Mấy ngày qua nhận tin buồn cũng khá nhiều, hôm nay thì có tin vui. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn được trao giải Henri Queffenlec nhân dịp liên hoan “Sách và Biển” năm 2012 ở Pháp. Tác phẩm được trao giải là truyện dài Biển và chim bói cá. Là fan của Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, nên tôi dĩ nhiên đã đọc cuốn này ngay từ lúc mới xuất bản, nhưng không có thì giờ (và cũng chưa nghĩ ra ý gì mới) để viết một bài điểm sách. Thôi thì nhân dịp này, tôi post lại bài này, trước là chúc mừng Nhà văn, và sau là giới thiệu hai tác phẩm trước đây của ông. Bài viết cũng 10 năm tuổi rồi, nhưng hình như vẫn còn tính thời sự.
Nói đến Bùi Ngọc Tấn, không ai không nhắc đến tác phẩm Chuyện kể năm 2000. Đó là một tự sự của nhân vật Nguyễn Văn Tuấn (không dính dáng gì đến người đang viết những dòng này), người bị tù đày suốt 5 năm trời (từ 1968 đến 1973) vì lí do rất vớ vẩn. Những sáng tác hay thường xuất hiện từ những thời kì đau khổ, và thời gian 5 năm tù đày cũng là giai đoạn để nhà văn tích tụ đau khổ thành chữ. Chữ của tác giả trong giai đoạn đau khổ này mang đậm tính nhân văn và bình thản một cách lạ lùng. Nhiều hồi kí “cải tạo” của các sĩ quan và quan chức miền Nam kể lại những cực hình và nhục hình trong nhà tù, thường với giọng văn mạnh, thù hằn, hoặc mỉa mai. Nhưng Chuyện kể năm 2000 thì hoàn toàn khác. Bằng một giọng văn nhẹ nhàng, chậm rải, như độc thoại, tác giả thuật lại những bi kịch trong trại tù làm cho chúng ta có khi phải cười ra nước mắt. Không có mỉa mai, cũng chẳng có hằn học hay hận thù trong câu chuyện của tác giả. Nhà văn tâm sự rằng ông chỉ muốn là người “thư kí, là người chép sử của thời đại”. chuyện kể năm 2000 là một bộ chứng từ của một chứng nhân cần lưu giữ lại cho thế hệ sau. Tác giả so sánh rằng Nhà văn Vũ Thư Hiên với Đêm giữa ban ngày chỉ ra những ai đã đẩy gia đình ông vào cảnh tù đày, còn ông (Bùi Ngọc Tấn) là chỉ ra toàn bộ cơ chế đã sản sinh ra những bất công xã hội.
Số phận của Chuyện kể năm 2000 cũng rất thú vị. Đó là một tác phẩm rất hay, nhưng chẳng hiểu vì sao khi mới in ra và phát hành thì có lệnh thu hồi. Chẳng những bị thu hồi, mà tác giả của nó còn bị nhiều phiền lụy. Bùi Ngọc Tấn kể rằng “Sau khi in Chuyện kể năm 2000, tôi được công an mời lên nhiều lần. Nhà tôi, điện thoại của tôi bị giám sát chặt chẽ. Nhiều cuộc họp đảng cơ sở , người ta phổ biến rằng tôi là một kẻ phản động đi tù về viết một tập sách chửi Đảng, chửi lãnh tụ. Ngay Tết Quý Mùi gần đây thôi, ông bí thư phường tôi họp cán bộ các ngành trong phường tổng kết về Tết an toàn, nói trong phường có một điểm nóng là tôi nên phải phân công trực ca ba, 24 trên 24. Qua Tết không xảy ra chuyện gì mới thở phào. Cũng phải nói thêm: tất cả những vị đứng ra truyền đạt những nhận xét về tôi đều chưa đọc tập tiểu thuyết của tôi. Một người bạn có chân trong Đảng dự họp nói ông ta có bản photo Chuyện kể năm 2000, ai muốn đọc, ông ta cho mượn, nhưng chờ mãi mà không ai mượn, nghe cấp trên truyền đạt lại là dủ, làm gì phải đọc, phải suy nghĩ, phải động não cho mệt người.” Cho đến nay, tác phẩm đó vẫn chưa được phổ biến, dù đã được xuất bản và dịch sang tiếng Anh ở nước ngoài (và trên mạng )
