Ông rời Sài Gòn vào cuối tháng 4 năm 1975. Trong sự kiện 30 tháng 4, ông cho phép trưng dụng miễn phí những chiếc tàu của ông để chuyên chở người tị nạn và chở được hơn 8.500 thuyền nhân vượt biển. Riêng chiếc tàu Trường Xuân với thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy đã chở gần 4.000 người thuyền nhân vượt biển,
trong đó có nhạc sĩ Lam Phương sau này đã sáng tác bài hát Con tàu định mệnh để ghi nhớ sự kiện này.
Ông bắt đầu công việc kinh doanh khách sạn ở thành phố New York từ khách sạn Opera và khách sạn Carter (gần Quảng trường Thời đại (New York)) ở Manhattan và khách sạn Lafayette ở Buffalo, New York.
Ngoài ra, ông còn là một mạnh thường quân và tích cực trong những sinh hoạt cộng đồng người Việt tại Mỹ. Như theo lời kể của ông Nguyễn Văn Tánh, chủ tịch cộng đồng Việt tại tiểu bang New York : "Ông Trường đã giúp đỡ cho cộng đồng Việt Nam không chỉ bằng tiền bạc, vật chất mà còn bằng tấm lòng, với tinh thần tận tụy hiếm có. Trong những dịp cộng đồng Việt về New York sinh hoạt, các anh chị em được mời đón đến ở miễn phí tại khách sạn của ông.
Trong sự kiện khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 tại New York, ông đã tặng quỹ cứu trợ nạn nhân 2 triệu USD. Trong nạn đói năm 1984 tại Ethiopia, ông cũng mua tặng các tổ chức cứu trợ nạn đói ở Ethiopia 2 máy bay trực thăng.
Trong tháng 5 năm 2004, ông đã được trao Giải Đuốc Vàng ở Washington DC, giải thưởng vinh danh của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Mỹ. Ông cũng nằm trong Hội đồng quản trị của United Way of New York City.
Theo http://www.trangroup-usa.org NƯỚC MỸ VỚI TÔI HỒI THÁNG 9.2001
Sau sự kiện 11.9 vài ngày, chúng tôi là những nhà báo Việt Nam đầu tiên có mặt tại Mỹ. Lúc đó không phận Mỹ bị đóng lại, tất cả các chuyến bay quốc tế vào Mỹ sau sự kiện bi thảmđó đều bị ngưng. Mãi đến ngày 15.9 mới bắt đầu cho các chuyến bay quốc tế đầu tiên vào Mỹ, chúng tôi may mắn là những hành khách đầu tiên và hiếm hoi có mặt trên một trong những chuyến bay đó.
Tuy vậy các chuyến bay quốc tế vẫn chưa cho đáp trực tiếp xuống Washington và Newyork. Từ Tokyo qua, chúng tôi phải dừng lại tại Chicago sau đó mới chuyển qua chuyến bay nội địa để đáp xuống phi trương Dulles ở ngoại ô Washington.
Bước ra khỏi máy bay để vào nhà ga, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cờ. Cờ hoa khắp mọi nơi. Cờ trên các lối đi, cờ trên các quầy bán hàng, cờ trên các quầy kiểm soát nhập cảnh, cờ trên các cửa hàng lộng lẫy, cờ trên các băng chuyền trả hành lý, cờ trên tất cả các loại xe đưa đón khách ở sân bay. Trên đường vào trung tâm để về khách sạn, cờ phủ trên nhà dân và các cao ốc hai bên đường, cờ tung bay rợp trời trên các luồng xe ken kín đường phố, thậm chí cờ phủ trên mũ nón, trên áo quần, trên cà vạt, trên giày dép của những người dân Mỹ ở khắp mọi nơi.
Nước Mỹ lúc nào cũng rợp cờ như vậy hay sao? Tôi hỏi. Người hướng dẫn cười nói, không, chưa bao giờ như vậy, thậm chí cả trong ngày quốc khánh. Đây là do vụ 911. Chúng tôi hiểu ra, trong những ngày đó hầu như toàn dân Mỹ đều mang cờ trên người và treo cờ trên bất cứ chỗ nào có thể để biểu thị lòng yêu nước.
Trên vài đường phố trung tâm hoặc tại một số công viên chúng tôi thỉnh thoảng gặp các nhóm biểu tình mang đầy cờ Mỹ và khẩu hiệu đã đảo bọn khủng bố sát nhân. Nhưng rồi chúng tôi cũng gặp vài nhóm biểu tình khác, ít hơn, cũng mang cờ Mỹ nhưng khẩu hiệu lại phản đối Mỹ giúp Israen đàn áp người Palestin, vì nước Mỹ làm vậy nên mới bị tấn công. Đúng là Mỹ, họ yêu nước theo nhiều cách mà người Việt Nam quen được định theo một hướng như chúng tôi thời đó không thể nào hiểu nỗi.
Chuyện treo cờ ở Mỹ những ngày đó là không bàn cãi, treo cờ hoặc phản bội tổ quốc, chỉ có hai chọn lựa. Ấy vậy mà vẫn có chỗ tranh luận sôi nỗi nên treo hay không và cuối cùng phe không treo thắng thế. Chúng tôi vào thăm các tòa soạn báo, hầu như nơi nào cũng thấy một khu vực hoặc một bên dãy bàn đều thấy nhân viên cắm cờ trên bàn làm việc còn khu vực khác hoặc dãy bàn bên kia không hề thấy bóng dáng một lá cờ nào. Tại sao? Chúng tôi được giãi thích: Khi mà toàn thể công chức, cán bộ, công nhân viên Mỹ trên cả nước đều cắm cờ tại bàn làm việc thì ở các tòa soạn báo, đài nổ ra cuộc tranh luận là việc cắm cờ tại bàn làm việc cũng như trên các xe quay phim, máy chụp ảnh và trên người của phóng viên, biên tập viên có vi phạm tính khách quan của báo chí Mỹ không? Kết luận cuối cùng là làm như vậy mà vi phạm. Do vậy tại các tòa soạn, dãy bàn làm việc của các bộ phận không làm nội dung như quảng cáo, tài vụ, phát hành...thì được cắm cờ thoải mái. Còn bộ phận làm nội dung như phóng viên, biên tập viên, quay phim, chủ bút. V..V...thì tuyệt đối không được cắm cờ trên bàn làm việc hoặc mang cờ Mỹ theo người lúc làm nhiệm vụ.
Thấy cờ xí khắp mọi nơi, máu nghề nghiệp của tôi lại đẩy lệch tôi theo một hướng khác, tôi hỏi, làm sao có đủ cờ để treo và đủ trang phục có hình cờ để phục vụ kịp thời cho toàn dân Mỹ như thế này? Trung Quốc, không hiểu sao họ nhanh như vậy, họ ào ạt xuất cờ Mỹ và áo quần in cờ Mỹ sang Mỹ. Người hướng dẫn trả lời và nói thêm, hàng tiêu dùng Trung Quốc đang đầy ắp trong các siêu thị của Mỹ.
Bây giờ tôi hiểu rằng Trung Quốc không chỉ hưởng lợi khi Mỹ lâm vào các cuộc chiến nhùng nhằn Afganistan và Iraq về sau nầy mà họ còn chơp nhanh thời cơ hưởng lợi từ Mỹ ngay những ngày đầu tiên Mỹ bị khủng bố tấn công.
Chúng tôi gồm ba nhà báo ở TP HCM và một giáo sư khoa báo chí ở Hà Nội được mời sang Mỹ trong chương trình tham quan và làm việc với báo chí Mỹ. Theo chương trình đó chúng tôi được bay đến khoảng 15 thành phố trên 6 tiểu bang ở khắp các vùng đông, tây, nam, bắc và trung Mỹ. New York có trong lộ trình, tuy nhiên sau sự kiện 911 thì bị cắt vì lúc đó vẫn chưa cho mở lại các đường bay nội địa đến New York. Chúng tôi xin tách ra khỏi lộ trình vài ngày và tự tìm đường đến New York.
New York trong những ngày tang thương ấy vẫn có sức sống mãnh liệt. Trường học vẫn chưa mở cửa trở lại, các cửa hàng, các cao ốc văn phòng trên các đại lộ dẫn vào Ground zero (nơi tòa tháp đôi bị đánh sụp) vẫn còn đóng cửa im ỉm, các tổ chức lữ hành, du lịch, các điểm tham quan vẫn chưa được phép mở cửa và hoạt động trở lại. Cờ xí ở đây còn rợp trời hơn các nơi khác. Đường phố mọc lên vô số điểm bán cờ và trang phục có in cờ. Nhưng đường phố Newyork cũng nhóm màu tang thương bởi những điểm tưởng niệm tự phát do dân làm ra. Đó là những cái bàn hoặc bệ thờ đặt bên vệ đường thắp đầy nến và hoa tang bên cạnh hình ảnh của những người bị chết hoặc còn mất tích. Các điểm công cộng và các trụ đèn ở Newyork thời ấy phủ kín ảnh và tên tuổi những nạn nhân mất tích do người thân của họ dán lên để kiếm tìm trong vô vọng.
Nhấn chìm trong tang thương nhưng New York vẫn không mất đi sức sống mãnh liệt của thành phố giàu có số một thế giới. Những con phố bên ngoài khu Ground zero vẫn tràn ngập người đi và xe cộ suốt ngày đêm không ngừng nghỉ. Những chàng trai và cô gái xinh đẹp Newyork vẫn rào rào đi lại trên đường phố thâu đêm suốt sáng. Tôi ngạc nhiên tự hỏi không biết họ đi đâu mà đi hoài như vậy, vì có đi ăn chơi thì cũng đến tụ vào các nơi ăn chơi chứ. Cô bạn New York trả lời: Thì họ đi đến các điểm ăn chơi đấy thô, nhưng hết lượt người nầy đến các lượt người khác, hết tụ điểm nầy đến các tụ điểm khác, cứ thế mà thấy họ lúc nào cũng rào rào không ngũ.
Anh Lê Đình Bì, trưởng ban quốc tế báo Thanh Niên thời đó là nhà báo nước ngoài hiếm hoi cũng có thể nói là duy nhất được bước chân vào tận khu Ground Zero còn bốc khói sau những phóng viên của hãng CNN.
Ở Newyork, chúng tôi được nhà triệu phú gốc Việt Trần Trường đón tiếp. Ông là một trong những cá nhân đầu tiên trợ giúp cho Newyork tang thương 2 triệu đô la. Gia đình ông rất mừng rỡ khi hay tin có những người Việt Nam đầu tiên đến Newyork sau vụ 911. Ông mời chúng tôi về nhà riêng dùng bửa cơm tối do đích thân vợ chồng và cô con gái duy nhất của ông đang học trường Y nấu nướng và phục vụ. Đây là bửa cơm dành cho thượng khách, vì nếu không thì ông mời ra nhà hàng của ông và cho nhân viên hoặc người giúp việc phục vụ. Do yêu cầu chúng tôi muốn được vào Ground Zero nên ông mời ông chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ Newyork cùng dùng cơm. Sau bửa cơm ông nói nguyện vọng của bọn tôi với ông chủ tịch ấy. Phải qua nhiều sắp xếp và đích thân ông chủ tịch hội Chữ Thập Đỏ đưa đi thì mới có thể vào được khu Ground Zero nhưng với chỉ hai người thôi, một là ông Trần Trường ( vì lúc đó ông cũng chưa được vào) và một là trong chúng tôi. Chúng tôi nhất trí nhường suất ấy cho anh Lê Đình Bì. Anh đã có một bài tường thuật rất chi tiết đăng trên Báo Thanh Niên vào tháng chin năm 2001, rất tiếc thời ấy Báo chưa có trang web nên không có đường dẫn ra đây để phục vụ bạn đọc.
