Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Nhân đọc bài : < HIỂU RÕ KẺ THÙ THÌ TA HẾT SỢ CHÚNG > của KTS Trần Thanh Vân

Nhân đọc bài : < HIỂU RÕ KẺ THÙ THÌ TA HẾT SỢ CHÚNG > của KTS Trần Thanh Vân
Cuốn sách in đầu tiên bằng chữ quốc ngữ và linh mục Alexandre de Rhodes

Lời dẫn
Đầu năm 2009, tôi bắt đầu cộng tác tích cực với Blog Nguyễn Xuân Diện. Viết được bài nào là tôi gởi ngay và TS Diện cũng nhanh nhẹn cho xuất hiện trên blog mình. Tôi rất vui vì thấy blog Nguyễn Xuân Diện ngày càng được nhiều bạn đọc chiếu cố. Vì đẳng cấp văn hóa đậm nét dân tộc, nhất sự dấng thân quả cảm của chủ nhân trong những vấn đề thời sự liên quan đến quyền lợi tối thượng của người Việt, Blog Nguyễn Xuân Diện từ một bàn trà dành cho những người bạn thân thích đã dần dần trở thành diễn đàn của hàng triệu bạn đọc. Ảnh hưởng lang tỏa nhanh chóng của nó đã làm phật lòng những thế lực có chủ trương ngu dân và kiềm chế sức vươn lên của dân tộc Việt và họ đã nhẫn tâm đột nhập vào căn nhà khả kính này để phá phách và cuối cùng đánh sập. Sau này TS Diện làm nhà mới, nhưng những dữ liệu cũ vẫn chưa thấy được khôi phục.
Cũng may tôi có giữ lại một ít bài đã đăng tải, nhất là những bình phẫm của bạn đọc, phần thưởng quí giá của người viết blog. Nay tôi có chút thì giờ rỗi, xin đăng tải lại trên blog cá nhân này để bạn đọc tham khảo.
Sài Gòn ngày 29/9/2011

Chữ Quốc Ngữ, Việt Nam và Trung Quốc

Nguyễn Đăng Hưng

Chị Thanh Vân thân quý!
Một lần nữa đọc bài của chị, tôi có cảm tưởng như chị là cây đàn bầu rung lên tiếng vọng của cha ông, của ngàn xưa, ngay những ngày mà dân tộc ta bị bủa vây bởi những ám ảnh của một cơn đại họa như sắp ập đến: lãnh hải bị xâm chiếm, ngư dân bị giết hại, văn hoá bị hà hiếp và những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống tấp nập hiện ra như những đàn dơi nhởn nhơ giữa ban ngày, sẵn sàng ào đến nhân ngày đại lễ…

GS Nguyễn Đăng Hưng và các đồng nghiệp TQ và Ấn Độ, tại Bắc Kinh.
Tôi rất tâm đắc với những suy nghĩ của chị, nó rất Việt Nam, rất mới, đến từ một phụ nữ hiểu biết nhiều về người Hán vì đã sống nhiều năm tại Trung Quốc.
Riêng cá nhân tôi, là nhà khoa học, chuyên nghiên cứu về một ngành chẳng có chút nào là văn học, rất xa với sử học, nhưng tôi chia sẻ từng câu chữ của chị vể Trung Quốc, về tương quan giữa người Hán và dân tộc ta.
Tôi may mắn gắn bó với một nước tại châu Âu, có nền khoa học phát triển, có chính sách hỗ trợ các nhà khoa học rất ư là hữu hiệu, không biết kỳ thị là gì, màu da sắc máu hay giai cấp hay thành phần lý lịch. Tôi được tài trợ sang Trung Quốc nhiều lần, qua Đại Liên, đến Bắc Kinh, qua Tây An, xuống Nam Kinh qua Thượng Hải ghé Hàng Châu, Tô Châu, để về Việt Nam ngang qua Hồng Kông và Quảng Châu…

Tôi vốn ngưỡng mộ văn hoá Trung Quôc từ thời vị thành niên, vì đam mê đọc truyện Tàu. Nhưng một lần đi tham dự một Hội Nghị cơ học đuợc tổ chức tại Thương Hài, được bố trí ở trong một khách sạn 5 sao, một khách sạn quốc tế mà người phục vụ, từ các cô ngồi tại sảnh tiếp tân cho đến các nhân viên hầu bàn, không có người nào sử dụng được một ngôn ngữ quốc tế.
Việc gọi món ăn đối với chúng tôi là những giây phút bi hài. Chúng tôi đã như người câm, người mù, người điếc vì chúng tôi không nói được, không nghe được, không đọc đưọc tiếng Quan thoại và bản thực đơn không giúp gì đuợc chúng tôi. Chúng tôi cố ra dấu ra hiệu đủ thứ nhưng vô vọng. Mấy tay hầu bàn còn xấc xược bĩu môi nhìn về phía tôi. Tôi hiểu ngay họ ý ngạo mạn, cho tôi cũng là người da vàng, tóc đen như họ mà không biết tiếng Tàu !
Tôi chẳng nói gì được chi gọi là đáp trả, chỉ đề nghị với các đồng nghiệp là nên đi nhìn những bàn khác đã có thức ăn rồi chỉ định và bảo người hầu bàn ghi… Thế cũng được việc…
Hôm ấy lần đầu tiên tôi mới ý thức rất rõ là với chữ quốc ngữ, người Việt chúng ta rất gần các nước Tây phương. Ta gần họ hơn Trung Quốc !
Chúng ta đã thoát ra khỏi vòng cương toả của chữ Hán, của đạo Nho.
Chúng ta ở sát sườn bên cạnh Trung Quốc mà văn hoá có thể dễ dàng vươn ra thế giới các nước tiên tiến! Thật là một thảm hoạ nếu chúng ta điên rồ, cố tình bẻ cong lịch sử, quay về với quá khứ khắc khe của ngàn năm Hán thuộc…
Dĩ nhiên là các giáo sỹ người Pháp, người Bồ Đào Nha sang Việt Nam đem đến chữ quốc ngữ đã chỉ nghĩ đến tiện ích của việc truyền đạo Cơ đốc. Họ đâu có ngờ đã bắc một chiếc cầu mà vô tình hằng trăm năm sau, và sau này mãi mãi dân tộc Việt Nam sẽ trường tồn như vậy, là người bạn Á Châu ở xa nhưng rất gần gũi họ. Và con em chúng ta chỉ cần sáu tháng là biết đọc, biết viết… Và người ngoại quốc ai đến Việt Nam cũng đọc được các tên đường khi ngao du trên các khu phố. Không như chúng tôi, khi du lịch Trung Quốc, vật vờ lạc lối, nếu quên ghi rõ trên miếng giấy địa chỉ khách sạn bằng tiếng Trung Quốc…
Liège ngày 21/09/2010.
_______________________________________________________________________________________________
27 nhận xét trên blog Nguyễn Xuân Diện:
Trong khi nhiều kẻ đang muốn nhân dân ta làm “nô lệ kiểu mới” cho Tàu; để cầu vinh, cầu tiền tài; thì rõ ràng những người VN hôm naylại phải có một chiến dịch “bài Tàu”, theo tôi, đây cũng là “một cơ hội” do chính người TQ hôm nay đem đến; mỗi chúng ta, tùy theo hiểu biết của mình hãy làm hết sức mình để bảo vệ văn hóa, giống nòi vậy.
Tr Thanh Vân nói…
Rất cám ơn giáo sư Nguyễn Đăng Hưng về lời chia sẻ thân tình và đầy ý nghĩa. Tôi rất nhớ lần hội ngộ không thành giữa giáo sư và chúng tôi cách đây ít lâu, mong sao lần tới sẽ không bị lỡ nứa. Tôi rất nhớ lời đề nghị của giáo sư, lần tới tôi vẫn nhận trách nhiệm chọn một nhà hàng dễ mến, vẫn sẽ là một quán ăn nho nhỏ dễ tìm thấy ở một thị trấn nhỏ bên Châu Âu. Tôi may mắn đã đi khá nhiều, Châu Âu tôi cũng biết gần hết trừ Vương quốc Bỉ.
ng2hien nói…
Là người Việt Nam, nếu có lòng nghĩ đến đất nước, hãy làm những việc dù là nhỏ bé nhất dành cho đất nước mình, dùng hàng Việt Nam thay vì dùng hàng Tàu, tắt tivi nếu bị “bắt phải xem phim Tàu”…
eagle081183 nói…
Một bài viết tốt!!
Em biết tiếng Nhật và tiếng Anh.
Đúng là tiếng Việt giúp ta dễ gần với châu Âu hơn thật.
inhainha nói…
Gửi thầy Hưng,
Chữ viết của chúng ta giống phương Tây rõ ràng có một lợi thế lớn trong việc tiếp thu tri thức phương Tây, nhưng hình như từ lâu rồi chúng ta lại tiếp tục Hán hóa những từ vựng khoa học kỹ thuật phát sinh từ phương Tây. Ví dụ điển hình như trong ngành cơ học :
buckling lại dịch thành bất ổn định hoặc bất ổn định nén gì đó, sao không để chữ viết buckling nguyên thủy?
fracture mechanics : dịch là cơ học phá hủy hay là cơ học nứt gãy chính xác hơn? tại sao fracture không để nguyên từ gốc?
hoặc fluid là lưu chất, lưu chất là gì? sao không dịch là phờ luýt hoặc đơn giản để tên nguyên thủy tiếng Anh.
Tuan nói…
@inhainha: Theo tôi đó không phải là Hán hóa mà là Việt hóa. Từ khi học phổ thông, nhiều người đã được biết à trong tiếng Việt có những từ, ngữ mượn từ ngoại ngữ, mục đích là làm phong phú thêm cho tiếng Việt và cũng có nguyên nhân từ yếu tố lịch sử. Theo như bác đề xuất, cứ giữ nguyên từ nước ngoài hoặc phiên âm để đọc thì chính người Việt chúng ta sẽ gặp khó khăn khi đọc và hiểu những từ ngoại đó. Bác thử hình dung đọc một đoạn văn Việt mà lổn nhổn những từ Tây thì có khác gì ăn bát cơm thỉnh thoảng phải nhằn sạn. Tôi thừa nhận có những từ ngoại buộc phải giữ nguyên để dùng cùng với giải thích nghĩa nhưng phạm vi sử dụng của chúng hạn hẹp. Bản thân chúng đã được hiểu và thừa nhận rộng rãi mới có thể dùng nguyên được. Tốt nhất là chuyển ngữ được thì vẫn nên chuyển.
Nặc danh nói…
chữ quốc ngữ muôn năm
Nặc danh nói…
Cần có ngày cho chữ quốc ngữ với những trò chơi, câu đố để chữ quốc ngữ ngày càng phong phú
Nặc danh nói…
Bình tĩnh lại đi, Người Mỹ và người Anh, trong quá khứ gây chiến tranh với nhau, mà Người Mỹ vẫn hoàn toàn sử dụng Anh ngữ trong đời sống hang ngày.Chữ QN ngày nay thực ra về 1 phương diện nào đó cũng là phương tiện thể hiện Hàn nôm trong ngôn ngữ Việt. Nếu xoá hét lấy gì mà dùng.Tốt nhất hãy chăm học , chăm làm việc ngiên cứu, làm giàu… hơn là bàn những chuyện xa xôi.
Nặc danh nói…
Kính thưa Thày Hưng,
Đọc những bài viết của Thày Hưng về cải cách GD cấp đại học tôi rất thiện cảm, nhưng khi đọc bài Thày viết về chữ Quốc ngữ, Việt Nam và Trung Quốc thì tôi thấy thế nào ấy.
Tôi không đi sâu phân tích tình huống Thày gặp trong khách sạn 5 sao là người nhân viên ở đó không biết tiếng Anh hay menu không có Anh hay tên đường phố không có tiếng Anh mà Thày “mới ý thức rất rõ là với chữ quốc ngữ, người Việt chúng ta rất gần các nước Tây phương. Ta gần họ hơn Trung Quốc ! Chúng ta đã thoát ra khỏi vòng cương toả của chữ Hán, của đạo Nho.”… liệu có chủ quan quá, và thiên thiên…gì đó không ?
Chữ Hán (do người Hán phát minh ra) và chữ Nôm (thứ chữ do các bậc danh nho VN sáng tạo ra trên cơ sở chữ Hán) và đạo Nho bản thân nó không có tội. Không những không có tội mà còn là phương tiện trao đổi thông tin , quản lí nhà nước Đại Việt suốt chiều dài lịch sử dựng và giữ nước qua các triều đại Đinh, Lê, Lí, Trần, hậu Lê- Trịnh, Nguyễn, giữ gìn trật tư gia phong, quốc pháp, thậm chí đóng vai trò không thể phủ nhận, gắn liền tên tuổi các nhà cải cách, chính trị, văn hóa VN như: Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Hồ Qúy Li, NguyễnTrãi, Lê Thánh Tông, Mạc Đăng Dung, Trịnh Sâm, Minh Mạng, Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Văn An….Nguyễn Khuyến, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương …khi chữ Quốc ngữ còn chưa có mặt ở VN. Nếu không có chữ Hán- Nôm làm sao đến bây giờ chúng ta biết có các triều đại lịch sử đó, gắn với nền văn hóa Việt, ai làm nhiệm vụ thư kí của lịch sử ghi chép đây hay lại nhờ truyền miệng bằng…truyền thuyết ?!
Chữ Quốc ngữ do những cố đạo người Bồ Đào Nha (BĐN), Tây Ban Nha (TBN) khởi sự, sau này là AleAlexandre De Rhodes và Bá Đa Lộc (người Pháp) hoàn thiện. Ngay cả Francesco de Pina được xem là là người BĐN đầu tiên làm chữ quốc ngữ thì ông cũng phải nhờ một cậu thanh niên Việt rất giỏi chữ Hán giúp. Sở dĩ, đến cuối TK XIX, đầu XX chữ quốc ngữ mới trở thành chữ viết phổ thông của người Việt là do các đạo luật bắt buộc của nhà cầm quyền Pháp- An Nam , sự đóng góp tích cực của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và đặc biệt là Bình Dân Học Vụ.
Chữ quốc ngữ là thứ chữ latinh dùng để phiên âm lời nói của người Việt, nó không phải là ngọai ngữ, nên chỉ 3-4 tháng là người dân Việt bình thường có thể đọc thông viết thạo. Họ không phải học từ, không phải học câu, ngữ pháp, cứ đánh vần và …viết.
Còn chữ Hán, bản chất nó là ngoại ngữ, giống như bất cứ ngoại ngữ nào khác (Anh, Pháp, Nga, …) đòi hỏi người học phải có trình độ, năng khiếu (càng tốt) mới tiếp thu được, hơn nữa, nó là thứ chữ tượng hình cấu trúc các bộ thủ cơ bản ghép lại (214 bộ- Mai Ưng Tộ hoặc 510 bộ- Hứa Thận) nên càng khó khăn hơn hẳn 23, hoặc 24 chữ cái latinh ghép lại như quốc ngữ.
Nếu chúng ta sang sinh sống ở Đức, đẻ con ở Đức thì con chúng ta học tiếng Đức cũng giống như chúng ta học chữ quốc ngữ và lúc đó chúng hoc nói, viết chũ Việt như học ngọai ngữ vậy.
Điều này chắc Thày Hưng biết rõ hơn tôi.
(còn nữa)
Dương Tử
Nặc danh nói…
(tiếp theo)
Tôi muốn nói thêm một chút về đạo Nho. Nó đóng vai trò như dường mối mọi quan hệ ứng xử con người với chính cá thể đó, với các cá thể khác trong gia đình, xã hội, thiên nhiên, trời đất, thậm chí nó có những môn khám phá tiềm năng con người, tiên tri…Nó bảo cho con người phải có Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Ví dụ: chữ Nhân gồm bộ nhân+ nhị, giải nghĩa rằng con người phải có lòng nhân, có lòng với người cũng như có lòng ngang bằng với chính mình vậy. Mỗi chữ (tượng hình) hầu hết có nôị hàm ý tứ, mà bất kì chữ ghi âm không thể có. Nó dạy con người ta học làm người quân tử, chứ không dạy làm kẻ tiểu nhân, bởi nó chỉ rõ bản chất không thể chối cãi là: Quân tử vì nghĩa, tiểu nhân vì lợi. Nó dạy một trật tự gia đình nề nếp, gia phong. Nó chỉ ra nhân cách người cầm quyền: Quan dân chi phụ mẫu/ Làm quan là cha mẹ của dân, như vậy phải yêu thương dân như chính con đẻ của mình; và lối hành xử: Kỉ sở bất dục, vật thị ư dân/ Điều mình không muốn thì đừng bắt người khác làm…
Một trong những chữ mà bất kì con người nào cũng phải hiểu và giữ đấy là chữ Xỉ, nó gồm chữ nhĩ+ tâm, nghĩa là nghe thấy lòng mình nói mà biết xấu hổ với chính mình. Người ta hay đổ tại đạo đức xuống cấp chính là không giáo dục con người có Xỉ. Mà đúng hơn không hiểu chữ ấy là thế nào.
Tôi nhớ lại chuyện Hạng Vũ, anh hùng cổ đại, 17 tuổi khỏi nghĩa, đánh trên 70 trận, 26 tuổi làm đến Tây Sở Bá Vương, 31 tuổi khi bị Lưu Bang truy đuổi, đến sông Ô Giang, mặc dù có người đình trưởng chờ thuyền sẵn cứu ông ta trở lại Giang Đông tái đồ sự nghiệp, nhưng ông ta tự xấu hổ, thẹn với chính mình và cả nàng Ngu Cơ, nên ông quyết một trận sống mái cuối cùng, để văn chương nhiều đời ngợi ca. Đỗ Mục đã viết:
Thắng bại binh gia sự bất kì/ Bao tu nhẫn xỉ thị nam nhi…
Nghĩa là:
Thắng bại là sự bình thường của nhà binh/ Không thể nhẫn nhịn chịu sự xỉ nhục mới là đấng nam nhi.
Ngay cả TT Obama cũng nói, đại ý: Nền an ninh của chúng ta được xây dựng từ sự chính danh, từ sự gương mẫu, từ sự khiêm nhường và sự biết kiềm chế của chúng ta. Chính danh- là học thuyết của Khổng Tử. (Danh chính ngôn thuận, danh bất chính ngôn bất thuận, ngôn bất thuận, sự bất thành).
Không có chữ Hán- Nôm, hay nói đúng hơn nhờ chữ Hán- Nôm mà những nhà chính trị, quân sự , văn hóa VN đã viết những tác phẩm kiệt xuất để đời: Binh thư yếu lược- Trần Hưng Đạo, Bình Ngô sách- Nguyễn Trãi (trong đó Chư tỳ tướng sỹ hịch văn- Hịch Tướng sĩ- Bình Ngô đại cáo được xem là 1 trong những tiên cổ hùng văn), Đại Việt sử kí toàn thư, Truyện Kiều- Nguyễn Du….
Chữ Hán Nôm góp phần thực sự to lớn vào nền chính trị, quân sự, văn hóa, giáo dục nước nhà… để lại những công trình, tác phẩm lớn lao khẳng định sự nghiệp dựng nước và giữ nước Đại Việt hàng ngàn năm qua.
(còn nữa)
Dương Tử
Nặc danh nói…
(tiếp theo 2)
Thật tiếc thay, khi chữ quốc ngữ xâm nhập vào, do chính sách thực dân của nhà cầm quyền, không cho phép dùng chữ hán nôm trong các văn bản pháp luật nhà nước, sau này lại có phong trào bài phong, xem chữ hán nôm như một sự cổ hủ, ngăn cản tiến trình cách mạng, do vậy tinh hoa hán nôm học có được từ hàng ngàn năm bị mai một, có những mảng bị hủy hoại, có nguy cơ thất truyền.
Gần đây, một người bạn Hàn Quốc gửi tặng tôi một câu đối:
Tích tài thiên vạn/ Bất như truyền chi tại thân.
Nghĩa: Tích của nả thiên vạn cũng không bằng truyền lại cho cành (con cháu) bằng ( cái tốt) của chính bản thân mình.
Quay trở lại cái hay, cái đẹp, cái tốt của chữ quốc ngữ tôi đồng ý với Thày Hưng những công hiệu của nó mà Thày vừa kể. Ở một khía cạnh nào đó, nó ít nhiều giúp những người nước ngoài đến VN ê a đọc được tên đường phố để mà nhớ lối về. Tất nhiên họ cũng chả hiểu tên đường phố ấy nghĩa là gì, giống như Thày và tôi ra nước ngoài đọc- đúng hơn đánh vần ghép những con chữ latinh… Nhưng lại có những đoàn người từ những nước chữ tượng hình (TQ, Nhật, Triều Tiên, khối ả rap, ấn độ…-chữ Phạn) đến VN gặp menu, biển đường phố cũng lại giống Thày đến TQ chả hiểu gì cả, liệu họ có đặt quan hệ VN và nước họ do cái chữ quốc ngữ của VN không ?
Tôi yêu tiếng nói nước tôi, chữ nước tôi trong ca dao, văn chương, tôi cũng yêu thơ Đường của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy…tôi yêu cả Lão Tử, Khổng Tử. Tôi cũng yêu văn xuôi Mĩ, Pháp, và thơ văn Nga. Tôi chẳng có lí do gì để ghét cái thứ chữ (dù khó và hoặc dễ đọc, viết) làm nên những tác phẩm văn hóa, con người sản sinh ra nó.
Bóng ma chính trị, những xung đột tức thời như một bức màn ngăn cản con người với những giá trị chung về lòng chân thành và bao dung chia xẻ cùng nhau. Lecmantop đã nói hộ tất cả mọi người nỗi đau không phân biệt biên giới, màu da:
Ta cầu xin tình em cũng vậy/ tê tái lòng bao giọt lệ chua cay/ Tình ta cũng chân thành biết mấy/ Cũng bị em tàn nhẫn gạt lừa.
Kính trọng gởi lời chào Thày,
……..
Dương Tử
(À, mà cả điều này nữa, nếu tôi cũng ghét…mà đặt tên tôi lại theo lối chữ quốc ngữ thì tên tôi phải gọi là: Thằng cu con tên là cây dương a? Dài quá Thày nhỉ!)
Nhờ TS Diện xem giúp, nếu OK thì cho…Thanks
Anh Dương Tử thân mến,
Nói chung tôi đồng ý với lời bàn của anh. Một vấn đề lớn như chữ Nôm, chữ Hán, chữ Quốc ngữ mà viết mới một trang thì làm sao có thể tránh đuợc tính phiến diện, thiếu sót ?
1. Qua trang này tôi chỉ ghi nhận cảm nghĩ nhanh của tôi sau khi đọc bài của KTS Trần Thanh Vân: Chữ Quốc Ngữ là cơ may cho dân tộc ta trong thế giới hiện đại, là công cụ hữu hiệu mà lịch sữ đã ban cho chúng ta trong việc kháng cự lại nguy cơ Hán hoá…
2. Những văn kiện lịch sử, những tác phẩm cỗ điển của dân tộc Việt Nam sẽ không lưu lại đến ngày nay nếu không có chữ nôm,”thứ chữ do các bậc danh nho VN sáng tạo ra trên cơ sở chữ Hán”, anh đã nói rất đúng. Làm sao có thể coi thường việc này và bức thư tôi viết cho KTS Thanh Vân đâu có ngông cuồng phủ nhận.
3. Nếu cho tôi nói thêm thì ở đây tôi xin khẳng định là người cho rằng nên giảng dạy chữ Hán và chữ Nôm trong chương trình tú tài Việt Nam, không bắt buộc, nhưng là một hướng đi mà học sinh có thể chọn lựa để sau này theo học văn học trên đại học, nghiên cứu sữ hay văn học cỗ điển của dân tộc.
Bên Bỉ ngay năm nay, chương trình trung học còn giữ lại môn tiếng La Tinh, một ngôn ngữ đã chết khia mà…
4. Đạo Nho đã là bộ phận của văn hoá dân tộc suốt các thời đại phong kiến. Khổng Tử đã là nguời thầy của vạn đại với những tư tưởng khai sáng mức độ trong suốt quá trình lịch sữ từ thế kỷ thứ 19 trở về trước. Theo tôi chỉ có suy diễn Tống Nho mới là điều đang phê phán mà thôi. Việc này xin nhờ các bậc thức giả đàn anh dạy bảo, nhất là trong thế giới hiện đại…
Chúc anh vui vẻ.
Nguyễn Đăng Hưng
Tr Thanh Vân nói…
Cái gì cực đoan đều có thể dẫn đến sai lầm. Bạn Dương Tử nói rất hay, nhưng xin hãy thận trọng vì trên bàn trà nay không phải toàn những người “kém hiểu biết” cả đâu. Mấy đời Cụ Tổ nội , ngoại nhà tôi đều là thầy đồ Nho nổi tiếng. Bản thân tôi du học ở Trung Quốc chỉ được học “Văn bạch thoại” của thế hệ bình dân thời hiện đại, nhưng tôi cũng học để hiểu thêm đôi chút về “Văn ngôn” của ngừơi Hán cổ cũng như Lịch sử của họ. Bởi vậy tôi cũng hiểu nhiều khoảng tối trong nền văn minh của họ và tôi thực sự thấy may mắn là ta đã có chữ Quốc ngữ, không bị phụ thuộc vào họ nữa.
Bạn Dương Tử không biết đấy thôi, họ cũng muốn La tinh hóa tiếng TQ nhưng không làm nổi, không thể làm nổi.
Trung Quốc rất nhiều lần muốn La tinh hóa chữ viết, huy động rất nhiều nhà khoa học lớn của đất nước để làm việc này nhưng không làm nổi! Đúng như KTS Trần Thanh Vân nói.
Nặc danh nói…
Kính thưa Thày Hưng, chị Th Vân và TS Diện,
Dương Tử không phải là nhà nghiên cứu ngôn ngữ, chẳng qua do đọc được ở đâu đó và nhớ rồi nói lại những điều mà cho là chưa được nói hết, ngõ hầu mọi người yêu blog này cũng nhau chia xẻ; Đồng thời cũng muốn bày tỏ như một sự thôi thúc những tinh hoa Hán Nôm cổ được cha ông tích lũy hàng ngàn năm, nhất là những điều liên quan hành vi ứng xử thường nhật, có thể mang ra vận dung như Thày Hưng đề cập 3/ và 4/.
Tôi cũng đã đọc những bài viết của chị Th Vân, thấy có nhiều giao điểm.
Còn việc Latinh hóa chữ Hán, nằm trong cùng thời điểm các giáo sĩ TBN, BDN tiến hành ở 4 nước đồng văn là TQ, VN, Nhật Bản và Triều tiên, khoảng TK XIV đến XVI, nhưng kết quả duy nhất VN là latinh hóa được. (Chữ viết gọi là quốc ngữ hiện nay, sau này được AleAlexandre De Rhodes và Bá Đa Lộc -người Pháp hoàn thiện). Nguyên nhân của việc latinh hóa hay gọi là truyền bá chữ quốc ngữ tôi đã nói trước rồi. Vậy tại sao TQ, Nhật và Triều Tiên (chữ 2 nước này đang dùng chính là kiểu chữ Nôm của họ, cũng tương tự như chữ Nôm của ta được chế từ 2000- 2500 chữ Hán cơ bản mà thành), muốn latinh hóa mà không làm được thì vấn đề này tôi thực sự không tìm hiểu kĩ.
Nhưng phải nói chữ Hán của người TQ và chữ Nhật, chữ Triều Tiên đã góp phần nào đó đáng kể đưa đất nước của họ trải qua những thăng trầm, cũng như thành tưu, nên mới có diện mạo ngày nay.
Kính chúc các anh, chị sức khỏe,
Trân trọng,
Dương Tử.
Thân cư Phúc nói…
Cháu thì cháu không hiểu lắm nhưng đơn giản thế này bác ư, ơ, ngờ, ương, ….nhé!!! Nếu không có chữ Quốc ngữ thì cháu cam đoan với bác rằng cháu chẳng hiểu các bác đang nói gì, rộng ra cháu nghỉ 90% dân ta chẳng hiểu. Cháu cũng ngâm cứu chữ Nho, nhưng khó quá, cháu phải đi kiếm tiền nuôi vợ con nên chẳng học nó được. Các tác phẩm nổi tiếng mà bác nêu, tại sao bây giờ lại cứ phải “dịch nghĩa” nhỉ, vì nếu không ra chữ Quốc ngữ thì chịu, chẳng hiểu gì. Hay nó nối tiếng chỉ trong giới Nho?! Nếu vậy nổi tiếng để làm gì?? Vậy tại sao không học Chữ Nho ngay từ nhỏ? Theo cháu, tại sao các cụ nhà ta ngày xưa lại phải cố sáng tạo ra chữ Nôm, vì mục đích cũng là muốn cho nó “gần gũi” với tiếng Việt ta, từ đó mà phổ cập tới mọi người dân, nhưng kết quả thì vẫn kém, dân vẫn xa dời chữ Nôm vì muốn biết chữ Nôm thì nôm na là cũng phải biết chữ Hán, khó quá. Thử hỏi, cùng thời với Cụ Tổ nội, ngoài nhà Bác TTV có bao nhiêu người biết và hiểu chữ Nho? các Nhà nho, học trò cháu nghĩ chiếm tỷ lệ rất ít, thử hỏi dân ta mấy ai biết. Không học nổi hay không được học đây?!
Đôi lời cảm nghĩ như vậy ạ! Thực lòng thì cháu cũng muốn học chút chữ Nho, mục đích là cháu muốn mõi làn đi tham quan các di tích lịch sử thì mình biết và hiểu phần nào các Cụ nhà mình viết gì.
Bác Dương Tử hãy cứ xưng là Dương Tử, ai cũng hiểu thôi. Có điều Dương tử là con sông gắn liền với dân Bách Việt thủa xa xưa hay là “thằng cu con tên là cây Dương”. Hàm ý là gì thì chỉ người đặt tên hiểu, nếu muốn cho người khác biết thì phải giải nghĩa cái này không cứ Ta, Tây, hay Tầu. Có điều ai cũng biết đọc và biết viết chữ Dương Tử.
Nặc danh nói…
Bạn Cư Phúc- Thân,
Chữ viết của dân tộc nào cũng quí bởi nó là phương tiện truyền tải thông tin, chữ viết ấy lại được những bộ óc siêu việt sử dụng làm nên các tác phẩm bất hủ cho dân tộc mình và nhân loại mới thực sự được đánh giá cao không bị giới hạn bởi không gian, thời gian.
Chữ Nhật, Hàn (Triều Tiên) không bị (hoặc được) latinh hóa, nhưng 2 quốc gia đó đã viết nên bản hùng ca trong lĩnh vực kinh tế. Chữ Phạn- quê hương Đức Phật là phương tiện bảo truyền, hoằng dương lí thuyết bất hủ của Người khắp năm châu, cùng tiếng thơ Tagor lay động. Chữ Nôm -VN với truyện Kiều- Nguyễn Du tác phẩm vĩ đại nhất VN mọi thời đại (ít nhất cũng đến thời điểm này) đưa tác giả trở thành Đại thi hào, danh nhân thế giới,v.v..Những tri thức trong tất cả các lĩnh vực là tài sản chung của nhân loại, thông qua cách dịch giả mà các dân tộc khác nhau tiếp cận được.
Không nên lấy cái ta biết, ta có làm chuẩn mực chung, lại càng không thể lấy % để khẳng định chân lí. Nếu cuộc sống mưu sinh là sợi dây trói buộc không thể dứt ra được thì tốt nhất bản thân hãy tự giới hạn mình, biết lượng sức mình.
Khổng Tử -bài đầu tiên trong học thuyết của mình khuyên chúng ta phải học, học chi sơ, chi trung và chi chung. (Học từ lúc để chỏm, suốt cả cuộc đời và trước khi lâm chung) mục đích của Người là cho ra lò là mẫu người Quân tử. Học đến mức: Nhân bất tri, nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ. (Người đời không biết đến ta, ta không giận, người quân tử há chẳng vui sao)
Bạn muốn học chữ Nho để đi tour và đọc được chữ ở đình chùa, nếu bạn cố gắng, tất sẽ thành công.
Chúc bạn thực hiện được.
Dương Tử
Đức Luận nói…
Bác Dương Tử lại quá Nho rồi! Theo cách trình bày quan điểm và cách thể hiện văn phong Cháu thấy bác hiểu biếtvà cao tuổi hơn cháu nhiều. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ ở đấy, hiểu sâu sắc một vấn đề chưa hẳn đã là hay, đôi khi thành bảo thủ. Trên Blog này, rất nhiều người bảo bác Nguyễn Xuân Diện, bác Trần Thanh Vân là bảo thủ đấy, là gàn dấy, nhưng mọi người vấn quí vẫn trân trọng các bác, ngược lại các bác ấy cũng rất trân trọng ý kiến của mọi người, đấy là cái ý nghĩa “đa chiều” của Blog này (đúng không bác Diện nhỉ?). Cam đoan với bác Dương Tử là ai cũng quí bác vì bác đã truyền những hiểu biết và tâm tư của mình cho mọi người.
Cháu yêu tiếng Việt, yêu chữ Quốc ngữ, trân trọng chữ Nho (vì đó là của lịch sử, của cha ông để lại). Bác nói đúng, phân biệt và miệt thị là sai, bản thân nó không có tội. Nhưng người TQ tự hào về chữ Hán, Ấn độ tự hào về chữ Phạn, rồi người Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, … họ tự hào về chữ viết của họ, tại sao ta lại không tự hào về chữ Quốc ngữ của ta?! hay nó có yếu tố “Tây” sang tạo ra nó, ô hay, nếu vậy chữ Nho có yếu tố “Bắc” đấy thôi! Hay tại nó không Nho nhỉ?! Ô hay, cái Nho, cái thâm thúy, cái hay của các Cụ giờ đây được mọi người hiểu đều thông qua chữ Quốc ngữ đấy chứ.
Bản thân chữ viết chẳng làm nên tác phẩm bất hủ nào cả, mà chính là con người làm ra nó, rộng hơn ấy là cái nôi nuôi dưỡng con người ấy- Văn Hóa! Chính những “cái nôi” ấy mới làm cho sự khác biệt Ta, Tây, Tầu…. Truyện Kiều ngoài ý nghĩa xã hội, văn học ra, nó đi vào lòng người bởi nó lấy chính chất văn học, chất hiện thực của xã hội mà con người đang sông: đó là tình yêu, tình thương, đó là ca dao, đó là hò vè, đó là thể thơ lục bát, đó là cách diễn tả bởi ngôn từ rất NÔM…. Các Cụ cao tuổi làng cháu chẳng bao giờ nhìn thấy tác phẩm ấy cả, nhưng đọc cứ vách vách, cái gì cũng gắn với Kiều (đôi lúc cũng bực đấy bác ạ), nhưng các Cụ đọc là “Trăm năm trong cõi người ta”, sao mà gần gũi thế??!!!
Thân cư Phúc nói…
(tiếp tục)
Bác dùng ví dụ về một anh Hạng Vũ ư! Tiếc cho một ví dụ, nước Nam ta có rất nhiều những người hơn thế. Cái cách Hạng Vũ tự chịu chết là một hạ sách chứ hiên ngang cái nỗi gì?! Chắc Ông Nguyễn Ánh từ bé đã phải chạy ngược chạy xuôi lánh nạn nên không có điều kiện đọc sách mà học cách của Hạng Vũ, cũng may nên mới có ông Gia Long. Ấy thế mà Vua Gia Long dưới con mắt của nước Nam lại chẳng có mấy tốt đẹp đâu.
Cháu còn trẻ tuổi, nhìn nhận vấn đề còn phiến diện, tuy nhiên cũng nói lên cảm nghĩ của mình, mong các bác chỉ giáo. Cháu họ Vũ, dòng Vũ Hồn, nên hóa ra cháu lại gốc gác Phúc Kiến- Trung Quốc đấy, nhưng đọc sách cháu thấy mình vẫn thuộc Bách Việt cả. khà khà. Mà biết đâu đấy, thời hai bà Trưng đã có bà Vũ Thục Nương con ông Vũ Công Chất có mà, hơn nữa còn có Thầy Vũ Thê Lang thầy giáo thời Hùng Vương nữa……… ấy đấy cháu lại bảo thủ mất rồi!! mà bác Diện xem thế nào nghiên cứu ngày xưa thầy Vũ Thê Lang dạy học trò có dùng chữ không!?!?!?
Thân cư Phúc nói:
Bác Dương Tử rất thích học thuyết Khổng Tử thì phải. Ai dám bàn cãi về đức Khổng chứ?! Nhưng chưa hẳn cái gì Đức Khổng Tử cũng là đúng, may ra ở cái thời ấy, trên cái đất Trung Hoa thủa Đông chu liệt quốc, hay ở nơi nào đây dùng duy nhất học thuyết Khổng tử để trị quốc an dân. Không biết “Đông chu liệt quốc” có xác thực với lịch sử không nhưng Khổng Tử và các học trò cứ đi hết nước này sang nước kia để xem có nước nào dùng không, đâu dùng thì họ ở, không dùng thì bỏ đi (coi đấy là chí hướng). Như thế làm sao ăn vào máu của người Việt ta được!! Trung quân đó là sản phẩm của TQ, còn Trung với Nước hiếu với dân- Đó mới là con dân đất Việt. Điều đó đã ăn vào tâm thức con người Việt. Thuyết Khổng Tử, Nho giáo trong trị quốc an dân cháu thấy có rất nhiều cái đúng, nhưng việc chúng ta áp dụng máy móc sẽ dẫn đến nhưng sai lầm. Giai đoạn lịch sử đẫm máu của dân tộc chính là cái tư tưởng “Phò Lê dịch Trịnh” rồi “Phò Lê diệt Mạc”…. Ôi đó là một cái tội của cái gọi là Trung Quân đấy!! Khi đất nước lâm nguy trước quân Thanh, hay khi Nguyễn Huệ thu nhận nhân tài để bảo vệ và xây dựng đất nước, lúc đấy lòng toàn dân lại mới về một mối, lo cho nước Đại Việt chứ đâu phải cho họ Lê, họ Trịnh nữa…..
Người Việt nam xét trên bình diện một dân tộc, sẽ lấy NƯỚC làm trọng
Nặc danh nói…
Gần đây trên blog này tôi thấy có nhiều bài viết hay, đặc biệt phần Nặc…viết, có nhiều bài còn thú vị và sâu sắc hơn cả Tiết mục chính, Dương Tử là một ví dụ. Ta nên hỗ trợ, bổ trợ cho nhau những khía cạnh mà chủ đề chưa đề cập hoặc nâng cấp như một triết lí nào đó, hơn là làm phân tán, phức tạp nó ra, thậm chí đưa cả những nhân vật, phân tích tính cách, ý nghĩa chủ quan, chẳng hề liên quan gì, chỉ làm rối thêm cho người đọc.
Tôi vẫn tin vào tài gợi mở của TS Diện để blog càng ngày hữu ích và thú vị.
Tương Như
Nặc danh nói…
Dương Tử đã chấm dứt câu chuyện Chữ quốc ngữ, VN vào …từ ngày 24/09…rồi,, vì tự cảm thấy chữ nghĩa đã cạn.
Sau đây, chỉ muốn nói riêng với bạn Cư Phúc thôi.
-Nói về tinh hoa đạo Nho, mình có nói đến chữ Xỉ, và kể chuyện Hạng Vũ, chứ không nói về tính hiên ngang, anh hùng gì cả, mà bạn lại lấy Nguyễn Ánh ra ví dụ, rồi lại phủ nhận ngay điều mình nói.?
-Bạn nói về họ Vũ Hồn nhà bạn, rồi dẫn dụ Thục Nương, khởi nghĩa HBT, thày giáo thời Hùng Vương…có phải đề cập lòng yêu Bách Việt ? và cả bảo thủ nữa..thì mình cũng không hiểu ý bạn muốn nói gì ? Nếu bạn tỏ lòng yêu nước chân chính thì nên yêu VN thôi, bởi yêu Bách Việt là phải yêu tất cả: Tây Việt, Âu Việt, Mân Việt, Ngô Việt (quê Từ Hải- Truyện Kiều) và Lạc Việt, tức là bạn phải yêu từ Phúc Kiến, qua Giang Tô…tới Quảng Đông, Quảng Tây (một phần lớn) và phía bắc VN thôi ? Liệu một người VN hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh có dám yêu …liều như thế không ? Mà có chỗ phải yêu (phía nam VN) thì lại không được yêu ?
-Nói về Khổng Tử ở đây, mình chỉ nói về sự học để làm người quân tử, (Khổng Tử cũng như các nhà tư tưởng khác để lại cho nhân loại thành tựu ý thức hệ của mình, chứ không phải căn cứ vào thứ bậc của ông trong XH đâu), mình có tán rộng ra về trung quân, ái quốc đâu, mà bạn bảo là là trung với nước (hay Đảng) hiếu với dân…rồi viện dẫn cả việc phò Lê- diệt Mạc, phò Lê -diệt Trịnh là theo trung quân ?!
Những cái đó là tự bạn tự suy ra đấy. Rồi bạn lại bảo:
Ôi đó là một cái tội của cái gọi là Trung Quân đấy!! Khi đất nước lâm nguy trước quân Thanh, hay khi Nguyễn Huệ thu nhận nhân tài để bảo vệ và xây dựng đất nước, lúc đấy lòng toàn dân lại mới về một mối, lo cho nước Đại Việt chứ đâu phải cho họ Lê, họ Trịnh nữa…
Cái tội trung quân- chắc bạn ám chỉ Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm khi diệt Mạc, và Quang Trung khi diệt Trịnh? Sau đó bạn lại ca ngợi Quang Trung khi đất nước lâm nguy, Nguyễn Huệ thu nhận nhận tài, lòng dân thu về một mối lo…cho nước Đại Việt đâu phải cho họ Lê, họ Trịnh…khi đất nước lâm nguy trước quân Thanh??? Vừa phủ định xong lại khẳng định, tôi chả hiểu bạn đánh giá Q trung là người thế nào ?
Còn trật tự lịch sử thế này: Nhà Mạc lật đổ nhà Lê (hậu), sau đó Nguyễn Kim- cùng con rể Trịnh Kiểm đánh đổ nhà Mạc lập nên Vua Lê- Chúa Trịnh ở Bắc hà/ Đàng Ngoài; Chúa Nguyễn (con Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng) ở Đàng Trong. Quang Trung đánh đổ chua Nguyễn, ra Bắc lần 1: phò Lê diệt Trịnh, đưa Nguyễn Hữu Chỉnh cai thống, ra lần 2: diệt Nguyễn Hữu Chinh, đưa vua Lê Chiêu Thống lên (sau khi Lê Hiển Tông băng), ra bắc lần 3: Diệt quân Thanh, cùng Lê Chiêu Thống, thồng nhất bắc nam, trước đó đã lên ngôi hoang đế ít ngày.
Phải nói thẳng thiên tài quan sự của Nguyễn Huệ giúp ông ta làm nên những võ công oanh liệt cuối cùng lập được một triều đại riêng. Còn nói rằng:
…. Khi đất nước lâm nguy trước quân Thanh, hay khi Nguyễn Huệ thu nhận nhân tài để bảo vệ và xây dựng đất nước, lúc đấy lòng toàn dân lại mới về một mối, lo cho nước Đại Việt chứ đâu phải cho họ Lê, họ Trịnh nữa…như một kiểu nhận định chân …lý nhờ nhợ.
Nếu cứ mượn cái này, rồi lấy cái suy diễn chủ quan, thậm chi chụp cái mũ bảo thủ, rồi ra vẻ lòng yêu…yêu gì đó thì… quả thật, dù có một lòng yêu thật một cái gì đó, nếu không biết bộc lộ đúng lúc, đúng chỗ, bằng cái lý, cái tình chân thật …ngay cả một cô gái ngơ ngơ cũng thật khó chấp nhận.
Lecmantop không chỉ thiên tài ở một bài thơ nói về nỗi đau, bởi ông đã diễn nó có lớp lang, có lí, có tình đến tuyêt đích.
Tôi thây không có gì bàn thêm, chúc bạn khỏe.
Dương Tử
Nặc danh nói…
Gửi các bác,
Lâu lâu cháu mới lại vào blog của bác NXD để đọc thấy các bác tranh cãi sôi nổi hay quá. Kiến thức của bác Dương Tử thật đáng kính nể. Cháu cũng đã đọc bài của KTS. TTV và TS. NDH và cũng đồng ý với các bác là trong thời buổi chống tàu hiện nay, chúng ta thật may mắn vì đã có chữ quốc ngữ. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của nó đc vì nó chính là 1 trong những công cụ để chúng ta khẳng định mình, rằng chúng ta ko phải là Tàu. Những cái gì có xuất xứ từ Tàu, mang ảnh hưởng của Tàu thì nên dần dần bỏ.
Nói về văn hóa, ngôn ngữ, cháu là 1 thằng dốt nhất trong mọi thời đại, mong các bác thông cảm. Nhưng theo cháu, ngôn ngữ là phương tiện để giao tiếp, truyền đạt thông tin. Cháu chỉ có 1 suy nghĩ đơn giản như thế này. Một thầy giáo muốn gọi là giỏi thì phải dạy cho đứa dốt nhất cũng phải hiểu. Vậy muốn cho đứa dốt nhất hiểu thỉ phải làm thế nào? Theo cháu là phải nói cho nó 1 cách đơn giản nhất thì nó mới hiểu đc. Ví dụ nếu các bác nói: “học chi sơ, chi trung và chi chung” thì đúng là cháu chịu, không hiểu gì. Nhưng nếu các bác nói: “Học từ lúc để chỏm, suốt cả cuộc đời và trước khi lâm chung” thì cháu hiểu ngay. Nếu để hiểu đc những câu nói theo kiểu Nho kia chắc cháu phải dành ít nhất vài năm để học. Bác đừng chê cháu dốt vì chắc có tới hơn 90% dân số VN đều không hiểu như cháu. Trong thời buổi hiện nay, thời gian là vàng bạc, một câu nói khi nói ra mà chỉ vài cá nhân trong xã hội hiểu thì coi như bỏ, ngược lại 1 câu nói mà toàn dân cùng hiểu thì thật hiệu quả (về khoản này cháu nghĩ chúng ta ko cần phải học ai khác hơn là Bác Hồ). Hay 1 ví dụ điển hình nhất về sự đơn giản trong ngôn ngữ toán học khi dùng các ký hiệu chỉ từ 0-9. Cái này có thể đc giải thích thêm bằng các thành tựu toán học lâu đời ở phương Tây. Nếu ko có ngôn ngữ này thì còn lâu Ngô Bảo Châu mới nhận đc giải Field.
Cháu là 1 thằng rất dôt về văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ… nhưng mà cháu thấy thời này quan trọng hơn vẫn là tăng trưởng kinh tế, khoa học và thành tựu của đất nước, là làm sao để cho dân ta ko còn nghèo đói. Thời gian 2 năm kia cháu dành để đọc thêm tài liệu khoa học, bổi bổ tiếng Anh để thu thập thêm các thành tựu khoa học thế giới. Chú Nho theo cháu là 1 ngôn ngữ xa xỉ, cháu không chê, nếu có thời gian sẽ tìm hiểu thêm.
Nói chung, cùng là 1 vấn đề mà ta chỉ phải dành ít thời gian, tập trung vào để tìm hiểu nó thì vẫn tốt hơn. Cháu cảm thấy rất tự hào vì mình có đc chữ quốc ngữ thay vì dùng chữ Nho. Mọi thứ trở lên đơn giản hơn rất nhiều. Đấy là chưa kề đến những ảnh hưởng tiêu cực của chữ Nho đã mang đến cho nước ta (hành xử, lỗi nghĩ, tính lười, ỷ lại… của người VN ta). Có bài http://www.tuanvietnam.net/2010-09-24-nguoi-viet-co-thong-minh-khong- mới đăng trên Tuần Vietnam có rất nhiều ý đúng mời các bác xem qua. Có gì không phải mong các bác bỏ qua cho.
Hoang Thai
Nặc danh nói…
Các bác đang so sánh chuyện xưa và chuyên nay của Tây, Ta và Tầu. Các bác muốn phân tích cái hay cái dở của 3 thực thể này e rằng các bác phải viết và cho chứa hết vào bộn nhớ máy tính của các Bác mà chưa đủ. Thế nên đừng tranh luận kiểu khích Bác nhau như vậy, vô ích lắm!?!
Nặc danh nói…
VŨ VĂN THÀNH NÓI:
Tôi có hai ý thôi:
1. Tạo ra chữ ghi âm mới cho người Việt Nam
Chữ ghi âm là chữ ghi lại âm thanh. Tốt nhất là lấy kí tự thời vua Hùng làm tiêu chuẩn, kí tự Lào, anh em của mình, để tham khảo. Lúc này sẽ triệt tiêu tính Tây trong chữ viết.
Tôi làm rồi và tôi vừa mới hoàn thành xong. Khoảng 7 năm. Tôi đã gửi lên hội ngôn ngữ học. Kết quả đúng như mong đợi. Sự im lặng. Vì ý tưởng thay đổi chữ viết hiện tại thật điên rồ. Hehe.
2. Tạo ra chữ ghi ý mới cho người Việt Nam
Chữ ghi ý là chữ ghi lại ý nghĩa. Ví dụ chữ Ai Cập, chữ Maya, chữ Hán, chữ Nôm Choang, chữ Nôm Tày, chữ Nôm Dao, chữ Nôm Triều, chữ Nôm Nhật, chữ Nôm Việt – Hehe. Nôm hóa cho vui – là những chữ ghi ý. Tạo ra chữ ghi ý trên cơ sở chữ Ai Cập, chữ Maya thì quá tuyệt khỏi phải bàn đến tính “Hán”. Nhưng sự thật là chữ ghi ý duy nhất còn tồn tại chính là chữ Hán. Do đó ta thấy rằng chính cách thức tạo nên chữ Hán mới là cái đáng bàn. Cách thức đó là quy tắc 6 quy tắc. Dễ hiểu thôi không có gì thần bí cả.
a. Hình: dùng hình vẽ về sự vật để ghi lại chính sự vật đó. Vd: hìnhvẽcây -> cây
b. Hình – Hình: dùng hai hình đã biết để liên tưởng đến sự vật cần ghi. Vd: hìnhvẽcâyhìnhvẽcây -> rừng.
c. Hình – Thanh: dùng một hình để gợi ý, một hình để gợi âm về sự vật cần ghi. Vd: hìnhvẽcâyluáhìnhvẽcáibao -> bánh bao. Hehe.
d. Chỉ vào: chỉ vào cái cọc nằm ngang và nói đây là số 1. Từ đó chấp nhận là số một không giải thích thêm gì cả.
e. Gần hình: Hai chữ khác nhau nhưng ý nghĩa gần nhau. Dùng hình chữ thứ nhất bỏ, thêm vài nét ta có chữ thứ hai.
f. Gần thanh: giả sử một chữ đã được tạo, chữ cùng âm với nó khó tạo quá, thì bê nguyên chữ đã tạo để viết cho chữ cùng âm khó viết đó.
Về phương diện này cha ông ta đã làm rồi. Sản phẩm là chữ Nôm. Với >6 quy tắc nêu trên. Cũng với những quy tắc trên bạn có thể tạo ra chữ viết hoàn toàn khác chữ Hán, chữ Nôm về mặt “nhìn”. Sự đột phá chính là ở chỗ: Không dùng kí tự Hán, Nôm nào đã có. Choáng váng chưa! Hehe!
Nếu bạn cũng muốn liều thì bạn phải chuẩn bị từng bước như sau:
Bước 1:
Sử dụng cách a. Vẽ các hình riêng của mình về sự vật có thật. Từ đó đơn giản nó lại. Tạo khoảng 10000 chữ. Đây chính là bộ thủ của riêng bạn. Tiếng Hán có khoảng dưới 300 thôi. Tiếng Việt mình phong phú khủng khiếp 10000 chưa là gì đâu. Với chừng này bộ thủ, bạn sẽ tạo ra sự vĩ đại vượt qua chữ Hán hay Nôm.
Bước 2:
Đọc thuộc lòng ca dao, tục ngữ, cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, lịch sử việt nam. Tham khảo danh ngôn, châm ngôn, ngụ ngôn thế giới, Kinh thánh, Kinh Koran, Kinh Navi… Nói chung là bạn muốn tạo ra một từ tuyệt đẹp bằng các cách sau cách a, bạn phải học nhiều. Vd: hìnhvẽrồnghìnhvẽtiên -> “Việt”. Chữ “Việt” ghi bằng chữ Hán, chữ Nôm không có ý nghĩa “tuyệt đẹp” này.
Lê Quý Đôn đọc hàng nghìn cuốn sách chỉ để viết một quyển sách. Nếu bạn tạo ra một chữ phải suy nghĩ trong ba năm xem có cần thay đổi nó không. Nếu không thì quá tốt. Với kiến thức uyên bác như vậy mà ba năm suy nghĩ không tìm ra chữ thay thế thì chữ ấy có thể dùng đươc.
Bước 3:
Học vẽ. Để viết thư pháp. Nếu bạn đã đến bước này thì một tác phẩm thư pháp của bạn đáng giá nghìn vàng. Tranh thủ kinh doanh kiếm lời. Nhớ tặng tôi một bức miễn phí nhé. Hehe
Tôi đã làm rồi và tôi đang làm và tôi sẽ làm và con cháu tôi ở tương lai sẽ tiếp tục. Qua nhiều đời chắc chắn sẽ hoàn thành “mệnh trời” giao phó.
Chữ ghi âm tạo dễ, chữ ghi ý “tuyệt đẹp” tạo khó. Theo ý kiến của nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo thì chữ ghi ý phù hợp với người Việt mình hơn. Chỉ là phù hợp hơn. Bởi cũng theo ông dùng chữ ghi âm cũng không có hại gì. Ước mơ của hoàng đế Quang Trung là dùng chữ do chính người Việt sáng tạo. Hãy sáng tạo hơn nữa, đi xa hơn nữa. Bạn có thể làm được. Mệnh trời đã ban xuống, hãy cùng nhau làm rạng rỡ giống nòi nào!
Nặc danh nói…
Ôi cảm ơn blog nhé. Không ngờ lại vượt qua vòng kiểm duyệt “khắt khe”.
Văn Thành xin sửa lại:
e. Gần hình: Hai chữ khác nhau nhưng ý nghĩa gần nhau. Dùng hình chữ thứ nhất bỏ, thêm vài nét ta có chữ thứ hai.
bằng:
e. Gần nghĩa: Hai chữ phát âm khác nhau nhưng ý nghĩa gần nhau. Dùng hình chữ thứ nhất bỏ, thêm vài nét ta có chữ thứ hai.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét