Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012


1
VTH – Từ bé mình không có thần tượng, có thể rất thích ca sĩ này, diễn viên nọ, ngưỡng mộ đại văn hào kia… nhưng để “ăn theo họ, ngủ theo họ, chết theo họ” thì chưa bao giờ dù chỉ là một chút ý nghĩ… Con mình bây giờ cũng vậy, đều ở lứa tuổi teen nhưng chúng rất bình thản trước các làn sóng “thần tượng ngoại biên” ồ ạt đổ về… Thật buồn cười (và buồn khóc) khi đọc bài này…
Sự cuồng nhiệt của khán giả trẻ VN trong chương trình giao lưu văn hóa Việt - Hàn ngày 15-3 tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Có thể yêu quý và hâm mộ, có thể nhịn ăn xếp hàng mua vé, có thể chen lấn xin chữ ký, mặc áo khoác giữa mùa hè nhiệt đới cho giống thần tượng…nhưng đến mức – xúm xít vào hôn cái ghế thần tượng ngồi thì…
“Hôm qua 10g có chạy chương trình mà chú Bi Rain gì đó (không biết gõ đúng không nhỉ) và bậu xậu của chú ta sang diễn. Bi ngồi cùng cậu nữa ghế A12, A14 trong Nhà hát lớn. Một số cô cậu nhòm thấy. Tối biểu diễn, nhiều quý nữ có vé mời vào rất sớm, xúm nhau cúi xuống ngửi, hôn cái ghế Bi ngồi”…
Mấy câu ngắn gọn trên Facebook sau đêm biểu diễn của Bi Rain – ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc – tại Hà Nội của một chuyên gia truyền hình nổi tiếng đủ khiến nhiều người trong chúng ta, dù thờ ơ đến mấy với “văn hóa xìtin”, phải giật mình.
Chàng Bi Rain đẹp trai
Chuyện giới trẻ VN và cả châu Á hâm mộ các sao Hàn đã từ lâu không còn là chuyện lạ. Từ gần 20 năm nay, khi “làn sóng Hàn Quốc” trùm lên khắp phố phường thôn xóm – qua phim ảnh và ca nhạc đi trước, hàng hóa theo sau – xã hội đã quen với “tóc nâu môi trầm”, quen với kim chi và đồ ăn Hàn, thời trang và đồ điện tử, gia dụng, thậm chí quen với cả việc nguyên một buôn làng Vân Kiều đặt tên con bằng nhân vật phim Hàn Quốc.
Trên các phương tiện truyền thông, mỗi lần có ban nhạc hay ngôi sao (điện ảnh, truyền hình, ca nhạc) Hàn Quốc sang VN, tràn ngập hình ảnh các “fan cuồng” “cơm nắm muối vừng” xếp hàng đón ở sân bay, xếp hàng chen mua vé, xếp hàng xin chữ ký…, kèm theo là những lời than vãn tuyệt vọng của các bậc phụ huynh: “Nó đòi bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để xem Super Junior”; “Nó bảo nếu mẹ không kiếm được vé cho con thì con sẽ bỏ học”, mà vé nào có rẻ, có những khi lên đến 5-7 triệu đồng/cặp.
Các fan của nhóm nhạc Suju chờ đợi thần tượng xuất hiện tại sân bay Nội Bài ngày 14.3.
“Con nhà giàu, được chiều quá mới thế, chạy ăn từng bữa xem, hết thần tượng ngay” – một vài lời nhận xét, rất vô can; “Trẻ con ấy mà, hãy thử đặt mình vào vị trí chúng nó”, “Chúng nó lớn tự khắc sẽ tỉnh”…- nhiều tiếng tặc lưỡi độ lượng.
“Hãy để lớp trẻ có thần tượng của mình, dù Hàn hay Việt, nếu họ tạo ra giá trị sống mới, nếu họ đại diện cho những vẻ đẹp mới, hay thậm chí đơn giản là họ mang đến niềm vui cho hàng triệu thanh niên đang thiếu vắng thần tượng và thiếu cả không gian giải phóng năng lượng” – nhiều chuyên gia tâm lý và những người “tây học, quan niệm cởi mở” phát ngôn trên các diễn đàn…
Ai cũng có lý nếu xét từ góc nhìn của mình, từ vị trí riêng của mình, từ trải nghiệm của bản thân mình.
Vâng, có thể yêu quý và hâm mộ, có thể nhịn ăn xếp hàng mua vé, có thể chen lấn xin chữ ký, có thể làm mình làm mẩy với cha mẹ để xin được tiền mua chiếc vé cắt cổ, có thể nhuộm tóc xanh, tô môi tím và mặc áo khoác giữa mùa hè nhiệt đới cho giống thần tượng…
Nhóm 2NE1
Nhưng đến mức – dù là chỉ vài người trẻ – xúm xít vào hôn cái ghế Bi ngồi thì…
Những người nhìn thấy cảnh ấy đã giật mình, các phụ huynh đã giật mình. Nhưng giật mình rồi làm gì nữa? Trong khi các thần tượng mới mà chúng ta thật sự mong ước cho con em mình vẫn chưa xuất hiện.
THU HÀTheo Tuổi Trẻ

  1. Chiêm nói:
    Trả lời vuthanhhoa.net
    Lớp trẻ bây giờ hay dùng từ thần tượng. Thời của mình chỉ là những gương danh nhân, gương những người đáng tôn trọng thế thôi
    Lớp trẻ luôn luôn nhìn vào gương những người đi trước. Ngoài cuộc sống gia đình lớp trẻ luôn luôn nhìn và tìm bạn, tìm nhóm ở ngoài xã hội. Điều đó sẽ làm cho lớp trẻ năng động sau này khi ra đời. Nhưng hôi nhóm ngoài đời có gì ? Ngoài đội thiếu niên tiền phong và Đoàn thanh niên cộng sản thì gần như các tổ chức hoạt động khác không tồn tai hoặc có tồn tại thì hoạt động một cách què quặt hoặc không được chăm bón. Mà sự chăm bón luôn cần thiết cho tất cả, từ cây cối, đạo đức, niềm tin tôn giáo.., tình yêu.Chưa nói những người có tâm huyết với các tổ chức đó : Thanh niên hướng đạo, sinh hoạt gia đình phật tử, thanh niên công giáo, tin lành…có thể gặp tai họa bất cứ lúc nào. Không nói đâu xa nhìn tình trạng Pháp Luân Công của Trung Quốc khi lớn mạnh thì sẽ hút nguồn lực , nhân tài, niềm tin…và chính vì thế mà bị tiêu diệt và đàn áp…dầu không làm chính trị.
    Lớp trẻ cũng khó nghe lời cha mẹ. Cha mẹ dạy con thành thật, trung thực, thẳng thắn, dám nói và dám chịu trách nhiệm…những đức tính tốt cần thiết để hình thành nên nhân cách một con người thì thử hỏi khi đứa con đó gia nhập xã hội hiện nay nó sẽ ra sao ? Để tồn tại thì chắc là nó phải suy nghĩ và hành động khác. Có thể trong suy nghĩ nó còn nghe lời cha mẹ nhưng hành động nó sẽ khác
    Hơn nữa lớp trẻ luôn luôn năng động và tìm tòi khám phá. Lớp tuổi già đã có sức ỳ. Và thế hệ trẻ ngày nay luôn luôn sử dụng tối đa phương tiện vi tính, internet. Ví dụ sống và học tập theo gương …chỉ vài cái click chuột là sẽ ra một trời thông tin mà ngày xưa gọi là bí ẩn nơi chốn cung đình. Thông tin trên mạng thật có, ảo có nhưng với lớp trẻ có đầu óc suy xét thì qua lập luận logich sẽ biết cái nào đúng nào sai.
    Viết tới đây mình lại nhớ chuyện Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh. Dùng chuyện ma nói chuyện người hay người là ma :
    Nói láo mà chơi nghe láo chơi
    Giàn thưa lún phuns hạt mưa rơi
    Chuyện đời chắc hẳn không buồn nhắc
    Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời
    Khi nói chuyện với nhiều bạn trẻ, rất nhiều bạn không biết Nguyễn Hiến Lê là ai tự nhiên tôi thấy hơi buồn. Những ca sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Quỳnh Hương .. gần như trở thành thần tượng trong giới trẻ. Chắc do họ làm ra tiền nhiều, sống hào nhoáng …nhưng thiển ý của riêng tôi để cho các bạn trẻ không biết những người như Nguyễn Hiến Lê, Trần Trọng Kim, Vương Hồng Sển …những người góp phần rất nhiều cho văn hóa Việt Nam là một thiếu sót của những người lớn tuổi
    Dầu khi vào nhà sách gần như những quyển sách của cụ Nguyễn Hiến Lê trong thời đại ngày nay vẫn tiếp tục phát huy tác dụng tích cực của nó. Nó vẫn hiện diện suốt từ Bắc vào Nam vì thể loại của cụ viết rất đa dạng. Và tương lại vẫn sẽ hiện diện những tác phẩm của cụ nhiều. Vì thế tôi muốn góp thêm một tiếng nói về cụ Nguyễn Hiến Lê để lớp trẻ được biết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét