Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Làm gì cho đất Quảng quê tôi, từ dự định đến thực hiện? Nguyễn Đăng Hưng

Những ám ảnh của hai cuộc chiến cứ theo tôi suốt những năm dài sống ở quê người

Làm gì cho đất Quảng quê tôi, từ dự định đến thực hiện?

Nguyễn Đăng Hưng

Tôi sinh ra ở làng Bồ Mưng, phủ Thanh Quít, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nhưng vì thời buổi loạn lạc chiến tranh, tôi phải di tản, rồi di cư, rồi di chuyển, rồi di trú khi còn là một cậu bé mới năm sáu tuổi. Do đó, hình ảnh của nơi chôn nhau cắt rốn của tôi có gì nhạt nhoà xa xôi của một thời mà ký ức tuổi thơ chưa đủ khả năng thâu nhận hết những giá trị có bề dày văn hóa.
Tôi lại không may mồ côi mẹ rất sớm, sống thường xa cha, xa ông bà, xa gia tộc, nên những mối giây liên đới đến bà con, cô bác, đến làng quê không được nhắc nhỡ, chăm sóc để qua thời gian có thể còn khả năng đọng lại, rõ nét trong tôi.
Thử vọng về những kỷ niệm của tuồi ấu thơ tôi chỉ còn nhớ lại những câu ca dao má tôi ngân lên khi ru em tôi ngủ. Em gái tôi vừa sinh ra khi tôi mới lên năm tuổi. Những đêm trăng tôi lẽo đẽo đi theo ông nội tôi, đi dạo ngắm trăng và hoa trên những trên con đường chính từ ngỏ đi vào khu nhà thờ tộc họ Nguyễn Đăng.  Ông nội tôi là trưởng tộc, sở hữu đất hương hỏa tọa lạc trên vùng cao, cách đường quốc lộ chỉ chừng trăm mét. Ở Điện Bàn Quảng Nam đây là một ân huệ vì lũ lụt hằng năm nhưng chưa bao giờ nước dâng lên đến khu vườn gia tộc. Nhưng sau này trong chiến tranh, ngược lại đây là điều bất hạnh vì thường xuyên bị càn quét bởi quân đội Pháp mà phần lớn là lính đánh thuê gốc Phi Châu, đóng đồn gần đó. Để chống quân du kích Việt Minh, người Pháp chủ trương chung quanh đồn bót phải có bảo đảm an toàn, phải trống trải trơ trụi, không cấy cối um tùm, không lủy tre che khuất… Kết quả là toàn bộ khu vườn nhà ông bà nội và ba má tôi với nhiều cây trái sum sê ngọt ngào bóng mát sau này chỉ còn là bình địa. Tôi còn nhớ rõ cây mít bà cỗ kính, loại mít ướt có thân to cao sù sì mà bọn trẻ chúng tôi năm đứa nắm tay bao quanh mới đi hết vòng… Họ đã làm gì với cây mít bà thân yêu của tôi? Lúc ấy tôi đã đi rồi đi theo ba tôi tham gia kháng chiến ở tận Tam Kỳ, Tiên Phước, vùng hẻo lánh thời ấy còn gọi là vùng tự do vì ở đây người  Pháp không kiểm soát được.
Tôi cũng còn nhớ những ngày theo má tôi về thăm quê ngoại khu nhà của bà Hương Nữ ở An Trạch, có tiếng là giàu có vì sở hữu nhiều ruộng đất… Khu nhà có sân lát gạch rộng mênh mông bao quanh bằng những con đường rợp bóng mát của hai hàng cây mù u dài xa tít.
Những năm còn hòa bình cuộc sống quê tôi sao êm đềm đến thế.  Tôi cũng lần đầu tiên, cấp sách rụt rè theo chân má tôi vào lớp học trường làng. Con đường đi đến trường khúc khuỷu quanh co, lắm khi sình lầy qua cơn mưa. Lớp học thì rất đông còn thầy giáo thì thật là nghiêm khắc…

Cũng trên con đường tôi đã theo má tôi vào học lớp vở lòng này tại quê tôi
Tôi nhớ mãi những đêm lẽo đẽo theo ông tôi và nghe ông ngâm vang lên dưới đêm trăng những bài thơ cỗ. Tôi đã thuộc lòng từ thuở ấu thơ những bài thơ thất ngôn bát cú của bà Huyện Thanh Quan như vậy đó…
Sau này tôi yêu văn học cũng vì ảnh hưởng xa xôi từ ông tôi… Tôi đã từng định học văn khi thi đậu vào cao đẳng sư phạm Sài Gòn, nhưng ba tôi không cho… Ba tôi muốn tôi học y. Tôi lại thi đậu vào trường quân y nhưng học chưa đầy bốn tháng là nhận được học bổng du học tại Bỉ và thời ấy 1960 du học sinh bị bắt buộc phải đổi sang các ngành kỹ sư.
Thế là tôi trở thành một kỹ sư ngành vật lý hàng không không gian, một nhà nghiên cứu về cơ học tính toán, một tiến sỹ khoa học ứng dụng, một giáo sư đại học, một cuộc đời, một sự nghiệp hơn 50 năm ở xứ lạ quê người.
Năm Tết hòa bình thống nhất đầu tiên, Tết Bính Thìn năm 1976 tôi có dịp về thăm quê cũ làng xưa chỗ tôi chào đời Bồ Mưng Điện Bàn. Tôi cũng ghé thăm nơi tôi đã sống di tản khi lên 8 tuổi Tam Dân, Tam Kỳ… Cuộc chiến ác liệt vào bậc nhất của lịch sử loài người đã tràn qua quê tôi. Cái mất mát quá lớn, quá sức tưởng tượng. Những hình ảnh êm đềm của thời thơ ấu của tôi đã trở thành tro bụi, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Những ám ảnh của hai cuộc chiến cứ theo tôi suốt những năm dài sống ở quê người. Tôi đã ghi lại những dòng sau đây, ngày giao du yên lành tại vùng cao xứ Thụy Điển, không xa vùng Bắc cực:
Cậu bé ngày xưa lam lũ cút côi
Cậu bé thành người thì họ đã đi rồi
Không để lại, ngay những lời trăn trối
Đất nước hồi sinh, cuộc đời tiếp nối
Người thân yêu lưu lạc khắp địa cầu
Bè bạn xa rồi, không biết về đâu
Không biết hôm nay, ai còn ai mất
Nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn có thật
Nhưng mấy ai tả hết nỗi kinh hoàng!
Cậu bé ấy là tôi, những ngày còn ở Quảng Nam, huyện Điện Bàn hay đang theo ba tôi lưu lạc ở Tam kỳ, Tiên Phước… Những cậu bé như vậy vẫn còn phổ biến tại quê nhà cũng lam lũ trên cánh đồng bát ngát hay bơ vơ trên hè phố đầy bụi bặm. Bỡi vì vậy, tôi thường tôi tự bảo mình dù thế nào chăng nữa cũng làm gì cho quê hương, cho tuổi trẻ Việt Nam. Tôi coi đó như một định hướng, một hoài bảo, một thân phận, một định mệnh…
Năm 1977 tôi được Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước mời về thỉnh giảng khoa học. Nhưng thời ấy còn quá nhiều bất cập vì cơ chế bao cấp còn đè nặng trên quê hương. Phải đợi đến sau ngày đổi mới tôi mới bắt đầu triển khai những dự án do tôi đề xướng và điều động tại Việt Nam.
Có người hỏi tôi sao giáo sư không giúp đỡ các đại học Quảng Nam Đà Nẳng mà đi mở các lớp đào tạo tại Sài Gòn và Hà Nội, ròng rã kéo dài đến gần 20 năm? Xin thưa, tôi là một chuyên gia có kinh nghiệm điều phối các lớp đào tạo liên đại học trong khuôn khổ cộng tác đại học của khối Liên Hiệp Châu Âu. Tôi nghĩ rằng việc kết nối hệ thống liên đại học mà tôi đã dày công xây dựng này với các đại học Việt Nam là một việc làm nhanh chóng và hữu hiệu nhất. Và để gặt hái thành công, tôi bắt buộc phải bắt đầu triển khai tại những nơi có đông đảo sinh viên kỹ sư ra trường, có trình độ ngoại ngữ và học thuật đủ để có thể tham gia tuyển sinh vào các lớp đào tạo thầy cho Việt Nam, cấp bậc thạc sỹ và tiến sỹ. Tôi quan niệm trên giải đất hình chữ S ở đâu cũng là quê hương Việt Nam…
Lúc ban đầu những năm 90, trở về Việt Nam sau mười năm vắng bóng (1979-1989), tôi ưu tiên về thăm và làm sê-mi-na tại trường Đại học Bách Khoa Đà Nẳng thời hiệu trưởng Phan Kỳ Phùng. Nhưng vì thấy số kỹ sư tốt nghiệp tại miền Trung còn quá ít để hình thành các lớp cao học có chất lượng với sỹ số ít nhất phải đến 20 người. Tôi phải bằng lòng với quyết định tài trợ chi phí di chuyển cho các kỹ sư từ Đà Nẳng hay các vùng miền Trung (bắt đầu từ Phan Thiết) vào Sài Gòn theo học cao học Châu Âu. Trên thực tế đã có gần mươi người thành công tốt nghiệp bằng thạc sỹ do Bỉ cấp theo cách ấy.
Thêm chú thích
Hình chụp năm 1989 ngày tôi về làm việc tại trường ĐH Bách Khoa Đà Nẳng. Hiệu Trưởng Phan Kỳ Phùng là người thứ ba hàng đầu từ phía bên phải
Năm 2002 tôi đã bỏ ra một năm nguyên, sửa soạn các thỏa thuận ký kết giữa các đối tác để đề xuất một dự án có qui mô đáng kể cho Đà Nẳng, trong khuôn khổ chương trình Asia-Link của Châu Âu. Đó là dự án: “Tổ chức một trường cao học tại Đà Nẳng với sự tham gia của 10 trường Đại Học lớn của Liên Hiệp Châu Âu, 10 trường Đại học Việt Nam, một trường Đại học Lào và một trường Đại học Campuchia”. Vì dự án có bố trí trợ cấp học bổng tạo điều kiện cho các sinh viên ở xa tụ về Đà Nẳng nên tổng số kinh phí khá lớn. Có lẽ đó là lý do mà dự án không được Ủy Ban Châu Âu chấp nhận tài trợ.
Tôi đành ngậm ngùi tự bảo lại một lần nữa không có duyên với quê mình.
Phải đợi đến tháng 11/2009 tôi mới có dịp làm một động tác thiết thực cho Quảng Nam, Tam Kỳ,
Nguyên tôi có người cháu bên ngoại họ Đỗ tên Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Phước Tiến chuyên sản xuất chế biến hải sản, xuất cảng chủ yếu sang Nhật Bản. Bắt đầu từ 2009 vì những biến động tại Biển Đông, doanh thu giảm sút vì nghề đánh cá bị đe dọa nặng nề, cuộc sống của ngư dân Việt Nam gặp rất ư là khó khăn hiễm nghèo. Điều này ai cũng biết. Cháu tôi đổi hướng kinh doanh, muốn đóng góp trong công cuộc giáo dục đào tạo, đặc biệt trong lĩnh vực dạy nghề cho tuổi trẻ địa phương và vùng Tây Nguyên lân cận. Anh ta đã mua lại trường Cao Đẳng Phương Đông. Vì thiếu người, cháu tôi khẩn khoản mời tôi về giúp trường làm Hiệu Trưởng. Tôi do dự rất lâu vì bấy lâu nay tôi chỉ chuyên môn tổ chức đào tạo và giảng dạy các cấp bậc cao học còn cấp bậc dạy nghề hay cao đẳng kỹ thuật thì thú thật tôi chưa bao giờ làm. Nhưng vì thấy lợi ích thiết thực cho quê nhà, vì thấy tôi có thể giúp cho trường củng cố cơ sở phát huy trong tương lai, nhất là xây dựng liên thông với các trường dạy nghề có uy tín tại Sài Gòn, theo hướng giao lưu, trao dồi nâng cao trình độ của giáo chức nhà trường, tôi đã chấp nhận làm hiệu trưởng không ăn lương (quyết định ngày 23/11/2009 của thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận).
Ngồi phòng Hiệu Trưởng trường Cao Đẳng Phương Đông, Tam Kỳ, 2009
Năm 2010 nhân ngày tựu trường tôi đã phát biểu trong bài tham luận của ngày khai giảng đầu niên học:
“Tôi có cảm tưởng hôm nay khi đồng ý về đây nhậm chức lãnh đạo nhà trường, tôi đã đi trọn con đường vòng phát xuất cách đây đã 60 năm ròng rã. Trước đây 60 năm, tôi đã từng là cậu bé sống lưu lạc ở Tam Kỳ, được một gia đình ở Tam Dân cho tá túc nương tựa. Tôi đã từng làm công việc đồng án, từng chăn trâu, tát đìa, bắt cá, hái củi, trồng rau tham gia chia phần lao động cho gia đình. Tôi cũng đã được cắp sách đến trường trong giai đoạn rất khó khăn của chiến tranh kháng chiến, thường xuyên bị máy bay oanh tạc, học hành không liên tục và bài bản. Rất may, tôi đã được sống sót, rồi sau này có điều kiện vươn lên vì được đi du học tại Châu Âu.
Nhìn các em hôm may tôi nhớ lại năm xưa và tôi rất vui sẽ đồng hành cùng các em trên con đường  xây dựng nhà trường, cải tiến phòng thí nghiệm, bồi dưởng giáo viên, liên thông đào tạo, cải tiến chất lượng học trình… Tôi mong mỏi các em sẽ phấn đấu học hành, thấu triệt tay nghề, cùng nhau trở về với truyền thống giáo dục dân tộc: nhất nghệ tinh nhất thân vinh, không chạy theo bằng cấp hảo, nói không với hình thức, với giả tạo, với thành tích không dựa trên thực chất…”
Đầu năm 2011, trường Đông Phương đã tìm được hiệu trưởng mới, có điều kiện thường trực tại Tam Kỳ, tôi đã xin chấm dứt vai trò của mình với sự đồng thuận của các thành viên sáng lập.
Làm gì cho đất Quảng quê tôi, từ dự định đến thực hiện, quảng cách vẫn còn xa. Nhưng trong sâu thẳm của tâm hồn, tôi không bao giờ thấy áy náy hay tiếc nuối. Bỡi vì lòng tôi lúc nào cũng gần gũi với quê cha, đất tổ.
TSKH Nguyễn Đăng Hưng
Sài Gòn ngày 16/12/2011
Bài này đã được đăng trên báo Quảng Nam, Xuân Nhâm Thìn ra ngày 5/1/2012:







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét