thoạt đầu là những người của tổ chức Thiên Địa Hội có ý chí phản Thanh phục Minh.
Tuy nhiên từ thời Khang Hy trở đi, nhà Thanh đã bắt đầu bị đồng hoá vào Trung Hoa và Khang Hy bắt đầu những chính sách kinh tế, chính trị làm cho Trung Hoa càng ngày càng phồn thịnh và phát huy văn hoá Trung Hoa lên cao độ. Do đó, ý chí phục Minh của những người Minh Hương không còn nữa. Sau hơn 100 năm sống ở Đại Việt, những người Hoa kiều nầy trở thành một bộ phận của dân tộc nhưng họ vẫn có những mối quan hệ chặt chẽ với mẫu quốc Trung Hoa. Tại Việt Nam lúc bấy giờ người Minh Hương trở thành một lực lượng có xu huớng thân Trung Hoa trong triều Gia Long.
Ðứng đầu lực lượng nầy là Trịnh Hoài Ðức, Lê Quang Ðịnh và Ngô Nhơn Tịnh. Ba ngưòi nầy là học trò xuất sắc của một nhà thâm nho gốc Minh Hương là Võ Trường Toản và cả ba được người đương thời gọi là Gia Định Tam Hùng. Cả ba đều tham gia hoạt động phò Nguyễn Ánh từ năm 1788.
Khi Gia Long lên ngôi, Trịnh Hoài Ðức được bổ nhiệm làm thượng thư bộ lại kiêm bộ hình và phó tổng tài Quốc Sử Quán. Lê Quang Ðịnh được làm Binh Bộ thượng thư, tương đương với bộ trưởng quốc phòng ngày nay. Ngô Nhơn Tịnh sau được thăng Công Bộ thượng thư. Cả ba ông đều dóng những vai trò quan trọng trong mối quan hệ ngoại giao với Trung Hoa.
Nhưng vai trò quan trọng nhất của Trịnh Hoài Ðức là được vua Gia Long ủy thác để dạy dỗ cho hoàng tử Ðảm. Hoàng tử Ðảm sau lên ngôi lấy hiệu là Minh Mạng.
Người Hoa ở Đông Nam Á: nhóm gốc Hoa ở Việt Nam đã tác động đến triều đình Nguyễn

Hai xu hướng thân Tây phương và thân Trung Hoa trong triều Gia Long xung đột gay gắt về vấn đề kế vị hoàng tử Cảnh sau khi hoàng tử qua đời. Khi Trịnh Hoài Đức thuyết phục được Gia Long phế dòng trưởng lập dòng thứ, vua Gia Long đã chọn Minh Mạng làm người kế vị. Khi Minh Mạng lên ngôi, dưới ảnh hưởng của Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh, Việt Nam đã nghiêng hẳn theo mô hình Nho giáo của Thanh triều (Thanh Nho) để phát triển đất nước.
Sau khi phe thân Trung Hoa tạo được ưu thế trong triều đình thì thanh trừng bắt đầu xuất hiện. Tiền quân Nguyễn Thành, tổng trấn Bắc Thành, đã bị gièm pha đến phải uống thuốc độc tự vẫn thời Gia Long. Sau khi lên ngôi, Minh Mạng (1820-1840) triệt hạ dòng dõi của hoàng tử Cảnh bằng cách xử tử vợ và người con trưởng của hoàng tử Cảnh, giáng ngưòi con thứ làm thường dân.
Đối với Lê Văn Duyệt, Minh Mạng chưa dám làm gì và vẫn cho làm tổng trấn Gia Định Thành. Khi Minh Mạng ban hành lệnh cấm đạo thì Lê Văn Duyệt tại Gia Định vẫn chủ trương thân Tây phương và không thực hiện lệnh cấm đạo. Khi Lê Văn Duyệt qua đời, con nuôi là Lê Văn Khôi nổi dậy chống triều đình với sự giúp đỡ của một số người Tây phương trong đó có một linh mục Công giáo. Khi cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi bị dẹp tan thì Minh Mạng mới kết án Lê Văn Duyệt, tước hết các chức vụ và cho xiềng lăng của ông bằng xích sắt.
Về phương diện ngoại giao, Minh Mạng cho giảm dần quan hệ với Tây phương. Những ngườì Pháp làm việc với Gia Long chán nản bỏ về nước. Với những người Minh Hương thân Trung Hoa cầm nắm vận mạng của triều đình, Minh Mạng đã thi hành một loạt các chính sách ngoại giao đi ngược với đưòng lối của Gia Long. Từ một nền chính trị ngoại giao khai phóng của Gia Long với những quan hệ rộng rãi với các quốc gia trên thế giới, Minh Mạng và các vua kế vị Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883) cùng triều đình thân Trung Hoa đã bắt đầu một nền chính trị cục bộ, thiển cận với chính sách bế môn toả cảng, đoạn tuyệt với Tây phương, ban hành lệnh cấm đạo.

Mê văn chương xao nhãng quân sự

Sức mạnh quân sự yếu đi vì triều đình trọng từ chương, thơ phú

Do ảnh hưởng của Thanh Nho, triều đình nhà Nguyễn từ Minh Mạng trở đi chỉ chú trọng đến văn chương thi phú biền ngẫu, đi theo con đường trọng văn và xao lãng vấn đề quân sự và quốc phòng.
Ðây là lý do, sau khi Gia Long băng hà, sức mạnh quân sự của triều Nguyễn suy giảm hẳn. Khi các tướng lãnh thuộc thế hệ Gia Long qua đời, các tướng lãnh thế hệ kế thừa không đủ tài thao lược để thực hiện chính sách quốc phòng hữu hiệu.
Lực lượng quân sự của Trương Minh Giảng không đủ khả năng duy trì guồng máy cai trị ở Nam Vang. Và Trương Minh Giảng đã bị người Miên đánh đuổi về nước dưới triều Thiệu Trị.
Đến thời kỳ Tự Đức, xu hướng thân Trung Hoa hoàn toàn nắm trọn quyền trong triều đình. Sự kiện này được xác định khi triều đình họp nhau bác bỏ bản điều trần canh tân đất nước của Nguyẽn Trường Tộ. Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) là một nho sĩ theo đạo Thiên Chúa. Ông nổi tiếng thông minh và hay chữ, được người đời gọi là Trạng Tộ. Ông cũng thông thạo nhiều ngôn ngữ Tây phương.
Ông làm thông ngôn cho các giáo sĩ Thiên Chuá trong việc truyền đạo tại Việt Nam. Sau một thời gian đi chu du thế giới, đặc biệt là Pháp và Ý, ông trở về Việt Nam dành mấy năm trời đem tâm huyết của một người yêu nước viết nhiều bản điều trần cải cách và canh tân đất nước dâng lên Tự Đức. Nhưng triều đình Tự Đức với đầu óc cổ hủ của Thanh Nho không đủ tầm nhìn để hiểu được những thế lớn đang bùng ra trong thiên hạ thời bấy giờ. Sau hoàng tử Cảnh năm mươi năm, Việt Nam đã mất đi cơ hội phát triển một lần nữa khi triều đình nhà Nguyễn quay mặt trưóc những yêu cầu canh tân của Nguyễn Trường Tộ.
Sự sùng bái quá khứ du nhập từ Trung Hoa khiến Việt Nam suy yếu
Điều bất hạnh hơn cho dân tộc là lúc ấy giáo điều Thanh Nho đã bắt đầu rã mục. Triều đình nhà Thanh đang trên đà phá sản. Năm 1839 chiến tranh Nha Phiến bùng nổ, nhà Thanh phải ký các hiệp ước biên giới nhượng đất cho Anh và Pháp. Với hiệp ước Nam Kinh, Anh chính thức chiếm đóng Hương Cảng năm 1842.
Với hiệp ước Hoàng Phố 1844, Pháp chính thức đặt chân lên lãnh địa Trung Hoa. Ở mạn bắc, năm 1850 quân đội của Nga Hoàng tràn xuống Hắc Long Giang chiếm đóng Mãn Châu, quê hương của nhà Thanh. Từ 1854 đến 1860, Hồng Tú Toàn và phong trào Thái Bình Thiên Quốc đã chiếm gần một nửa Trung Hoa. Cuối cùng, cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 của phong trào cách mạng Quốc Dân Đảng dưới sự lãnh đạo của Tôn Văn đã lật đổ triều đình phong kiến Mãn Thanh để xây dựng chế độ Cộng Hoà.
Trong khi đó, triều đình nhà Nguyễn vẫn còn như mơ ngủ. Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ năm 1860, tức là 20 năm sau khi nhà Thanh bị liệt cường xâu xé và đang dãy chết, triều đình Tự Đức vẫn còn cho người sang Trung Hoa cầu viện. Những tiếng nói đòi cải cách của các sĩ phu yêu nước như Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, Nguyễn Lộ Trạch trở thành nổi trăn trở kéo dài hàng thế kỷ của nhiều thế hệ.
Ý hệ Thanh Nho làm triều đình nhà Nguyễn u mê đến nổi không thấy được một thế giới mới đang ra đời với cuộc cách mạng kỹ nghệ đang đẩy xã hội Tây phương lên đỉnh cao của sự phát triển. Và cuộc cách mạng kỹ nghệ đó làm thay đổi cục diện thế giới, cùng lúc làm thay đổi lịch sử nước Việt.
Khi Pháp tấn công Nam Kỳ thì triều đình hoàn toàn không có đủ năng lực quân sự và chiến lược quốc phòng để đối phó. Những võ tướng uy tín trong triều như Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản (cũng gốc người Minh Hương) dù thừa khí phách của nho gia nhưng không đủ tài thao lược quân sự để lãnh đạo cuộc chiến tranh chống xâm lược. Khi Pháp chiếm Sài Gòn thì súng ống và đạn dược của quan quân Triều đình có rất nhiều nhưng quân đội ô hợp không có khả năng chống trả quân xâm lăng. Hậu quả tất nhiên là đất nước đã mất vào tay thực dân.
Nhà Nguyễn cáo chung cùng sự tan rã của mô hình Khổng giáo
Với Hoà Ước Nhâm Tuất 1862 và hoà ước Patenôtre 1884, công cuộc thống nhất đất nước của Gia Long được coi như cáo chung. Việt Nam bước qua trang sử mới, đó là trang sử nô lệ. Và sau 1000 năm giành được độc lập từ Trung Hoa thời Ngô Quyền, nước Đại Việt lại một lần nữa mất quyền tự chủ.
Cái nhục mất nước, tụt hậu của dân tộc Đại Việt ở thế kỷ 19 phát xuất từ nhiều yếu tố lịch sử khác nhau.
Thế nhưng sự chọn lựa mô hình phát triển đất nước, sự ỷ dốc vào Thanh triều trên mặt trận ngoại giao và văn hoá thời kỳ hậu Gia Long, chính sách giao thương phụ thuộc kinh tế Trung Hoa và sự tin tưởng mù quáng vào giáo điều Thanh Nho bất chấp các bản điều trần yêu cầu canh tân của các sĩ phu tiến bộ, là những yếu tố quyết định đưa đất nước vào giai đoạn nô lệ.
Ngày nay, nếu thay giao điều Thanh Nho bằng giáo điều Cộng sản, thì tình trạng Việt Nam gần như tương tự.

Bài thể hiện quan điểm riêng của Luật sư Nguyễn Xuân Phước và đã được đăng trên Tuần san Trẻ Dallas, Texas, Hoa Kỳ. Tác giả qua thân hữu gửi đến Diễn đàn BBC Tiếng Việt. Quý vị có ý kiến phản biện hoặc đồng ý với tác giả, xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk.
Nguồn : BBC Tiếng Việt




Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

TUẦN LỄ NƯỚC MẮT

TUẦN LỄ NƯỚC MẮT
Cảnh trong phim Mộ gió của Nguyễn Hữu Phàn


Chỉ trong một tuần, đã có thật nhiều nước mắt đổ xuống trên toàn cõi Việt Nam. Với nhiều lý do. Nước mắt tràn trên các trang báo, bi thương trong các lời mô tả.
Những giọt nước mắt ấy, rơi xuống vì lòng kiêu hãnh chung hoặc vì nỗi đau thầm lặng của từng số phận. Nhưng cũng có những giọt nước mắt cay đắng cho đất nước vào giai đoạn trầm kha, mà nhân dân chính là kẻ mãi mãi phải gánh chịu.
Đất nước hôm nay hoang tàn, như một cõi vàng mã sau cơn gió giật đã lộ ra rất nhiều thứ. Tất cả phiêu diêu không biết về chốn nào, giữa những lời tung hô và giả dối.
Hoang tàn như qua một cơn giông, người ta giật mình chợt biết rằng bao năm nay mình bị lừa dối, khi nhìn thấy những trụ điện bê-tông gãy đổ với chất lượng tệ hại đáng kinh ngạc. Ở ngay một nơi được xưng tụng là thủ đô, thì sự lừa dối cũng ở cấp độ thủ đô. Những con đường, cầu cống rơi mặt nạ, suy sụp và tàn tạ, cho thấy tiền thuế của nhân dân được quấy quá và vội vã tiêu pha như thế nào trong tay những quan lại luôn kêu gọi lòng yêu nước và trách nhiệm.
Trận giông ngày 13-6 được coi là kinh hoàng ở Việt Nam, với 2 người chết và 9 người bị thương, nhiều hệ thống giao thông hư hại. Nhưng bất ngờ là sau trận giông đó, ông Lê Thanh Hải, phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn cho biết chuyện này đã được biết trước và “cho cảnh báo nhưng thông tin không đến với người dân”. Một lần nữa, nhân dân vẫn là người có lỗi trong kiếp nạn của mình. Còn điều gì an nguy nữa cho cuộc sống con người và đất nước này mà “thông tin không đến với” người Việt Nam?
Ngày 14/6 tàu cá ở Quảng Nam, số 92642 bị một tàu hàng “lạ” cố tình đâm vào, khiến 1 người chết và 3 người bị thương. Tàu “lạ” đã sấn vào rất gần bờ Việt Nam, chỉ cách Đà Nẳng 40 hải lý.  Đã rất gần rồi, kẻ “lạ”. Đây là lần thứ hai trong tuần, kẻ “lạ” tấn công người đi biển. Một lần nữa, ngư dân Việt lại lặng lẽ góp thêm những linh hồn khốn khổ vào mộ gió. Đã bao lâu rồi, những con người chết oan ức đó, kể cả những người lính bộ đội chết ở Gạc Ma bị từ chối đưa xác về quê nhà, đã tìm thấy lời giải về số phận của mình, của tổ quốc mình lúc này? Biển của người Việt không còn bình yên nữa. Cái chết rình rập hàng ngày khiến ngư dân phải đi rất xa để kiếm sống, trôi dạt đến tận đảo quốc Palau để rồi 77 người bị bắt, 4 thuyền bị đốt, người đi biển Việt Nam bị kết tội là “kẻ cắp”. Bài học rừng vàng biển bạc trong sách giáo khoa là kẻ nói láo, vì hôm nay người Việt không còn gì nữa.
Palau chỉ có 20.000 dân, không có chỉ số về tiềm lực quân sự, nhưng với kẻ bước đến bờ biển của mình, bất kể là ai, họ đều gọi đó là kẻ cướp. Ở Việt Nam, quốc gia có 90 triệu dân, tiềm lực quân sự đứng hàng 25 trên thế giới, với những kẻ bước qua ranh giới biển của mình, chúng được gọi là bạn hoặc kẻ lạ.
Nước mắt lại rơi âm thầm, bên cạnh thềm nhà Quốc hội Việt Nam sang trọng, nơi các ông bà đại biểu sôi nổi bàn chuyện con dâu và tài sản nhà chồng để nâng cấp Bộ luật Dân sự. Quốc hội biết lo lắng về quyền phụ nữ trong cuộc sống, nhưng nhanh quay lưng về phía nỗi đau của chính đồng loại mình, thua cả bầy trâu bò ở Châu Phi biết cùng nhau chống lại thú dữ trên đường đi.
Tuần lễ nước mắt ngập những nỗi đau của ông chú, bà dì, bạn trẻ, anh chị… gào khóc vì đội tuyển của mình thất bại – như bao lần thất bại hiển nhiên khác từ nhiều thập niên nay. Nước mắt ngập khán đài như một sân khấu, nhiều cổ động viên đã khóc và bày tỏ nỗi đau rất cụ thể cho ống kính ghi hình. Những giọt nước mắt đó cuốn trôi và làm chìm lấp cả những điều hệ trọng khác mà người Việt cần rơi nước mắt lúc này.
Một người bạn trẻ trên facebook đã ghi rằng “vì sao họ có thể đau khổ đến vậy vì lý tưởng bóng đá, nhưng khi tổ quốc tụt hậu trăm năm so với các quốc gia khác, nợ công tràn ngập đến thế hệ mai sau, nạn tham nhũng đang siết cổ người dân từng ngày – thì thật khó mà tìm được ai lên tiếng hoặc nhíu mày”.
Thật ra, quyền đau thương trong một trò chơi là quyền tự do của cá nhân. Nhưng khi một tập thể cá nhân đó cùng tập hợp đau thương cho một trò chơi và lãng quên những điều nhức nhối khác, thì tổ quốc chỉ còn là quảng trường của lễ hội trụy lạc không màng trách nhiệm. Những giọt nước mắt thụ hưởng rất hiện đại đó dường như không còn thiết dành cho số phận dân tộc mình, mà chỉ nhân danh, để phô diễn sự ích kỷ và nông cạn trong một thực tế thắng bại sòng phẳng, đã rõ.
Ước gì một phần nước mắt đó dành cho biển, cho tổ quốc, cho đồng bào mình.
Ước gì một phần những bạn trẻ thích bày tỏ tình yêu tổ quốc, mặc áo đỏ sao vàng xếp hàng chụp ảnh nghiêm và buồn trước biển, trịnh trọng “tổ quốc gọi chúng tôi sẳn sàng” biết rõ và gọi tên kẻ thù trước biển là ai, lúc này.
Ước gì các đại biểu Quốc hội không ngủ gật hay chơi game trong Ipad, dành thì giờ tìm hiểu tên người ngư dân bị giết chết mới nhất là gì, cũng có thể họ tìm ra đó là một đồng hương.
Ước gì có một tuần lễ nước mắt mà người Việt tìm nhau chia sẻ, xiết chặt tay, hơn chỉ là những giọt nước mắt âm thầm của những cá nhân thương xót cho tổ quốc mình trong giông bão vô tình.
Ai đã gây ra thảm cảnh này cho dân tộc tôi?

Nguồn : nhacsituankhanh

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

VIỄN ẢNH VỀ MỘT GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG CHO GIỚI CẦM BÚT VIỆT NAM

VIỄN ẢNH VỀ MỘT GIẢI
NOBEL VĂN CHƯƠNG CHO GIỚI CẦM BÚT VIỆT NAM

Một lần nữa, giải Nobel Văn Chương lại vào tay nhà văn của một quốc gia “con cháu ngoại” – Nghĩa là không xuất thân từ giới văn bút thuộc về chiếc nôi văn hóa truyền thống Âu Châu hay thuộc nòi hiệp sĩ “gươm nóng hổi” Bắc Mỹ !

Người đoạt giải Nobel Văn Chương năm nay, 2003, là một nhà văn Nam Phi 63 tuổi, John Maxwell Coetzee. Đây là nhà văn thứ hai của Nam Phi được giải Nobel Văn Chương kể từ khi nhà văn Nam Phi đầu tiên là Nadine Gordimer được trao giải thưởng nầy vào năm 1991.
Coetzee hiện là một giáo sư tiến sĩ ngành văn chương Anh Mỹ, xuất thân từ đại học Cape Town. Từ năm 2002 sống tại Úc và hiện là giáo sư thỉnh giảng tại đại học Chicago, Hoa Kỳ.

Coetzee là một trong những tác giả thành công hàng đầu của Nam Phi với 8 tác phẩm tiểu thuyết đã xuất bản và là tác giả sáng giá của nhiều bài biên khảo và luận thuyết có ảnh hưởng rất sâu rộng tại châu Phi. Coetzee được xem là mẫu người kín đáo, xa lánh mọi hình thức quảng cáo, vinh danh, phỏng vấn, hội hè đình đám xưng tụng nhau... tới mức lập dị. Ông có một lối phân tích và lý luận cực kỳ bạo liệt (ruthless) khi đả kích sự độc đoán và tàn bạo của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi và thói đạo đức hình thức hời hợt của xã hội phương Tây.

Tác phẩm mới nhất đóng vai trò “hỏa pháo” góp phần tích cực đưa Coetzee lên đài danh vọng là cuốn tiểu thuyết nhan đề “Disgrace” (Bỉ Mặt), xuất bản năm 1999 thuộc lọai “ best seller ” mà chỉ ở Mỹ không thôi cũng đã bán ra 200.000 ấn bản. Tuy nội dung tác phẩm chỉ đơn giản là câu chuyện của David Lurie, một giáo sư dạy môn ngôn ngữ học tại một trường đại học ở Cape Town. Đời đã hai lần ly dị, ở lứa tuổi năm mươi, David yêu cô học trò sinh viên của mình. Chuyện yêu đương chẳng đi đến đâu, bị kết tội xâm phạm tình dục và bị đuổi dạy. Không một lời biện minh, David về vùng quê heo hút sống hẩm hiu với Lucy, cô con gái rượu duy nhất mang chứng đồng tính luyến ái. David cam chịu một cuộc sống tẻ nhạt ở nông trại mà Lucy cho rằng: “Cuộc sống nơi đây là thế đó. Một cuộc sống chia phần với súc vật.” (This is the only life there is. Which we share with animals.) Thật ra, tác phẩm Disgrace tuy chỉ 200 trang với một nội dung đơn giản như thế, nhưng lại mang tầm cỡ Nobel vì tác giả không phải là người viết lách kể chuyện đơn thuần. Koetzee đã gởi gắm một thông điệp sâu kín mang đầy tính phản kháng và nhân bản ẩn sau hàng chữ nghĩa. Nhân vật David là hiện thân của con người bị áp bức và chấp nhận số phận tủi nhục của mình một cách thản nhiên trong xã hội kỳ thị chủng tộc Nam Phi. Sự “Bỉ Mặt” coi như tất nhiên, sự chịu đựng câm lặng của thân phận con người quá dạn dày đến nỗi không ai buồn đối kháng. Bản chất của một nền văn nghệ lành mạnh mang tính tự do và đối kháng với áp bức bất công . Người cầm bút chân chính mang tinh thần khai phóng để cổ võ cho quyền làm người , tự do và công bằng của xã hội. Khi không có tự do và không có quyền lên tiếng bảo vệ quyền sống thiêng liêng của con người là khi người làm văn nghệ bị truất quyền sáng tạo chân chính. Khi đó, người cầm bút được gọi là “nhà văn” chỉ còn là người cầm bút xếp chữ bâng quơ và xa lạ với thực trạng của xã hội và con người mà anh ta đang sống.

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

SỰ THẬT VỀ "BA DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI" CỦA VN

Thứ Năm, ngày 11 tháng 6 năm 2015

SỰ THẬT VỀ "BA DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI" CỦA VN

GIẢI TỎA MẤY NGỘ NHẬN VỀ 
“BA DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI” CỦA VIỆT NAM

Phùng Hoài Ngọc 

08.06.2014

Từ trước đến nay, có lẽ bắt đầu từ 1965,  thông tin nhà nước (qua báo chí, đi vào sách vở và thực tiễn) đều lần lượt nói ba vị Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh được tổ chức UNESCO  tôn vinh là  “Danh nhân văn hóa thế giới”.

Dân chúng nói theo đài báo. Nhà trường nói theo Bộ, còn đưa vào sách. Thầy nói, trò tin. Ai cũng tin hết.

Rồi một thời gian sau lại có ý kiến nói “sự việc không phải như vậy”. Thông tin nhiễu loạn, chẳng còn biết thế nào nữa ! Vậy thì phải vào cuộc tìm văn bản gốc của UNESCO, nói có sách mách có chứng.

Sự thật thế nào?

Không có danh hiệu “danh nhân văn hóa thế giới” do UNESCO tôn vinh, mà chỉ có danh sách những buổi lễ kỷ niệm ngày sinh hoặc ngày mất của các danh nhân do chính các nước thành viên UNESCO đề nghị lên, nội dung thuyết minh công tích được ghi nguyên văn theo nước đề nghị. Đó là một trong những hoạt động thường xuyên của UNESCO với mục đích thúc đẩy hiểu biết giữa các dân tộc. Điều này không giống như việc công nhận Di sản văn hóa thế giới, có bằng chứng nhận của UNESCO, công nhận xong là có ý nghĩa lâu dài và được đầu tư bảo tồn, phát huy.

Việc tổ chức lễ kỷ niệm như vậy đã được UNESCO thực hiện từ năm 1954, và từ năm 1962, UNESCO lên kế hoạch kỷ niệm từng 2 năm một. Việc chọn kỷ niệm ai hoặc sự kiện lịch sử gì là do các nước thành viên của UNESCO đề nghị, UNESCO xét hồ sơ  hợp lệ thì chấp thuận.

Xem tài liệu gốc của UNESCO sau đây để hiểu rõ hơn về qui cách, tiêu chuẩn về việc vinh danh:http://unesdoc.unesco.org/images/0012/001277/127747EB.pdf.

Hồi đó chẳng mấy ai biết văn bản gốc của UNESCO ở đâu. Do đó người dân không nghi ngờ các ông nhà nước đã dịch bừa, lại cố ý nói mập mờ về một cái “danh hiệu” không tồn tại.

Chính xác “danh hiệu” ấy theo tiếng Anh là “great personalities”, tức “nhân vật nổi tiếng, kiệt xuất”. Nhân vật do các nước đề nghị lên, UNESCO chỉ việc đưa vào danh sách hàng năm, rồi gửi cho các nước thành viên LHQ để biết. UNESCO không cấp cái “danh hiệu” nào cả, họ chỉ làm đầu mối trung gian, chuyển hồ sơ nhân vật đó cho các nước thành viên khác để giao lưu, tìm hiểu và khuyến khích tổ chức kỷ niệm (theo ngày tháng năm sinh hoặc năm mất vào các năm chẵn bội số 50 hoặc 100, nếu là danh nhân thì chỉ tổ chức sau khi họ đã qua đời). Riêng với nước giới thiệu danh nhân, UNESCO có tài trợ một phần để tổ chức lễ. Bên cạnh đó, cơ quan UNESCO cũng tổ chức kỷ niệm riêng tại trụ sở của họ.

Báo chí tuyên truyền Việt Nam thường nói “Danh nhân văn hóa thế giới” (?!). Đó là một sự khoa trương cường điệu hư danh. Thực chất các nhân vật ấy chỉ là danh nhân văn hóa tầm cỡ quốc gia thôi.