Hồi đó nước Mỹ rộ lên chuyện tấn công Aghanistan. Tấn công là đương nhiên rồi, vấn đề là như thế nào và vào lúc nào. Ở chỗ nào chúng tôi cũng nghe bàn tính về chuyện nầy. Thỉnh thoảng cũng có nghe những ý kiến khác nhưng yếu ớt và lạc lỏng.
Ở Cincinnati hoặc Connecticut gì đó (lâu quá tôi đã quên tên),chúng tôi được mời dự như là thành viên ban biên tập của buổi họp giao ban của ban biên tập tờ báo địa phương với các trưởng bộ phận để quyết định nội dung số báo ngày hôm sau. Chủ đề tấn công Aghanistan là chủ đề nóng. Sau khi bàn cải và đi thống nhất chủ trương ủng hộ cuộc tấn công và cách triển khai chủ đề này, tổng biên tập hỏi, còn ai có ý kiến gì khác không. Không thấy ai đưa tay, tôi hơi chút e dè đứng lên. Hàng chục cặp mắt nhướng về phía tôi đầy tò mò. Tôi nói: Tấn công Aghanistan liệu là giãi pháp tốt nhất để chống khủng bố chưa? Ông tổng biên tập quắc mắt lên: Thế thì theo anh có cách gì tốt hơn? Tôi định nói những điều đã dự định sẵn trong đầu là nước Mỹ nên đi từ gốc vấn đề đó là chuyện chống lưng cho Israen áp bức các nước Á Rập, từ đó người Á Rập mới trả thù. Bây giờ lại tấn công vào Aghanistan là dấy lên một đợt căm thù mới và nặng nề hơn…
Tuy nhiên khi nhìn vào hàng chục ánh mắt đang long lên vì lòng yêu nước vì nôn nóng trả thù cho đồng bào của họ vừa mới bị thảm sát, tôi nhanh chóng chuyển câu trả lời : Tôi nghĩ rằng nếu bình tỉnh lại thì chính các vị sẽ tìm ra giãi pháp tốt hơn. Còn tôi chỉ có cảm giác là tấn công Aghanistan thì chưa phải là cách hay nhất cho nước Mỹ.
Sau 10 năm sa lầy vào đó và vào I Rắc, vị trí số 1 của Mỹ đang bị cạnh tranh gay gắt
Ở vị trí siêu cường, nước Mỹ đã đứng ra gánh lãnh những nhiệm vụ to lớn và nặng nề. Khi họ đang vướng bận vào nhiệm vụ nầy thì nhiệm vụ khác phát sinh. Trong lúc đang chống Phát Xít thì CNXH phát sinh, khi đang chống CNXH thì Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan nổi lên và khi còn đang dỡ dang với khủng bố thì có thế lực đen tối mới đang lợi dụng thời cơ trỗi dậy... Những nhiệm vụ ấy cứ thế nối tiếp với nhau làm siêu cường số 1 nầy không lúc nào rảnh rỗi và với bất cứ nhiệm vụ nào nhân dân họ cũng lãnh những hậu quả khốc liệt và nặng nề. Hàng trăm ngàn thanh niên Mỹ đã hy sinh trong đệ Đệ Nhị Thế Chiến, hàng vạn người khác bỏ xác ở chiến trường Triều Tiên và Việt Nam, rồi 3000 người dân vô tội đã chết thảm thương trong vụ 911 và tiếp sau đó 6.000 lính Mỹ chết trận cùng với sự tiêu tốn trên 1.200 tỷ đô la tại chiến trường Tây Á.
Nước Mỹ đã đúng hay sai qua các nhiệm vụ trên? Thôi cứ để lịch sử phán xét cho công bằng.
Nhưng hãy cầu thượng đế tiếp tục phù hộ cho nhân dân Mỹ.
Huynh Ngoc Chenh 11.9.2011
Nguồn : Blog Huỳnh Ngọc Chênh
|
Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012
CHIA BUỒN GIA ĐÌNH ÔNG TRẦN ĐÍNH TRƯỜNG, ĐĂNG LẠI BÀI VIẾT CŨ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét