Xin giới thiệu bài viết dưới đây về Bs Nguyễn Khắc Viện, nhân ngày giỗ 15 năm của ông. Bài này của tác giả Nguyễn Ngọc Giao (báo Diễn Đàn). Kể ra cũng là một tình cờ thú vị, vì hôm 10/5 vừa qua, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức một hội thảo kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Gs Tôn Thất Tùng.
Cả hai người đều là những nhà khoa học đặc biệt. Tôi biết Bs Nguyễn Khắc Viện qua những bài viết trên tạp chí Nghiên cứu Việt Nam (không biết bây giờ còn phát hành?) và cuốn sách ông lên án Mĩ và chính quyền VNCH. Đọc cuốn sách này, tôi phải khâm phục tài viết lách và khả năng sử dụng dữ liệu của ông. Có những bài ông châm biếm rất hay, làm cho người đọc phải mỉm cười một mình. Tất cả những trò nhố nhăng, những sự lệ thuộc vào ngoại bang, tình hình kinh tế rối reng, v.v. được mô tả một cách sống động qua ngòi viết của ông. Chỉ có điều chua chát là ngày nay ai mà đọc cuốn sách này thì sẽ nghĩ rằng ông đang châm biếm chính quyền … hiện tại!
Hôm đó (10/5) Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức hội thảo kỉ niệm 100 năm ngày sinh của cụ Tôn Thất Tùng. Tôi không có tham dự, nhưng có gặp vài người tham dự, kể cả ông Dương Trung Quốc, cựu bộ trưởng y tế Nguyễn Quốc Triệu, cựu thứ trưởng bộ Y tế Phạm Mạnh Hùng, một anh vụ trưởng của Bộ Y tế, chủ tịch UBND Huế, v.v. Tôi ngồi chung bàn với họ trong bữa ăn trưa (ở Khách sạn Xanh), nhưng vì không quen nên không có dịp nói chuyện. Không có dịp nói chuyện, nhưng nghe những phát biểu của ông cựu bộ trưởng (mà có lần tôi soạn diễn văn cho ông đọc trong hội nghị SBA) rất ư thú vị và trần ai. Ông cựu bộ trưởng cũng nhiều chữ ra phết đó chứ, và vui vẻ nữa. Tôi ngồi cạnh Gs Phạm Thị Minh Đức và có một buổi trò chuyện thú vị. Tôi cũng có nói vài ý kiến chung quanh cuốn sách Địa đàng ở phương Đông với ông Dương Trung Quốc. Tôi rất ngạc nhiên khi biết ông Quốc không hề nghe đến cuốn này!
Nhân dịp đọc bài về Bs Nguyễn Khắc Viện nên tôi lan man nhớ hôm ở Huế. Phải chi các nhà xuất bản sách ở Việt Nam làm một kỉ yếu về bác Nguyễn Khắc Viện để người thế hệ sau có thể thưởng lãm những tác phẩm của ông về xã hội, tâm lí, giáo dục, và chính luận.
NVT
***
Anh Viện
Nguyễn Ngọc Giao
Ông Nguyễn Khắc Viện, nguyên tổng thư ký Liên hiệp Việt kiều tại Pháp nguyên giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn, tổng biên tập báo Thư tín Việt Nam và tạp chí Nghiên cứu Việt Nam, giám đốc Trung tâm N-T, giải thưởng lớn Pháp ngữ của Viện Hàn lâm Pháp (1992), huân chương Độc Lập hạng nhất (1997), đã từ trần ngày 10.5.1997 tại nhà riêng ở Hà Nội. sau nhiều tháng trọng bệnh, thọ 85 tuổi. Đám tang bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã cử hành ngày 16.5 tại nghĩa trang Mai Dịch. Các nhà lãnh đạo (Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt ,Võ Nguyên Giáp...) đã tới viếng hoặc gửi vòng hoa.
Anh chỉ kém Bác Hãn 5 tuổi và ngang tuổi mẹ tôi, nhưng tôi xin phép vẫn được gọi bằng anh, như từ ngày được gặp anh lần đầu ở Pháp, khi ấy anh chưa đầy ngũ tuần.
Được tin anh đau nặng từ tháng 11 năm ngoái. Với bạn bè tới thăm hay điện thoại từ xa, anh nói sẽ không qua khỏinăm 1996. Trước đó vài tháng, anh đã viết một bài trên báo Sức khoẻ & Đời sống đăng kèm lá thư viết từ tháng 4-96:
Kính gửi các bạn đồng nghiệp ngành y tế,
Tôi nay đã 83 tuổi, từhơn 40 năm nay bị thiếu thở trầm trọng, nay mai giá thử có tai biến gì, hay mắc thêm bệnh khác, xin các cơ sở y tế tiếp nhận tôi :
– Đừng khám nghiệm gì thêm : X quang, thử máu, nội soi...
– Đừng cho thuốc men nào, không phẫu thuật, truyền huyết thanh, thở oxy...
Xin để cho tôi ra đi nhẹ nhàng, rút ngắn những ngày nằm dài, không trò chuyện gì được với ai, ăn uống vệ sinh đều phải người phục vụ, sống thêm vài ba ngày hay tháng chỉ làm khổ cho bản thân, cho vợ con, cho các bạn. Chỉ xin thuốc giảm đau, nếu cần dùng morphin cũng chẳng hề gì.
Nếu cứ ép buộc tôi, tôi sẽ hết sức cưỡng lại.
Tôi xin tuyên bố gánh lấy trách nhiệm hoàn toàn về tôi.
Xin trân trọng biết ơn các bạn.
Trong bài báo, anh bảo vệ quyền tới tuổi được chết và quyền giúp chết (euthanasie), tạo ra một từ mới, rất đạt, làhộ tử, cũng như khi người ta ra đời, được bác sĩ hay bà đỡ hộ sinh. Quan niệm hộ tử từ lâu đã phổ biến ở Bắc Âu, gần đây ở Tây Âu. Ở ta còn mới.
Đó cũng là một đặc tính trong phong cách Nguyễn Khắc Viện : một thái độ dấn thân toàn tâm, toàn ý, lời nói và việc làm đi đôi với nhau. Luôn luôn quan tâm tới các vấn đề của xã hội, tuổi càng cao, anh càng đạt tới cái đạo lý : tiếp cận các vấn đề ấy từ góc độ con người, những con người cụ thể. Anh đặt vấn đề hộ tử cũng như anh đã phổ biến phương pháp dưỡng sinh, luyện thở trong giới các cụ già, bắt đầu từ ngõ Nguyễn Chế Nghĩa, phố Trần Hưng Đạo, ra thành phố, rồi cả nước. Cũng như anh đã xách túi đựng những quả cầu bằng nhựa mà anh đặt làm, đi khắp phố phường Hà Nội để bán cho thiếu niên, gây lại trò chơi đá cầu truyền thống, với cao vọng nâng nó thành một bộ môn thể thao. Đối với anh, đó là những việc quan trọng không kém việc viết cuốn Một đôi lời, tâm sự với thanh niên đang cùng xã hội trải qua cuộc khủng hoảng của thập niên 80, hay thành lập và nuôi sống Trung tâm N-T nghiên cứu tâm lý trẻ em (tổ chức phi chính quyền đầu tiên ở Hà Nội, ra đời năm 1989).
Người không biết anh, có thể cho một vài việc vừa kể trên là chuyện đồ gàn. Nói như vậy chỉ đúng một nửa, nghĩa là sai hoàn toàn. Đúng, vì Nguyễn Khắc Viện quả là một ông đồ thời nay, thậm chí một ông đồ Nghệ : anh đã chẳng từng dùng bút hiệu Nguyễn Nghệ để viết sách và báo ở Pháp đó sao ? – kể cũng hơi lạ, anh là người Hà Tĩnh, cũng như bác Hãn, mà theo tôi hiểu, đối với nhiều bà con Nghệ Tĩnh, thì Nghệ là Nghệ, Tĩnh là Tĩnh ! Nhưng thôi, chuyệnông đồ xin nói sau. Ở đây, xin nói về cái sai của thành kiến giả định trên : quan niệm của anh Viện là thân thể, tâm thần và tư tưởng con người là một tổng thể. Đó không chỉ là một quan niệm, mà là kinh nghiệm sống còn của bản thân anh.
Để hiểu điều đó, có lẽ chỉ cần gặp anh một lần. Chưa gặp chỉ cần nhìn pho tượng la hán Tuyết Sơn ở chùa Tây phương : một thân hình gầy guộc, một đôi mắt tinh anh. Anh Viện chỉ " hơn " Tuyết Sơn một điểm : lưng anh sâu hoắm một vệt dài. Con người ấy, từ nửa thế kỷ nay, sống với dung tích hai phần ba lá phổi bên trái (lá bên phải đã bị cắt hoàn toàn). Chín năm (1942-51) sống ở viện dưỡng lao St-Hilaire- du-Touvet (gần Grenoble), một năm ròng "nằm yên không nói một lời, y tá lặng lẽ ra vào chăm sóc ", 7 lần lên bàn mổ, cưa 8 khúc xương sườn. Trong thập niên 40 (chưa có thuốc kháng sinh, lại trong điều kiện chiến tranh) khi người ta bị lao, thì chỉ còn cách nằm chờ, bệnh nhẹ thì cơ thể vượt qua thử thách, bệnh nặng thì hy vọng sống vài năm là cùng. Anh Viện bệnh nặng, rất nặng, chỉ còn cách vận dụng yoga, khí công và hiểu biết khoa học để tìm ra phương pháp thở bụng (xem khung trang bên), rèn luyện tâm thể để đẩy lùi tử thần.
Nguyễn Khắc Viện sinh ngày 6-2-1913 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh, con trai cụ nghè Nguyễn Khắc Niêm (hai đời vợ, 14 con). Đỗ tiến sĩ, cụ mong làm quan đốc học, nhưng Pháp bỏ chữ nho, cụ đành làm quan chính trị (án sát Vinh, rồi về làm việc ở Huế) và căn dặn các con đừng làm quan. Đỗ tú tài ở Hà Nội xong, giữa Luật và Y dược, " vào luật tất dẫn đến làm quan, tôi lựa ngành y, sau này chữa bệnh cứu người, vừa bảo đảm cuộc sống đầy đủ cho bản thân và gia đình, vừa được xã hội kính trọng : chữa cho người giàu lấy tiền nuôi thân, chữa không tiền cho người nghèo, và ngaynhững người Pháp cũng phải nhờ đến tôi khi gặp bệnh nặng ". Năm 1937, học xong năm thứ ba y khoa Hà Nội (cùng Phạm Biểu Tâm), Nguyễn Khắc Viện lên đường sang Pháp. Ngoại trú, rồi nội trú các bệnh viện Paris, tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1941.
Con đường học vấn và lập danh thẳng băng của người thanh niên ưu tú ẩy đến đây gặp một khúc ngoặt, của thời đại, và của cá nhân.
Mùa hè 1939, anh đạp xe đạp đi nghỉ hè ở vùng Bretagne (năm trước, đạp xe xuống Bordeaux, đi về 1200 km). Tháng 9, đạp xe về Paris, thì Chiến tranh thế giới thứ II cũng ập tới. " Chuyện gì vậy ? Cho đến lúc ấy tôi chưa bao giờ mua một tờ báo, không bao giờ nghe đài ; ai đánh ai, vì sao, được thua sẽ như thế nào ? phát xít là gì ? chống phát xít là gì ? toàn nhùng câu hỏi hết sức xa lạ với tôi, lần đầu tiên tôi vấp phải, mà không có một cơ sở nào để giải đáp (...) trong mấy năm trời, mải học tôi chẳng hề biết đến, nay tôi đứng trước một cuộn tơ vò không biết gỡ theo mối nào ". Thời cuộc là thế, cá nhân thì bệnh lao bắt đầu, như đã kể ở trên. Cùng lúc ấy, tình hình người Việt Nam ở Pháp có một thay đổi lớn : từ mấy trăm người (chủ yếu là học sinh, sinh viên và trí thức), nay thành mấy vạn, gồm những cơ, nhữngngũ công binh, chiến binh – ta vẫn gọi chung là lính thợ, hay ONG (ouvriers non spécialisés, thợ không chuyên nghiệp)– mà chính quyền thuộc địa đưa sang Pháp để phục vụ cuộc chiến tranh chống Đức trong khoảng 39-40. Vừa đặt chân lên mẫu quốc được vài tháng, thì Pháp thua trận, hai ba chục nghìn lính thợ Việt Nam phải sổng và lao động khổ cực trong những trại dưới sự quản trị của sở Nhân công bản xứ (Mâm d~uvre indigène, viết tắt là M.O.I. , từ đó có tên sở Mọi, làng Mọi), nhiều người bị bệnh. Một số trí thức và sinh viên, trong đó có anh Viện, tìm cách giúp đỡ anh em công chiến binh, chủ yếu về mặt xã hội, y tế và văn hoá.
Đó là thời điểm trỗi dậy của tinh thần dân tộc, cũng là giai đoạn trăn trở tìm đường của những thanh niên Việt Nam tại Pháp. Cùng một điểm xuất phát là lòng yêu nước, họ sẽ đi theo những hành trình rất khác nhau. Ở Paris, bác sĩ Trần Hữu Tước hình như đi con đường thẳng, đưa anh từ bệnh viện tới chiến luỹ (barricade) giải phóng Paris mùa hè 1944. Trước đó hai năm, Huỳnh Khương An đang chuẩn bị thi thạc sĩ (agrégation), sẽ bị Đức xử bắn ở Chateaubriant (mộ anh hiện ở nghĩa trang Père-Lachaise (Paris). Phạm Quang Lễ (tướng Trần Đại Nghĩa tương lai, cha đẻ của súng không giật SKZ) mùa hè 40, khi quân Đức tràn sang Pháp, cùng Nguyễn Khắc Viện, Hoàng Xuân Nhị đi xe đạp tản cư xuống bờ nam sông Loire, sau đó tìm đường sang Đức để học chế tạo vũ khí. Hè 1943, một nhóm sinh viên Việt Nam khác cũng sang Đức học, trong đó có Hoàng Xuân Nhị, Lê Văn Thiêm (nhà toán học), Nguyễn Hoán (hoá học), Trần Văn Du (bác sĩ). Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà cùng thời điểm ấy, ở Việt Nam, một số sinh viên lên đường sang Nhật. Trong số ấy hai người trở thành những nhà khoa học lỗi lạc và sẽ trở về nước tham gia kháng chiến : Đặng Văn Ngữ (sinh học), Lương Định Của (nông học).
Họ đều là những trí thức, những nhà khoa học, không ai trở thành chính khách. Tại sao họ sang Đức, sang Nhật (ngoài lý do là họ được cấp học bổng, và gặp dịp học hỏi chuyên môn) ? Có động cơ chính trị nào không ? Hiện nay, chúng ta không có một tài liệu nào, một chứng từ nào cho phép khẳng định chính xác. Chỉ biết là không ai trong họ bị quyến rũ bởi ý thức hệ quốc xã phátxít. Và chắc sẽ không sai sự thực nếu ta giả định rằng, cũng như nhiều thanh niên trí thức các nước thuộc địa khác, họ có thể đã lập luận theo kiểu " kẻ thù của kẻ thù (có thể) là bạn ta ". Đó là nếu họ có những suy nghĩ chính trị, chứ không ngừng ở ý chí học cho bằng được kỹ thuật chuyên môn để sau này phục vụ đất nước (như trường hợp Trần Đại Nghĩa).
Còn Nguyễn Khắc Viện ? Sau 18 tháng điều trị Ở St- Hilaire-du-Touvet, người thấy khoẻ, mùa hè 1943, anh " xuống núi ". Anh đã đi theo đoàn sinh viên sang cả Berlin, để thấy quang cảnh nước Đức sau thất bại ở Stalingrad, và hai tuần sau, trở về Pháp, " lao vào hoạt động xã hội chính trị, không dựa vào một tô chức nào, chỉ vài anh em bàn qua với nhau, tôi vừa phí sức vừa phí thời giờ chạy qua chạy lại từ trại này sang trại khác. Thời chiến, ăn uống thất thường, đi lại khó khăn, mệt xác thì nhiều, kết quả chẳng là bao. Dù sao nhờ đó cũng làm quen được một số anh em cốt cán trong các trại chiến binh và công binh " (còn tiếp).
Nguyễn Ngọc Giao
Có lần tôi hỏi anh : " Nếu như làm một tuyển tập các bài viết của anh, thì theo anh, những bài nào là có giá trị lâu dài ? "
– Trước hết là bài về tập thở...
Hàng ngàn trang viết của anh, trong đó không ít trang được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, được bạn bè quốc tế coi là " cẩm nang " khi nghiên cứu về Việt Nam, vậy mà anh lại coi bài vè mấy câu rất thô sơ là giá trị nhất : Thót bụng thở ra / Phình bụng thở vào / Hai vai bất động / Chân tay thả lỏng / Êm, chậm, sâu, đều / Bình thường qua mũi / Khi gấp qua mồm / Đứng ngồi hay nằm / Ở đâu cũng được / Lúc nào cũng được. Tôi thầm đọc và không khỏi mỉm cười. Theo cách nghĩ thông thường, bảo rằng mấy câu vè nôm na này là " tác phẩm " giá trị nhất của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thì quả là hài hước. Nhưng hình như anh nói nghiêm chỉnh... Và hình như anh biết tôi đang thầm đọc, nên khẽ nhắc thêm : " Nhưng nhớ là phải theo thật đúng, không sót một câu nào, chữ nào ".
Tôi nhớ, trước đây đã có lần anh bảo : " Hàng trăm bài viết của mình bàn chuyện thế sự, cho dù in khắp đông tây nam bắc, có khi gây sự và chịu tai tiếng, những rồi cũng qua thôi. Chính trị là thế. Còn bài vè thì đúng với muôn đời, muôn người. Có thể nói đây là luận văn khoa học ngắn gọn về khí công dễ phổ biến nhất, kể cả những người mù ".
Nguyễn Khắc Phê
(Tuổi trẻ Chủ nhật, 18.5.97)
1943. Chưa đầy bốn tháng hoạt động ở các trại công chiến binh, " một hôm tôi bỗng rùng mình, nổi cơn sốt rồi khạc ra đờm : 'bệnh tái phát rồi'. Tôi trở lại sana (...) Bệnh tình lần này khá khiêm trọng, bác sĩ đề nghị làm phẫu thuật nhưng sức quá yếu, không chắc gì chịu được một vụ mổ xẻ. Bác sĩ bảo tôi nằm yên một năm không nói năng gì để lấy lại sức. Một năm trời tôi nằm yên không nói một lời, y tá lặng lẽ ra vào chăm sóc. Rồi lên bàn mổ nhiều lần ", anh Viện kể lại như vậy trong một tập hồi ký chưa công bố.
Yên lặng là một phương pháp điều trị bệnh lao (cure de silence) của thời ấy (gần 20 năm sau vẫn còn áp dụng, hạn chế vào khoảng hai, ba giờ trưa). Nhưng yên lặng trong suốt một năm trời là một kỷ lục đã biến Nguyễn Khắc Viện thành một huyền thoại sống trên cao nguyên Saint-Hilaire-du-Touvet, như lời kể của bác sĩ S. Tomkiewiecz trong buổi lễ tưởng niệm tối 18-6 vừa qua tại trụ sở UNESCO ở Paris. Ông Tomkiwiecz còn tìm thấy ở đó một cuộc trở về nguồn, tìm tòi triết học và đạo lý phương Đông, song song với việc vận dụng khoa học phương Tây. Có điều chắc chắc là chính tại St-Hilaire, anh đã học yoga và luyện khí công để tìm ra phương pháp thở bụng đã nói ở trên, cũng như đã học chữ nho, để đọc kinh điển Hán văn và tập thư pháp.
Về mặt chính trị, nhũng năm ở viện dưỡng lao cũng là thời gian tìm đường và tập dượt. Trái với hình ảnh Nguyễn Khắc Viện cộng sản mà nhiều người có sẵn như một định kiến, hành trình chính trị trong thập niên 40 của anh cũng khá gập ghềnh. Khởi điểm là một sự mù tịt hầu như tuyệt đối về chính trị, ngoại trừ lòng yêu nước thương nòi của một gia đình khoa bảng gia giáo (xem DĐ số trước). Hè 43 còn sang Berlin xem tận mắt nước Đức quốc xã. Sang năm 44 còn viết một bài báo đăng trên một tờ báo sinh viên, khẳng định lập trường quốc gia, với xu hướng sẵn sàng xây dựng một chế độ độc tài hay ít nhất một chế độ mạnh để đưa nước nhà tiến lên. 45-47, có quan hệ khá thân thiết với nhóm trôtkit Việt Nam lúc đó có ảnh hưởng lớn trong hàng ngũ công chiến binh. Phải tới năm 1949, Nguyễn Khắc Viện mới tham gia Đảng Cộng sản Pháp và hoạt động trong chi bộ cộng sản Pháp ở Saint-Hilaire. Theo lời kể của ông Hoàng Khoa Khôi, khi quyết định như vậy, anh đã gửi thư cho nhóm trôtkit để nói : từ nay các anh muốn biết lập trường của tôi, chỉ cần đọc báo Humanité. Những năm tiếp theo đó được đánh dấu bằng những cuộc luận chiến khá nảy lửa giũa anh Viện (cùng những đồng chí Việt Nam trong ĐCS Pháp) và anh em trôtkit, đặc biệt chung quanh vấn đề Nam Tư và việc đánh giá Tito, cũng như nhận định về Staline, Trotsky, Mao. Nảy lửa, không khoan nhượng về lập trường, song quan hệ cá nhân vẫn giữ được tình người. Được như vậy, có lẽ nhờ hai yếu tố. Một là, tập tục của các nhóm trôtkit có một ưu điểm lớn (so với các đảng cộng sản đệ tam) là vẫn giữ quan hệ cá nhân bình thường, duy trì tình bạn với những người rời bỏ tổ chức. Hai là, vẫn theo chứng từ của anh Khôi, ở thời điểm ấy, anh Viện thành thực nghĩ rằng Trotsky đã phản bội cách mạng, song vẫn đánh giá anh em trôtkit Việt Nam là những người có lòng yêu nước và có tinh thần cách mạng. Phải chăng đây cũng là một nét thầy đồ Nghệ Tĩnh, xa lạ với lối cư xử cạn tàu ráo máng.
Nhưng ta hãy quay trở lại cao nguyên St-Hilaire, vì ở đây là một cái nút quyết định trong cuộc đời Nguyễn Khắc Viện. Tại St-Hilaire, ngoài viện dưỡng lao dành cho sinh viên và trí thức (khoảng 300 bệnh nhân), còn có viện dưỡng lao của công nhân mỏ và công nhân luyện kim. Tổng cộng bệnh nhân, nhân viên bệnh viện, dân làng khoảng ba ngàn người, họp thành một tiểu xã hội với đầy đủ thành phần. Sinh hoạt văn hoá phong phú : nhiều nhà khoa học, văn hoá (trong đó có Albert Camus) được mời lên núi thuyết trình. Đấu tranh chính trị sôi nổi, thậm chí gay gắt giữa hai lực lượng chính trị áp đảo chính trường Pháp thời đó là đảng MRP (phái hữu Thiên chúa giáo) và đảng cộng sản (tham gia chính quyền từ 1944 đến 1947). Nguyễn Khắc Viện tham gia cuộc sống văn hoá, chính trị ở đây, và tất nhiên trở thành nhân vật quy chiếu trong vấn đề chiến tranh Đông Dương. Tại đây, anh đã kết bạn với rất nhiều người Pháp, sinh viên có, công nhân có. Chính những người bạn thân này sẽ cưu mang anh trong thập niên 50 khi anh hoạt động bí mật ở vùng Paris. Cũng chính họ, trong thập niên 60, khi anh trở về Hà Nội, sẽ góp tiền mua sách gửi về cho anh, bình quân hàng năm 300 cuốn.
Những năm sanatorium quả là thời kỳ tu dưỡng và tập dượt về khoa học, văn hoá, chính trị của Nguyễn Khắc Viện. Tốt nghiệp bác sĩ nhi khoa (năm 41), anh đã có thiên hướng về nhi khoa và tâm lý nhi đồng, nên năm 1948, đã soạn cuốn Lòng con trẻ, có lẽ là tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt về tâm lý trẻ em. Sách gửi về Việt Bắc năm 1949, nhưng mãi đến năm... 1992, mới được nhà xuất bản Phụ Nữ công bố. Tôi nêu điểm này để hiểu tại sao, sau khi nghỉ hưu (năm 1984), anh đã trở về với mối tình đầu, và tập trung sức lực mười năm cuối đời cho khoa tâm lý học trẻ em. Cũng tại đây, anh đã có dịp tranh luận với Albert Camus về đạo Khổng, như anh đã nhắc lại trong bài Khổng giáo và chủ nghĩa Marx ở Việt Nam (đăng lần đầu trên tạp chí La Pensée, in lại trong Expériences vietnamiennes, và Bàn về đạo Nho). Và cũng tại đây, anh đã ngồi xe lăn phản bác một chính khách MRP lên núi quảng cáo cho giải pháp Bảo Đại (đuối lý, phe hữu viết thư đòi đuổi tên Việt Minh sách động ra khỏi sana, nhưng thất bại vì dấy lên một phong trào phản đối từ sinh viên, công nhân, cũng như bác sĩ và nhân viên y tế).
1951 . Sau 7 lần lên bàn mổ, với dung tích thở 1 lít (dung tích trung bình của người thường : 4 lít), Nguyễn Khắc Viện quyết định xuống núi. Tất nhiên, các bác sĩ đều khuyên can, và tin chắc anh sẽ phải trở lại, rất sớm. Song lần này, anh tin rằng đã tìm ra bí quyết để giành lấy sự sống, với cái giá phải trả là liên tục luyện thở, tập dưỡng sinh, dè sẻn sức lực, tiết kiệm từng hơi thở và tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, anh cũng tập dượt thêm một thời gian bằng cách không trở lại Paris ngay, mà lưu lại một năm ở dưới chân núi, là thành phố Grenoble.
Cuối năm 1952, anh về Paris. Chiến tranh Đông Dương tiếp tục, ác liệt Nhưng tình hình đã khác hẳn thời kỳ đầu, khi mà chính quyền thực dân chắc mẩm sẽ dẹp loạn sau một thời gian ngắn. Phong trào chống chiến tranh Đông Dương lên mạnh, không chỉ thu hẹp vào Đảng cộng sản (lúc đó còn khá mạnh). Ngay trong nội bộ giới cầm quyền, đã có sự phân hoá, xu hướng đi tìm giải pháp thương lượng với Việt Minh đã manh nha. Cụm từ la sale guerre (cuộc chiến tranh bẩn thỉu) đã xuất hiện và trở thành phổ biến : điều đáng chú ý là cụm từ này không xuất phát từ ĐCS hay phong trào hoà bình, mà nó đã ra đời dưới ngòi bút của Hubert Beuve-Méry, trong một bài xã luận đăng trên báoLe Monde (những ai chỉ biết Le Monde trong cuộc chiến tranh Mỹ-Việt thập niên 60 có thể không biết rằng cuối thập niên 40, nhật báo này đã ủng hộ chính sách chiến tranh ở Đông Dương). Cuốn sách của Philippe Devillers ra đời lúc đó, tuy đã tạo ra một huyền thoại về Leclerc và Sainteny chủ hoà không hoàn toàn đúng với sự thật lịch sử (xem cuốn sách của Stein Tonnesson), song đã có một tác dụng không nhỏ vào việc phát triển xu thế thương lượng. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh lạnh vẫn nóng hơn bao giờ (chiến tranh Triều Tiên diễn ra khốc liệt, chủ nghĩa McCarthy và chủ nghĩa Stalin hoành hành ở hai bên bức màn sắt) và giấc mộng đế chế vẫn bám chặt đầu óc một bộ phận lớn của giai tầng chính trị Pháp (xin nhớ cuộc chiến tranh Algérie bùng nổ sau Điện Biên Phủ, và sẽ kéo dài 8 năm, ngang với chiến tranh Đông Dương).
Phong trào Việt kiều ủng hộ chính phủ kháng chiến cũng phát triển theo đà phong trào hoà bình Pháp. Ngoài nòng cốt là các bác lính thợ nay đã trở thành những công nhân thực thụ (ở Renault và các xí nghiệp lớn nhỏ), một số ra mở quán ăn, trở thành tiểu thương, và những trí thức quen biết như Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo (về chiến khu năm 52), Phan Nhuận..., nay có thêm sức sống mới là những học sinh sinh viên (phần đông qua Pháp sau khi phong trào Trần Văn Ơn bị đàn áp). Trong khi lực lượng ủng hộ lá bài Bảo Đại vẫn lèo tèo, sự lớn mạnh của phong trào Việt kiều trở thành một thách thức đối với nhà cầm quyền Pháp, và người lãnh đạo phong trào (Phạm Huy Thông), một cái gai.
Một buổi sáng tinh khôi tháng 12-52, cảnh sát khám nhà một số anh em Việt kiều. Hơn 10 người, trong đó có Phạm Huy Thông, bị giải về giam ở Sài Gòn. Nhưng bắt hụt một số khác, trong đó có Nguyễn Khắc Viện. Anh kể lại trong tập hồi ký : « Hồi ấy tôi ở ngoại ô Paris, trong một gia đình công nhân Pháp, ông bà Lephay, với một cậu con trai làm thợ cắt kính, một cô con gái làm thợ may. Vì quen cậu con trai ở bệnh viện, nên lúc ra viện, gia đình ấy mời tôi về ở với họ, bà mẹ bảo tôi : chỉ cần thêm một bát đĩa thôi, chẳng tốn kém gì. Hai ông bà không phải là đảng viên, nhưng làm công nhân từ 14-15 tuổi nên đã trải qua nhiều vụ đình công biểu tình (...) ông bà không rõ tôi làm gì cụ thể, nhưng cũng hiểu tôi là một người Việt Nam yêu nước, đồng thời là một đảng viên ; vì đã kinh qua thời Đức chiếm, nên ông bà cũng không hỏi tôi nhiều hơn. Tuy ở đấy, nhưng cũng có ý đề phòng, nên tôi vẫn có nơi khác trú chân, nhiều đêm không ngủ nhà. Đúng hôm cảnh sát đến, thì tôi đi vắng. Cảnh sát vào lục nhà, không tìm được tài liệu gì, sau dẫn bà Lephay đi khắp các đường phố Paris, hỏi cho kỳ được là tôi trốn ở đâu. Sau này bà Lephay kể lại : " Cảnh sát dẫn tôi đi ba ngày liền. Trong một tháng sau, mỗi lần tôi lên xe buýt về Paris lại một thằng lẽo đẽo đi theo, xem thử tôi đi những nơi đâu ". Trong hai năm trời, tôi không gặp lại gia đình ấy, có lúc cũng muốn ghé thăm vài phút, nhưng nguyên tắc hoạt động bí mật là tuyệt đối (...). Vấn đề đầu tiên là tìm được nơi ở an toàn, anh em bảo nên dựa vào mạng lưới của Đảng cộng sản Pháp, tôi bảo không cần. Mạng lưới quen biết của tôi xây dựng trong 10 năm ở sana, nay ở Paris không phải ít người, trí thức có, công nhân có, đảng viên có, ngoài đảng có, tôi biết là họ sẵn sàng giúp và sẽ không bao giờ phản tôi. »
Chính trong thời gian này, anh đã thuộc lòng các tuyến đường và các trạm métro (xe điện ngầm) của Paris, mấy chục năm sau, ngồi ở Hà Nội, có thể chỉ dẫn đi từ bất cứ nơi nào tới bất kỳ phố nào, đổi tuyến ở trạm gì, ngồi toa nào cho gần cửa correspondance hay lối ra nhất ! Thay thế Phạm Huy Thông lãnh đạo phong trào, anh làm song song công việc Việt kiều và công tác ngoại giao, tiếp xúc với chính giới Pháp từ tả sang hữu (trong việc này, anh được sự trợ giúp tận tình và hiệu quả của ông Nguyễn Văn Chỉ, là chồng giáo sư Françoise Baccot mà bạn đọc quen biết với bút danh Françoise Corrèze). Những năm 1953-55 hoạt động bí mật ấy một mặt anh bị bộ nội vụ Pháp truy lùng, mặt khác được bộ ngoại giao nể nang, coi anh là đầu mối để liên hệ thương lượng với đối phương. Cuộc truy lùng mãi tới năm 56 mới (tạm) chấm dứt, khi phái đoàn y tế của bác sĩ Hồ Đắc Di sang Pháp (phái đoàn đầu tiên của Việt nam Dân chủ Cộng hoà đến Pháp, sau khi tổng đại diện Trần Ngọc Danh bị trục xuất). Louis Puiseux và Henri Van Regemorter, hai người bạn thân, kể lại : Nguyễn Khắc Viện đi xe đạp tới nhà hàng Maxim's dự cuộc chiêu đãi khoa trưởng y khoa Hồ Đắc Di ! Hình như người đầu tiên tới bắt tay anh ở ngay cổng vào là ông Lecurieux, thanh tra mật thám, mà bà con Việt Nam ở Pháp (có người học cùng với ông ta ở Lycée Albert Sanaut, Hà Nội) vẫn quen gọi bằng các tên Việt Nam (dịch sát từ tiếng Pháp) : ông Tò Mò. Nói đến xe đạp và Nguyễn Khắc Viện, có lẽ cũng nên mở ngoặc để kể thêm một giai thoại khác, xảy ra ở một thời điểm sau đó hơn một thập niên, tại Hà Nội. Theo một người thân, có lần anh hẹn gặp thủ tướng Phạm Văn Đồng, và đạp xe tới Phủ Chủ tịch. Tới nơi thì được người trực(dám là người đồng hương khu IV lắm) mời về, không phải vì đi xe đạp, mà vì anh mặc... quần soóc.
Sau năm 1956, nhà cầm quyền Pháp đã cấp thẻ cư trú hợp lệ cho anh Viện, và để hội Liên hiệp Việt kiều thành lập. Hoạt động đến năm 1959 thì LHVK bị cấm. Đó là thời điểm mà chính quyền Ngô Đình Diệm đẩy mạnh quốc sách chống Cộng, nhưng dẹp đi hai màn cải lương bài phong và đả thực. Về phía chính phủ De Gaulle, với chuyến đi thăm Sài Gòn của bộ trưởng Pinay (cha đẻ của đồng Franc mới) cũng muốn cải thiện quan hệ với ông Diệm, ít nhất để bảo vệ quyền lợi kinh tế của Pháp còn nhiều ở miền Nam. Mặt khác, chính sách của tướng De Gaulle, từ năm 1962 sau khi phải trả độc lập cho Algérie) là cân bằng hoá phần nào quan hệ với miền Bắc. Theo ông De Quirielle, người được cử sang làm tổng đại diện Pháp ở Hà Nội, thì tướng De Gaulle đã dùng hình ảnh " không nên thoá mạ tương lai ". Bước đầu, Pháp nhận mở ở Paris một phái đoàn đại diện... thương mại của VNDCCH, đứng đầu là một nhà ngoại giao xa lạ với nghề buôn, ông Mai Văn Bộ. Song đổi lại, Paris muốn làm xẹp bớt phản ứng của Sài Gòn bằng một cử chỉ nhân nhượng. Trong khi đó, tương lai có vẻ tới gần thêm một bước với diễn biến tình hình ở miền Nam : tháng giêng năm 1963, chưa xảy ra cuộc đàn áp ở Huế, làm bùng nổ phong trào Phật giáo, nhưng đã diễn ra trận Ấp Bắc, làm rúng động bộ máy quân sự mà Hoa Kỳ đã dày công xây dựng (xem cuốn sách của Neil Sheehan, A Bright Shining Lie, Random House 1988 ; bản tiếng Pháp L'Innoncence perdue, Seuil, 1990). Tương lai, trong nhãn quan của lão tướng De Gaulle, cũng là tiếp nối quá khứ : Pháp chuẩn bị lá bài ở miền Nam, cụ thể là với cựu thủ tướng Trần Văn Hữu. Cần thiết phải tập hợp chung quanh ông Hữu một nhóm trí thức trông được. Mà uy tín của Nguyễn Khắc Viện thì quá lớn. Một công đôi ba việc : trục xuất Nguyễn Khắc Viện vừa hạn chế hiệu năng đáng gờm của một cặp bài trùng Mai Văn Bộ & Nguyễn Khắc Viện, vừa dọn đường cho nỗ lực vận động chính trị tương lai của Pháp, vừa làm nguôi phản ứng của Sài Gòn trước việc Paris tiếp nhận đại diện của Bắc Việt Cộng Sản.
Nhưng chẳng nên thoá mạ tương lai. Việc trục xuất bác sĩ Nguyễn Khắc Viện không công bố. Về phía chính phủ miền Bắc, công bố hay phản đối cũng không có lợi. Coi như nhà nước đón về nước một nhà trí thức tên tuổi, năm ấy đúng 50 tuổi, nhưng sức khoẻ yếu kém sau nhiều năm trọng bệnh. Thật sự, Ở Hà Nội, hầu như ai cũng nghĩ nên xếp anh Viện vào một cương vị, hay đúng hơn, một danh vị nào đó, song người ta chờ đợi rằng anh sẽ chẳng sống được thêm mấy năm tháng, với khí hậu miền Bắc và nhất là trong điều kiện vật chất thời đó.
Tháng 5.1963, sau 37 năm sống và hoạt động ở Pháp, Nguyễn Khắc Viện trở về Hà Nội. Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà (kể cả bộ trưởng y tế Phạm Ngọc Thạch, chuyên gia về phổi) cho rằng anh cần nghỉ ngơi, thu xếp để anh có thể sống nhẹ nhàng những năm cuối của đời mình ở quê hương, nên chỉ cử anh vào Uỷ ban liên lạc văn hoá với nước ngoài, một cơ quan bán chính thức, trực thuộc Bộ ngoại giao, mà chức năng là đối ngoại nhân dân. Ở cương vị này, khi sức khoẻ cho phép, nhà trí thức Việt kiều được quốc tế biết tiếng, có thể tiếp khách nước ngoài, đặc biệt là khách phương Tây, lúc đó cũng chẳng mấy ai vãng lai Hà Nội.
Ở cái tuổi tri thiên mệnh ấy (anh vừa đúng 50, theo giấy khai sinh, nhưng theo gia đình cho biết, thì hình như năm sinh thực sự của anh là 1915), có một điều Nguyễn Khắc Viện biết chắc, là anh chưa cần nghỉ, chưa muốn nghỉ. Thế là, trái với sự chờ đợi của mọi người, Nguyễn Khắc Viện bắt đầu một giai đoạn hoạt động không mệt mỏi.
Từ 1964 đến 1984, anh đảm nhiệm công việc giám đốc Nhà xuất bản ngoại văn, tổng biên tập báo Thư tín Việt Namvà tạp chí Nghiên cứu Việt Nam, hai tờ báo này xuất bản bằng tiếng Pháp và tiếng Anh.
Quãng đời công cộng này, mọi người đều biết cả, hay ít nhất đều có một định kiến, làm bằng những hình ảnh thường được phóng viên quốc tế nhắc đi nhắc lại trong những năm chiến tranh và sau đó : người phát ngôn bán chính thức của Hà Nội, nhà tuyên truyền năng nổ nhất của Bắc Việt, người đối thoại incontournable (không thể không gặp) của bất cứ nhà báo nào đến thăm Hà Nội dưới bom đạn.
Điều cần nói nằm ở đằng sau những hình ảnh giản lược ấy. Xin nêu hai điểm : một là phong cách, hai là quan điểm văn hoá.
Tìm đọc lại bản dịch chính thức bằng tiếng Pháp của các văn kiện ngoại giao, chính trị của miền Bắc trước năm 1963, chúng ta sẽ được gặp một thứ văn bia rất kỳ lạ, câu cú chữ nghĩa đúng là tiếng Pháp đấy, nhưng người Pháp đọc cứ như đọc một thứ ngôn ngữ gỗ (langue de bois), thuộc loại gỗ mun, gỗ trắc, nghe chối tai, chẳng ai hiểu nổi. Ưu điểm duy nhất của những văn bản này, là người thông thạo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt đọc chúng, có thể ứng khẩu dịch lại ra tiếng Việt mà không mấy sai lệch. Tại sao có tình trạng ấy ? Không phải vì Hà Nội lúc đó không còn người giỏi tiếng Pháp. Các ông Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo không được giảng dạy và xuất bản, nhưng nhà cầm quyền vẫn sử dụng các ông trong việc dịch thuật, nhưng dường như chỉ để dịch ra tiếng Việt những tài liệu tham khảo, vì khi các ông dịch ra Pháp văn, người ta dịch lại ra tiếng Việt, thấy sai lệch hẳn đi, mà trong ngoại giao, sai một ly đi một dặm. Còn trong báo chí ngoại ngữ (lãnh vực mà người ta cấm cửa hai nhà học giả), tuy vẫn có những nhà báo Pháp học, nhưng số đông đều ít nhiều có vấn đề, không dính líu đến Nhân văn Giai phẩm thì cũng xét đi xét lại, nên cuối cùng, bài của họ, dù có viết thẳng bằng tiếng Pháp, cũng vẫn là thứ văn bia quái lạ nói trên, tây nó không hiểu thì kệ nó, tác giả không có vấn đề là được rồi.
Phong cách Nguyễn Khắc Viện đã tạo ra được một cuộc cách mạng nhỏ trong lãnh vực này. Anh đã tập hợp được một ê-kíp nhà báo và người dịch, để các bài Pháp ngữ, Anh ngữ thoát ra khỏi lối viết tắc trách.
Quan trọng hơn cả phong cách, là ý thức về tầm quan trọng của văn hoá. Giữa thập niên 1960, hiểu biết của thế giới bên ngoài về Việt Nam dường như chỉ thu hẹp vào những công trình của các nhà nghiên cứu Pháp chung quanh Trường Viễn Đông bác cổ trước năm 1945, thêm vào đó là mấy cuốn sách của Paul Mus, Philippe Devillers, Jean Lacouture, Bernard Fall. Song song với Thư tín Việt Nam tập trung nói về thời sự, tạp chí Nghiên cứu Việt Nam đã lần lượt đưa ra những số đặc biệt về lịch sử, văn học, dân tộc học, ngôn ngữ học Việt Nam mà ngày nay đọc lại, nhiều số vẫn còn nguyên giá trị. Thậm chí, nếu so sánh với nguyên tác tiếng Việt, ta có thể thấy người dịch đã có công tổng hợp, viết lại, làm tăng giá trị của nhiều bài viết.
Cũng trong những năm này, Nhà xuất bản Ngoại văn đã phát hành bản Kiều do Nguyễn Khắc Viện dịch ra Pháp văn (1965), và bộ Hợp tuyển Văn học Việt Nam (Anthologie de la littérature vietnamienne) do Nguyễn Khắc Viện và Hữu Ngọc chủ biên (nhà xuất bản Philippe Picquier vừa tái bản dưới tựa đề Mille ans de littérature vietnamienne). Nhờ bộ sách này, độc giả sử dụng tiếng Pháp và tiếng Anh có thể tiếp cận với gần 10 thế kỷ văn học Việt Nam. Khuyết điểm chính của bộ hợp tuyển này là sự vắng bóng của dòng văn học Tự lực Văn đoàn những năm 1930 (và cố nhiên, của các dòng văn học miền Nam từ sau 1955) : điều này, theo tôi biết, ra ngoài ý muốn của ban chủ biên, mà thuộc quyền quyết định của ông Trường Chinh.
Nhân đây, tôi cũng xin mở ngoặc để nói đôi điều về quan hệ giữa Nguyễn Khắc Viện và Trần Đức Thảo. Không ít người, kể cả người ở Hà Nội (xin bạn đọc đừng bỏ qua chữ ở) đã lưu truyền tiếng đồn Nguyễn Khắc Viện cướp vợ Trần Đức Thảo Cũng như trong mọi lời đồn, ở đây có một hạt nhân thật : anh Viện đã lập gia đình với chị Nguyễn Thị Nhứt, nhà tâm lý học, cũng là Việt kiều cũ. Chị Nhứt trước đó đã ly hôn với anh Trần Đức Thảo. Cuộc ly dị này chủ yếu là do tính tình không hợp nhau, hoàn toàn xa lạ với kịch bản ly dị vì sức ép chính trị như đã từng xảy ra ở miền Bắc và các nước xã hội chủ nghĩa (có lẽ vì thực trạng này mà lời đồn kia đã trở thành thuận tai). Những người đã chăm sóc anh Thảo trong những tháng cuối đời anh ở Paris, và sau đó, đều có thể biết chị Nhứt vẫn tiếp tục chăm lo cho anh như thế nào. Riêng anh Viện, tưởng cũng cần nhắc lại vai trò quyết định của anh trong việc đưa ra nước ngoài từ năm 1966 những bài viết của Trần Đức Thảo để đăng trên tạp chí La Pensée, và sau đó được Editions Sociales xuất bản ở Pháp trước khi bản dịch tiếng Anh được xuất bản ở Mỹ. Nếu đám cưới của anh Viện là mộtscandale, thì cái scandale không nằm trong lời đồn nói trên, mà ở phong tục của Đảng cộng sản Việt Nam thời đó. Trong một cuộc họp chi bộ, đảng viên Nguyễn Khắc Viện đã bình thản thông báo là ông sẽ lấy vợ, và nhỏ nhẹ thêm : " Đây là tôi thông báo, chứ không phải xin phép chi bộ đâu nhé ". Ở cái thời mà đảng, công đoàn và hội Liên hiệp phụ nữ quản lý toàn bộ đời sống cá nhân, chặt chẽ hơn cả đại gia đình và những bà cô không chồng của thời phong kiến, đó quả là một thứ scandale. Cũng như lời tuyên bố của Nguyễn Khắc Viện trong một cuộc hội nghị : " Tôi tuân thủ kỷ luật Đảng, tôi tin tưởng ở Đảng, nhưng không tuyệt đối ".
Cũng dễ hiểu là sau năm 1975, Nguyễn Khắc Viện là một trong những đảng viên, khá sớm, đã lên tiếng báo động về những sai lầm : sai lầm của thời kỳ chủ quan, say sưa với chiến thắng, và sai lầm cơ bản hơn, bắt nguồn từ não trạng nông dân và chủ nghĩa Mao.
Bắt đầu là những lá thư và phát biểu nội bộ. Và mùa hè năm 1981, anh gửi một lá thư 7 điểm cho Quốc hội. Tôi không rõ đến nay đã có tờ báo nào công bố nguyên văn tiếng Việt của lá thư này chưa. Bản dịch tiếng Pháp có thể tìm thấy trong cuốn La bureaucratie au Vietnam (nhà xuất bản L'Harmattan, Paris 1983, tr. 115-119). Căn cứ vào những gì tôi nhớ được về lá thư mà anh đã cho tôi đọc tại nhà mấy ngày sau đó, tôi có thể bảo đảm đó là một bản dịch chính xác và trung thành.
Nhân đây, tôi xin kể lại diễn biến chi tiết, để sau này có thể hiểu được cung cách hành xử của Nguyễn Khắc Viện ở thời điểm ấy. Tôi từ Pháp về tới thành phố Hồ Chí Minh ngày 2.7.81, thì sáng hôm sau, đã được nghe nói tới lá thư Nguyễn Khắc Viện, và được biết có người đã mang được một bản vào thành phố. Tôi không đi tìm đọc, đợi mấy ngày sau ra Hà Nội sẽ lại thăm anh : đối với phần đông Việt Kiều ra Hà Nội, thì ghé qua 8 Nguyễn Chế Nghĩa thăm anh Viện là một chặng đường incontoumable. Đến đó, anh đưa cho tôi đọc hai trang giấy pơluya đánh máy chữ nhỏ, sau khi ra điều kiện: đọc tại chỗ, không ghi chép. Tôi nhận điều kiện này, hiểu rằng anh chưa muốn phổ biến ra nước ngoài.
Tôi hỏi anh : " Tại sao anh không gửi thư này cho Trung ương Đảng mà gửi cho Quốc hội ? ". Anh mỉm cười : " Phải đổi kiểu chứ ! " và giải thích ngoài bản còn giữ trong nhà, anh đã đánh máy ra một số bản, gửi cho : Văn phòng Quốc hội, chị Hoàng Xuân Sính (Việt kiều cũ, đại biểu Quốc hội), ông Nguyễn Văn Hiếu (bộ trưởng văn hoá, về danh nghĩa là thủ trưởng của anh), và chi bộ cơ quan. " Thế thôi. Tổng cộng khoảng 20 người trực tiếp đọc ". Từ đó, lá thư đã được đánh máy, chép tay, nhân lên nhanh chóng, mặc dầu hồi ấy, máy photocopy chưa xuất hiện ngoài phố, và ít cơ quan có máy.
Bộ máy cầm quyền, cụ thể là bộ máy tổ chức và công an dưới trướng ông Lê Đức Thọ, tất nhiên khá căm anh Viện sau lá thư này. Nhất là nửa năm sau, khi tuần báo FEER (Tạp chí kinh tế Viễn Đông) dành một trang nói về bức thư và tác giả. Và đài BBC trích dịch dài trong chương trình Việt ngữ, ba tuần trước ngày họp Đại hội V của ĐCS.
Hai tháng sau, tháng 5.82 tôi về Hà Nội (đó cũng là lần chót), được biết anh chuẩn bị về hưu. Cũng ở thời điểm 81-82, sau này chúng ta biết ông Hoàng Minh Chính đã đưa đơn kiện đích danh công dân Lê Đức Thọ và đã trả giá bằng mấy năm tù giam và quản chế. Ông Lê Đức Thọ là người thực tế, biết sức nặng của dư luận quốc tế : điều này giải thích phần nào sự khác biệt trong cách xử lý hai trường hợp.
Từ đây trở đi, thái độ của lãnh đạo ĐCS đối với Nguyễn Khắc Viện sẽ dao động giữa hai thái cực mà ứng xử của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là tiêu biểu. Tháng 10.1987, trong cuộc gặp văn nghệ sĩ, cuộc gặp trong đó ông Linh kêu gọi các nhà văn " bất luận thế nào cũng không nên bẻ cong ngòi bút ", sau khi nghe Nguyễn Khắc Viện phát biểu, ông Linh đã bắt tay nồng nhiệt và xin toàn văn bài viết để về đọc kỹ. Chưa đầy hai năm sau, tháng 9.89, trong một hội nghị cán bộ trung cao cấp để phổ biến nghị quyết mới, cũng chính ông Linh lớn tiếng chỉ trích " tay Nguyễn Khắc Viện nay lại đi ca ngợi dân chủ tư sản ".
Về phần mình, Nguyễn Khắc Viện tiếp tục phát biểu ý kiến của mình một cách công khai, hoặc qua những lá thư (như thư gửi Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc, tháng 1 năm 1991), bài báo (như bài Cuộc kháng chiến mới, mà Diễn Đàn đã đăng toàn văn). Khi ông Hoàng Minh Chính bị bắt mùa hè năm 1995, anh đã bày tỏ cảm tình và sự kính trọng đối với ông qua một lá thư gửi bà Hoàng Minh Chính.
Vài năm gần đây, sức khoẻ suy sụp, mùa đông anh chị thường vào thành phố Hồ Chí Minh để tránh cái lạnh buốt của khí hậu Hà Nội, nhưng ở đâu, anh cũng ít khi ra khỏi nhà, tập trung sức lực còn lại cho công việc của N-T, trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em, tổ chức phi chính quyền đầu tiên mà anh đã thành lập sau khi về hưu. Anh ít tiếp khách, và cũng phải nói thật, khách tới thăm ít hay nhiều cũng thay đổi tuỳ theo nhiệt độ chính trị chung quanh anh. Vài tuần trước khi từ trần, nhân dịp có đông đủ gia đình và một số bạn thân tới thăm, được biết anh đã nói 3 điều, có thể coi như những ước nguyện cuối cùng :
Một là, mong rằng Trung tâm N-T tiếp tục hoạt động vì lợi ích của thiếu nhi và thiếu niên.
Hai là, mong rằng xã hội công dân Việt Nam sẽ tiếp tục tự khẳng định và triển khai, làm nền móng cho công cuộc dân chủ hoá đất nước.
Điều cuối cùng, nhân dịp này, anh cũng nói rõ trong thập niên vừa qua, vì hoàn cảnh của anh Nguyễn Kiến Giang (hiện nay còn bị án treo 15 tháng tù trong vụ án Lê Hồng Hà & Hà Sĩ Phu), anh Viện đã nhận đứng tên một số tác phẩm của anh Giang (trong đó có cuốn Cách mạng 1789 và chúng ta, nxb TP. Hồ Chí Minh, 1989, Từ điển Xã hội học,nxb Thế giới 1994...). Trước khi mất, anh muốn minh xác điều này để tác quyền tinh thần được trả về cho tác giả. Trên đây là một vài điều tôi được biết hoặc thu lượm và kiểm tra được về con người và cuộc đời Nguyễn Khắc Viện, để bổ sung vào những bài viết đã được công bố trên báo chí trong nước. Vì vậy, tôi chỉ tập trung vào những điểm mà các tác giả ít biết hoặc chưa tiện viết ra.
Nguồn : Giáo sư nguyenvantuan.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét