Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Bởi bóng đêm vây phủ quanh ta

Đọc xong chuyện này ( 4.Bởi bóng đêm vây phủ quanh ta ) nhớ lại một ngày ở bệnh viện tỉnh Khánh Hòa. Lúc đó con mình đang ho và sốt, quãng thời gian tháng 3 năm 2009. Gởi con ở nhà trẻ mới hơn một năm tuổi, hai vợ chồng đang đi làm. Nghe nhà trẻ báo vội chạy vội về, con đang lên cơn ho, bồng trên vai cháu ho vật vã và cả mặt ửng đỏ và muốn tím tái . Những cơn ho như ho gà triền miên vật vã.
Vội vã bồng con vào bệnh viện. Vào phòng bác sĩ nhìn thấy trên bàn một thông báo: Bác sĩ giải lao 15 phút. Lui ra ngồi chờ trên băng ghế trước cửa phòng, ruột nóng như lửa đốt, 15 phút, 30 phút, 35 phút...trôi qua. Thời gian như triêu ngươi người chờ đợi mà bác sĩ mải đang tán chuyện riêng ! ...
Sau đó vội vã bồng thẳng con ra ga và vào thẳng bệnh viện tư nhân ở Sài gòn....
Không phải ngẫu nhiên mà bây giờ ai có tiền cũng muốn đến phòng khám tư, bệnh viện tư, bác sĩ tư...Ở đó được phục vụ chu đáo và tận tình, dĩ nhiên chi phí cao hơn
Không phải chỉ trong môi trường y tế, sự băng hoại của xã hội đã thấm sâu vào tận tế bào của xã hội từ gia đình, giáo dục, văn hóa..Đàn dê, đàn gà cấp phát cho dân nghèo lại chạy vào túi quan tham. Xã hội đang trong thời kỳ điên đảo
Kinh tế thị trường chẳng cần định hướng. Bệnh viện nào tốt, bác sĩ nào giỏi, phòng khám nào tốt, bệnh nhân, người dân sẽ chọn lựa. Tự do báo chí sẽ phơi bày cái tốt lẫn cái xấu và người dân sẽ chọn lựa. Mong một ngày đất nước chuyển mình đi về phương ánh sáng, theo đà những nước văn minh. Nỗi khao khát này không chỉ của riêng ta.



BỞI BÓNG ĐÊM VÂY PHỦ QUANH TA


Thảo giật mình thức giấc vì tiếng oang oang như thét vào tai mọi người của cái loa treo cao ở ngọn cây trước nhà. Với tay lấy cái đồng hồ đeo tay trên mặt bàn con kê cạnh giường, Thảo lầu bầu: mới có năm giờ, Thảo cố kéo dài thêm vài phút trên giường nhưng không được nữa, cảm giác sốt ruột lại kéo đến cùng với tiếng của con Tư đầu xóm hát léo nhéo trên máy phóng thanh, vây phủ chung quanh Thảo như một chất dính làm Thảo khó chịu bực bội khiến tay chân bải hoải rã rời. Lại bắt đầu một ngày vô hy vọng.Thảo tự hỏi không biết con Tư học được đâu cái giọng đanh đá để nhai đi nhai lại mấy bài hát mắc dịch đó không biết. Bỏ chân xuống đất tìm đôi dép Thảo tự bảo mình: thôi dậy nấu nồi cơm cho mấy đứa nhỏ chốc nữa ăn đi học. 
      Bữa nào cũng vậy bị đánh thức vào cái giờ mà mọi khi Thảo vẫn còn chui vào nách Diệu ngủ ngon lành, mới đầu Thảo không thấy gì khó chịu, nhưng sau Thảo cảm thấy sợ hãi như bệnh nhân sốt rét biết giờ lên cơn của mình và không còn cách nào hơn là chịu đựng cho đến lúc cơn sốt rét run qua đi, để lại cho bênh nhân thân thể rả rời, da mặt trở nên vàng hơn xanh hơn vì sự sụp đổ của từng tế bào huyết mỗi ngày một nhiều mà thuốc men và chất bổ duỡng không đủ để bồi bổ và chận đứng cái dịch sốt rét lan mạnh từ thành thị đến thôn quê, từ nguời giàu đến kẻ nghèo, từ cấp lãnh đạo cho đến các thuộc cấp hàng binh bét.
      Trước khi bị lùa vào trại cải tạo Diệu đã đưa Thảo và ba con ra ở tạm nhà bác Đàm, vì ngôi nhà trong trại gia binh bị họ tịch thu mất rồi, căn nhà nhỏ không đủ chứa hết đồ đạc nên Thảo phải gởi một số ở nhà quen gần đó. Diệu nói anh đi mười lăm ngày sẽ về thu xếp nhà cửa cho em và các con, nhưng đến nay tính đã ba trăm sáu mươi lăm ngày, Diệu vẫn chưa về, Thảo đã thay chổ ở ba lần.
      Thảo lần lược bán hết những đồ đạc nặng nề.
 Trước tiên là cái TV, sau cái tủ lạnh rồi đến cái tủ kiến đựng áo quần. Thảo lấy cái tủ gỗ nhẹ nhàng đựng sách cuả Diệu thay vào. Rồi đến bộ xa-lông và cuối cùng là cái giường đôi của Diệu và Thảo, còn lại ba cái giường chiếc của ba đứa con, hai cái giường sắt chồng lên nhau gọn gàng nên được để trong nhà còn cái giường gỗ của con bé lớn phải dựng ở ngoài sau chái bếp, giãi nắng rồi dầm mưa nên biến thành một màu thâm xì mốc thếch loang lổ gớm ghiếc, ba Diệu ở Sài Gòn xuống thăm các cháu, giúp Thảo cưa thành khúc ngắn rồi chẻ thành củi chụm. Thôi thế cũng xong một đời ngắn ngủi của cái giường gỗ, trung thành cho đến lúc chết, trước khi trở thành tro bụi còn cố đun chín nồi cơm trách cá cho chủ nhân rồi mới vĩnh viễn ra đi. Vừa vo gạo vừa lan man nghĩ ngợi, Thảo thở dài bắt nồi cơm lên bếp và nhóm lửa. Công việc nhóm lửa làm Thảo nhớ đến cái bếp gaz tiện nghi nằm gọn ở xó bếp, vô dụng một năm nay. Củi cho nhiều khói hơn là hơi nóng mà phải đứng canh hoài cho đến lúc nồi cơm cạn mới thôi. Thảo ra cạnh lu nước múc nước cho vào cái thau nhựa nhỏ, kéo cái khăn mặt ở giây kẽm nhúng vào thau nước và rửa mặt. Nhìn đồng hồ đã sáu giờ Thảo với cái bàn chải đánh răng và ống kem Hynos, vừa cho kem ra bàn chải Thảo vừa càu nhàu: càng ngày càng tệ, kem gì khô cứng, ấy vậy mà cũng phải chầu chực cả ngày mới mua được một ống cho cả tháng.
       Trời đã sáng hẳn, con Tư cũng hết léo nhéo trên loa phóng thanh Thảo bước vội lên nhà, kéo cái màn ngăn đôi giường ngủ và bên ngoài, bước quành ra phía sau tủ thay aó lo sửa soạn đi đến sở. Thảo không còn mặc aó dài và cũng không mang giày như lúc trước. Chiếc áo sơ-mi trắng hoặc cái áo bà ba, cái quần đen và đôi dép nhựa thế là đủ. Bọn họ vào biến những người đi giày thành đi dép và những người đi dép thành đi chân đất một cách dễ dàng. Son phấn bỏ hết, Thảo môi má nhợt nhạt, người càng ngày càng gầy rạc đi. 
       Lắm khi đến sở chị Oanh phải dừng Thảo lại, lau đi vết nhọ còn dính trên má, trên cằm, rồi rỉ vào tai Thảo lời an ủi: 
     -Bà cố gắng lên chớ bà Thảo, bà mà buồn hoài riết rồi bà bịnh bỏ ba đứa nhỏ không ai săn sóc tội lắm.
     - Chị Oanh ơi, gia đình em có hai người đàn bà tự tử rồi chị dâu cả của em và con gái đầu lòng của chị ấy, vì cả hai đều không muốn nghe tin chồng chết trước mình, em đâu có muốn làm người thứ ba chị Oanh ơi! Vì em biết con em đang cần em nên em mới còn đứng vững trên đôi chân lúc nào cũng như muốn ngã qụy.
     - Thảo trực phiên sáng hôm nay phải không? Phiên bà Hương khi hôm một bà “đi đong” rồi đó vì nhau bám thấp mà anh T. không cho giải phẫu, bà Hương không dám đi mời B/s Sơn.
     - Còn hai bà nằm kế bên có khoẻ không chị Oanh? Hai bà ra huyết lai rai mấy hôm nay đó không biết có mẹ tròn con vuông được không?
      Mai Thảo trực ca chiều, mốt là ca đêm rồi, Thảo sợ nhất là ca đêm, mọi khi thì có gì khẫn cấp chỉ cần nhấc điện thoại lên là Bác-sĩ ở ngay bên cạnh hoặc giả có đi mời thì cũng không có gì trở ngại lắm. Còn bây giờ thì như nước chảy không có chổ đựng, Thảo có cảm tưởng như mình đang đứng bên bờ vực, sơ ý là rơi xuống tan tành.
      Phiên trực sáng không có gì bất trắc xãy ra và phiên chiều hôm sau cũng yên hàn vô sự, mặc dầu sản phụ vào ra liên tiếp. Đổi phiên cho Tuyết, Thảo dẫn đến gường bà Tâm và bà Hải giao bịnh cùng những ghi chú rõ ràng tình trạng của hai bà.
      Thảo dắt xe đạp ra khỏi phòng trực, Tuyết ra theo đến cửa nói với Thảo:
     -Tuyết ngán quá chị Thảo ơi! Cứ đến ca đêm là Tuyết lại như sút đi mấy kí-lô.
     -Cố lên Tuyết ơi, mình làm hết lòng còn việc gì xãy đến thì âu cũng là số mệnh.
    Tuyết thành thực:
     - Em trông cho mau đến sáng.
     - Chúc bình yên, thôi Thảo về kẻo mấy cháu trông, tối mai lại đến phiên Thảo, có chạy đâu cho khỏi, mình về nghe.
     -Vâng chị về.
    Thảo đạp xe về đến nhà không thấy các con đâu cả cửa để trống trơn. Thảo dựng xe vào góc nhà rồi bước ra đầu ngõ cất tiếng gọi bé Trâm. Nghe tiếng mẹ bé Trâm tay dắt bé Hữu ở nhà kế bên chạy uà về, còn bé Nam từ từ cúi xuống cầm dép rồi mới lững thững đi về.
      Trâm mới mười tuổi mà từ dạo họ vô đây Trâm đã tập nấu cơm thay mẹ vì chị Tư giúp việc xin về đi làm rẫy. Vả lại nếu chị không nghỉ việc Thảo cũng không đào đâu ra tiền để trả công cho chị như dạo nào. Ròng rả một năm nay hễ hôm nào Thảo đi trực là Trâm lại phải nấu cơm.  Phiên trực đêm vì không có ai ở nhà nên Thảo thường đem các con theo. Lúc đầu Thảo thấy lôi thôi lếch thếch nhưng sau quen dần đi, vả lại không có cách nào ỗn thỏa hơn.
      -Trâm ơi! Đưa em vào tắm rửa rồi đi ngủ con, các con đã ăn no chưa?
      -Dạ rồi, con có dành phần cơm cho mẹ trên bếp.
      - Được rồi con giử đó mẹ ăn sau
     Thảo vừa nói vừa dẫn bé Nam và bé Hữu ra cái “phi” chứa nước, tắm cho cả hai một lượt. Thay áo quần cho con xong Thảo bắt cả hai lên giường đi ngủ. Bé Trâm biết tự tắm rửa một mình được, chỉ khi nào gội đầu thì Thảo phải giúp một tay vì sợ xà phòng vào mắt Trâm. Thảo cũng đi tắm và thay áo quần xong rồi mới trở ra ăn cơm. Giở nồi cơm ra Thảo thấy thương con vô hạn, Trâm cũng biết gọt khoai và ghế vào cơm như Thảo đã từng làm mấy tháng nay. Thảo nhìn con, Trâm đang học bài. Như biết mẹ nhìn mình, Trâm ngẫng đầu lên rồi lại cúi xuống trang sách như cũ. Trâm học lớp sáu, bé Nam học lớp năm và bé Hữu học lớp hai. Sự học của các con sút kém trông thấy, nhưng Thảo hầu như không còn lưu ý đến nữa. Thảo biết những lúc Thảo vắng nhà các con thường lêu lỗng rong chơi. Bé Nam thỉnh thoảng bỏ học đi dang nắng kéo theo bé Hữu, hai đứa đen như cột nhà cháy. Thảo có khuyên bảo rầy la đôi khi đánh đập, nhưng đâu cũng hoàn đấy, riết rồi Thảo đâm ra liều. Thôi thì đành vậy vả lại lo cho ba đứa đủ ăn đủ mặc cũng đã là khó lắm rồi còn nói chi đến học hành. Thảo thường hay nói với chị Oanh:
     -Ngày xưa bọn Tàu và Pháp cai trị người Việt-Nam thì họ dùng chích sách chia để trị, còn bây giờ bọn họ làm cho mình nghèo và dốt để trị. Em bắt đầu ăn cơm độn khoai mấy tháng nay rồi đó chị Oanh ơi! Và con em bỏ học mà em cũng không thấy tha thiết lo âu nữa chị Oanh ạ.
      -Thôi nói ít ít bà Thảo ơi! kẻo nồi gạo bể không biết lấy gì nuôi con.
      -Đó chị thấy không, có ai dám hé răng đâu, mình đâu có dốt, ấy vậy mà họ mới làm mình ăn độn với khoai là đã trị được rồi. Ai cũng sợ vỡ nồi gaọ thì sai đâu đánh đó là cái chắc, chị Oanh ơi, mình ăn độn khoai còn đỡ, lắm kẻ chỉ ăn cháo trắng với muối cũng không có mà ăn nữa kìa. 
      -Thôi bà Thảo ơi, tai vách mạch rừng, tôi chỉ mong cho anh Diệu ảnh về cho bà nhẹ gánh ưu tư.
      -Em chắc cũng chẳng có gì khá hơn. Chồng bà Liên ra tận ngoài Bắc chị biết không?
      - Bà Liên còn khó hơn bà nữa, năm đứa con mà đứa sau còn nhỏ quá.
     Thảo thở dài:
      - Ôi chẳng qua là số mệnh.
     Bé Trâm tưởng mẹ nói gì với mình nên vội trả lời:
      - Dạ, mẹ nói gì?
      -Không mẹ có nói gì đâu, thôi con đi ngủ sớm đi Trâm, sáng mai còn đi học.
      -Dạ.
     Ăn xong, còn phần cơm thừa trong nồi Thảo lấy hết ra cho vào một cái tô đậy lại, lấy lồng bàn úp lên. Bỏ mấy cái chén không vào nồi cơm, đem ra “phi” nước cho nước vào ngâm đó sáng mai rửa. Uống xong ly nước nguội trên bàn Thảo mới lên giường nằm kế bên Trâm. Con bé thật vô tư mới đó đã ngủ say. Thảo nhích người con qua cuối giường bên kia rồi nằm trở đầu về cuối giường bên này. Thảo không dám trăn trở nhiều vì sợ làm con thức giấc. Thảo lan man nghĩ đến cái giường đôi rộng thênh thang…rồi vì mệt quá Thảo ngủ quên lúc nào không biết…
                                          *      *      *
       Thảo đến nhận phiên gác đêm lúc 9giờ, Hương giao bịnh:
      -Bà Hải ra huyết nhiều nghe chị Thảo, Bác-sĩ T. có cho chuyền Dextrose và chích Vit K 50mg lúc 7giờ. Huyết áp của bà bây giờ là 10/7.
      - Hương có trình với bác-sĩ là bà bị nhau bám thấp không?
      - Có chị, ông biết rồi, thôi Hương về nghe. 
    Thảo giở sổ trực đọc báo cáo của Hương, ngoài bà Hải ra tất cả đều bình yên. Thấy Hương đi khuất chị lao công vội đưa cho Thảo mảnh giấy viết vội của chị Oanh:
      “Bà Thảo, 
      Mình còn B/s Sơn hiện tạm trú trong bệnh viện Tê Liệt. B/s của bệnh viện “Nguyễn v Nhất” cũ -nhớ tùy cơ ứng biến- có máu ở phòng thí nghiệm. Thân ái. Oanh”    
      Thảo xé nhỏ mảnh giấy, vo tròn lại bỏ vào thùng rác có nắp đậy kế bên, rồi đi vào phòng sanh và chờ sanh kiểm qua dụng cụ và thuốc men, xong quay ra ôm chồng hồ sơ đi thăm một lượt các bịnh nhân. Bà Hải thấy Thảo vội nói:
     -Cô Thảo, em ra huyết trở lại từ hồi chiều đến giờ, em lo sợ quá, em trông cô tới.
     -Bà yên tâm, cố gắng ngủ một chút đi. Thảo vừa nói vừa đo lại huyết áp cho bệnh nhân, lấy ống nghe đặt trên bụng nghe tim thai. Huyết áp vẫn như cũ nhưng không được rõ lắm, tim thai đều. Thảo xem lại tình trạng huyết thì thấy huyết vẫn ra nhiều. Thảo về phòng làm việc xem lại giấy thử máu: Group  “O+”, loại máu “cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”, Thảo và các bạn vẫn thường ví von như thế. Thảo nhờ Nga lên phòng thí nghiệm hỏi hai bọc máu mà chị Oanh đã giữ ban chiều, được phòng thí nghiệm trả lời:
      -Máu lúc này hiếm lắm, không nhiều người hiến máu như trước nữa, bịnh nhân nào cần thì mới được mua chứ không cho miễn phí, vì phòng thí nghiệm cũng phải mua mới có.
       Thảo cầm phiếu xin máu xuống cho bà Hải điền vào và ký tên, trở lại phòng trực lấy thêm một ống Vit K và một ống thuốc khoẻ trao cho Nga chích cho bà. Xong đâu vào đấy Thảo cầm hồ sơ của bà Hải đi ngay lên phòng bác-sĩ T. Hắn ở ngay căn phòng mà bác-sĩ Trưởng ty ngày xưa dùng làm văn phòng, kế ngay phòng hắn là phòng một nữ y tá cán bộ hộ lý, vào sâu tí nữa là phòng của hai vợ chồng tên bác-sĩ H. Cả hai đều là người miền Nam. T. có tên là anh Ba T. và H. có tên là anh Sáu H. Tên nghe như dân dao búa.
       Ba T. người nhỏ thó, da mặt vàng ủng vì bị bịnh sốt rét lâu năm trong rừng. Đôi môi thâm xịt khi cười đưa cả hàm răng lởm chởm vàng khè ám khói thuốc lá trông gớm ghiếc. Bao giờ cười hắn cũng mở đầu bằng hai tiếng “hì hì” khả ố. Hắn vừa dốt vừa cuồng tín do đó tiếp xúc nhiều với hắn thật vô cùng nguy hiểm.
       Thảo còn nhớ lần đầu tiên hắn giải phẩu cho một sản phụ có mang con so, bốn mươi tuổi, vì không sanh tự nhiên được nên phải giải phẩu lấy em bé ra. Bệnh nhân được đưa lên bàn mổ chuẩn bị đâu đó chu đáo. Bỗng “anh Ba” đưa tay ra hiệu cho Loan khoan đánh thuốc mê, anh ta nói một cách tự nhiên:
      -Chị Loan đợi tôi mổ đã rồi hãy đánh thuốc mê sau.
      Mọi nguời ai cũng tưởng anh đùa cho vui nên cười ồ. Thảo đứng phía bên trái bệnh nhân đối diện với hắn nói đùa:
      -Chắc anh T. sợ em bé ngủ luôn theo mẹ chứ gì!
      Không ngờ câu nói đùa của Thảo laị đúng với sự suy luận của cái khối óc bị bào mòn bởi vi trùng sốt rét và thiếu học hỏi. Hắn thong thả trả lời:
      -Chị gây mê trước sẽ làm em bé bị ngột vì thuốc mê.
      Mọi người yên lặng đưa mắt nhìn nhau chưa kịp phản ứng, hắn đã giơ tay ấn mũi dao vào bụng bệnh nhân rạch xuống. Một tiếng thét hải hùng vang lên. Thảo á lên một tiếng thật to, mặt tái mét. Tiếng thét làm tên T. dừng tay lại. Loan nhanh tay chụp cái mặt nạ thuốc mê vào mũi và miệng bệnh nhân, than:
      - Trời ơi, tội nghiệp, chị Thảo ơi, đo dùm huyết áp của bà cho Loan với, mạch đều không chị? Chị cho ống Solucamphre vào chai Dextrose dùm em. Cảm ơn chị. Thôi được rồi.
      Loan giận dữ nói như ra lệnh:
      - Bây giờ bác-sĩ mổ đuợc rồi,
      Hắn làm theo lời Loan như cái máy không nói nửa lời, cuộc giải phẩu im lặng nặng nề, chỉ nghe tiếng va chạm của kềm kéo mà thôi, cho đến khi Thảo đưa cái khay có phủ vải vào để đem em bé qua phòng kế bên cấp cứu Loan mới nói:
      - Hy vọng mẹ tròn con vuông, chị Thảo đừng buồn nhé.
      - Cảm ơn Loan.
      Thảo chữa ngột cho em bé chừng ba phút là em khóc to. Nhìn em bé hồng hào Thảo thở ra nhẹ nhõm. Tắm vội cho em rồi lau khô, mặc áo quấn tả, cuộn em vào một  khăn lông lớn, bế em về phòng sanh, thuật chuyện lại cho bạn nghe mà Thảo còn tức giận.
       Còn nguời mẹ sau cuộc giải phẩu sốt liên miên vì bị mổ đi mổ lại nhiều lần. Từ đó hắn không dám giải phẩu cho ai nữa và nếu có bịnh cần giải phẩu là phải chuyển đi Biên Hoà. Sau vì bịnh nhân quá đông và chúng không làm nên trò trống gì nên chúng họp nhau chịu để bác-sĩ Sơn làm việc một thời gian.
       Nghĩ tới bác-sĩ Sơn Thảo thấy yên tâm và đưa tay gõ mạnh vào cánh cửa.
     -Ai đó? Tiếng hỏi to và nghiêm trọng làm Thảo giật mình:
     -Phòng Hộ Sinh.
     -Việc gì?
     -Bịnh băng huyết.
Hắn mở cửa, Thảo không bước vào chỉ đưa hồ sơ bịnh nhân cho hắn xem. Xem xong hắn cau có:
     -Bà này tôi có cho thuốc khi chiều, Chị đã “làm công tác” đó chưa?
     -Thuốc đã chích lúc chiều, phiên cô Hương, bây giờ tôi mới chích cho bệnh nhân thêm một lần nữa trước khi trình cho anh.
     -Vậy thì có gì mà chị phải lo lắng.
     - Nhưng bệnh nhân ra huyết nhiều và huyết áp nghe không rõ.
     - Chị có chích Vit K cho bà không?
     - Tôi đã chích rồi.
     - Chị có biết là Vit K 72 giờ sau mới có tác dụng không?
    Thảo hốt hoảng trả lời:
     - Chính vì biết điều đó nên tôi mới lên mời anh giải quyết cho bịnh nhân. Tôi đã khám cho bà, thấy nhau lấp trọn cửa tử cung và bây giờ huyết ra nhiều tình trạng không thể chờ được nữa. Xin bác-sĩ cho bà chuyền máu.
     - Các chị lúc nào cũng hốt hoảng. Thôi chị chuyền cho bà một bịch máu đi. Chị nên nhận chỉ thị và “làm tốt công tác”đó.
     - Nói xong hắn viết vào hồ sơ hai chữ “chuyền máu” và ký tên vào đó.
    Thảo tức quá nhưng không biết làm sao hơn, xách hồ sơ chạy về phòng. Vừa tới nơi gặp Nga ở cửa dáng chờ đợi. Nga nói ngay:
     - Em đưa bà Hải lên phòng sanh vì bà ra huyết nhiều và chóng mặt, bà than mệt.
     - Bác-sĩ T. đồng ý cho chuyền máu, Nga lên lấy bọc máu đem về chị chuyền cho bà. Nhớ đem theo hồ sơ không thôi họ không cho mình lấy máu.
     Nga đi rồi, Thảo lấy thêm một chai Plasma thay cho chai Dextrose sắp hết. Nga đem máu về Thảo lập tức chuyền ngay cho bịnh nhân, sau đó chạy vội lên văn phòng tìm bác-sĩ T. lần nữa nhưng hắn ta không có ở đó. Thảo đánh bạo gõ cửa phòng ả cán bộ hộ lý. Ả thò đầu ra hỏi
      - Chị cần gì?
      - Tôi cần gặp bác-sĩ T.
      - Anh T. mới đi ra phố với anh Sáu H. mấy ảnh đi công tác chắc khuya mới về.
    Thảo thất vọng về phòng ghi mấy chữ vào hồ sơ: “Bịnh nhân ra huyết nhiều, mệt, chuyền máu, Plasma, trình B/s nhưng B/s đi vắng”
    Thảo đo huyết áp cho bịnh nhân mà lòng nóng như lửa đốt. Bà Hải nắm tay Thảo thì thầm:
      - Cô Thảo ráng cứu  em, em còn ba đứa con dại ở nhà. Chồng em đi học tập chưa về, ảnh bị bắt đi cải tạo mấy tháng nay.
    Nghe như ai bóp vào tim mình, Thảo nghĩ đến Diệu và ba con.
      - Bà yên tâm đi, tôi sẽ mời bác-sĩ Sơn cho bà.
      - Cám ơn cô.
     Thảo cười với bịnh nhân và bằng lòng với quyết định của mình.
Nhưng Thảo gặp ngay trở ngại khi nhờ xe cứu thương bịnh viện đưa đi mời bác-sĩ Sơn. Vì không có chữ ký của anh T. nên anh tài xế không dám đi.
      - Tôi chỉ đi mời bác-sĩ Sơn khi nào có lịnh của bác-sĩ T.
      - Nhưng anh T. đi vắng.
      - Thì chờ ông về.
      - Nhưng bịnh nhân không chờ được nữa.
      - Cái đó tùy cô.
Thảo bối rối bàn với Nga: Tự đi mời bác-sĩ Sơn. Thảo nói:
      - Đáng lẽ chị đi mời nhưng trong trường hợp này chị không rời bịnh nhân được, em làm ơn lấy xe đạp đi ngay đến bệnh viện Tê Liệt, em biết bệnh viện Tê Liệt chứ?
      - Dạ biết.
      - Cầm theo hồ sơ này, chị đã ghi sẵn sàng đầy đủ chi tiết. Cố trình bày cho bác-sĩ biết là bịnh khẩn cấp nghe em.
      - Nhỡ bác-sĩ không đến thì sao chị?
      - Thế nào cũng đến, chị tin bác-sĩ Sơn thế nào cũng đến. Thảo hạ thấp giọng: “bác-sĩ của mình mà em”
      Nga đi rồi Thảo đứng ngồi không yên. Laị bắt mạch, laị nghe tim thai, lại đo huyết áp, lại nhìn chừng máu và Plasma nhỏ giọt. Bịnh nhân than mệt, Thảo vội đi lấy bình oxygene cho bà thở. Thảo tính nhẩm: từ đây vào bệnh viện Tê Liệt mất 10phút, vừa đi vừa về là 20phút. Trình bịnh và bác-sĩ đọc hồ sơ, hỏi vài câu quan trọng, thôi cho mất hết 10phút. Bây giờ là 9giờ30. 
       10giờ Nga trở về như dự tính của Thảo. Thấy Nga mặt đỏ hồng và tươi cười, Thảo hỏi:
      - Bác-sĩ sẽ đến phải không em?
      - Dạ.
      Thảo nhẹ hẳn cả nguời.
      - Bác-sĩ có hỏi sao em đi xe đạp không?
      - Dạ có, em nói cho bác-sĩ nghe tình trạng ở đây như vậy, bác-sĩ bảo thôi em về đi rồi ông qua sau .
       Thảo tin cho bịnh nhân hay là bác-sĩ Sơn sẽ đến, bà mừng rỡ cám ơn.
       Thảo và Nga đang loay hoay bên bịnh nhân thì bác-sĩ Sơn bước vào. Thảo mừng rỡ:
      - Chào bác-sĩ, B/s đến bằng gì?
      - Xe đạp cô Thảo ạ, tình trạng của bịnh nhân ra sao cô?
      - Thưa bác-sĩ xấu vì huyết ra nhiều quá.
      - Cô đã khám cho bà chưa?
      - Dạ rồi, bác-sĩ có cần khám lại không?
      - Có mang đủ tháng phải không cô? Tim thai còn tốt không? Tôi sẽ khám lại bên phòng giải phẩu chứ khám ở đây nguy hiểm, nếu huyết ùa ra mình trở tay không kịp. Bây giờ cô chuyển bệnh nhân qua phòng mổ đi.
      - Vâng, cảm ơn bác-sĩ đã đến. Thật may mắn cho bịnh nhân ở đây còn có được bác-sĩ ở lại làm việc.
      Bác-sĩ Sơn cười buồn rầu:
      - Chắc cũng không lâu đâu cô, tôi cũng sẽ phải đi học tập như các bác-sĩ khác,
      Thảo thở dài:
      - Tình trạng càng ngày càng bi đát, không biết rồi sẽ đi tới đâu, nhà em cũng chưa về.
       - Anh đi lâu chưa cô?
       - Dạ một năm nay.
     Bác-sĩ Sơn ngao ngán lắc đầu im lặng.
                                           *        *        *
     Thảo ghi vào sổ trực sáng hôm sau:
      “Bác-sĩ Sơn đã giải phẫu cho bà Hải lúc 10giờ35 phút, bé trai nặng 3kg600. Mẹ tròn con vuông”
      Sáng hôm sau nữa, vào gát Thảo được chị Oanh cho hay tên T. bắt lỗi Thảo đi mời bác-sĩ Sơn mà không “Thông qua ban “lãnh đạo” bịnh viện”.
      Thảo tức tối:
       - Chị có nghe hắn và Sáu H. đem qua đi nhậu đến gần sáng mới về không, trước khi đi hắn còn bảo em phải chờ 72 tiếng đồng hồ cho Vit K có tác dụng. Nếu em chờ hắn để được “thông qua ban lãnh đạo” thì sáng hôm sau trong báo cáo em phải viết khác, chị thấy phiên bà Hương đó. Làm việc như thế này riết rồi em muốn bỏ sở quá chị Oanh ơi!
       Kết quả hai tuần lễ sau Thảo bị đổi lên làm việc ở các trại bịnh nội thương và bịnh lây. Thảo phản đối vì không phải là nữ cán sự và công việc không hợp với khả năng của mình.
      Tên T. trả lời với hai hàm răng sắt nhọn rít lại với nhau:
        -Nếu chị thấy không hợp với khả năng thì chị làm đơn xin thôi việc.
      Thảo tái mặt vì tức giận. Chị Oanh khều Thảo ra dấu ngồi xuống, nói nhỏ vào tai:
        -Thôi kệ ráng lên bà Thảo, còn ba đứa nhỏ ở nhà.
        -Em mà không vì ba đứa con, em đâu có còn ngồi đây chị Oanh ơi!
       Buổi họp giao ban buổi sáng nặng nề, Thảo nắm tay chị Oanh đứng dậy, lòng nặng trĩu ưu tư, không phải vì bị đổi đi các trại bịnh mà vì cái tương lai đen tối không cùng. Thảo ngâm nhỏ bên tai chị Oanh:
    Mắt ta sáng, đường đi không ánh sáng,
       Bởi bóng đêm vây phủ ở quanh ta.
                                                               Dã Thảo

                                                               10/03/1983

Nguồn : http://cuuhocsinhtranquycaphoian.com/

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Nói với tuổi mười ba

Thật lâu lắm rồi mới đọc được một bài viết hay như thế, chứa đầy tấm lòng nhân ái bao dung của người mẹ với người con gái nhỏ. Với lời văn nhẹ nhàng, ý nhị, với lời khuyên dịu dàng sâu lắng tự nhiên mình rất thích. Và đem về để thỉnh thoảng đọc lại suy nghĩ về tuổi thơ, về tình cảm tâm lý của những đứa trẻ đang lớn. Xin giới thiệu cùng bạn đọc xa gần :



Tuổi mười ba là tuổi mà các bạn gái mới lớn bị coi là nhỏ, nếu buổi tối xem TV muộn thế nào cũng bị bố hoặc mẹ bảo: “Thôi khuya rồi, tắt TV đi ngủ con, con nít không được thức khuya”.
     Sáng hôm sau nếu các bạn tí hon mà dậy trể, nướng qua nướng lại cho vàng thêm tí nữa giấc ngủ của mình thì lại bị mẹ mắng ngay:
     - “Con gái lớn rồi còn ngủ nướng, dậy cho rồi mặt trời xỏ lổ mũi thấy không?”
     Bạn hoang mang không biết mình còn nhỏ hay đã lớn, mà sao cái gì cũng bị cho là sai quấy. Lạ quá, mới buổi tối không được coi TV vì còn bé, sáng hôm sau đã lớn không được ngủ dậy trưa. Thế là nghĩa làm sao?
     Bạn đến trường hỏi cô giáo, cô trả lời:
     - “Tuổi em là tuổi phải lo học, phải học để trở nên người hữu dụng và được hạnh phúc về sau”.
     À thế thì người lớn nào cũng bắt nạt bạn hết. Nhưng bạn muốn làm cái gì mà bạn thích cơ. Học thì cũng chán quá. Tương lai là cái gì bạn đâu có thấy. Bạn về nhà hỏi mẹ:
     - “Tương lai là cái gì? và hạnh phúc là cái gì?”.
     Mẹ trả lời:
     - “Tương lai là ngày mai và hạnh phúc là sung sướng”.
     Ôi sao người lớn chỉ lo cho cái ngày mai sung sướng của bạn mà không nghĩ tới cái hôm nay sung sướng của bạn. Giá mà mẹ biết được rằng bạn muốn xem cho hết cái phim lúc tối để biết được hoàng tử có tìm được công chúa hay không? Cuối cùng bạn tự tìm cho mình một kết luận: “Công chúa thì phải lấy hoàng tử chứ” Thế là bạn an tâm mỉm cười nhắm mắt lại và ngủ ngon lành.
     Tuổi mười ba của bạn là tuổi của mọi nỗi thắc mắc, bạn thắc mắc chứ không phải bạn ưu tư, vì bạn chưa biết ưu tư. Cái gì cũng hỏi và bạn bắt buộc bố mẹ phải trả lời cho bạn. Thảo có một người bạn gái lớn tuổi kể chuyện cô con gái đầu lòng của bà chị: “Một hôm bà chị đang nấu cơm và chồng chị đóng lục cục ở nhà sau. Cô con gái mười hai tuổi của chị chạy vào hỏi bố:
      “Bố ơi, bố có biết ông trời đang làm gì ở trên ấy không?  Bố đang đóng đóng, bực mình gắt lên:
     “A, con bé này hôm nay ngộ chưa? Mày muốn biết thì lên mà hỏi ông trời ấy!”
     Bị bố mắng bất ngờ, cô bé khóc nức nở nhưng vẫn còn thắc mắc, vừa khóc vừa chạy vào bếp hỏi mẹ:
     - “Thế mẹ có biết bây giờ ông trời đang làm gì ở trên đó không?”. Bà chị lúng túng không biết trả lời ra sao, vội tìm kế hoãn binh vì cô bé cứ khóc, không chịu nín nếu mẹ không trả lời ông trời giờ này đang làm gì trên đó. Chị nói:
     - “Con nín đi và lấy khăn lau mặt xong mẹ sẽ trả lời con biết ông trời đang làm gì”. Chị ngạc nhiên sao con bé hôm nay cắc cớ, mọi khi giờ này vẫn còn đang nhảy dây hoặc nghịch ngợm trèo lên cây ổi sau vườn với mấy đứa bạn. Cô bé lau mặt xong vào bếp chờ mẹ. Bà chị ôm con vào lòng và trả lời:
     - “Ông trời cũng đang làm việc như mọi người và ông còn muốn con học cho giỏi để sau này làm bác-sĩ”
     - “Sao con lại phải làm bác-sĩ?”
     - “Vì nhiều người đau quá mà chỉ có một ông bác-sĩ ở đầu đường vì thế ông muốn con phải thành bác-sĩ”.
     - “Mẹ nói đúng, vì con thấy mọi khi đem con đi khám bịnh mẹ phải chờ lâu mới đến phiên mình. Con tin là mẹ nói đúng”.
     Rồi chị bảo con ra ngoài chơi và nhất là đừng lảng vảng lại gần bố khi bố đang làm bất cứ việc gì, cho bố khỏi bực mình. Cô bé vâng lời mẹ và vui vẻ ra ngoài chơi.
     Cô bé đó sau này thành bác-sĩ thật. Có lần đến chơi nhà chị bạn cắc cớ hỏi cô:
     - “Thế cô H…bây giờ đã biết ông trời đang làm gì trên đó chưa?” Cô mỉm cười e thẹn rồi trả lời:
     - “Dạ bây giờ em thành bác-sĩ thật, mà em cũng chịu không biết bây giờ ông trời đang làm gì trên đó. Nhưng em nghĩ cũng nhờ mẹ em nên em mới có được ngày nay. Sau này lớn lên em mới biết là mẹ em chỉ muốn làm vừa lòng em mà tình cờ nói lên cái ước ao thầm kín của bố mẹ, nên em cố gắng làm bố mẹ vui lòng”.
      Tuổi mười ba là tuổi của dậy thì, tuổi của hầu hết các bạn nhỏ thấy cơ thể mình chuyển lạ với lần thấy kinh nguyệt đầu tiên, bạn cả thẹn che che dấu dấu không dám nói với ai. Có bạn chờ cho đến khi kinh nguyệt có một vài rắc rối nhỏ, chẳng hạn bạn bị đau bụng nhiều quá, ra huyết nhiều quá, bạn phải đi nằm nghĩ. Mẹ thắc mắc hỏi, đến lúc đó bạn mới chịu nói cho mẹ nghe. Đó là điều không nên. Đừng bao giờ giữ lấy điều gì lo lắng một mình, dầu nhỏ nhoi đến đâu. Cũng như đừng lo lắng thái quá điều gì dầu to lớn đến đâu. Tất cả nên trình bày cho mẹ biết rõ. Mẹ là nguồn ấm áp yêu thương chỉ có mẹ mới xoa dịu được những nỗi đau ở tuổi của bạn. Đừng nên dấu diếm mẹ điều gì, có gì vui cũng nên kể cho mẹ nghe để mẹ cùng vui, có gì buồn cũng nên kể cho mẹ nghe để được mẹ an ủi vuốt ve.
     Rồi bạn bước vào lứa tuổi mười bốn, mười lăm. Tuổi của mộng mơ, tuổi tìm hiểu những gì bạn muốn biết. Tuổi của tin tưởng vào đời vì chưa vấp ngã, vì lúc nào cũng có bố mẹ nâng đỡ hai bên. Tuổi mà bạn khám phá ra rằng mẹ yêu bạn rất nhiều, nhưng mẹ không biết làm thế nào cho răng bạn khỏi hư và bạn phải đi nha sĩ. Bố biết rất nhiều nhưng không thể biết hết được và bạn phải tìm hiểu qua sách vở phim ảnh cùng bạn bè. Đây cũng là lúc dễ dàng sa ngã nếu các bạn nhỏ không biết chọn bạn mà chơi, chọn sách  mà đọc, chọn phim mà xem. Thì người giúp bạn không ai khác hơn là mẹ của bạn. 
      Mẹ bây giờ trở thành một người chị và cũng là người bạn gái của bạn. Mẹ sẽ không ngần ngại bỏ ra một buổi chiều dạo phố, hoặc vào tiệm sách với bạn, hoặc đãi bạn một chầu “Xi-nê”, dĩ nhiên mẹ sẽ chọn phim thích hợp cho bạn. Mẹ cũng là một người bạn gái có khả năng kềm chế những ước ao tình cảm quá sớm của bạn, nếu bạn thành thật trình bày cho mẹ những rung động của bạn đối với xã hội bên ngoài. Mẹ sẽ sẵng lòng chỉ dẫn cho bạn con đường nào bằng phẳng êm mát rợp bóng cây và con đường nào chông gai nóng bỏng. Mẹ cũng là một người bạn gái đáng yêu đấy chứ phải không các bạn?
                                                           
                                                                 Dã-Thảo

                                                 Mùa thu 1984