Nhưng Bùi Ngọc Tấn không chỉ có Chuyện kể năm 2000 để đời, mà còn sáng tác nhiều truyện ngắn khác theo tôi là cũng rất đáng để đời. Có lần tôi đã nói một trong những tác phẩm ngắn đó là Người chăn kiến. Đó là một câu chuyện thật hay và độc đáo, mà theo tác giả là được sáng tác trước Chuyện kể năm 2000 để độc giả làm quen với “trò chơi” mới của tác giả. Người chăn kiến viết về một ông giám đốc [dĩ nhiên là hư cấu] bỏ tù oan, và khi vào tù do dáng dấp có học, ông được một tên “đại bàng” tha cho trận đòn nhập gia mà đựơc trần truồng đứng làm tượng Nữ Thần Tự Do. Ông thích cái vai trò này, vì được mục kích những kẻ phục dịch cho đại bàng như thế nào. Ông còn được tên đại bàng giao cho nhiệm vụ chăn những con kiến trong cái vòng tròn bé tí vẽ bằng gạch non trên nền buồng giam. Đến khi ông được minh oan, trở về công việc cũ (giám đốc), ông bị ám ảnh bởi vai trò của mình trong trại giam. Cứ vào giờ nghỉ trưa, ông khóa cửa phòng, rồi mở ngăn kéo, lấy ra hai con kiến, vẽ một cái vòng tròn nhốt chúng, và cho chúng ăn bánh bích quy. Sau đó, ông cởi bỏ áo quần, leo lên bàn, mắt nhìn về phía xa, tay giơ cao kiêu hãnh, trong tư thế của Nữ thần Tự do. Không chỉ văn chương rất hay trong truyện ngắn đó, mà câu chuyện hàm chứa nhiều ý nghĩa trong xã hội hiện hành. Một cách hiểu là cái vòng tròn nhỏ xíu ấy có thể không giam giữ được hai con kiến nhưng nó có hiệu quả làm cái vòng kim cô giam gữ thân phận của một con người. Có lẽ Bùi Ngọc Tấn muốn mượn Người chăn kiến để gửi một thông điệp cho những tù nhân dự khuyết trong xã hội rằng ai đã bước vào nhà tù là vĩnh viễn không thoát khỏi nó. Cũng là một cách nhắn nhủ với những cai tù hay những ai được “quyền xử lí con người” phải thận trọng với con người.
Tôi ví Nhà văn Bùi Ngọc Tấn như là một Dostoievski của Việt Nam. Đọc văn của ông làm tôi nhớ đến nhà văn đại tài người Nga này. Cũng như Dostoievsky khai thác khía cạnh tâm lí con người trong bối cảnh chính trị - xã hội Nga bị nhiễu loạn, Bùi Ngọc Tấn khai thác những bức tranh xã hội chân thực, và đi tìm cái cội nguồn, cái “động mạch chủ của cuộc sống.” Giọng văn của Bùi Ngọc Tấn cũng phảng phất một Dostoievski. Đọc Bùi Ngọc Tấn để thấy cái hay của chữ nghĩa Việt. Có khi câu văn chỉ có một chữ, nhưng đặt vào bối cảnh thì lại thấy đầy đủ ý nghĩa của nó.
Việt Nam ta chưa có ai được giải Nobel văn học. Nếu có ai xứng đáng được đề cử, tôi nghĩ Bùi Ngọc Tấn là một trong những người như thế. Chưa có giải Nobel, nhưng Bùi Ngọc Tấn được tặng nhiều giải danh giá khác. Mới nhất là giải Henri Queffélec cho tác phẩm Biển và chim bói cá (bản tiếng Pháp là La mer et le matin-pêcheur do dịch giả Tây Hà dịch). Theo tin từ báo chí thì La mer et le matin-pêcheur đã vượt qua 5 tác phẩm của các nhà văn Canada, Pháp, Bỉ tại vòng chung kết và đoạt Giải Thưởng Lớn (Grand Prix). Là một fan của nhà văn, xin có lời chúc mừng và chia vui cùng Nhà văn Bùi Ngọc Tấn.
NVT
===
Giới thiệu sách mới (4/2003)
Tháng này, tôi xin giới thiệu đến bạn đọc một số sách đáng chú ý (theo ý kiến của tôi) mới xuất bản ở trong nước.
Viết về bè bạn
của Bùi Ngọc Tấn
Nhà xuất bản Hải Phòng, 2003. 536 trang
của Bùi Ngọc Tấn
Nhà xuất bản Hải Phòng, 2003. 536 trang
Truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn
Nhà xuất bản Hải Phòng, 2003. 355 trang
Nhà xuất bản Hải Phòng, 2003. 355 trang
Để hiểu ngọn ngành hai cuốn sách này và truyện ngắn của Bùi Ngọc Tấn, tưởng cần phải nhắc lại về tác giả một chút. Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934, nguyên quán ở Hải Phòng. Ông từng là một nhà báo (với bút hiệu Lôi Động và Tân Sắc) và nhà văn thuộc thế hệ sau 1954. Ông từng cộng tác với tờ Tiền Phong, Hà Nội, và Hải Phòng Kiến Thiết. Ông bị bắt vào tháng 11 năm 1968 vì tội “phản cách mạng, tuyên truyền chống chế độ”, và đi tù cho đến năm 1973 mới được thả ra. Năm 1993, ông tái xuất hiện trên văn đàn với bài “Nguyên Hồng: một thời đã mất” đăng trên Tạp chí Cửa Biển của Hội Nhà văn Hải Phòng. Sau này tập bút kí đó được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in thành sách với nhiều đoạn bị đục bỏ.
Bùi Ngọc Tấn nổi tiếng trong thời gian hậu gulag hơn là thời gian trước khi ông đi tù. Ngày nay, nói đến ông, người ta nghĩ ngay đến tác phẩm Chuyện kể năm 2000, một truyện dài – hay nói chính xác hơn là tự truyện – viết về cuộc đời tù đày và cuộc sống xã hội sau khi ra tù của ông. Cuốn sách mới in xong liền bị cấm phát hành.
Viết về bè bạn (VVBB) là một tập hợp những bài viết của Bùi Ngọc Tấn về những người bạn của tác giả. Những người bạn mà Bùi Ngọc Tấn đề cập đến là Chu Lai, Nguyễn Quang Thân, Dương Tường, Mạc Lân, Lê Bầu, Nguyễn Thị Hoài Thanh, Hứa Văn Định, Nguyên Bình, Lê Đại Thanh, Nguyễn Thanh Hà, Vũ Tín, và Nguyên Hồng. Đây là những người bạn thủy chung với tác giả trong những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời họ. Phần viết về Nguyên Hồng (hơn 200 trang) chính là cuốn sách mà Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã xuất bản, nhưng trong lần xuất bản này những đoạn bị đục bỏ được khôi phục lại cho đúng với nguyên bản.
Cuốn sách viết theo kiểu “chân dung” về sự “nhếch nhác trần ai của họ, của những người làm nghề mà các tập chân dung văn nghệ sĩ khác chưa nói tới hoặc chỉ nói qua. Viết về cái chông gai và cả hiểm nguy của người nghệ sĩ, đặc biệt là với nghề văn để các bạn trẻ suy nghĩ kĩ trước khi bước vào nghề, dấn thân vào cuộc phiêu lưu với nghệ thuật ngôn từ. Tôi muốn có bóng dáng thời đại chúng tôi đã sống trong những trang sách của tôi cũng như tôi hiểu được rằng viết chân dung, viết hồi kí là phải trung thực, nếu không muốn mình là kẻ bịp người khác.” (VVBB, trang 7).
Chông gai và nhếch nhác như thế nào? VVBB cho người đọc nhiều giai thoại thú vị nhưng có khi nhức nhối. Có những văn nghệ sĩ có tài nhưng hoặc không được viết, hoặc được viết nhưng không được in, hoặc được in nhưng không dám dùng tên thật. Có văn nghệ sĩ phải sống lây lất qua ngày bằng nghề bán chữ và … bán máu. Hãy đọc một đoạn Bùi Ngọc Tấn tả cảnh đi bán máu của Mạc Lân:
“Đang loay hoay với kế mưu sinh thì Dương Tường đến. Nào ai ngờ được chính anh chàng lơ ngơ này lại là người giải quyết cho Mạc Lân vấn đề cực kì khó khăn ấy: Đi bán máu. Lân tròn xoe mắt, sửng sốt và bất ngờ. Bán máu? Bán ở đâu? Bán như thế nào? Ai mua? Ông lại sáng tác ra chuyện gì nữa thế? Không phải truyện sáng tác, hư cấu. Người thực việc thực một trăm phần trăm.
[…]
Lấy máu theo trọng lượng cơ thể. [Dương] Tường chắc mỗi lần bán chỉ được 150 cc. Lấy 200 cc có thể do cảm tình gì đó. Lân 60 kí lô mới được lấy 200 cc.
Về sau những lần Lân cần tiền Lân đeo thêm chì vào người để đạt trọng lượng 70 kí lô và bán được 250, 300 cc, anh nghĩ chắc Dương Tường cũng giở trò gian lận này. Lấy xong máu, cầm biên nhận đến tài vụ lĩnh tiền, nhận phiếu bồi dưỡng. Tiền tính theo cc còn tem phiếu thì đồng loạt. Mỗi người được lĩnh tem 2 cân đường, 4 cân đậu phụ, 2 kí thịt, 2 hộp sữa. Thế là mất đi một ít màu nhưng túi nằng nặng tiền và tem phiếu. Cho nên những ngày đi bán máu rất vui. Con người mình bỗng nhiên tăng thêm phần giá trị trước gia đình và trước bao cặp mắt của cánh phe vé, bỗng nhiên mình được bao bọc quấn quít giữa những cái nhìn trìu mến, tình cảm, hò hẹn của đám đàn ông đàn bà chuyên sống bằng buôn bán tem phiếu lúc nào cũng có mặt ngoài cổng bệnh viện.”
[…]
Lấy máu theo trọng lượng cơ thể. [Dương] Tường chắc mỗi lần bán chỉ được 150 cc. Lấy 200 cc có thể do cảm tình gì đó. Lân 60 kí lô mới được lấy 200 cc.
Về sau những lần Lân cần tiền Lân đeo thêm chì vào người để đạt trọng lượng 70 kí lô và bán được 250, 300 cc, anh nghĩ chắc Dương Tường cũng giở trò gian lận này. Lấy xong máu, cầm biên nhận đến tài vụ lĩnh tiền, nhận phiếu bồi dưỡng. Tiền tính theo cc còn tem phiếu thì đồng loạt. Mỗi người được lĩnh tem 2 cân đường, 4 cân đậu phụ, 2 kí thịt, 2 hộp sữa. Thế là mất đi một ít màu nhưng túi nằng nặng tiền và tem phiếu. Cho nên những ngày đi bán máu rất vui. Con người mình bỗng nhiên tăng thêm phần giá trị trước gia đình và trước bao cặp mắt của cánh phe vé, bỗng nhiên mình được bao bọc quấn quít giữa những cái nhìn trìu mến, tình cảm, hò hẹn của đám đàn ông đàn bà chuyên sống bằng buôn bán tem phiếu lúc nào cũng có mặt ngoài cổng bệnh viện.”
VVBB còn chứa đựng một vài thông tin nhỏ mang tính cá nhân. Chẳng hạn như viết về Dương Tường, một tác giả của 50 tác phẩm dịch thuật có giá trị, người mà Gallery Lã Vọng giới thiệu [trên giấy trắng mực đen]: “Ông này [Dương Tường], nhà thơ và nhà phê bình lỗi lạc, đã soi sáng cho tôi rất nhiều khía cạnh của văn hóa Việt Nam”, chưa bao giờ là hội viện của Hội nhà văn. Chẳng hạn như Nhà thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh, người Hải Phòng (cùng quê với Bùi Ngọc Tấn), chính là em ruột của ông Nguyễn Xuân Vinh, cựu tư lệnh không quân trong quân đội Sài Gòn trước 1975 và là một nhà khoa học không gian (Mĩ), một người chống cộng tới cùng. Và cũng chính mối quan hệ ruột thịt này mà người ta nhầm lẫn bà là em của ông Nguyễn Cao Kỳ và đã làm cho nhà thơ bao phen lận đận lao đao. Chẳng hạn như Hoạ sĩ Nguyễn Thanh Bình tuy là con của một thứ trưởng ngoại giao nhưng từng đi bộ đội (dù bố mẹ anh có thể xin cho con đi học thay vì đi lính).
Nói là viết về bè bạn, nhưng trong thực tế, tác giả cũng viết về cuộc đời của chính mình trong ấy. Do đó, cuốn sách không chỉ là một phát họa về cuộc sống của những bạn bè nghệ sĩ mà còn thỉnh thoảng cho người đọc biết về những tháng ngày gian truân của tác giả từng kinh qua sau khi ra tù. Về cuộc sống thời bao cấp, Bùi Ngọc Tấn viết: “Một thời mà mỗi khi nhớ lại, bỗng nhiên thấy mình đã là những người anh hùng, đã vượt qua một quãng đời tưởng như là bịa đặt, không thể nào tin được. Và thế hệ hôm nay càng chẳng thể quan niệm nổi” (VVBB, trang 255).
VVBB không phải là một loại tản văn bình thường, mà còn là một sáng tác chữ nghĩa, những suy nghĩ độc đáo của Bùi Ngọc Tấn. Viết về Lê Đại Thanh, Bùi Ngọc Tấn nhận xét người bạn già của mình là đã “Sống chứ không phải là tồn tại.” Sống khác với tồn tại. Còn sống ngày nào hãy sống hết mình với cuộc đời, với nghệ thuật. Tiền bạc, danh vọng, địa vị, tất cả đều là hư vô. Bùi Ngọc Tấn nhận xét về cái chết như sau: “Khi cái chết đến với con người thì cũng từ đó một cuộc sống mới nẩy sinh. Ý nghĩa lớn nhất của cuộc sống vẫn còn tiếp tục sau cái chết có lẽ là sự công bằng, điều cả loài người mong ước như một khát vọng hướng thiện.” (VVBB trang 201)
Truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn, như tên gọi cho biết, là một tập truyện gồm 19 truyện ngắn của Nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Sau gần một phần tư thế kỉ vắng bóng trên văn đàn, Bùi Ngọc Tấn lại cầm bút và viết khỏe. Đây là tác phẩm thứ hai (hay thứ ba) của ông kể từ khi ra tù. Bùi Ngọc Tấn từng tự sự về chính ông như sau:
“Thập niên thứ tư: dưới đáy. Cố ngoi lên để khỏi bị nhận chìm xuống đáy. Đấu tranh đòi hưởng công bình, đòi hưởng luật pháp. Thập niên thứ năm: chiêm nghiệm. Xác nhận thực tại mình bị tiêu diệt. Hiểu. Thập niên thứ sáu … trò chuyện với vô cùng.”
Có thể nói tuyển tập truyện ngắn này là một “trò chuyện với vô cùng”. Những truyện trong sách tập trung vào đề tài những câu chuyện nhức nhối trong cuộc sống nhà tù và ám ảnh sau khi ra tù, những hoàn cảnh éo le đưa đẩy người nữ bộ độ vào con đường làm gái bán bia ôm, những câu chuyện thương tâm trong thời đổi mới … Tuy không khắc họa một cách lạnh lùng, trần trụi, những con người đang mất dần nhân tính và những kẻ bị đau khổ bị sỉ nhục trong xã hội như trong những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, nhưng truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn cũng làm người đọc thêm khinh bỉ những kẻ xấu xa, xúc động trước những nỗi đau khổ của những người làm ăn lương thiện đang phải đấu tranh hàng ngày cho miếng ăn.
Trong Lời nói đầu, Dương Tường nhận xét về Bùi Ngọc Tấn như sau: “Bùi Ngọc Tấn, trong mắt tôi, là người biết chưng cất cái đau thành hi vọng, thành tiếng cười, không, chính xác hơn, thành nụ cười, vì anh không mấy khi cười thành tiếng. Tôi gọi đó là hóa học của nhân bản. Hay có khi đó là bí quyết đạt đạo của những bậc hiền?”
Nhận xét về văn phong của ông, tôi nghĩ Phạm Xuân Nguyên viết khá đầy đủ: “Giá trị nhà văn của Bùi Ngọc Tấn trước hết là ở giọng điệu văn chương làm cho người đọc hiểu ông, tin ông, đồng cảm với ông, và cùng ông đồng cảm với những phận người, những kiếp bụi nhân sinh. Cao hơn chuyện văn chương là chuyện cuộc đời. Bùi Ngọc Tấn là nhân vật của văn ông và đồng thời ông cũng là tác giả của những điều ông viết ra. Đó là văn chương của sự thật.” Qua giọng văn, người đọc có thể thấy ông là một người trầm tĩnh và bao dung, thể hiện những suy nghĩ chiều sâu của một tác giả đứng tuổi. Bùi Ngọc Tấn có một văn phong độc đáo: ngắn gọn và cô đọng. Có nhiều câu văn chỉ một chữ. Chỉ một chữ nhưng đặt vào văn cảnh thì ai cũng hiểu.
Viết về bè bạn và Truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn là những cuốn sách có giá trị lịch sử văn học và văn chương mà bất cứ ai quan tâm đến văn học nước nhà cần phải có trong tủ sách.
Nguồn :GS Nguyenvantuan.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét