KTS Trần Thanh Vân: Vì sao nên lấy tên Thăng Long?
Trước những ý kiến đa chiều của bạn đọc về ý tưởng nên đổi tên Thủ đô Hà Nội là Thăng Long, mới đây, KTS Trần Thanh Vân lại gửi cho Thư TL- HN chúng tôi bài viết, lý giải vì sao nên đổi tên. Thư TL- HN một lần nữa xin trân trọng đăng tải về chủ đề này.
Cách đây hai năm, ngay sau khi chương trình truyền hình VTV4 chiếu hết bộ phim“Đèn vàng" dài 12 tập của nhà văn Trần Chiến và đạo diễn Mai Hồng Phong, thì bài viết “Đèn vàng và nỗi niềm người Hà Nội" của Trần Thanh Thanh xuất hiện trên báo “Người Hà Nội". Bài báo như một lời cảm thán của bộ phim, phản ánh tâm tư sâu kín của người Hà Nội, muốn thoát ra khỏi số phận của những nhân vật trong phim “Đèn vàng". Những con người thông minh, tế nhị, đầy tự trọng, đầy kiêu hãnh nhưng luôn luôn phải sống kìm nén, luôn luôn mặc cảm và luôn luôn phải giấu kín lòng mình
Ô Quan Chưởng (ảnh tư liệu) - Nguồn ảnh: farm2.static.flickr.com
Gần đây, phim “Đèn vàng” lại được chiếu lại trên VTV4, vẫn thu hút người xem. Có người xem lại lần thứ hai, thứ ba, có người mới xem lần đầu. Bộ phim đầy cảm xúc của “Người Hà Nội" được trình chiếu đúng vào lúc chúng ta đang có nhiều ý kiến trái chiều, có nên phục hồi tên Thăng Long cho Thủ đô chúng ta?
Hãy tự “cởi trói ”
Cuối năm 2006, lần đầu tiên tôi đến thăm giáo sư Vũ Khiêu tại nhà riêng, trao đổi với giáo sư về những cuộc thảo luận của nhiều trí thức, nhà khoa học, và của các kiến trúc sư ý nguyện muốn phục hồi tên Thăng Long thay cho tên Hà Nội, và xin ý kiến giáo sư về tổ chức một hội thảo khoa học chủ đề này. Giáo sư Vũ Khiêu tỏ ra hoan hỷ, khích lệ ước nguyện của chúng tôi. Khi tôi chào giáo sư ra về, ông còn ân cần dặn thêm: “Chị phải nhớ rằng ông vua Gia Long đã trói con Rồng lại rồi đấy, phải thả Rồng ra thôi".
Chỉ một câu nhắc nhở của vị giáo sư già, tôi đã phải đi mầy mò tìm kiếm mất hơn nửa năm. Cuối cùng tại nhà riêng của nhà thư pháp Trần Quốc Chí, tôi tìm ra bí mật của sợi dây vô hình đã trói con Rồng Thăng Long. Sau cuộc trò chuyện, nhà thư pháp cầm bút lông, viết tặng tôi ba chữ Hán.
Thứ nhất, chữ LONG nghĩa là THỊNH, là GIẦU SANG, đó là tên hiệu của vua Càn Long và vua Gia Long. Năm 1802, ông Nguyễn Ánh đã dựa vào người nước ngoài, diệt nhà Tây Sơn để lên ngôi, lập Kinh Đô ở Phú Xuân- Huế, và đặt niên hiệu cho mình là GIA LONG nghĩa là GIẦU SANG. (xem chữ Long - Thịnh)
Thứ hai, năm 1803 vua Gia Long cho đập HOÀNG THÀNH THĂNG LONG, vì nó cao to và đầy hào khí, nhà vua không muốn Hoàng Thành mới xây ở Phú Xuân (Huế) sẽ bị lép vế so với khu thành cũ rêu phong này. Vậy là Hoàng Thành xưa có tên là RỒNG BAY không còn nữa, nhưng mảnh đất nơi Hoàng Thành đã tồn tại 800 năm vẫn còn và đã trở thành trại lính.
Năm 1831, vua Minh Mạng lập ra tỉnh Hà Nội, vậy thì trong 29 năm, từ năm 1803 đến 1831, nơi đây được gọi là gì? Một số người gọi vùng đất này là Bắc thành như thời Nguyễn Quang Trung, một số nữa vẫn lưu luyến hình ảnh con Rồng xưa, nhưng không được phát âm chữ LONG, sợ bị phạm húy tên nhà vua, họ buộc phải nói chệch LONG THÀNH ra LUNG THÀNH.
Theo chiết tự chữ Hán, Lung là chữ Long có thêm bộ trúc, nghĩa là lao tù, là con Rồng bị nhốt trong cũi tre (xem chữ Long Rồng và chữ Lung). Vậy là con Rồng bay vút lên trời cao của chúng ta không còn nữa, ai nuối tiếc lắm cũng chỉ được nhìn thấy một con Rồng khác đang bị nhốt trong cũi tre mà thôi.
Câu chuyện phi lý này đã làm nhức nhối bao nhiêu văn thân nho sĩ nước ta thời bấy giờ, tác động đến cả cậu bé Nguyễn Sinh Cung sinh ra ở làng Kim Liên (Nam Đàn- Nghệ An) cuối thế kỷ thứ 19, rời đất nước ra đi từ bến Nhà Rồng năm 1911, nhưng đến năm 1922 khi vua Khải Định sang Pháp, vở kịch “Con Rồng tre" của Nguyễn Ái Quốc đã ra đời.
Đến năm 1942 ở nhà tù Hồng Kông, bài thơ chiết tự chữ “ngục" của Nguyễn Ái Quốc lại một lần nữa nói về tâm trạng bị ám ảnh của con Rồng nằm trong cũi và ước muốn được tháo cũi sổ lồng :“Nhà lao mở cửa ắt Rồng bay".
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét